Đồng chí Phan Văn Khỏe - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường của Nam Kỳ

Thứ ba - 05/03/2024 04:49
Gần 20 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Văn Khỏe - nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho - người cộng sản kiên cường, người lãnh đạo sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam, có những cống hiến to lớn, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, với những cống hiến xuất sắc, sáng tạo trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, đồng chí góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Đồng chí Phan Văn Khỏe sinh năm 1901, ở làng Mỹ Hạnh Đông, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), là con thứ tư trong gia đình nông dân nghèo, đông con. Dòng họ Phan định cư khá lâu ở xóm Cống Huế, làng Mỹ Hạnh Đông. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng gia đình vẫn cố gắng lo cho đồng chí được đi học.

Đồng chí rất ham học hỏi, đọc nhiều sách báo và hay tìm hiểu các vấn đề đang diễn ra trong xã hội, nên có vốn kiến thức sâu rộng. Đồng chí sớm tiếp nhận tư tưởng chống Pháp của những người yêu nước lúc bấy giờ tuyên truyền, vận động.

 Năm 1928, đồng chí là hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở làng Mỹ Hạnh Đông. Đầu năm 1930, đồng chí trở thành một trong những người đảng viên đầu tiên của quận Cai Lậy. Cuối tháng 4-1930, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho phân công đồng chí phụ trách hoạt động cách mạng ở Cai Lậy. Đầu năm 1933, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tỉnh Mỹ Tho. Cuối năm 1933, đồng chí được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, tập trung thực hiện nhiệm vụ củng cố tổ chức, phát triển lực lượng và chuẩn bị cao trào đấu tranh mới.

Ngày 01-5-1936, đồng chí lãnh đạo cuộc đấu tranh của gần 500 đồng bào các xã vùng Mỹ Hạnh Đông kéo ra chợ Cai Lậy đòi dân sinh, dân chủ. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi và gây tiếng vang khắp tỉnh Mỹ Tho. Cuối năm 1936, đồng chí được cử là Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách phong trào cách mạng các tỉnh Trung Nam Kỳ. Năm 1940, đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ tăng cường về Mỹ Tho, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, có nhiệm vụ duy trì sự ổn định về tổ chức và xây dựng lực lượng chuẩn bị phong trào cách mạng mang tính chất toàn xứ. Đồng chí được Xứ ủy trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo thiết kế lá cờ Mặt trận (Quốc kỳ nước ta hiện nay). Tháng 7-1940, tại xã Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ thông qua cờ đỏ sao vàng năm cánh do đồng chí trực tiếp chỉ đạo và tham gia thiết kế. Với vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy, Bí thư ỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Mỹ Tho.

Đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa nổ ra ở quận Châu Thành và quận Cai Lậy. Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho đặt tại đình Long Hưng, xã Long Hưng, quận Châu Thành. Tại đây, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Mỹ Tho được thành lập và cờ đỏ sao vàng năm cánh được treo và bay phất phới trên ngọn cây bàng. Cờ đỏ sao vàng trở thành biểu tượng cho ý chí và mục tiêu khởi nghĩa là giành độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân. Quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” cũng ra đời tại ngôi đình này. Trong 49 ngày làm chủ, từ ngày 23-11-1940 đến ngày 12-01-1941, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Mỹ Tho thực hiện được một số việc có ý nghĩa lịch sử, như thành lập chính quyền nhân dân cách mạng cấp tỉnh, quận, xã; thành lập Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh; thực thi một số chính sách: xóa bỏ các thứ thuế vô lý, các khoản nông dân nợ địa chủ, tịch thu lúa của địa chủ chia cho dân nghèo, giáo dục và khoan hồng người lầm đường lạc lối... Chế độ dân chủ cộng hòa trở thành hiện thực trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.

Sau khởi nghĩa, các cơ sở, tổ chức đảng bị khủng bố, nhiều đảng viên, cán bộ và quần chúng bị bắt, bị giết hại. Hệ thống tổ chức đảng từ Xứ ủy xuống Tỉnh ủy, Quận ủy, Chi bộ bị đứt liên lạc. Đồng chí Phan Văn Khỏe vẫn bám địa bàn, móc nối liên lạc từ Xứ ủy đến chi bộ. Đầu năm 1941, các đồng chí trong Xứ ủy đề cử đồng chí Phan Văn Khỏe giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, hệ thống tổ chức đảng được phục hồi. Giữa năm 1941, trên đường công tác đến tỉnh Bến Tre, đồng chí Phan Văn Khỏe bị giặc bắt, sau đó đày ra Côn Đảo.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí trở về tiếp tục công tác ở tỉnh Mỹ Tho. Cuối năm 1945, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, lực lượng cách mạng rút vào vùng Đồng Tháp Mười. Đồng chí cùng với các đồng chí khác vẫn bám vùng ven kinh Tổng đốc Lộc (kênh Nguyễn Văn Tiếp) nắm tình hình, tập hợp và củng cố lực lượng kháng chiến. Đồng chí liên lạc với đồng chí Trần Văn Trà, Nguyễn Văn Vịnh,... củng cố lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài ở các tỉnh Trung Nam Bộ.

Đầu tháng 3-1946, trên đường công tác từ Cai Lậy đến Cái Bè, đồng chí bị giặc bắt. Chúng tra tấn đồng chí hết sức dã man. Không thể khuất phục được người cộng sản kiên cường, đêm ngày 7-3-1946, giặc Pháp hèn hạ thủ tiêu đồng chí ở gò Bà Đội Phận - trong nghĩa địa hoang vắng ở phía đông chợ Cai Lậy.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Văn Khỏe vô cùng phong phú, sinh động, có thể được tái hiện ở các phương diện chính như sau:

1. Ảnh hưởng truyền thống quê hương, gia đình đến sự hình thành tư tưởng cách mạng và nhân cách cộng sản của đồng chí Phan Văn Khỏe

Đồng chí Phan Văn Khỏe sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống yêu nước - quận Cai Lậy. Cai Lậy trải rộng từ bờ bắc sông Tiền đến kinh Hai Hạt, giáp Đồng Tháp Mười. Cai Lậy, là cửa ngõ ra vào Đồng Tháp Mười, có một hệ thống giao thông thủy - bộ xuyên suốt từ sông Cửu Long đến rạch Ba Rài qua kênh 12 vào kinh Nguyễn Văn Tiếp; trên bộ có lộ Đông Dương vắt ngang từ đông sang tây, nối liền Cai Lậy với các thị trấn, thị xã trong tỉnh và các vùng lân cận. Cai Lậy Nam, sông rạch chằng chịt là xứ miệt vườn cây xanh trái ngọt, ngược lại Cai Lậy Bắc là vùng bưng sâu, sình lầy, hiểm trở, gắn liền với căn cứ Đồng Tháp Mười. Các xã từ Tân Phú, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây, Thạnh Phú, Mỹ Thành thì “dãy liền dãy, bưng liền bưng” với đồng rộng mênh mông của Láng Cò, Láng Cát, Lung Tràm Cá Bông, với đưng, bàng bạt ngàn của Tân Hòa Đông, Xóm Than, Cờ Nhiếp, Trại Lòn, tạo thành một vùng đất riêng, một đường nước, một bãi sậy rất thuận lợi cho việc ẩn náu, mai phục của nghĩa sĩ chống quân thù.

Kế thừa truyền thống bất khuất của dân tộc, Cai Lậy là nơi hỗ trợ đắc lực, là hậu cứ cho các cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược của Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Tấn Kiều, Võ Duy Dương; là nơi sinh ra nhiều anh hùng nông dân chống thực dân Pháp xâm lược, như bốn ông: Long, Thận, Rộng, Đước; ông Ong, ông Khả mà tên tuổi đã đi vào lịch sử. Đầu thế kỷ XX, mở màn cho giai đoạn đấu tranh dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, người dân Cai Lậy với lòng yêu nước, tính “cứng cỏi” truyền thống cùng với đặc điểm thuận lợi sẵn có của quê hương bắt gặp tư tưởng cách mạng và tích cực hưởng ứng các cuộc vận động yêu nước, như phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, Duy Tân của Phan Châu Trinh, Minh Tân của Trần Chánh Chiếu, Hội kín của Nguyễn An Ninh,... Đặc biệt là tổ chức tiền thân của Đảng như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cuối cùng là Đảng Cộng sản,...

Nhân dân Cai Lậy sớm tiếp thu tinh hoa mới và xuất hiện những người con tiêu biểu cho thế hệ anh hùng đứng lên chống quân thù như nhóm Lưu Tấn Phát, Phạm Duy Tùng, Phạm Văn Quế, Nguyễn Văn Hiếu ở Cẩm Sơn; nhóm Đoàn Thành Long, Trần Công Lý, Trần Văn An, Thợ Tư, Mười Quen ở Nhị Mỹ, Tân Hội; nhóm Chín Thép, Mười Dân,... ở Tân Phú, nhóm Nguyễn Văn Lộc, Hai Hòa, Kiệm, Trụ... ở Nhị Quý, Mỹ Long và nhóm Phan Văn Khỏe, Nguyễn Thuận Huờn, Hai Thiện, Mười Học, Chín Chót ở Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây.

Được nuôi dưỡng trong môi trường giàu truyền thống yêu nước, bất khuất của quê hương, gia đình, suy nghĩ, tình cảm, nhận thức của đồng chí Phan Văn Khỏe sớm hướng về cách mạng. Được những chiến sĩ cộng sản đàn anh dìu dắt, Phan Văn Khỏe nhanh chóng giác ngộ lý tưởng cách mạng, từ một thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản ưu tú của Đảng ta.

2. Đồng chí Phan Văn Khỏe - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất

Là người tham gia cách mạng vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, khi đất nước chìm sâu trong đêm dài nô lệ, đồng Phan Văn Khỏe cùng với Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho xây dựng cơ sở đảng, khôi phục phong trào cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu của nhân dân, nuôi dưỡng niềm tin vào sự thắng lợi của cách mạng. Đồng chí kết hợp nhuần nhuyễn hai yêu cầu cơ bản trong công tác của một người lãnh đạo là vừa quan tâm những vấn đề chiến lược của cách mạng; vừa chỉ đạo những công việc cụ thể, thiết thực, có hiệu quả.

Những năm 1930 - 1940, cùng với việc đề ra chủ trương xây dựng lực lượng cách mạng từ cơ sở, đồng chí còn trực tiếp lãnh đạo nông dân đấu tranh với địa chủ, giành quyền lợi thiết thực cho nông dân để giữ phong trào cách mạng. Cơ sở đảng và phong trào cách mạng do đồng chí xây dựng phát triển đều khắp tỉnh Mỹ Tho và các tỉnh Nam Kỳ.

Sau khi khôi phục phong trào cách mạng, đồng chí Phan Văn Khỏe góp phần cùng Đảng bộ tỉnh ra sức vận động thành lập Mặt trận dân chủ, tập hợp nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Đồng chí có công lớn trong thực hiện chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng xung quanh Đảng, tiến tới đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân. Trong thời gian bị địch giam cầm ở Côn Đảo, đồng chí luôn thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường của người chiến sĩ cộng sản. Với đức độ và tài năng được rèn luyện trong đấu tranh cách mạng, đồng chí Phan Văn Khỏe có nhiều cống hiến và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho và các tỉnh Nam Kỳ.

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí Phan Văn Khỏe chủ trương chuyển mọi hoạt động của Đảng vào bí mật, đồng thời chỉ đạo cho đảng viên tạm lánh sang địa phương khác chờ thời cơ gây dựng lại phong trào. Giữa năm 1941, trên đường đến tỉnh Bến Tre, đồng chí bị địch bắt, đưa về Cai Lậy. Tại đây, địch nhận ra đồng chí là người lãnh đạo khởi nghĩa nên chúng dùng mọi cực hình tra tấn dã man hòng khuất phục đồng chí nhưng đều thất bại. Đồng chí bị kết án tử hình, sau đó hạ xuống chung thân đày ra nhà tù Côn Đảo.

Trong khi địch khủng bố ác liệt và bệnh tật phát sinh nhiều, chi bộ nhà tù Côn Đảo đặt trọng tâm công tác vào việc cứu tế, đoàn kết, tương trợ giữa các tù nhân, bảo vệ cán bộ của Đảng. Đồng chí Phan Văn Khỏe giúp đỡ, chữa bệnh hoặc tìm thêm thực phẩm bồi dưỡng cho nhiều tù nhân khác. Trong tù, đồng chí góp phần quan trọng cùng tổ chức đảng chỉ đạo cứu tế tù nhân. Đồng chí cùng với nhiều tù nhân tổ chức đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc và tham gia nhiều khóa huấn luyện chính trị bí mật do tổ chức đảng tổ chức với một niềm tin trở về với quê hương, với cách mạng tiếp tục cuộc khởi nghĩa mới.

Quá trình hoạt động, trưởng thành của đồng chí Phan Khỏe gắn liền với những hoạt động tại tỉnh Mỹ Tho. Qua hoạt động của đồng chí, phong trào cách mạng ở quận Cai Lậy lan rộng ra khắp tỉnh Mỹ Tho. Khi ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí có nhiều sáng tạo trong tổ chức và chỉ đạo cách mạng toàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho nổ ra mạnh mẽ và giành thắng lợi. Khi bị địch bắt đày ra Côn Đảo, đồng chí vẫn kiên trung, miệt mài hăng say chiến đấu, học tập để bảo vệ khí tiết người cộng sản, chờ đợi thời cơ trở về với cách mạng.

Những thắng lợi mà nhân dân Mỹ Tho giành được từ khi có Đảng lãnh đạo đều in đậm dấu ấn của một thế hệ những nhà lãnh đạo cách mạng ưu tú, trong đó có đồng chí Phan Văn Khỏe.

3. Đồng chí Phan Văn Khỏe - tấm gương học tập và rèn luyện không ngừng

Ở đồng chí Phan Văn Khỏe có phẩm chất nổi bật là tinh thần học tập và rèn luyện không ngừng. Đồng chí may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa là được học tập ở tuổi niên thiếu, lớn lên hoạt động cách mạng, đồng chí luôn trau dồi kiến thức, tranh thủ mọi điều kiện, ở mọi lúc, mọi nơi để học tập, nhất là học tập, quán triệt chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng nhằm trang bị nhận thức, quan điểm, phương pháp suy nghĩ và xem xét, giải quyết vấn đề cụ thế một cách đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả.

Từ lúc bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến lúc bị kẻ thù thủ tiêu, bằng niềm tin mãnh liệt và nghị lực phi thường, xác định rõ lý tưởng, đồng chí miệt mài học tập, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, từng bước trang bị cho mình những hiểu biết về lý luận chính trị, trở thành người lãnh đạo kết hợp giữa thực tiễn sinh động với lý luận khoa học trong giải quyết đúng vấn đề cơ bản mà phong trào cách mạng đặt ra. Trong cao trào vận động nhân dân tham gia khởi nghĩa năm 1940, Đảng bộ Mỹ Tho vượt qua nhiều trở lực và khó khăn, tạo nên cao trào cách mạng sôi nổi, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Thành công đó có sự cống hiến trí tuệ, sức lực của đồng chí Phan Văn Khỏe.

Đồng chí Phan Văn Khỏe đã thể hiện tư chất của một người cộng sản có quyết tâm và nghị lực lớn, có khả năng phân tích, khái quát, nhận định các vấn đề thực tiễn ở địa phương, là tấm gương mẫu mực trong kết hợp giữa học và hành, lý luận và thực tiễn, học tập để phục vụ cho Đảng và phục vụ Nhân dân.

4. Đồng chí Phan Văn Khỏe - tấm gương trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng

Từ khi tham gia cách mạng đến lúc hy sinh, đồng chí Phan Văn Khỏe luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên lợi ích của bản thân. Vì Đảng, vì dân, đồng chí chấp nhận gian khổ hy sinh, thoát ly tham gia cách mạng. Cũng vì Đảng, vì dân, đồng chí nhiều lần bị địch bắt giam, rồi ra tù lại tiếp tục hoạt động cách mạng, kẻ thù luôn rình rập, đe dọa tính mạng, nhưng đồng chí vẫn không lùi bước, sẵn sàng hy sinh tình riêng và bản thân mình vì sự nghiệp cách mạng.

Đồng chí Phan Văn Khỏe là một tấm gương sáng về sự gắn bó máu thịt với Nhân dân. Bất kỳ ở đâu, giữa những người nông dân nghèo khó, những người công nhân lam lũ, hay giữa tầng lớp trí thức, đồng chí luôn hòa mình cùng với quần chúng, học hỏi và tổ chức, động viên quần chúng tham gia cách mạng. Đồng chí luôn giữ nghiêm chế độ sinh hoạt và kỷ luật của Đảng; tìm mọi cách bảo vệ Đảng, bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc để làm trong sạch tổ chức đảng và đảng viên, đảm bảo cho Đảng thống nhất về tư tưởng, chính trị và tổ chức.

5. Đồng chí Phan Văn Khỏe - tấm gương sáng ngờ đạo đức cách mạng

Các phẩm chất đạo đức cách mạng của đồng chí Phan Văn Khỏe được hình thành, hoàn thiện và phát huy tác dụng thông qua thực tiễn đấu tranh cách mạng. Thực tiễn hoạt động của đồng chí phong phú, đa dạng, bao quát nhiều lĩnh vực: học tập văn hóa, lao động, trực tiếp tham gia và tổ chức đấu tranh, bị tù đày, tham gia kháng chiến và giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng, chính quyền; thực tiễn hoạt động cách mạng ở nhiều tỉnh, thành Nam Kỳ,... Chính thực tiễn cách mạng đó đã tôi luyện đồng chí thành một chiến sĩ cộng sản đầy bản lĩnh: kiên cường, bất khuất với kẻ thù; nhân ái, khoan dung với đồng bào, đồng chí.

Thông qua hoạt động thực tiễn, đồng chí Phan Văn Khi biết bổ sung vào nền móng đạo đức của mình các nhân tố mới, giá trị mới, tích cực và tiến bộ, để tích hợp trong đó một hệ chuẩn giá trị của nền đạo đức mới, vượt lên các hình thái đạo đức đã có từ trước đó.

Một nhân tố quan trọng để hình thành phẩm chất đạo đức của đồng chí Phan Văn Khỏe là năng lực cá nhân. Ngay từ nhỏ, đồng chí đã tỏ rõ trí thông minh, có nhận thức, tư duy và hành động đúng đắn. Các năng lực này đã giúp đồng chí nhìn nhận hiện thực đất nước, thời đại theo một nhãn quan, lăng kính phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Việc gia nhập vào tổ chức yêu nước, học hỏi kinh nghiệm tổ chức đấu tranh, nhận thức về ý nghĩa các sự kiện lịch sử đang dồn dập diễn ra,… đều bắt nguồn từ năng lực chủ quan của bản thân.

Điều kiện lịch sử, xã hội và các phẩm chất vốn có đã xác lập tiền đề để đồng chí Phan Văn Khỏe làm người, làm việc, cống hiến để cuối cùng có một nhân cách đạo đức cách mạng sang ngời: phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đồng chí Phan Văn Khỏe là hiện thân tiêu biểu của lớp chiến sĩ cách mạng hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đồng chí luôn hết lòng, hết sức hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đồng chí có nếp sống chân tình, giản dị, gần gũi đồng bào, đồng chí nên được mọi người yêu thương, kính trọng. Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân đó là phẩm chất cao đẹp, sáng ngời một nhân cách lớn của người cộng sản, nhà lãnh đạo sáng tạo Phan Văn Khỏe.

Sự nghiệp cách mạng và phẩm chất đạo đức của đồng chí Phan Văn Khỏe sẽ mãi là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập và noi theo.

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập227
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm196
  • Hôm nay35,351
  • Tháng hiện tại327,690
  • Tổng lượt truy cập33,913,335
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây