Tết cổ truyền dân tộc - tìm hiểu địa danh vàm Bánh Tét và xóm Bánh Tét

Thứ năm - 01/02/2024 20:58
Vàm Bánh Tét là nơi hội tụ tại thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước) các con kênh Nguyễn Tấn Thành, Cà Dăm, Bà Kỳ ở phía nam; sông Cũ và kênh Nguyễn Văn Tiếp ở phía tây nối sang phía đông đi thẳng xuống xã Phú Mỹ; phía bắc có rất nhiều kênh nhỏ, như kênh Lộ Mới và hàng loạt các kênh có cự ly khoảng 1 km nối nhau gồm: kênh 5, 10, 13, 17, 21, 24,… Chính xác, vàm Bánh Tét nằm tại mũi Dụi, tức chỗ giao nhau giữa kênh Nguyễn Văn Tiếp và kênh/kinh Bà Bèo (1).
Do hình dạng vàm này có nhiều đoạn, khúc, uốn nận như đòn bánh tét, nên dân gian mới gọi là vàm Bánh Tét. Vàm Bánh Tét xưa kia là nơi dừng chân của giới thương hồ theo con đường thủy huyết mạch của kênh Nguyễn Văn Tiếp đi vào Sa Đéc, Cái Bè đến Phú Mỹ qua Long An, tới Sài Gòn. Họ dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống, đợi con nước thuận để di chuyển.

Vàm Bánh Tét có liên quan đến một loại bánh phổ biến ở Nam Bộ: Bánh Tét. Bánh tét gồm có vỏ bánh bằng nếp dẻo, ngâm nước cho mềm và “gút” cho ráo nước, để trong thúng, trộn với tí xíu muối, có khi trộn thêm đậu đen. Nếu là bánh mặn thì nhưn bánh gồm có mỡ heo hoặc thịt ba rọi và hành lá xắt nhuyễn. Nếu là bánh ngọt thì nhân bánh làm bằng đậu xanh đã bỏ vỏ hoặc dừa. Cũng có loại dùng chuối xiêm ướp thêm đường làm nhân. Cũng có loại nhân thập cẩm gồm đủ thứ như: trứng vịt muối, tôm khô, lạp xưởng, đậu phộng, hạt sen…

Gói bánh tét là cả một nghệ thuật đòi hỏi khéo léo hơn tất cả các loại bánh khác. Đầu tiên người ta trải miếng lá chuối to đã phơi héo ra, trải lên lá chuối một ít nếp theo chiều dọc, dài ngắn tuỳ theo nhu cầu, đặt nhưn bánh vào giữa lớp nếp rồi thêm một lớp nếp nữa lên trên. Sau đó người ta khéo léo bao bọc miếng lá chuối lại để cuốn thành hình trụ rồi bẻ hai đầu lá gập lại, lần lượt dùng dây bàng buộc chặt thành nhiều nuộc xung quanh đòn bánh, từ một đầu dần dần đến đầu kia sao cho nuộc sau kẹp được mối của nuộc trước và cứ thế buộc cho đến hết đòn bánh thì các đầu mối dây đã nhiều lên, dày cộm. Người ta sẽ tết các mối dây bàng này lại thành một sợi to vừa để các nuộc liên kết chặt với nhau, vừa để làm dây cột xâu hai đòn bánh lại thành một cặp cho tiện cầm nắm hay treo cất. Yêu cầu của mỗi đòn bánh là vừa phải tròn, vừa phải chặt cứng và nhưn bên trong nằm đúng ở giữa dọc theo chiều dài của đòn bánh.

Bánh tét là bánh truyền thống ở Nam Bộ, dùng để trước hết là cúng ông, bà trong ngày tết (chính vì vậy mà nhiều người cho rằng bánh này vốn gọi là “bánh tết”), tương tự như bánh chưng ở miền Bắc nên được chăm chút rất kĩ lưỡng trong tất cả các khâu. Khi gói xong, bánh được luộc trong nồi nước to khoảng 5 - 7 giờ rồi vớt ra để nguội.

Khi cúng ông, bà ngày tết, bánh tét được cắt ra thành từng khoanh, bày trên dĩa. Khi ăn người ta cầm lên và mở lá chuối ra ở phía trên, ăn xong thì bỏ lá chuối, không sợ dính tay.

Bánh tét có thể để dành đến 5 - 7 ngày mà không sợ hư, nếu được để trong chỗ thoáng mát. Trong những ngày giáp Tết, trời se lạnh, các bà các chị rủ nhau gói bánh tét rất nhộn nhịp, rồi nấu bánh tét có khi suốt đêm. Ngọn lửa đỏ rực trong đêm và hơi nước hừng hực toả ra từ nồi bánh tét giữa cái lạnh cuối năm đã từng trở thành ký ức ấm áp về ngày Tết của biết bao thế hệ ở Tiền Giang nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Hiện nay, ở ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho có xóm Bánh Tét rất nổi tiếng. Xóm nghề này có khoảng vài chục hộ, xuất hiện cách nay hơn 60 năm. Bánh tét ở đây khá đa dạng, bao gồm bánh bốn mùa, bánh lá cẩm 3 màu (nếp nhuộm màu tím lá cẩm, đậu xanh vàng, mỡ heo trắng), bánh ngũ sắc (thêm nếp nhuộm màu xanh lá dứa và màu đỏ trái gấc), bánh nhân đậu ngọt, nhân dừa, nhân chay, nhân chuối,... Mỗi ngày, xóm sản xuất từ 3.000 đến 5.000 đòn bánh tét, dịp Tết Nguyên đán thì nhiều hơn, được tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành Nam Bộ, nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cũng là nơi sản xuất bánh tét ngon được nhiều người biết đến, đó là bánh tét nhân chuối và bánh tét nhân thập cảm của hộ kinh doanh bánh tét Lệ Quyên, số 1776, đường Kênh Rau Đắng, Tổ 9, ấp Mỹ Tường, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao theo Quyết định 3076/QĐUBND, ngày 03/11/2022 của Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập697
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm672
  • Hôm nay66,026
  • Tháng hiện tại1,198,673
  • Tổng lượt truy cập34,784,318
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây