Thầy giáo Lê Văn Philip - Một tấm gương bất khuất, kiên trung

Thứ tư - 01/11/2023 22:03
1. Thầy giáo có tên Tây nhưng lại “ghét” Tây:

Thầy Lê Văn Philip sinh năm 1905 tại Gò Tre, làng Long Thuận, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công (nay là xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình trí thức yêu nước. Thân sinh ông là đốc học Gò Công Lê Văn Sang (1875 - 1927).
Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người chăm học và học giỏi. Sau khi đậu bằng Thành Chung, ông học ngành Sư phạm ở Sài Gòn, rồi về dạy học ở trường làng Yên Luông Đông (nay là Trường Trung học cơ sở Long Hòa, thị xã Gò Công) từ năm 1938 với chức danh là giáo viên tiểu học chánh ngạch (Instituteur primaire). Vốn là người có tinh thần dân tộc và khẳng khái, ông luôn tỏ thái độ chống đối chế độ thực dân. Đặc biệt, trong những giờ giảng dạy trên lớp, ông rất chú ý đến việc giáo dục lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc cho học sinh. Nhà giáo ưu tú Phan Thanh Sắc trong quyển Gò Công vọng tiếng đất lành cho biết: “Thầy (tức Lê Văn Philip) là thầy giáo chánh ngạch của Giáo dục Gò Công cũ. Ngạch này có thể dạy lớp Moyen hay Supérieur và có thể lên Inspecteur đốc học như cha của thầy nếu Tây (thực dân Pháp) cho là “ngoan ngoãn”. Nhưng thầy được biết là không “ngoan ngoãn” với Tây, tức là với các Đốc học Tây. Tây chỉ để thầy dạy lớp Sơ đẳng (Cours  Élémentaire, lớp 3 và dân quê gọi là lớp nhứt trường làng). Chuyện kể thầy Philippe ghét Tây là thầy đã từng xô cửa sổ vào mặt tên đốc học Pháp Perrenot, khi tên này đến xét trường không báo trước và không vào lớp thầy đang dạy mà đứng (rình) ngoài cửa sổ. Hành động này là một cách sỉ nhục mà tên đốc học Tây phải ngậm bồ hòn không trách thầy được, nó phải coi đây là một lỗi vô tình (faute d’inattention)”.

Năm 1940, khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ, tại lớp của ông dạy ở trường Yên Luông có một lá cờ đỏ sao vàng được treo trên bảng. Bất chấp sự nguy hiểm, ông đã hào hứng giảng giải nguồn gốc của lá cờ và cuộc nổi dậy của quần chúng ở toàn Nam kỳ cho học sinh nghe. Sau đó, ông và học sinh kiên quyết bảo vệ lá cờ; khiến bọn làng lính phải dùng vũ lực mới lập lại được trật tự. Từ đây, ông bị bọn mật thám ở Gò Công chú ý theo dõi, rình rập.

2. Thầy Lê Văn Philip với Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 ở Gò Công:

Vào trung tuần tháng 3 - 1945, sau ngày phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, chính quyền thân Nhật được dựng lên ở Gò Công, nhưng được che đậy dưới chiêu bài “quốc gia, dân tộc”. Trước tình hình đó, bằng sự cảm quan chính trị nhạy bén, sắc sảo, ông đã giúp cho giới trí thức và thanh niên - học sinh ở địa phương nhận thấy rõ bản chất tay sai, bán nước của chính quyền này; và kêu gọi mọi người tẩy chay, bất hợp tác với bọn bù nhìn. Nhờ thế, ông trở thành người có uy tín lớn trong giới trí thức và thanh niên - học sinh ở Gò Công.

Do đó, ông được Tỉnh ủy Gò Công và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Thủ lãnh lực lượng Thanh niên Tiền Phong Nam kỳ, đề cử làm Thủ lãnh lực lượng Thanh niên Tiền Phong tỉnh Gò Công vào đầu tháng 8 - 1945. Với cương vị này, ông đã bố trí cán bộ cách mạng nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong lực lượng Thanh niên Tiền Phong ở các cấp tỉnh, tổng và làng.

Ngày 18 - 8 - 1945, tại Hội nghị thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Gò Công, ông được bầu làm Ủy viên. Ngày 19 - 8 - 1945, khí thế khởi nghĩa của quần chúng ở Gò Công dâng lên sôi nổi. Trước tình hình đó, Tỉnh trưởng chính quyền bù nhìn Trần Hưng Ký mời lực lượng Thanh niên Tiền phong tỉnh tham gia giữ gìn trật tự trị an. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để tạo thế cho cách mạng, ông đã yêu cầu viên Tỉnh trưởng phải mời thêm một cựu sĩ quan trong quân đội Pháp để nắm lực lượng quân sự. Trước lập luận hợp lý của ông, viên Tỉnh trưởng đồng ý. Lập tức, ông giới thiệu ông Trần Hữu Liêm, đảng viên Cộng sản, nguyên là sĩ quan hải quân Pháp, đứng ra chỉ huy binh lính và cảnh sát ở trong tỉnh. Như vậy, ở tỉnh Gò Công lúc bấy giờ có hai cán bộ cách mạng công khai hoạt động trong lòng địch: Trần Hữu Liêm chỉ huy quân lính và Lê Văn Philip, thủ lãnh lực lượng Thanh niên Tiền phong.

Tối ngày 19 - 8 - 1945, tại nhà của ông, Hội nghị của Tỉnh ủy Gò Công được nhóm họp để đề ra kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh. Tại hội nghị, trong khi đóng góp ý kiến cho kế hoạch, ông đã nhấn mạnh đến tinh thần yêu nước và sẵn sàng tham gia cách mạng của tầng lớp trí thức, thanh niên và binh lính ở Gò Công; đồng thời, ông tán thành phương án khởi nghĩa giành chính quyền bằng đấu tranh chính trị do Tỉnh ủy đề ra.

Ngày 21 - 8 - 1945, ông lại được viên Tỉnh trưởng Gò Công nhờ dàn xếp việc một đoàn biểu tình của nông dân huyện Chợ Gạo thuộc tỉnh Mỹ Tho đang tiến vào địa phận tỉnh Gò Công. Nhận thấy đây là một tình thế mới xuất hiện rất thuận lợi cho cách mạng, ông đã yêu cầu viên Tỉnh trưởng phải mời đại diện của Mặt trận Việt Minh tỉnh đứng ra giải quyết, bởi vì đó là công việc nội bộ của Việt Minh. Không có cách nào khác, Tỉnh trưởng Gò Công phải chính thức mời ông Nguyễn Văn Côn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh kiêm Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Gò Công, giải quyết vụ việc nói trên. Ngay sau đó, ông cùng với ông Nguyễn Văn Côn đi xe hơi của Tỉnh trưởng có gắn cờ đỏ sao vàng đến Thạnh Nhựt để dàn xếp tình hình. Kết quả là đoàn nông dân huyện Chợ Gạo bằng lòng quay về, để cuộc khởi nghĩa ở Gò Công sẽ do Tỉnh ủy và Mặt trận Việt Minh tỉnh Gò Công lãnh đạo và chỉ đạo theo kế hoạch đã vạch ra từ trước.

Trước tình hình chính quyền địch ở Gò Công đã hoàn toàn bất lực, ông cùng với ông Nguyễn Văn Côn yêu cầu viên Tỉnh trưởng phải hạ cờ Nhật, cờ quẻ ly của chính phủ bù nhìn và giao quyền kiểm soát Gò Công cho Việt Minh. Viên Tỉnh trưởng chỉ đồng ý hạ cờ Nhật; còn việc rút lui thì xin được trả lời sau. Một lần nữa, ông lại nhận lãnh nhiệm vụ thuyết khách. Trước lý lẽ kiên quyết, sắc sảo, có lý có tình của ông, viên Tỉnh trưởng chấp nhận đầu hàng cách mạng. Đúng 12 giờ trưa ngày 22 - 8 - 1945, tại dinh Tỉnh trưởng, ông thay mặt cho lực lượng Thanh niên Tiền phong tỉnh và ông Nguyễn Văn Côn thay mặt cho Mặt trận Việt Minh tỉnh chính thức tiếp nhận việc bàn giao chính quyền từ  tay Tỉnh trưởng Trần Hưng Ký. Như vậy, ông đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa tháng 8 - 1945 ở Gò Công. Thế hệ Cách mạng mùa thu năm 1945 ở Gò Công, ai cũng biết “phong trào do ông Chín Côn lãnh đạo và thầy Hai Philip vận động tỉnh trưởng đầu hàng nên chính quyền đã về tay cách mạng không đổ máu” (Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Việt, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gò Công).

Sau ngày cách mạng thành công, ông đảm nhiệm trọng trách là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời tỉnh Gò Công kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc tỉnh (tức lực lượng công an sau này). Cùng với tập thể Ủy ban Hành chánh tỉnh, ông đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng ở địa phương ngày càng vững mạnh; cũng như công tác chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược sắp sửa nổ ra.

3. Cái chết lẫm liệt của một thầy giáo kiên trung trong tù ngục của bọn thực dân

Tháng 10 - 1945, khi quân Pháp nổ súng tấn công phòng tuyến Cầu Nổi (nay là cầu Mỹ Lợi, nối Gò Công với Thành phố Hồ Chí Minh), ông là một trong những cán bộ lãnh đạo của tỉnh Gò Công trực tiếp chỉ huy và chiến đấu tại mặt trận nhằm chặn địch tiến vào thị xã Gò Công. Nhưng, thế giặc quá mạnh, phòng tuyến bị tan vỡ, lực lượng của ta phải di chuyển sang Lý Nhơn (nay thuộc huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh). Theo sự phân công của tổ chức, ông đi lên Sài Gòn để tìm cách nối liên lạc với lực lượng kháng chiến ở đây. Tuy nhiên, vào tháng 3 - 1946, khi mới đến Tân An (tỉnh Long An), ông bị địch bắt. Bọn chúng đã chuyển ông về nhà tù Gò Công để khai thác.

Biết ông là một trí thức nổi tiếng có ảnh hưởng sâu đậm trong giới trí thức và nhân dân Gò Công, chính quyền thực dân ra sức mua chuộc và dụ dỗ; nhưng ông đều từ chối. Lập tức, bọn chúng tra tấn ông rất dã man để buộc ông phải đầu hàng. Tuy nhiên, tiền bạc, chức tước và uy vũ đã không khuất phục được ông.  

Địch đưa ông lên Mỹ Tho, giam ở Khám số 7. Lại tiếp tục lôi kéo, mua chuộc và tra tấn nhưng ông trước sau đều cương quyết không hợp tác với Pháp. Bọn chúng lại đưa ông về Gò Công. Lần này, bọn chúng đã hèn hạ thủ tiêu ông vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 - 1946. Nhà giáo ưu tú Phan Thanh Sắc trong sách Gò Công vọng tiếng đất lành đã dẫn kể về trường hợp bị bắt và hy sinh của ông như sau:

“Chiều hôm đó, đâu tháng 6 hay tháng 7 năm 1946, tan học như mọi khi, chúng tôi đi ngang qua PC (Poste de Commandement - Bót chỉ huy). Chưa đến bãi đậu xe, thình lình có một chiếc xe nhà binh cỡ trung chở lính mặc kaki vàng sậm, quẹo vào. Xe ngừng đậu cách chúng tôi mươi mét. Thông thường thì chúng tôi không để ý; nhưng hôm đó, sau khi có tiếng đóng rầm cửa xe, một tràng tiếng Tây vang lên với những tên Tây đứng ở sân cho biết chúng bắt được một Việt Minh cầm đầu. Các bạn tôi và tôi dừng lại nhìn vô. Tụi Tây vì lúi cúi không để ý bọn học trò nhỏ chúng tôi.

… Tôi ngó chăm bẳm vào hai người bị lôi xuống xe. Người đầu bị kéo xuống bận đồ bà ba đen, đội nón tời cũ, hai tay bị trói ké, dáng cao ráo. Chúng kéo thêm một chú bé lớn hơn chúng tôi vài ba tuổi cũng mặc đồ đen, đầu trần, không trói buộc. Vài ngày sau, một người anh họ lớn tuổi nói với tôi là Tây bắt được thầy Philip và con trai thầy.

… Tôi nhớ cảnh Tây dẫn thầy và con trai thầy qua mặt chúng tôi, băng qua đường vào PC. Ôi! Những bước chân cuối cùng của một con người chân chính trên mảnh đất quê hương mình lúc ấy chắc chắn làm cho lũ nhỏ chúng tôi rưng rưng! Chúng tôi chỉ mơ hồ biết vào PC đó sẽ bị tra tấn, chứ không tưởng được con người đó vài ngày sau bị xe nhà binh Tây đưa đi và không bao giờ tìm thấy được thi hài nữa”.

Do ông bị thực dân Pháp thủ tiêu, không tìm thấy thi hài, nên năm 2001, đại tá về hưu Nguyễn Huỳnh Ngân và ông Triệu Quang Phấn, cư ngụ ở Gò Tre, xã Long Thuận, thị xã Gò Công đã tiến hành xây dựng một “không phần” (còn gọi là mộ gió, tức là mộ không có hài cốt) để tưởng nhớ đến ông tại khu mộ Gò Quán, Gò Tre, xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
 

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập753
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm725
  • Hôm nay66,223
  • Tháng hiện tại1,198,870
  • Tổng lượt truy cập34,784,515
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây