Những năm tháng khổ cực tại nhà tù Côn Đảo*

Thứ năm - 21/12/2023 03:11
Đồng chí Nguyễn Oanh Liệt, sinh năm 1939 trong gia đình nông dân nghèo ở ấp Mỹ Đa, xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy (nay thuộc thị xã Cai Lậy), tỉnh Tiền Giang. Gia đình ông là cơ sở nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Năm 1957, có một số cán bộ bị địch bắt khai báo, chỉ điểm. Địch bắt cha, anh, em và ông giam ở Khám đường Mỹ Tho. Ông bị giam 3 tháng, mãn hạn tù địch thả ông về nhà, ông mở lớp dạy chữ cho trẻ. Đến năm 1959, ông giao lớp lại cho ông Mười Sở dạy vì được chi bộ xã cử đi học lớp bồi dưỡng cán bộ Nông - Thanh - Phụ do huyện mở ở rừng tràm Tân Hòa Đông. Sau khi học xong, ông về xây dựng lực lượng, tuyên truyền vận động nhân dân chuẩn bị đồng khởi phá thế kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ nông thôn.
Đồng chí Nguyễn Oanh Liệt.
Đồng chí Nguyễn Oanh Liệt.
Tháng 6 năm 1961, ông được đề cử giữ chức vụ Chi ủy viên - Bí thư Đoàn Thanh niên Lao động xã Mỹ Hạnh Trung. Giữa năm 1963, cấp trên phân công ông về công tác ở Ban An ninh huyện Cai Lậy. Tháng 9 năm 1968, trong một lần đi công tác ở xã Bình Phú, địch bắn ông bị thương 04 vết khá nặng. Ông được chuyển vào Trạm Quân y huyện Cai Lậy đóng ở rừng tràm Tân Hòa Đông điều trị. Bác sĩ Trần Công Trứ - Trưởng trạm đã mổ vết thương để lấy đạn ra.

Sáng hôm sau, lính biệt kích do tên Huỳnh Hoa và Năm Chĩa chỉ huy đánh Trạm Quân y. Các đồng chí bảo vệ, cán bộ Trạm Quân y chiến đấu quyết liệt với địch để bảo vệ thương binh. Nhưng lực lượng địch quá đông nên tất cả thương binh được chuyển xuống hầm bí mật, rồi rút lui để bảo tồn lực lượng. Bọn biệt kích lục soát từng bụi rậm, từng đám năng sậy xôm, chĩa tìm hầm bí mật. Đến chạng vạng tối, biệt kích mới phát hiện khui hầm bắt ông, nhưng trực thăng không lên chở được, bọn chỉ huy ra lệnh bắn bỏ. Rất may, có hai tên lính quê ở chợ Cai Lậy nói: “Mấy ông đừng bắn nó, để tụi tôi khiêng về Chi khu Cai Lậy điều tra!”.

Bọn lính thay nhau khiêng ông vượt qua chặng đường hơn 10 cây số. Về đến Chi khu Cai Lậy, chúng để ông nằm chung bọn lính bị thương ở trước cửa Trường Tiểu học cộng đồng Cai Lậy, đối diện cổng dinh quận Cai Lậy. Công an, cảnh sát và cố vấn Mỹ đưa ba tên chiêu hồi đến nhìn mặt. Sau khi nhận diện ông, chúng giam ông vào Phòng Cảnh sát điều tra chi khu (Ban II). Đêm đó, bọn cảnh sát đánh đập, tra tấn ông dã man. Mình mẩy ông sưng bầm hết, nhưng ông kiên quyết không khai báo. Chúng giải ông và 7 đồng chí khác xuống nhà thương Mỹ Tho. Tại đây, địch vừa điều trị bệnh, vừa điều tra. Nằm nhà thương được 15 ngày, chúng giải ông qua Khám đường Mỹ Tho. Mười lăm ngày sau, chúng áp giải ông cùng với khoảng 50 tù nhân ra sân bay Mỹ Tho, đưa lên máy bay C.130 đày ra Côn Đảo.

Vừa bước xuống sân bay Côn Đảo, tù nhân bị một trận đòn đánh phủ đầu bằng báng súng, dùi cui, đấm đá thừa chết thiếu sống,… rồi địch áp giải về trại giam số 8 (Nhà Dù) tạm giam để phân công đi lao động khổ sai ở các sở. Tên luật sư Nam - Trưởng Ban trật tự trại giam đến dằn mặt tù nhân, nói: “Cho các con biết nhe, sống hay chết đều qua tay tao nhe. Bắt tụi bây chào cờ tụi bây không thấm, chủ yếu bắt tụi bây lao động khổ sai mà thôi, còn chào cờ thì tao không cần đến!”. Luật sư Nam là tên ác ôn khét tiếng ở Côn Đảo, hắn bị chính quyền Sài Gòn kết án tử hình dân sự. Hắn vâng lệnh tên chúa đảo, hắn lập công để mong được giảm án từ tử hình xuống chung thân. Hắn chỉ huy đám trật tự bên dưới, tù nhân nào không nghe theo lệnh thì giết. Mỗi lần giết một tù nhân, hắn đều vẽ một cái sọ người trên áo. Cái áo hắn mặc vẽ hàng trăm sọ người, giết càng nhiều càng được chúa đảo khen ngợi. Tù nhân rất căm thù, ai cũng muốn giết hắn, nhưng khó tiếp cận hắn. Hắn luôn giữ khoảng cách và đề phòng với các tù nhân. Còn bọn chúng muốn giết tù nhân thì kêu đám trật tự trói tay tù nhân rồi hành hình.

Qua ngày sau, chúng bắt tù nhân đi làm khổ sai, ra công trường kéo xe lu cán lộ. Địch bắt 100 tù nhân đứng hai bên kéo để cán đá làm lộ. Tù nhân nào không khom lưng kéo xe, bọn lính bắt đánh đập dã man. Lúc đó chân ông còn đau, nhưng vẫn bị chúng bắt, những người bị bệnh, làm yếu luôn bị chúng đánh đập, như đồng chí Ngô Văn Gấm - người đồng hương ở ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông bị đày ra Côn Đảo một lượt với ông, đang kéo xe bị đau lưng nên đứng ngay lưng lên, liền bị chúng nó nói anh chống lệnh, kéo ra đánh chết giấc, bỏ bên mé đường, bạn tù thấy vậy khiêng đồng chí về trại giam. Qua ngày sau, chân của ông bị sưng, không đi được nhưng bị chúng phạt bỏ đói.

Hàng ngày, ông cùng bạn tù bị địch bắt gánh hàng trăm gánh nước từ dưới giếng sâu lên đem tưới vườn cây ăn trái. Bọn trật tự kiểm tra gốc cây nào khô thì chúng lấy roi mây bắt cúi xuống đánh tới tấp. Tối về, mọi người bàn tính phải đấu tranh chống lại chúng. Ngày sau, ông cùng tù nhân không ai ra khỏi phòng giam, không đi tưới cây nên bị địch bỏ đói, bỏ khát rồi đem vôi bột, lựu đạn cay ném vào phòng giam. Tất cả tù nhân đều bị ra máu họng, máu mũi, ngất xỉu.

Hôm sau, bọn lính bảo an, trật tự đem xe nhà binh đến áp giải tù nhân chở ra sở Cỏ Ống cách trại giam 10 cây số để làm củi. Đi làm xong chiều về chúng nhốt tù nhân tại chỗ, không cho về phòng giam cũ. Mỗi ngày tù nhân phải leo lên núi 01 cây số mới đến rừng cây. Một tù nhân phải đốn 1m3 củi, ai đốn không đủ thì chiều về bị đánh đập dã man.

Mỗi lần đấu tranh với địch, tất cả tù nhân ở trại giam đều hô vang: đòi mở cửa sổ, ăn no, uống nước, trao trả tù binh,… Bọn cai ngục, lính bảo an, trật tự ném lựu đạn cay và vôi bột vô phòng giam, làm cho tù nhân bị ngạt, ngất xỉu, bị phỏng toàn thân. Tù nhân phải lấy giẻ rách nhúng nước tiểu đắp lên mặt cho bớt cay, bớt ngạt. Bằng cách này hạn chế thương vong, tinh thần đấu tranh càng sôi nổi. Trong lúc cấm cố cũng được học hỏi các đồng chí cựu tù lâu năm, cũng biết được tin tức, thời sự trong đất liền, sinh hoạt định kỳ, ngày lễ, ngày kỷ niệm các anh đều phổ biến cho biết. Năm 1974, địch kêu tên tù nhân tập trung về trại 3 xuống tàu về đất liền trao trả tù binh.

Ngày về đất liền, địch còng tay 2 tù nhân vào 1 còng giải xuống tàu về bến cảng Bạch Đằng, chúng đưa tù nhân lên xe nhà binh chở lên nhà tù Hố Nai - Biên Hòa chờ trao trả. Hơn 4 tháng sau, địch mới cho trực thăng chở tù nhân tới thị trấn Lộc Ninh để trao trả. Ngày trao trả chuyến cuối cùng, trực thăng vừa cất cánh bay trở về là địch nham hiểm cho pháo bắn xối xả vào khu vực vừa mới trao trả. Nếu di tản không kịp là chết người, chúng không chịu trách nhiệm.

Ông được trao trả về Lộc Ninh, lên xe vào xã Lộc Tấn có phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đón tiếp trong không khí hân hoan. Ban điều dưỡng lo thuốc men, ăn uống, trị bệnh. Xét năng lực và sức khỏe, Văn phòng Chính phủ rút ông về Văn phòng.

Sau ngày 30-4-1975, Văn phòng Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam về địa điểm mới ở thành phố Hồ Chí Minh, đến tháng 5-1975 sáp nhập với Văn phòng phủ Thủ tướng tại phía Nam. Ông được phân công công tác ở phòng Lưu trữ hồ sơ Trung ương thuộc Văn phòng phủ Thủ tướng Chính phủ. Năm 1990, ông nghỉ hưu, được Nhà nước tặng các danh hiệu: Huân chương Quyết thắng hạng I, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, kỷ niệm chương Tù đày và là thương binh hạng ¾.

*Tựa do Ban biên tập đặt.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập193
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm156
  • Hôm nay35,351
  • Tháng hiện tại327,320
  • Tổng lượt truy cập33,912,965
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây