Khát vọng hòa bình - tự do

Thứ tư - 14/06/2023 21:37
Chiến tranh đã khép dần trong quá khứ nhưng ký ức về một thời máu lửa vẫn còn trong lòng những người còn sống. Những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, để hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, thống nhất. Câu chuyện thuật lại dưới đây của ông Nguyễn Văn Chúc, sinh ngày 05-7-1947, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sẽ ôn lại truyền thống hào hùng của cha ông trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Lúc nhỏ tôi ở xã Tân Hội, huyện Cai Lậy. Từ năm 1964 -1965, tôi làm du kích ấp Tân Phong, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy (nay là Thị xã Cai Lậy). Từ năm 1965, tôi đi bộ đội Tiểu đoàn 261A - Girôn do anh Nguyễn Minh Phú làm Tiểu đoàn trưởng. Đến ngày 23-01-1967 tôi được Chi bộ Đại đội 2 xét kết nạp vào Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam. Đến ngày 23-01-1968, tôi được chuyển Đảng chính thức.

Theo lệnh cấp trên, ngày 31-01-1968 chiến dịch mở ra toàn miền Nam, Tiểu đoàn 261A - Girôn chúng tôi đánh vô Dinh tỉnh trưởng, tôi bị thương và bị bắt, giải về Khám đường Mỹ Tho, tôi khai tên Nguyễn Văn Phúc. Ở phòng 10 khoảng một tháng, tôi được chuyển sang phòng 11 khoảng một tháng, sau đó chuyển sang phòng 3. Lúc này, tôi cùng ông Mai Bá Thạnh, dân Long An, bắt được liên lạc của Chi bộ Nhà tù do anh Nguyễn Văn Bửu, quê ở Thạnh Hưng, Cái Bè làm Tổ trưởng Tổ Đảng. Đến khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1968, chúng tôi bị đày lên Nhà tù Cần Thơ. Trước khi bị đày đi, Chi bộ Đảng có tổ chức ca hát (Bài ca kết đoàn) do anh Hai On quê ở Bình Phú bắt giọng ca, trong lúc ca, thằng giám thị Dân nó đập bàn chửi “Mẹ tụi bây, bây lên Cần Thơ sẽ biết mặt với mấy thằng quân cảnh trên đó”, bọn lính thì bao vây giáp Nhà tù vì nó sợ chúng tôi phá ngục.

Trước khi lên tàu đi Cần Thơ, chúng tôi có sinh hoạt trước, chuẩn bị cướp tàu tẩu thoát khi có thời cơ, trong lúc ở trên tàu, chúng tôi quan sát tìm kiếm tên lính giữ chìa khóa nhưng không thấy nên chúng tôi không thực hiện cướp tàu được. Khi đến Nhà tù Cần Thơ, chúng tôi bị đánh phủ đầu bằng dùi cui, đến khoảng đầu tháng 5 năm 1968, chúng tôi bị đày đi đảo Phú Quốc.

Ra tới đảo Phú Quốc, chúng tôi bị giam ở phân khu D4, vẫn sinh hoạt Chi bộ tổ Đảng bình thường khoảng hai tháng thì chúng nó chia ra miền Bắc ở riêng, số sĩ quan miền Nam ở riêng, một số còn lại bị tra tấn bằng chày cao su, đánh bằng dùi cui và giẫm đạp trên mình tù binh. Trong lúc giám ngục chia như vậy, Chi bộ chúng tôi có một vài đồng chí qua khu khác, còn một số anh em ở lại vẫn sinh hoạt Chi bộ bình thường. Đến cuối năm 1968, trong tù có tổ chức ca hát đón giao thừa, khiêng giường ngủ ra trước cửa tù làm sân khấu ca hát với nội dung ca tụng anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, bài ca kháng chiến ngoài đời. Khi đến giao thừa, toàn bộ anh em chúng tôi ở khu D4 đứng dậy mặt hướng về phía Bắc để tưởng nhớ đến Bác Hồ, nhớ những lời chúc tết của Bác.

Đến ngày 21-3-1969, bọn địch đàn áp phân khu D4 trước vào buổi sáng, buổi chiều qua phân khu sĩ quan A6. Bọn chúng bắt tù binh A6, rồi tù binh A6 bắt quân cảnh của nó. Thấy thất thế nó dùng đại liên bắn thẳng vô đoàn người tù binh bắt quân cảnh của nó, số tù binh chết và bị thương 69 người, sau thời gian đó trong nhà tù lắng dịu trở lại vì nó chủ trương là thủ tiêu tù binh chống đối.

Đến năm 1970, bọn địch xáo trộn trong các phân khu, chúng tôi từ D4 chuyển qua phân khu D7 và một số phân khu khác, một phân khu khoảng 800 người. Trước khi chuyển đi, anh Năm Châu phụ trách những đồng chí bị tù đày của tỉnh Mỹ Tho đã giao nhiệm vụ cho anh Nhanh làm Bí thư Chi bộ và anh Chúc (tôi) làm Phó Bí thư Chi bộ, anh Khuyên làm Chi ủy, lúc chuyển sang phân khu D7, chúng tôi được 10 đảng viên, bắt liên lạc phân khu mới đến để thành lập Chi bộ mới.

Đến phân khu D7 khoảng 15 ngày, chúng tôi gặp anh Ba Sĩ, Tiểu đoàn 514 bị bắt năm 1967 và gặp anh Phương ở đơn vị tỉnh An Giang, chúng tôi bàn bạc thành lập Chi bộ mới của từng tỉnh, sinh hoạt Chi bộ từng tỉnh bình thường nhưng phụ trách chung trong phân khu là chú Trường ở miền Trung.

Cuối năm 1971, anh em miền Trung đề nghị thành lập Chi bộ phòng nhưng chúng tôi không đồng ý, cuối cùng thống nhất trong phân khu thành lập Chi bộ tỉnh. Khoảng tháng 2, tháng 3 năm 1972, giám thị nhà tù ngang nhiên đánh anh em tù binh, anh em kéo ra trước sân tuyệt thực đến 8 ngày chúng mới giải quyết, chúng chấp nhận yêu sách nhà tù “Không làm những gì với tính cách quân sự chống lại đồng đội”.

Khoảng tháng 5 năm 1972, bọn chúng chuyển phân khu D7 sang A7, đến khoảng tháng 9, 10 năm 1972, chúng bắn 01 trái cối 106,7 lọt vào bếp nhà tù làm chết 01 người và bị thương 03 người, tù binh chúng tôi kéo ra trước sân nhà tù đòi Chỉ huy trưởng trại giam để giải quyết, nó chấp nhận yêu sách của chúng tôi. Từ tháng 11 đến tháng 12 năm 1972, tình hình trong tù ổn định trở lại, các anh em trong tù tổ chức ăn tết, dịp này, anh em trong Chi bộ tổ Đảng vận động các anh em trong nhà tù yên tâm, đoàn kết với nhau chờ ngày trao trả mình về.

Đầu tháng 3 năm 1973, địch lựa theo số tù từ nhỏ đến lớn ghép lại một phân khu để dễ bề trao trả của nguyên vùng 4. Đến ngày 14-3-1973, chúng tôi được trao trả tại sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Lúc tới sông Thạch Hãn, chúng cắm cờ 3 que trên tàu bo bo để đưa chúng tôi qua sông nhưng chúng tôi không chịu, địch cũng không chịu nhổ cờ trên tàu bo bo của chúng, địch điện cho một sĩ quan hàm đại tá của mình qua để giải quyết, ông đại tá nói cắm cờ trên tàu bo bo là quy định, nếu bên nào đưa qua sông thì bên đó được cắm cờ, mấy anh cứ lên tàu bo bo để qua sông có gì tôi chịu trách nhiệm trước Đảng. Khi lên tàu bo bo qua sông Thạch Hãn, gần tới nửa sông, chúng tôi nhấn chìm tàu bo bo hết rồi lội qua sông. Qua sông chúng tôi đến chỗ Ban tiếp tân nhận quân số trao trả và điểm danh quân số xong, chúng tôi được chuyển về xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nhận quân trang. Đến ngày 21-3-1973, chúng tôi ra miền Bắc an dưỡng ở tỉnh Hải Dương ở Trung đoàn 125. Đến tháng 6 năm 1973, làm lý lịch Đảng theo sự chỉ đạo của Chính ủy Trung đoàn 125, tôi được phân công làm Chi ủy viên Chi bộ an dưỡng tại Tiểu đoàn 125.

Đến tháng 3 năm 1974, chúng tôi tập hợp tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh học tập để về miền Nam, trong lúc về có 510 người. Đến tháng 11 năm 1974, tôi mới về tới kênh 3 Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, thuộc Trung đoàn 1 của Đồng Tháp, Quân khu 8. Đến tháng 12 năm 1974, tôi về Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 1, Quân khu 8 (đóng quân tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) và học tập chuẩn huấn ở Cẩm Sơn.
 
Đến ngày 31-12-1974, Trung đoàn 1 chúng tôi hành quân về xã Thạnh An, huyện Mỏ Cày Bắc để mở rộng vùng cho Bến Tre. Đến đầu tháng 01 năm 1975, mở rộng vùng đánh Thạnh An và bót Chín Thìn, dụ quân tiếp viện đến để đánh tiêu diệt luôn. Đánh bót Chín Thìn xong, thám báo vô 02 trung đội để giải tỏa, Tiểu đoàn 2 chúng tôi đánh và tiêu diệt gọn, lấy được 01 khẩu súng ngắn, 01 BRC10 máy truyền tin. Qua ngày hôm sau, Tiểu đoàn 509 vô giải tỏa tiếp, nguyên Trung đoàn 1 xuất kích ngoài đồng ban ngày khoảng 2 giờ, xóa sổ Tiểu đoàn 509, trong trận đánh đó tôi bị thương và nằm Quân y ở Bến Tre. Đến ngày 18-4-1975 tôi gặp anh Năm Hoàng, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Quân khu 8 đang đi tiền trạm, anh kể tôi nghe Quân khu lệnh về tỉnh Mỹ Tho gấp để nhận nhiệm vụ. Khi tôi hết bệnh, Quân y cho xuất viện. Đến ngày 30-4-1975, tôi đi tự lực về Mỹ Tho và gia nhập Tiểu đoàn 2 - 261B. Đến ngày 05-5-1975, đám Hòa Hảo ở xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang không đầu hàng. Trung đoàn nhận nhiệm vụ để đánh tiếp, đổ quân lên xã Phong Mỹ, tỉnh Đồng Tháp và dùng loa phóng thanh kêu gọi lính Hòa Hảo buông súng đầu hàng, kết quả là 03 ngày sau chúng mới buông súng đầu hàng, Trung đoàn chuyển sang cù lao Ven thuộc xã Tấn Mỹ và xã Mỹ Hiệp để làm lễ đại thắng mùa xuân năm 1975. Lúc đó, vùng biên giới Campuchia có sự vi phạm lãnh thổ Việt Nam thuộc địa bàn xã Vĩnh Xương, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, nguyên trung đoàn xuống ghe chuyển quân lên tại xã Vĩnh Xương, trung đoàn điều nghiên xong phương án để đánh, dùng loa kêu gọi không nên lấn chiếm sang Việt Nam, địch chấp nhận rút quân về. Đầu tháng 6 năm 1975, Quân khu điều Trung đoàn về Cai Lậy để bảo vệ tuyến Quốc lộ 1, lúc đó Tiểu đoàn 2 - 261B đóng ở xã Phú An, huyện Cai Lậy, tôi được điều về tổ Chính trị Tiểu đoàn 2 - 261B. Đến tháng 8 năm 1976, tôi được điều về làm trợ lý bảo vệ Ban Chính trị, Trung đoàn 2, sư 30, Quân khu 9. Đến tháng 5 năm 1977, tôi được điều về tham mưu Trung đoàn làm đội trưởng Vệ binh Trung đoàn. Đến tháng 9 năm 1977, Trung đoàn điều quân lên xã Vĩnh Điều để đánh đuổi quân Khmer đỏ rút quân về nước, Trung đoàn rút về đóng quân tại Nhà bàn. Tháng 10 năm 1977, tôi được Trung đoàn giao nhiệm vụ đi học trên Quân khu 9, khóa chủ nhiệm Hậu cần trung đoàn thời gian là 01 tháng. Đến ngày 14-12-1977, chúng tôi phản kích lại đám Khmer đỏ toàn tuyến biên giới và tiến công 20km vào điểm cuối cùng ở thị trấn Rề Minh của tỉnh TaKeo, đánh xong chúng tôi rút quân về Việt Nam. Đến ngày 31- 01-1978, tôi xin nghỉ về ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc làm ruộng.

Năm 1983 tôi được Chi bộ ấp 4 phân công làm hội phụ huynh học sinh để xây dựng thêm một điểm trường đường Bưng ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc, dạy lớp 1 và 2. Đến năm 1985-1986, tôi được người dân bầu làm tập đoàn trưởng tập đoàn 23. Đến cuối năm 1986, tôi xin nghỉ không tham gia công tác với lý do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Năm 2015, tôi được Nhà nước cho hưởng chế độ tù đày tại xã Mỹ Thành Bắc. Năm 2019, tôi được Đảng ủy - Ủy ban nhân dân xã phân công làm Phó ban liên lạc Cựu tù kháng chiến xã Mỹ Thành Bắc cho đến nay.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập252
  • Máy chủ tìm kiếm77
  • Khách viếng thăm175
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,664,706
  • Tổng lượt truy cập40,034,082
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây