Ý nghĩa chiến lược của Chiến thắng Ấp Bắc (02-01-1963)

Thứ ba - 02/01/2024 03:57
Có được sự chỉ đạo đúng đắn của Ban Thường vụ Trung ương Cục, quân giải phóng miền Nam đã đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch, thu được những thắng lợi to lớn; tiêu biểu nhất là Chiến thắng Ấp Bắc (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang) ngày 02/01/1963.

Trước khi trận đánh diễn ra, bộ đội và du kích đã có sự chuẩn bị chu đáo trong việc đào công sự  và hầm hào chiến đấu; nhất là đã được đả thông về mặt tư tưởng là trong bất kỳ tình huống nào, khi chiến sự  bùng phát, phải kiên quyết bám chặt công sự  để đánh địch xung phong và đánh suốt cả ngày, không được rút lui trong quá trình chiến đấu. Năm phương án đánh bộ binh, xe thiết giáp và trực thăng đã được xây dựng, sẵn sàng chờ địch[1].

Để tấn công vào Ấp Bắc, địch đã huy động lực lượng lớn, bao gồm 3 tiểu đoàn của sư đoàn 7, 1 tiểu đoàn dù thuộc lực lượng tổng trù bị chiến lược của Bộ tổng tham mưu ngụy, 2 đại đội biệt động quân, 4 đại đội bảo an biệt kích, 4 đại đội bảo an, 3 đại đội dân vệ biệt kích, tổng cộng khoảng 2.000 tên; có 13 xe thiết giáp M.113, 20 trực thăng, 2 máy bay ném bom, 6 máy bay khu trục, 4 máy bay trinh sát, 7 máy bay vận tải, 13 tàu chiến, 6 khẩu đại bác 105 ly, 4 khẩu cối 106,7 ly chi viện, dưới sự chỉ huy của đại tá Tư lệnh sư đoàn 7 Bùi Đình Đạm và viên cố vấn Mỹ John Paul Vann; về sau, có thêm thiếu tướng Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật Huỳnh Văn Cao và đại tướng Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ.

Về phía ta, chỉ có 1 đại đội thuộc tiểu đoàn 261 quân khu 8, 1 đại đội thuộc tiểu đoàn 514 tỉnh Mỹ Tho, 1 trung đội bảo vệ công trường của tỉnh,1 trung đội địa phương quân huyện Châu Thành và du kích các xã Tân Phú, Điềm Hy, Tân Hội; trang bị chủ yếu là súng bộ binh, lựu đạn, thủ pháo, chưa có vũ khí chuyên dụng chống máy bay và xe thiết giáp, đạn dược hạn chế; dưới sự chỉ huy chung của tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 261 Võ Văn Điều (Hai Hoàng) và chỉ huy trực tiếp tại trận địa là đại đội trưởng đại đội 1 tiểu đoàn 261 Đặng Minh Nhuận (Đoàn Triết Minh, Nguyễn Bảy, Bảy Đen).

 Như vậy, so sánh lực lượng giữa địch và ta tại Ấp Bắc có sự chênh lệch lớn: “Một tiểu đoàn ghép chủ lực, địa phương, du kích của ta, trang bị kém đã đương đầu với nhiều tiểu đoàn bộ binh chủ lực, bảo an ngụy có các quân binh chủng không quân, thủy quân, pháo binh, cơ giới, trực thăng tham chiến. Một tiểu đoàn trưởng và một đại đội trưởng của ta phải chỉ huy lực lượng ít và kém về trang bị của mình chống lại lực lượng đông gấp hàng chục lần do cấp chỉ huy, nhiều tá, tướng của địch từ tỉnh đến sư đoàn, quân đoàn và Bộ tổng tham mưu ngụy cùng với các cố vấn sừng sỏ của quân đội Mỹ[2].

Ngày 1/1/1963, các đơn vị bộ đội khu và tỉnh đã kể trên tập hợp tại Ấp Bắc để chuẩn bị tấn công ấp chiến lược Giồng Dứa (xã Long Định, huyện Châu Thành). Dò biết hoạt động của quân ta, sáng sớm ngày 02/01/1963, địch mở cuộc càn, mang tên “Đức Thắng 1/63”, đánh vào Ấp Bắc. Chiến trận diễn ra rất ác liệt, bắt đầu từ 5 giờ sáng và kéo dài liên tục đến 20 giờ. Đúng như  bài bản của chiến thuật “trực thăng vận, thiết xa vận”, địch cho pháo binh, máy bay ném bom, bắn phá dọn đường; rồi trực thăng đổ quân có xe thiết giáp đi đầu yểm trợ từ ba mặt thực hiện thế “bủa lưới, bao vây”; và sau đó, đồng loạt tấn công để “phóng lao, hợp điểm” vào Ấp Bắc. Mặc dù vậy, các chiến sĩ của ta vẫn anh dũng và bình tỉnh bám chặt công sự, kiên cường đánh trả từng đợt tiến công điên cuồng của địch. Kết quả, sau một ngày kiên cường chống địch  càn quét, ta đã giành được thắng lợi vang dội: 450 tên, trong đó có 3 cố vấn Mỹ, chết và bị thương; 16  máy bay bị bắn rơi và bị bắn hỏng, 3 chiếc xe thiết giáp M.113 bị bắn cháy và 2 tàu chiến bị bắn hư[3].

Giá trị lớn nhất, có ý nghĩa chiến lược của chiến thắng Ấp Bắc là đã cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam tại hội nghị ngày 7/9/1962 thành một cách đánh có hiệu quả của lực lượng vũ trang cách mạng trong việc đối phó với những chiến thuật “tân kỳ” mà Mỹ thực hiện ở miền Nam Việt Nam. Đó là cách đánh không được phân tán, né tránh địch; mà trụ lại, chuẩn bị công sự vững chắc, bám chặt công sự và không được thoát ly khỏi công sự, nhất là ở những nơi có địa hình trống trải, kiên cường phòng ngự theo phương châm “phòng ngự công sự điểm tựa vòng tròn” để đánh bại địch tấn công theo lối “bủa lưới bao vây”, trên cơ sở đó, khi thời cơ thuận lợi, tích cực phản kích để giành chiến thắng; trong đó, bao gồm luôn cả việc hoàn thiện kỹ - chiến thuật, nhất là cách bắn máy bay trực thăng và xe thiết giáp; cũng như chuẩn bị tốt công tác tư tưởng chiến đấu cho bộ đội và du kích. Địch “bủa lưới, phóng lao” thì ta phải “trụ lại, phá lưới, bẻ lao”. Sau đó, cách đánh của bộ đội ta tại Ấp Bắc đã được nâng lên thành một kinh nghiệm vô cùng quý báu trong việc đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam:

Chính trị, binh vận, vũ trang,
Phối hợp nhịp nhàng, ba mũi giáp công.

Bao vây, bức rút, bức hàng,
Đứng lại đánh càn, giải phóng nông thôn.

Như vậy, Chiến thắng Ấp Bắc đánh dấu “sự chuyển biến về chất của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng[4] và “báo hiệu khả năng đánh thắng những chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và xe tăng, xe thiết giáp của Mỹ - ngụy; đồng thời, nêu bật sức mạnh của lực lượng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang[5]. Chiến thắng Ấp Bắc chứng tỏ “Mỹ thấy không thể thắng ta được  trong chiến tranh đặc biệt[6]Chiến thắng Ấp Bắc đã làm cho lòng tin của quân ngụy vào vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại do Mỹ cung cấp và làm cố vấn bị suy sụp. Từ đó, sức chiến đấu của bọn chúng bị giảm sút nghiêm trọng. Đế quốc Mỹ cũng thấy không thể thắng cách mạng bằng quân sự, đúng như Đảng ta nhận định: “Một điều đặc biệt quan trọng là chúng ta đang làm cho ý chí chiến thắng của địch ngày càng tan rã. Sau chiến thắng Ấp Bắc của ta, đế quốc Mỹ bắt đầu thấy rằng chúng khó thắng được ta. Trong hàng ngũ quân đội đánh thuê và chính quyền tay sai, ngay trong đám cán bộ cao cấp, tư  tưởng thất bại ngày càng lan rộng[7].

Chiến thắng Ấp Bắc là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam. Thượng tướng Trần Văn Trà viết: “Sau trận Ấp Bắc, xe thiết giáp và các loại trực thăng không còn là nỗi kinh hoàng cho mọi người, không còn là bất khả trị nữa. Từng người du kích với khẩu súng trường, từng đơn vị nhỏ với súng liên thanh dám bắn và biết bắn hạ trực thăng theo gương thực tế  của các chiến sĩ Ấp Bắc. Tinh thần không sợ và kỹ thuật diệt địch đã được giải quyết trong hàng ngũ quân giải phóng miền Nam[8]. Sau chiến thắng vang dội này, Trung ương Cục miền Nam phát động cao trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”; và được quân dân miền Nam hưởng ứng nhiệt liệt trong việc đẩy mạnh thế chiến lược tiến công, giành được những thắng lợi ngày càng to lớn trên chiến trường.

Chiến thắng Ấp Bắc mở đường cho việc quân dân ta ở miền Nam tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân cả nước. Quả đúng như Neil Sheehan viết trong quyển Sự lừa dối hào nhoáng: “trận đánh này đã tác động đối với toàn bộ cuộc chiến tranh”[9].
 

[1] Tỉnh đội Mỹ Tho (1963), Báo cáo Tổng kết trận chống càn Ấp Bắc,  ngày 10 - 5 - 1963. Tài liệu lưu trữ tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang.
[2] Trần Văn Trà (1993), Luận về trận Ấp Bắc, Báo Ấp Bắc số đặc biệt kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Ấp Bắc (02/01/1963 - 02/01/1993).
[3] Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang, Lịch sử kháng chiến của quân dân Tiền Giang (1940-1975), NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2008, trang 289.
[4] Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (1995), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954 - 1975), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 244.
[5] Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7 - 1973).
[6] Lê Duẩn (1985), Thư vào Nam, NXB Sự Thật, Hà Nội, trang 69.
[7] Viện Lịch sử Đảng (1985), Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước (tập 1),  NXB Sự Thật, Hà Nội, trang 217.
[8] Trần Văn Trà (1993), Luận về trận Ấp Bắc, Báo Ấp Bắc số đặc biệt kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Ấp Bắc (02/01/1963 - 02/01/1993).
[9] Neil Sheehan (1993), Sự lừa dối hào nhoáng, NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, trang 274.
 

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập177
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm150
  • Hôm nay38,875
  • Tháng hiện tại1,024,954
  • Tổng lượt truy cập34,610,599
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây