Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (1913-2023)

Thứ hai - 11/09/2023 06:11
Đồng chí Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động, Thiếu tướng, Trần Đại Nghĩa (1913-1997) là một trí thức lớn, tiêu biểu của giới trí thức cách mạng Việt Nam. Với lòng yêu nước nồng nàn, tình yêu vô bờ với khoa học, hoài bão của tuổi trẻ, mà hơn hết chính là tấm lòng trọn đời vì nghĩa lớn, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, trong vai trò là nhà khoa học, đồng chí là người đặt nền móng xây dựng ngành khoa học kỹ thuật và công nghiệp quốc phòng cũng như nền khoa học và công nghệ Việt Nam. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng cuộc đời hoạt động khoa học và cách mạng sôi nổi của đồng chí Trần Đại Nghĩa là tấm gương sáng để mỗi chúng ta noi theo.

Từ thuở học sinh - sinh viên, đồng chí Trần Đại Nghĩa đã được nghe kể về các cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Nhân dân ta. Mặc dù các cuộc khởi nghĩa nổ ra rất quyết liệt, mạnh mẽ, nhưng tất cả đều bị thất bại do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là vũ khí của ta còn thô sơ, lạc hậu. Do đó, khi sang Pháp du học, ngoài việc chuyên cần học tập các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật dân dụng, đồng chí còn quan tâm đến lĩnh vực kỹ thuật chế tạo vũ khí. 

Sau khi tốt nghiệp một số trường đại học, với các bằng kỹ sư thuộc lĩnh vực kỹ thuật, đồng chí đã xin làm việc tại các hãng xưởng, viện nghiên cứu ở Pháp và Đức có liên quan đến việc chế tạo vũ khí. Đồng chí còn tự học Tiếng Đức để có thể nghiên cứu, tham khảo tài liệu viết về vũ khí bằng nguyên bản Tiếng Đức.

Tháng 10/1946, sau khi về nước được một tuần, đồng chí được phân công làm việc ở Cục Quân giới đóng tại xã Giang Tiên, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên với nhiệm vụ nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm súng và đạn bazooka, theo mẫu súng và hai quả đạn của Mỹ do đồng chí Tạ Quang Bửu - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - đưa về trước đó. Súng bazooka là loại vũ khí chống tăng không giật nổi tiếng của Mỹ, có sức công phá lớn, được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Lúc bấy giờ, xe tăng của quân đội thực dân Pháp đang hoành hành trên chiến trường. Quân đội ta lại chưa có vũ khí chống tăng. Cho nên, nếu Việt Nam nghiên cứu, chế tạo thành công loại vũ khí này sẽ có ý nghĩa và tác dụng rất lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.

Sau ba tuần miệt mài nghiên cứu, đồng chí Trần Đại nghĩa đã cùng các công nhân quân giới chế tạo được hai khẩu súng và sáu quả đạn bazooka. Sau khi được bắn thử, súng và đạn bazooka do xưởng quân giới chế tạo, tuy đạt về nhiều mặt; nhưng khả năng xuyên thủng chưa cao như nguyên bản bazooka của Mỹ.

Đầu tháng 12/1946, cùng với việc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho tên mới: Trần Đại Nghĩa, đồng chí được Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định cử làm Cục trưởng Cục Quân giới. Trong buổi lễ giao nhiệm vụ cho đồng chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Kháng chiến toàn quốc sắp tới nơi, Bác giao cho chú nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội. Đây là việc đại nghĩa, vì thế, Bác đặt tên chú là Trần Đại Nghĩa. Đây là bí danh từ nay trở đi của chú, để giữ bí mật và cũng là giữ an toàn cho bà con thân thuộc của chú ở trong miền Nam. Bác tin chắc chú sẽ làm tròn nhiệm vụ”.

Với trọng trách mới, đồng chí tiếp tục việc nghiên cứu chế tạo bazooka. Đồng chí đã tích cực làm việc không kể ngày và đêm. Với những kiến thức qua việc học tập, nghiên cứu và làm việc thực tiễn ở nước ngoài, đồng chí tiến hành rà soát, tính toán lại các thông số kỹ thuật, tìm ra công thức cho việc chế tạo kim hỏa và thuốc phóng trong điều kiện thuốc phóng của ta khác với thuốc phóng của Mỹ. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi mặt, địch lại phong tỏa chặt chẽ, trình độ công nhân còn yếu,… nhưng với quyết tâm cao độ, đống chí đã đem hết tâm trí và hiểu biết của mình cùng anh em công nhân phát huy tinh thần tự lực tự cường để hoàn thành nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin yêu giao cho.

Cuối tháng 2/1947, dưới sự chỉ đạo kỹ thuật của đồng chí, cán bộ, chiến sĩ quân giới đã sản xuất thành công súng bazooka mang nhãn hiệu Việt Nam với sức mạnh xuyên thủng 75 cm tường thành gạch xây, tương đương với sức nổ đạn bazooka của Mỹ. Vừa mới ra đời, súng bazooka Việt Nam đã khẳng định được uy lực trong trận chiến đấu diễn ra ngày 03/3/1947 tại Quốc Oai, Hà Đông (nay là huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội). Trong trận này, bộ đội ta đã bắn cháy và bắn bị thương hai xe tăng của Pháp, làm cho kẻ thù sửng sốt, khiếp sợ, bẻ gãy cuộc hành quân bằng thiết giáp của quân Pháp từ Hà Nội đánh ra vùng tự do của ta, trở thành mốc son của ngành quân giới Việt Nam.

Đến tháng 4/1947, súng bazooka bắt đầu được sản xuất hàng loạt gửi đi các chiến trường. Tiếp nối sự thành công trong việc nghiên cứu, chế tạo súng, đạn bazooka, đồng chí Trần Đại Nghĩa còn chỉ đạo kỹ thuật, cùng các công sự nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí khác, như: súng không giật (SKZ); đạn chống tăng AT chuyên dùng để bắn các loại xe bọc thép, xe ôtô của địch; súng cối; súng phóng bom và bom phóng;… góp phần cung cấp kịp thời một khối lượng vũ khí lớn, trang bị cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu khẩn thiết của các chiến trường trong cả nước.

Như vậy, trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn, gian khổ, đồng chí Trần Đại Nghĩa luôn tích cực nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với đội ngũ cán bộ, công nhân ngành quân giới, cùng phát huy khả năng sáng tạo, lao động quên mình, đạt được thành quả cao, đáp ứng kỳ vọng và hoàn thành xuất sắc trọng trách do Chủ tịch Hồ Chí Minh giao “Lo vũ khí cho bộ đội”.

Với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, chế tạo vũ khí, đồng chí Trần Đại Nghĩa vinh dự được Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa phong quân hàm thiếu tướng, là một trong 11 vị tướng, trong đợt phong tướng đầu tiên của nước ta vào năm 1948. Năm 1949, đồng chí vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đặc biệt, tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức ở xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên tháng 4/1952, đồng chí được Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lao động[1].

Danh hiệu này là sự ghi nhận xứng đáng về tinh thần miệt mài lao động sáng tạo cũng như những cống hiến quan trọng của đồng chí Trần Đại Nghĩa đối với ngành Quân giới trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Càng trong gian khó, tài năng về chế tạo vũ khí của đồng chí càng tỏa sáng. Đây còn là kết quả của sự giáo dục và dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn và đặt niềm tin vào người trí thức Việt kiều giàu lòng yêu nước, luôn có khát vọng phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân, đúng như lời của Bác Hồ: “Là một đại tri thức, đi học châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt tình về phụng sự tổ quốc, phụng sự kháng chiến, đó là Anh hùng lao động trí óc Trần Đại Nghĩa …”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Trần Đại Nghĩa là người trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nâng cấp vũ khí[2], như  tìm biện pháp chống nhiễu của máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ, chế tạo những trang thiết bị đặc biệt cho bộ đội đặc công nước khi phải chiến đấu với tàu chiến của địch ngoài khơi, ví dụ như vũ khí chống cá mập, tia hồng ngoại, ra đa, siêu âm, thủy lôi, và các biện pháp chống bom từ trường, chống bom bi, bom lade,... Đặc biệt, loại xe phóng từ trường từ xa do đồng chí sáng chế đã chấm dứt tình trạng bom từ trường của Mỹ phá hoại những đoàn xe vận tải của ta di chuyển trên đường Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam. Những việc làm của đồng chí Trần Đại Nghĩa đã góp phần quan trọng trong việc chi viện cho miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tạo nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
 

[1] Tại Đại hội, có 3 người được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động là: Hoàng Hanh tiêu biểu cho giai cấp nông dân, Ngô Gia Khảm tiêu biểu cho giai cấp công nhân và Trần Đại Nghĩa tiêu biểu cho giới trí thức cách mạng.
[2] Theo bài Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Người thầy đặt nền móng cho Bách khoa Hà Nội đăng trên Trang Thông tin điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội, thứ tư, ngày 23/11/2022.
 
 

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập893
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm869
  • Hôm nay63,199
  • Tháng hiện tại1,195,846
  • Tổng lượt truy cập34,781,491
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây