Một thời bi hùng ở Phú Quốc

Thứ bảy - 06/01/2024 05:47
Đồng chí Hồ Văn Tiến, sinh ngày 01-01-1948 trong một gia đình nông dân hiện ở ấp Rạch Trắc, xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ông có ba người anh đều tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm ông 18 tuổi, được cha mẹ động viên: “Nay con đã trưởng thành, phải đi đúng hướng với các anh của con để cha mẹ được vui lòng”! Từ lời động viên của cha mẹ, ông đã có chí hướng tham gia bộ đội, đánh giặc giải phóng quê hương.
Đồng chí Hồ Văn Tiến.
Đồng chí Hồ Văn Tiến.
Tháng 6 năm 1966, chi bộ xã Mỹ Phước Tây đưa ông đi học trường Trừ Văn Thố (trước gọi là Trường Thiếu sinh quân) của tỉnh Mỹ Tho, điểm học tại xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè. Đến tháng 12 năm 1967, ông xin nhập ngũ vào đơn vị X.16 B Hậu cần Quân khu 8 và được bổ sung về tiểu đoàn 16 B nhận nhiệm vụ vận tải vũ khí, hàng hậu cần từ đất bạn Campuchia về Việt Nam, giao tận kho Tư Tưởng (mật hiệu các kho nhận hàng trên tuyến 19H, gồm huyện Cái Bè 01 điểm, huyện Cai Lậy 02 điểm). Ông và các đồng chí trong trung đội luôn động viên nhau bảo quản vũ khí, hàng hậu cần cho thật tốt để đưa đến tay bộ đội chiến đấu. Đơn vị được lệnh vận chuyển vũ khí, hàng về Việt Nam suốt 12 ngày đêm phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ông và đồng đội phải cất giấu, ngụy trang hàng thật kỹ để tránh trực trăng soi, máy bay nóc mít, cá lẹp, L.19…, quần đảo ngày đêm bắn phá ác liệt. Tư tưởng ông luôn vững vàng, cùng đồng đội vượt qua mọi khó khăn để đưa hàng về tận nơi, hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao phó. Đặc biệt, những kỷ niệm nhớ mãi trong 12 ngày đêm vận chuyển hàng, có đồng chí tay cầm lái lại ngủ gật để xuồng lủi vào bờ không hay, có đồng chí ngồi trước mũi xuồng cầm dầm bơi nhưng bỏ rơi dầm hồi nào chẳng nhớ. Vì suốt 12 ngày đêm vận chuyển hàng cho chiến dịch, các đồng chí nhiều đêm mất ngủ, sức khỏe giảm, nhưng dù khó khăn cách mấy mọi người đều cương quyết vượt qua để đưa hàng về cho bộ đội chiến đấu, tiêu diệt địch.

Ngày 08-10-1969, trung đội ông được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng từ Tăng Lèo - Campuchia về Việt Nam, đoàn đi suốt đến sang, khi về đến kênh Công sự ở tỉnh Kiến Tường (nay là thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An), đoàn tải dừng lại ngụy trang, cất giấu hàng cho mọi người nghỉ ngơi. 6 giờ sáng ngày hôm sau, đoàn tiếp tục lên đường. Đến khu vực nay thuộc xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An thì bị địch phục kích chặn đánh đoàn tải. Ông cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ hàng đến tối, chẳng may ông bị địch bắt. Chúng giải ông về nhà tù Mộc Hóa - tỉnh Kiến Tường và tra tấn, đánh đập dã man, nhưng ông kiên quyết không khai báo.

Ngày 11-10-1969, chúng giải ông qua nhà tù tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) điều tra tiếp, bởi vì ông khai: “Tôi quê là người ở tỉnh Kiến Phong, do bom đạn ác liệt, gia đình tôi đã bỏ đi tản cư, hiện giờ không biết ở đâu?”. Chúng điều tra bằng dùi cui, báng súng đánh rất tàn nhẫn, nhưng ông một mực không khai báo.

Ngày 13-10-1969, địch giải ông qua nhà tù Cần Thơ giam ở khu II, chúng cấp cho số tù là 10.129. Đến tháng 01 năm 1970, địch đày ông và hàng trăm tù binh ra nhà tù Phú Quốc, giam ở khu A.10. Ở đây bọn trật tự, bọn chiêu hồi dùng dùi cui, ba trắc đánh đập tù binh một cách tàn nhẫn. Chúng nghi ngờ người nào thì bắt ra điều tra, đánh đập, lấy sắt nhọn làm cây dùi xuyên qua bắp chuối, bắt tù binh xòe hai bàn tay để xuống nền bê tông dùng chày đồ giã nát, mang giày đinh cứng như sắt đá vào bụng, vào bẹ sườn tù binh đến ngất xỉu. Sau đó toàn thể tù binh khu A.10 tổ chức đấu tranh kể tội ác của bọn giám thị, quân cảnh, chiêu hồi ác ôn. Mấy ngày sau tên thiếu tá Thọ chỉ huy tiểu đoàn 5 quân cảnh đến giải quyết. Sau đó, hành động đàn áp tù binh trong khu có giảm. Chúng bắt tù binh lao động sửa chữa đường đi trong khu nhà giam, tù nhân miễn cưỡng làm cho có lệ, nên bị chúng đánh đập, chửi bới.

Ở Phân khu A.10, ông cùng tù binh tổ chức diệt tên Khiêm chiêu hồi, tổng đại diện Phân khu A.10 kiêm trưởng phòng giam số 4, khét tiếng ác ôn. Tên Khiêm quê ở xã Điềm Hy, huyện Châu Thành. Hắn là thằng tham sống sợ chết, nghe theo lời dụ dỗ của Ban chiêu hồi: “Chiêu hồi lập công với quốc gia sẽ được thả về gia đình sớm!”. Hắn cùng với đồng bọn dùng đủ những ngón đòn tàn khốc, những cực hình tàn độc để tra tấn tù binh như: bẻ răng, dùng dùi đục từng miếng xương bánh chè, giữa trưa bắt tù binh cởi trần nằm ngửa trên những tấm tôn đang nóng rực như thiêu như đốt,…Trước khi giết tên ác ôn Khiêm, tổ chức các phòng giam họp phát động giết bọn ác ôn. Sau đó chi bộ nhà lao tổng hợp ý kiến, vạch trần tội ác của tên Khiêm và quyết định tiêu diệt hắn, đồng thời vạch ra kế hoạch diệt tên Khiêm bằng cách gây tiếng động ở sau dãy phòng chót, dụ cho tên Khiêm chạy đến dãy phòng giữa thì tiêu diệt để không bị phát hiện.

Tháng 6 năm 1971, đồng chí Tư Dậu, đồng chí Huệ bí mật phân công nhiệm vụ cho 7 đồng chí trong phòng giam số 04 diệt tên Khiêm. Giờ hành động là 14 giờ, mỗi đồng chí mặc áo trái, đi chân không, phân công từng người gây tiếng động lớn, tên Khiêm nghe liền chạy xuống dãy phòng giữa thì bị các đồng chí này quật ngã, dùng đá đập nát đầu hắn. Phát hiện tên Khiêm chết, địch huy động lực lượng quân cảnh đến bao vây, đàn áp đánh đập tù binh ở Phân khu A.10. Chế độ nhà tù Phú Quốc vô cùng tàn nhẫn và độc ác. Chúng hành hạ, đối xử tù binh cộng sản còn thua con vật. Bọn giám thị bất chấp tù binh già hay trẻ, sau mỗi lần đấu tranh, chúng bắt ra ngoài sân nằm sấp, rồi chúng mang giày đinh đi trên mình, hoặc bắt tù binh chia thành từng cặp đánh nhau, xoay vòng đánh nhau đến chừng nào tù binh bị thương, ngất xỉu hết mới thôi (mỗi một phân khu có từ 800 đến 900 trăm người tù binh). Đến các ngày lễ lớn, chúng nghi ngờ tù binh có tổ chức lễ kỷ niệm, bọn chúng kêu tù binh ra phòng giám thị đánh đập, tra tấn bằng đủ mọi hình thức, đánh la liệt. Chúng nhốt tù binh vào biệt giam “chuồng cọp” hoặc giữa trưa bắt tù binh cởi trần nằm ngửa trên những tấm tôn đang nóng rực như thiêu như đốt, ai làm không đúng thì bị chúng đánh tiếp.

Ngày 27-01-1973, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Tháng 3 năm 1973, địch cho máy bay chở tù binh về sân bay Quảng Trị rồi chuyển tù binh đến bờ sông Thạch Hãn trao trả. Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến đón tiếp đoàn quân chiến thắng trở về. Ông được bố trí về Đoàn 153 an dưỡng, điều trị bệnh, học tập tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Đến tháng 3 năm 1974, ông được đưa về chiến trường miền Nam tiếp tục chiến đấu, bổ sung về công tác ở Phòng Hậu cần, trung đoàn Vàm Cỏ, đóng căn cứ tại khu vực bến Chín Giống trên đất bạn Campuchia, giáp ranh huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Nhiệm vụ của trung đoàn là vận chuyển vũ khí và hàng hậu cần cho ba tỉnh Long An, Mỹ Tho và Bến Tre.

Ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Phòng Hậu cần, trung đoàn Vàm Cỏ về đóng ở căn cứ Đồng Tâm. Tháng 6 năm 1976, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ già ốm đau nên ông xin phục viên. Về quê nhà tôi tiếp tục tham gia công tác tại địa phương đến năm 1996. Hiện nay ông tham gia Hội Cựu chiến binh và Hội Cựu tù kháng chiến ở địa phương. Mặc dù tuổi cao, sức yếu và thương tật nhưng ông vẫn giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng, luôn là tấm gương sáng, là chỗ dựa tinh thần cho thế hệ trẻ noi theo.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập190
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm177
  • Hôm nay30,920
  • Tháng hiện tại959,910
  • Tổng lượt truy cập34,545,555
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây