Người chiến sĩ quyết giữ gìn khí tiết

Thứ tư - 12/07/2023 05:28
Trải qua những năm tháng chiến đấu đầy cam go, ác liệt, nhiều chiến sĩ đã không may bị địch bắt, giam cầm từ nhà tù này đến nhà tù khác, những trận tra tấn của kẻ thù vẫn không thể lay chuyển được khí tiết của người chiến sĩ cộng sản một lòng trung kiên với Đảng, với Tổ quốc. Câu chuyện thuật lại dưới đây của ông Nguyễn Văn Dơn (Ba Dơn), sinh năm 1937, cư ngụ Ấp Hậu Phú, xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho nay là tỉnh Tiền Giang sẽ minh chứng điều đó.
Người chiến sĩ quyết giữ gìn khí tiết
Sinh ra trong gia đình bần nông, có truyền thống cách mạng. Lên 9 tuổi, ông phải chịu cảnh mồ côi (cha ông hy sinh được Nhà nước công nhận là liệt sĩ). Ông học hết lớp 4 trường làng, vừa đi học vừa giữ trâu thuê cho người cậu để phụ giúp mẹ nuôi các em. Lớn lên, ông tham gia cách mạng làm du kích xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông không báo giờ quên những tháng ngày ông bị địch bắt, nếm trải cơ cực, gian khổ tù đày nhưng vẫn kiên quyết giữ gìn khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.

Ông kể: 7 giờ sáng, ngày 22-5-1967, trong khi đang làm nhiệm vụ, ông cùng các ông Nguyễn Văn Cải (Ba Cải), ông Huỳnh Văn Châu (Năm Châu) bị biệt kích Mỹ ở Kiến Tường (nay là thị xã Kiến Tường, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) bắt trong một trận càn của địch tại kênh Một Thước, gần Kênh số 7 (Hàm Dồ) thuộc ấp Hậu Phú, xã Hậu Mỹ Bắc, huyện Cái Bè, (nay là ấp Hậu Phú 1, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè). Tại đây, ông bị giặc tra tấn dã man, ép ông khai báo. Để bảo toàn lực lượng, ít tổn thất cho cách mạng và bản thân, ông khai thông tin sáo rỗng.

Bọn địch hỏi ông làm nhiệm vụ gì? Ông trả lời làm du kích ấp. Chúng hỏi ai là người giữ súng? Ông trả lời hai người chỉ được một cây súng, do mới tham gia nên ông chưa được giữ súng. Khi chúng hỏi người giữ súng hiện giờ tên gì, nơi cất giấu súng ở đâu? Ông trả lời vì mới vào làm nên chưa biết tên người giữ súng, chúng hỏi địa điểm đóng quân và các mối quan hệ với ai, đâu, ông chỉ khai là không có chỗ ở cố định, chúng hỏi người giữ súng hiện giờ ở đâu? Ông khai là khi bị bắt mạnh ai nấy chạy nên không biết. Chúng hỏi ai là người lãnh đạo và tổ chức? Ông trả lời là ông Nguyễn Văn Quanh (Ba Quanh - tên của một người đã chết). Chúng bảo ông dẫn tìm ông Ba Quanh, ông trả lời ông Ba Quanh đã chết.

Không khai thác được gì từ ông, chúng tức giận, chửi bới rồi đánh đập liên tiếp khiến ông bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, chúng giải ông về căn cứ biệt kích Kiến Tường. Tại đây, chúng ra tay độc ác, từ dụ dỗ đến đánh đập, hành hạ dã man khiến cơ thể ông bị tra tấn đau đớn về thể xác và khủng hoảng về tinh thần.

Về tra tấn, có lúc dùng chân đá và đạp vào người, có lúc dùng cây vuông, báng súng đánh vào bụng, vào thắt lưng, vào mặt khiến ông ngất xỉu. Chúng tạt nước vào người cho ông tỉnh lại, rồi tra tấn tiếp tục bằng hình thức khác.

Tra điện: Chúng cột dây điện vào 2 đầu ngón tay của ông rồi quay mô-tơ cho dòng điện giật ông ngất xỉu, sau đó chúng tạt nước vào người cho ông tỉnh dậy rồi tiếp tục tra điện. Cứ như thế lặp đi lặp lại. Đối với người chiến sĩ cách mạng như ông thì có sợ gì cái chết. Ông một mực khai như cũ, khiến bọn địch không thể khai thác gì. Đến ngày thứ 2, chúng chuyển sang hình thức dụ dỗ.

Dụ dỗ: Chúng đưa ông vào phòng số 2. Tại đây, chúng không đánh đập hay tra tấn. Chúng dùng nhiều chiêu bài, như quan tâm, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình và chửi rủa những tên tra tấn kia là đồ ác độc, đánh người quá dã man rồi tiếp theo là mời hút thuốc, uống nước trà. Sau đó dụ rằng, nếu khai thật sẽ được hưởng đặc ân của bọn chúng. Tên hỏi cung kể cho ông biết, trước kia hắn cũng là du kích như ông, sau đó, chiêu hồi và làm chỉ điểm nên bản thân và vợ con được hưởng nhiều đặc ân, sung sướng, giàu sang. Nếu ông chịu khai thật và chịu chiêu hồi chỉ điểm sẽ là người có công được hưởng mọi quyền lợi, đặc ân như nó. Nếu ngoan cố không khai thì sẽ bị đánh đập đến tàn phế hoặc chết. Dù bọn địch có sử dụng chiêu trò gì đi nữa cũng không thể làm ông thay lòng. Ông không khai gì khác, trước sau như một.

Đến ngày thứ 3 (25-5-1967), chúng đưa ông vào trại giam Kiến Tường, nhốt ông ở phòng biệt giam số 10, chúng còng hai tay và nhốt ông trong đó. Phòng chật hẹp, ẩm ướt và thấp đến phải đụng đầu, chỉ vừa một mình ông đứng, xung quanh là song sắt, bên trong có một cái tĩn để đi tiêu, tiểu; phòng thì tối và vô cùng bẩn thỉu. Các vết thương trên người ông bị ruồi, muỗi bâu vào chích hút rất khó chịu. Ăn uống mỗi ngày chỉ được một chén cháo với ít nước mắm.

Khoảng 4 ngày sau, chúng cho ông ra khỏi phòng số 10, đưa ông đến phòng số 8 rộng hơn nhưng so ra thì vẫn chật hẹp vì nhốt nhiều người hơn. Tại đây, ông nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên và chăm lo từ anh em trong phòng. Ấn tượng nhất đối với ông là được sự chăm sóc về tinh thần của một cán bộ lãnh đạo trong nhà tù - ông Út Phình, là đảng viên, Xã đội trưởng xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Lúc này, sức khỏe của ông dần được hồi phục và tinh thần được an tâm hơn. Thông qua các anh em tù nhân, ông biết được tình hình bên ngoài và tình hình chiến sự. Có nhiều đêm, ông nằm nghe được tiếng pháo kích của lực lượng ta tấn công địch, tiếng nổ rền trời, ông và các anh em tù nhân vô cùng phấn khởi và vững lòng tin ở ngày mai thắng lợi.

Tổ chức đấu tranh trong dịp Tết Nguyên đán
 
Được sự chỉ đạo của tổ chức, ông Út Phình bàn bạc với anh em và đi đến thống nhất là lợi dụng dịp Tết Nguyên đán để đấu tranh bằng hình thức “tuyệt thực”, thời gian 3 ngày, từ mùng 1 đến mùng 3 Tết năm 1967. Vì trong 3 ngày Tết, chúng sơ hở và ít ra tay đàn áp cuộc đấu tranh. Anh em tù nhân quyết tâm tuyệt thực không nhận cơm đến ngày mùng 3 và đã qua ngày mùng 4 Tết. Đúng như dự kiến của tổ chức, trong lúc Tết Nguyên đán chúng không đàn áp mạnh tay. Chúng hăm dọa đòi tìm người tổ chức hoặc xúi giục, nếu không ai chịu trách nhiệm thì chúng sẽ tàn sát tất cả. Thật ra chúng chỉ hăm dọa thôi. Các anh em biết được điều đó nên rất phấn khởi.

Đến ngày thứ 5 (mùng 5 Tết), đại diện Ban Quản đốc cho mời người tổ chức đến nhưng không ai đến. Buổi chiều, tên quản đốc đến tìm hiểu nguyên nhân, các anh em đồng loạt phản ánh đòi cải thiện chế độ ăn, uống như tăng phần cơm và có thức ăn,... Kết quả chúng cho tăng phần cơm từ ngày một chén lưng lên một chén đầy, còn thức ăn thì có ít cá biển. Ông và các anh em rất phấn khởi, tin tưởng vào tổ chức có vai trò lãnh đạo của Đảng trong nhà tù.

Ngày 15-02-1968, ông bị đưa qua Khám lớn Cần Thơ. Tại đây, điều kiện sống khó khăn hơn từ chỗ ở đến mọi sinh hoạt. Chỗ ở quá chật hẹp, tối tăm và bẩn thỉu. Chế độ ăn uống thì thiếu do bị cắt xén, mỗi ngày chỉ có 2 chén cơm lưng, còn thức ăn thì chỉ có ít muối và ớt.

Nước uống, sinh hoạt như tắm giặt, mỗi người chỉ có một ca 500ml nên ưu tiên cho uống còn tắm thì anh em có sáng kiến là thay nhau ra ngoài cửa để “tắm nắng”. Nghĩa là phơi nắng cho đến khi có nhiều mồ hôi chảy ra thì thay nhau kì cọ cơ thể, khi nào xong thì dùng ít nước thoa cho ướt khắp cơ thể, gọi là rửa cơ thể cho mát. Làm như vậy mà thay phiên nhau mãi đến 3 ngày mới được một lần tắm nắng cho một người. Điều kiện sống, sinh hoạt trong tù quá khó khăn nên anh em tù nhân phải chịu đựng nhiều bệnh tật mà không được sự quan tâm chữa trị từ phía nhà tù. Đặc biệt là bệnh ngoài da, như ghẻ, lác...

Tình hình bên ngoài, anh em nghe tiếng pháo kích của ta nã vào nội thành Tây Đô - Cần Thơ, đặc biệt khu vực quân sự của chúng, anh em trong tù cùng bàn tán với nhau rằng hỏa lực của ta ngày càng mạnh. Anh em vô cùng phấn khởi, tin tưởng chờ đợi ngày cách mạng thành công.

Đến khoảng giữa tháng 12-1968, có một tổ chức Thiên Chúa giáo đến thăm, cho tù nhân ăn bánh, kẹo và truyền đạo. Các linh mục nói rằng nếu vào đạo thì sẽ được Chúa trời ban phước lành, mọi việc sẽ bình an. Tuy nhiên, anh em tù nhân không ai chịu rửa tội theo đạo. Nhưng cũng nhân cơ hội đó, qua thăm hỏi, anh em mới biết tình hình cụ thể bên ngoài.

Đầu năm 1969, anh em tù nhân vẫn bị áp bức nặng nề, cuộc sống càng khó khăn hơn. Ông nghe mọi người truyền tai nhau là sẽ có một cuộc biểu tình đòi mọi quyền lợi cho tù nhân. Anh em rất phấn khởi trông đợi đến ngày đấu tranh.

Đấu tranh trong
 
Khoảng 13 giờ của một ngày tháng 3-1969, anh em tù nhân đồng loạt biểu tình. Ở cuối phòng, có một tiếng hô to “Đả đảo, đả đảo đế quốc Mỹ, đả đảo Nguyễn Văn Thiệu, đả đảo hành hạ tù nhân”. Tất cả anh em trong phòng cùng nhau đứng lên đồng loạt hô to “Đả đảo, đả đảo, đả đảo!”. Mọi người đồng loạt nắm chặt tay và hô to “Đả đảo, đả đảo đế quốc Mỹ, đả đảo, đả đảo Nguyễn Văn Thiệu, đả đảo, đả đảo hành hạ tù nhân”. Tiếng hô to vang trời làm cho bọn chúng phải kinh hoàng, khiếp sợ. Trong nhà tù hơn 1.000 người, mặc cho chúng phát loa kêu gọi giữ trật tự nhưng anh, em quyết hô to như vậy. Khoảng 20 phút sau, chúng vẫn phát loa kêu gọi và nói rằng: “Chúng tôi sẽ dàn xếp”.

Sau khi anh em tạm yên lặng thì bọn chúng hung hãn kéo đến chửi mắng và bảo rằng phải chỉ ra ai là người tổ chức, nếu không khai sẽ giết chết hết. Hơn 1.000 anh em đồng loạt hô to “Chúng tôi cùng tổ chức”. Tên chỉ huy là đại úy Hùng, Phó ban quản đốc trại giam hỏi: “Chúng bây cần gì?”. Anh em đồng loạt hô to“Chống ăn xén, phải cải thiện chế độ ăn, uống và không đàn áp tù nhân, người bị bệnh phải được chữa trị, tăng cường vệ sinh”. Tên chỉ huy hứa sẽ xem xét yêu cầu của các anh, mọi người hãy bình tĩnh và giải tán. Cuộc biểu tình giành được thắng lợi.

Kết quả, ngày hôm sau chúng cho tăng chế độ ăn cơm nhiều hơn, thức ăn có một ít cá biển, nước tăng gấp đôi. Đến buổi chiều, chúng cho xịt thuốc muỗi. Đời sống anh em cải thiện. Một lần nữa anh em phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chi bộ nhà lao.

Sáng ngày 20-5-1970, chúng cho tập trung 8 người, trong đó có ông, lên Ban Điều hành và thông báo trả tự do.

Mẩu chuyện của ông Nguyễn Văn Dơn cho ta thấy sự dũng cảm, sức chịu đựng và lòng trung thành của người cách mạng cho dù ở hoàn cảnh nào cũng một lòng bảo vệ cách mạng, quyết giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Lòng kiên trung dù mọi hoàn cảnh nào quyết không chịu sự áp bức, quyết đấu tranh giành quyền lợi, giữ vững niềm tin tất thắng, cách mạng nhất định thành công. Vai trò lãnh đạo của Đảng là vô cùng quan trọng, giúp các chiến sĩ vượt qua khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong công cuộc giải phóng dân tộc.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập539
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm518
  • Hôm nay43,546
  • Tháng hiện tại1,176,193
  • Tổng lượt truy cập34,761,838
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây