Những năm tháng kiên cường ở nhà lao Phú Quốc

Thứ tư - 21/06/2023 04:39
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng ký ức về một thời đấu tranh hào hùng vẫn còn đó. Câu chuyện thuật lại dưới đây của ông Nguyễn Tiến, sinh năm 1946, quê xã Thới Thạnh, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã minh chứng lịch sử về những cuộc đấu tranh bền bỉ của người tù Phú Quốc cũng như cảm phục ý chí kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Năm 1964, tôi tham gia du kích xã chiến đấu bảo vệ xóm làng. Tháng 8 năm 1968, trong lúc chỉ huy tiểu đội đi trinh sát tại xã Ấp Bắc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, tiểu đội bị Sư đoàn 9 Mỹ phát hiện. Hai bên nổ súng gần một giờ. Do lực lượng không cân sức, một số đồng chí hy sinh, tôi và vài đồng chí bị địch bắt. Địch giam tôi tại căn cứ Đồng Tâm (Mỹ Tho) 12 ngày đêm, sau đó chúng chuyển tôi đến giam tại Khu tù binh ở Cần Thơ. Tại đây, tôi bị địch tra tấn dã man. Hơn một tháng sau, chúng chuyển tôi đến sân bay Trà Nóc và đưa ra nhà tù Phú Quốc. Lúc đầu, địch giam tôi tại Khu B.3, sau đó chúng chuyển đến Khu B.2 - đây là khu đặc biệt, nơi giam giữ những người cách mạng kiên cường, không khuất phục, không tuân thủ nội quy nhà tù Phú Quốc.

Trong thời gian ở nhà tù Phú Quốc, tôi được các đồng chí cùng bị bắt tâm sự, thông tin tình hình nhà tù và bàn với nhau về những nội dung phải đấu tranh với địch, giám thị nhà tù.

Tôi được anh Năm Ơi chỉ thị và tổ chức cho tôi làm “Tiểu đội trưởng” Tiểu đội Quyết tử. Tiểu đội Quyết tử có nhiệm vụ trấn áp và trừng trị bọn chiêu hồi, gián điệp, tai mắt của giám thị nhà tù. Từ ngày Tiểu đội Quyết tử được thành lập đến lúc trao trả năm 1973, tôi cùng anh em 2 lần tổ chức bắt 3 tên báo cáo viên của giám thị nhà tù, buộc chúng cung khai toàn bộ hành vi hãm hại anh em tù trong Khu.

Sự việc trên bị bọn giám thị nhà tù Phú Quốc phát hiện nên bọn chúng bắt tôi cùng 3 anh em nhốt vào chuồng cọp 3 tháng. Chuồng cọp kẽm gai là một trong những sáng chế dã man nhất mà Mỹ - ngụy đã dùng để hành hạ, tra tấn tù binh tại nhà tù Phú Quốc. Phân khu nào cũng có từ 2 - 3 chuồng cọp kẽm gai được tạo ra bằng cách đan chằng chịt dây kẽm gai xung quanh và trên nóc. Có nhiều loại với kích thước khác nhau, tất cả các loại chuồng cọp này chỉ cần người tù nhúc nhích hoặc thay đổi tư thế đều bị kẽm gai đâm vào cơ thể. Tất cả chuồng cọp đều được để ngoài trời. Tù binh khi bị phạt nhốt vào chuồng cọp sẽ bị bọn giám thị bắt phải cởi hết quần áo, chỉ cho mặc mỗi quần cụt để phơi nắng, mưa, sương gió suốt ngày lẫn đêm. Trong hai ngày đầu, tôi bị chúng bỏ đói và đánh đập. Đến ngày thứ ba, chúng mới cho mỗi người ăn 2 vắt cơm với muối trắng.

Nhà tù Phú Quốc có 12 khu chuyên giam tù binh. Quản lý trực tiếp chúng tôi là bọn quân cảnh, bọn này rất hung hăng, thường xuyên đánh đập, hành hạ chúng tôi không từ một thủ đoạn nào, kể cả việc bắn giết.

Tháng 3 năm 1973, thực hiện Hiệp định Pa-ri, chính quyền Sài Gòn dùng phi cơ chuyển chúng tôi đến tỉnh Quảng Trị để trao trả. Sau khi được trao trả, tôi được ra miền Bắc, phân công về Trung đoàn 7 tại Quảng Ninh. Tại đây, tôi được an dưỡng, học tập. Năm 1974, tôi được điều vào Nam, nhận nhiệm vụ chiến đấu tại Tiểu đoàn 514A, đến năm 1976 tôi được nghỉ theo chế độ phục viên.

Khi phục viên, tôi về cư ngụ tại xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và tiếp tục phục vụ công tác là Xã Đội phó xã Phú Phong. Đến năm 1980, tôi xin nghỉ việc về sống và làm vườn tại xã nhà.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập424
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm403
  • Hôm nay44,886
  • Tháng hiện tại1,177,533
  • Tổng lượt truy cập34,763,178
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây