Danh họa Mai Văn Hiến với Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”

Thứ năm - 04/05/2023 23:31
Sinh ra ở tận Mỹ Tho nhưng từ hơn 60 năm nay gắn bó với Hà Nội, họa sĩ Mai Văn Hiến đã là một hình ảnh rất đẹp của làng hội họa đất Thăng Long. Bao giờ cũng vậy, khi những con người như họa sĩ Mai Văn Hiến ra đi vào cõi vĩnh hằng, họ luôn khiến chúng ta thực sự cảm thấy trên mặt đất này đã trống vắng đi cả một phần cuộc đời của mình nữa.... (Vĩnh biệt họa sĩ Mai Văn Hiến”, báo Công an Nhân dân).
Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ.
Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ.
Danh họa Mai Văn Hiến là một tên tuổi sáng giá của mỹ thuật thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954, một trong những người đặt nền móng cho nền nghệ thuật hiện thực cách mạng, đồng thời mở đầu cho một xu hướng nghệ thuật chính thống, là xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa - như sau này các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá.

Ông sinh năm 1923 tại làng Điều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Năm 1943, ông ra Hà Nội và thi đỗ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1943-1945).

Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng tại Hà Nội, vẽ tranh cổ động, làm công tác tuyên truyền phục vụ cách mạng. Từ tháng 11-1945 đến tháng 3-1946, ông cùng các họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng và Nguyễn Văn Khanh được Bộ trưởng Bộ Tài Chính Phạm Văn Đồng (sau này là Thủ tướng Chính phủ) chọn giao nhiệm vụ vẽ những tờ giấy bạc đầu tiên cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông là tác giả thiết kế tờ giấy bạc 5 đồng.

Tháng 7-1947, ông được điều về Tổng cục chính trị quân đội với nhiệm vụ minh họa, trình bày báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội Nhân dân) cùng với họa sĩ Dương Bích Liên. Từ đó, ông trở thành người lính, đã tham gia các chiến dịch Đông Bắc (1949), Vùng Mỏ (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954) và đã có rất nhiều ký họa về bộ đội, dân công bằng bút chì, bút sắt, trở thành những tư liệu quý giúp ông sáng tác những tác phẩm sơn dầu nổi tiếng sau này.

Đặc biệt, trong khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra hết sức ác liệt, theo yêu cầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cần có một tấm huy hiệu mang tính biểu tượng của chiến dịch để cổ vũ, động viên và nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân dân ta, ông cùng với hoạ sĩ Nguyễn Bích vẽ, thiết kế huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Chiếc huy hiệu đã chứa đựng những hình ảnh khái quát, mang đậm giá trị lịch sử và giáo dục sâu xa. Đó là hình ảnh người chiến sĩ với chiếc mũ nan đang giương súng chiến đấu với lá cờ đỏ sao vàng in dòng “Quyết chiến Quyết thắng”, bao quanh là quang cảnh núi rừng, thể hiện địa hình chiến đấu hiểm trở của chiến trường Điện Biên Phủ.

Trên huy hiệu còn có hình ảnh các khẩu pháo lần đầu tiên xuất trận tại Điện Biên Phủ và lập nên những chiến công xuất sắc. Phía trên có dòng chữ mang tính cổ động một cách ngắn gọn nhưng khái quát “Xuân 1954” - khẳng định quyết tâm ghi dấu chiến thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm đó. Nền huy hiệu có biểu tượng màu vàng tượng trưng cho mùa lúa chín vàng trên cánh đồng Mường Thanh - cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc và quyết tâm chiến đấu của quân dân ta nhằm đem lại mùa vàng ấm no cho đất nước khi đã sạch bong quân thù. Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” đã được Bác Hồ trao cho những đơn vị và cá nhân lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu để tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.  

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập420
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm398
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,171,776
  • Tổng lượt truy cập34,757,421
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây