Nghệ nhân ca nhạc tài trữ Nguyễn Tri Khương

Thứ năm - 06/07/2023 05:50
Nguyễn Tri Khương, còn gọi là Năm Khương, sinh năm 1890 tại làng Đông Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông là cháu nội của Nguyễn Tri Phương - một đại thần của triều Nguyễn và là con của ông Nguyễn Tri Túc - một nghệ nhân ca nhạc tài tử nổi tiếng ở địa phương.
Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, ngay từ nhỏ, ông đã được dạy nhạc một cách bài bản; và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc khí, nhưng hay nhất là đàn cò, tiêu và sáo.

Đồng thời, ông còn am hiểu Nho học, Tây học và giỏi cả võ thuật.


Năm 1910, ông làm thầy giáo, dạy vỡ lòng cho trẻ em trong vùng.

Năm 1927, ông viết vở cải lương “Giọt lệ chung tình” trên cơ sở quyển tiểu thuyết “Giọt máu chung tình” của nhà văn Tân Dân Tử (Nguyễn Hữu Ngỡi). Đây là vở diễn chủ lực của gánh cải lương “Đồng Nữ ban” do cô  Trần Ngọc Diện (Ba Diện) sáng lập nhằm thông qua sân khấu tuyên truyền cách mạng và gây quỹ tài chính cho hoạt động của Chi hội Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên xã Vĩnh Kim.

Về nội dung, vở diễn xoay quanh câu chuyện về Võ Đông Sơ cùng người bạn là Triệu Dõng tụ tập nghĩa quân, mưu đồ chống quân xâm lược. Bạch Thu Hà là người yêu của Võ Đông Sơ bị anh là Bạch Xuân Phương ép gả cho một tên công tử bột đã kiên quyết chống cự lại anh để giữ lòng son sắt với người yêu. Sau đó, Bạch Thu Hà lại bị tên tướng cướp Hoàng Nhất Lang đe dọa, cưỡng ép, nhưng nàng vẫn quyết bảo vệ tiết trinh, chờ đợi Võ Đông Sơ đến kỳ cùng. Đây là vở tuồng dã sử mang tính giáo dục rất cao, đề cao tinh thần chính nghĩa của Võ Đông Sơ và lòng trung trinh tiết liệt của Bạch Thu Hà.

Về nghệ thuật, vở cải lương này được viết theo lối văn biền ngẫu, có đầy đủ các bản nhạc theo các điệu, các hơi Bắc, Quảng, Hạ, Xuân, Ai đảo, Tứ đại oán, Hành vân, Văn Thiên Tường. Đặc biệt, lần đầu tiên, ông đã sáng tạo ra nhiều bài bản mới, như:

- “Yến tước tranh ngôn” (Chim én và chim sẻ tranh lời) và “Đăng lâu thưởng nguyệt” (Lên lầu ngắm trăng) theo điệu Bắc vui tươi.

- “Thất trỉ bi hùng” (Chim trỉ mái mất, chim trỉ trống buồn) theo điệu Ai buồn thảm.

- “Phong xuy trịch liễu” (Cơn gió làm nghiêng cây liễu) theo hơi Xuân nữ nhưng nhịp dồn dập như bài “Nam tẩu” trong Hát Bội. Bản này được thu đĩa ở Pháp.

 - “Lục y phổ niệm” và “Bạch hạc minh bi” được phổ nhạc theo bài kinh “Ma ha bát nhã ba la mật đa tâm kinh” của đạo Phật.

Khoảng giữa năm 1928, lần đầu tiên, gánh hát Đoàn Nữ Ban ra mắt khán giả vở “Giọt lệ chung tình”, diễn tại cầu Ba Lung, xã Vĩnh Kim, được nhân dân háo hức cổ vũ. Vở diễn khá dài, diễn trong khoảng 5 giờ đồng hồ mới kết thúc, do đó phải hát đến hai đêm.

Sau thành công của vở “Giọt lệ chung tình”, ông tiếp tục dàn dựng thêm hai vở mới là “Hiệp tình quân tử” và “Bên nghĩa bên tình”. Với những vở diễn này, gánh Đồng Nữ Ban lưu diễn nhiều nơi, như Mỹ Tho, Bến Tre, Cao Lãnh, Cần Thơ, Rạch Giá, Thủ Dầu Một, Sài Gòn,... Nhận thấy tính cách “quốc sự” của gánh cải lương, chính quyền thực dân tìm mọi cách ngăn cản và ra quyết định cấm gánh hát hoạt động vào cuối năm 1928.

Sau khi gánh Đồng Nữ Ban bị tan rã, ông trở về quê vui thú điền viên, tiếp tục sáng tác những bài ca và những vở kịch nhỏ, như những bài “Túy tửu lạc ngôn” (Say rượu nói bậy), “Hồ điệp xuyên hoa” (Con bướm vờn hoa), “Non sông một chèo”,... Các vở này hầu hết mang nội dung truyền bá chữ quốc ngữ và động viên tinh thần yêu nước cho nhân dân. Ông còn lên Sài Gòn tham gia đóng phim, thường là những vai nông dân già, hoặc tham gia thổi sáo làm nhạc nền cho phim. Tiếng sáo của ông rất điêu luyện, được thu và lưu giữ tại Bảo tàng  Nhân học ở Pháp. Ông còn giúp người cháu ruột là Trần Văn Khê hoàn thành luận án Tiến sĩ Văn chương bằng cách cung cấp tư liệu sống động về lịch sử của âm nhạc tài tử  Nam Bộ, mà sau đó Trần Văn Khê trở thành Giáo sư, Tiến sĩ Âm nhạc học nổi tiếng thế giới.  Năm 1962, ông Nguyễn Tri Khương mất tại quê nhà.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập429
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm375
  • Hôm nay50,266
  • Tháng hiện tại1,690,015
  • Tổng lượt truy cập40,059,391
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây