Lê Văn Một thuyền trưởng đầu tiên của đoàn tàu “không số” đường Hồ Chí Minh trên biển

Chủ nhật - 16/04/2023 23:41
Đồng chí Lê Văn Một, có tên Pháp là Abel René hay Lê Văn Abel René, sinh năm 1921 tại làng Điều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ông thuộc gia tộc thủ khoa yêu nước Nguyễn Hữu Huân. Thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia đình, ngay từ nhỏ ông rất chăm chỉ học tập. Thời niên thiếu ông học ở TrườngTiểu học Mỹ Tho, sau đó lên Sài Gòn học Trường Trung học Lê Bá Cang, có  thời gian ra Huế, Hà Nội học Trường Trung học Thăng Long - một ngôi trường uy tín với nhiều nhà cách mạng và trí thức yêu nước nổi tiếng giảng dạy.
Đồng chí Lê Văn Một.
Đồng chí Lê Văn Một.
Đến tuổi trưởng thành, ông vào học Trường Thủy quân ở Pháp; sau khi ra trường, ông làm hoa tiêu trên chiếc tàu La Motte Picquet, tuần dương hạm lớn nhất Đông Dương.

Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ và thắng lợi. Sự kiện này đã tác động lớn đối với ông. Ông đã thay đổi nhận thức: “Nước Pháp không phải là mẫu quốc của tôi!”. Với tinh thần dân tộc sâu đậm, ông đã từ bỏ quốc tịch Pháp, đổi tên thành Lê Văn Một và gia nhập hàng ngũ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1946, sau khi được chọn vào lực lượng vận tải vũ khí, ông được giao trọng trách mang theo 25 kg vàng quyên góp từ “Tuần lễ vàng” cùng với 12 người trong đội vận tải vũ khí đi ghe buồm sang Băng Cốc (Thái Lan) để tìm mua vũ khí và tổ chức “con đường xuyên Tây”, vận chuyển vũ khí từ Thái Lan về Nam Bộ bằng cả đường bộ lẫn đường thủy. Trong đó có những lần vận chuyển vũ khí bằng đường biển, ông được giao làm Thuyền trưởng các tàu chở vũ khí. Việc vận chuyển vũ khí của ông góp phần tạo nên những chiến công vang dội trên chiến trường Nam Bộ. Sau Hiệp định Genève 21-7-1954, ông tập kết ra Bắc và được phân công cùng ông Đồng Văn Cống (nguyên Cục phó Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu kiêm Trưởng phòng chuyên trách công tác chi viện cho chiến trường miền Nam) trông coi công việc tập kết quân dân miền Nam ra miền Bắc. Sau đó, ông được giao nhiệm vụ làm Cảng trưởng Cảng Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. 

Năm 1962, khi đang công tác tại Cảng Hải Phòng, ông được lựa chọn cùng với một số thuyền trưởng, cán bộ của cảng Hải Phòng, Xí nghiệp quốc doanh đánh cá và Nhà máy cá hộp Hạ Long chuyển về Đoàn 759 - Bộ Quốc phòng, để học tập chính trị, quân sự, sử dụng các loại vũ khí chuẩn bị cho những chuyến công tác đặc biệt bí mật sau đó. Trải qua quá trình học tập, rèn luyện nghiêm túc, ông vinh dự được Quân ủy Trung ương chọn làm thuyền trưởng tàu Phương Đông 1, cùng với Chính trị viên Bông Văn Dĩa và 10 thủy thủ mở đường Hồ Chí Minh trên biển, đưa vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.

Đêm 11-10-1962, tàu bí mật xuất phát tại Bến K15, Đồ Sơn, Hải Phòng, chở theo 10 tấn vũ khí. Do phương tiện nhỏ bé, thô sơ và sóng gió, thời tiết thất thường của biển cả, nhất là sự theo dõi của lực lượng hải quân thuộc quân đội Sài Gòn, trải qua bao khó khăn, nguy hiểm trên hải trình; nhưng với tài năng, kinh nghiệm, bản lĩnh, trí tuệ và lòng dũng cảm, ông cùng Chính trị viên Bông Văn Dĩa đã chỉ huy thành công chuyến đi. Ngày 16-10-1962, tàu Phương Đông 1 đã cặp bến Vàm Lũng - Cà Mau an toàn, sau 5 ngày lênh đênh trên Biển Đông. Chuyến đi thành công không chỉ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam mà còn  mở ra Đường Hồ Chí Minh trên biển đầy huyền thoại.

Năm 1963, cũng tại Bến K15, Đồ Sơn, Hải Phòng, ông lại được cử làm thuyền trưởng con tàu gỗ 41, cùng Chính trị viên Đặng Văn Thanh mở đường đưa vũ khí vào miền Đông Nam Bộ. Đêm 3-10-1963, tàu cặp bến Lộc An (nay thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu) an toàn, ngay trước đồn lính Phước Hải.

Hai chuyến đi của ông đều ghi những dấu ấn đặc biệt trong hành trình vận chuyển vũ khí bằng đường biển của những con tàu “không số” chở vũ khí cho miền Nam đánh Mỹ. Đây đều là những chuyến mở đường vào bến mới đầy khó khăn và thử thách. Bằng kinh nghiệm đi biển và bản lĩnh dày dạn, đặc biệt, với tinh thần quả cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, với nhiệm vụ thuyền trưởng, ông đã nhạy bén, năng động, xử lý rất thông minh nhiều tình huống phức tạp trong điều kiện hết sức khó khăn, nguy hiểm và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng giao phó.

Sau đó, ông còn trực tiếp chỉ huy một số chuyến tàu khác nữa vào các bến dọc từ Đèo Cả (tỉnh Khánh Hòa) đến Vàm Lũng (tỉnh Cà Mau). Sau  năm 1965, ông được rút khỏi công tác thuyền trưởng trực tiếp và được giữ lại để làm công tác chuẩn bị cho các chuyến tàu vận chuyển vũ khí khác.

Ông qua đời năm 1982 tại Thành phố Chí Minh. Chiến công của ông đã được ghi trong quyển “Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam”. Năm 1985, ông được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Ngày 20-9-2011, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập511
  • Máy chủ tìm kiếm49
  • Khách viếng thăm462
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,646,160
  • Tổng lượt truy cập40,015,536
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây