Đồng chí Dương Văn Đừng, sinh năm 1944, quê quán xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thường trú tổ 08 ấp Lợi Trinh, xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, có 02 người anh, 01 người em đã hy sinh vì độc lập, tư do Tổ quốc và các chú, cậu của ông cũng tham gia cách mạng. Chính vì vậy, ông đã quyết tâm nối bước những người thân trong gia đình tham gia cách mạng.
Tháng 5-1965, ông tham gia Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, thuộc đơn vị Tiểu đoàn 52 trinh sát, tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp). Lúc này, ông là đảng viên dự bị. Tháng 7-1968, được ông Nguyễn Văn Chính (Chính Đống) là Tiểu đội trưởng phân công ông cùng Khái, Liêm đi nắm bắt tình hình hoạt động của địch ở khu vực Mương Trâu - Đường Tắt, thuộc xã Thiện Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Kiến Phong. Khoảng 4 giờ sáng, ông cùng đồng đội đi đến cơ sở của ta thì bị địch phát hiện, bọn chúng bắn chết 02 đồng chí, còn ông bị bắt đưa lên Khám đường Cao Lãnh. Bị địch tra tấn dã man, nhưng ông quyết một lòng không khai báo. Lúc này, chúng dùng nhiều nhục hình như trấn nước, tra điện đầu ngón tay, đánh đập bằng dùi cui,… đau đớn tưởng chừng như đã chết. Mãi đến tháng 5-1969, chúng đưa ông xuống trại giam Cần Thơ. Tại đây, sau những trận đòn thừa chết, thiếu sống, chúng lại giở trò dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông nhất quyết giữ vững khí tiết, kiên quyết không khai báo. Tháng 7-1969, chúng đưa ông ra nhà tù Phú Quốc. Do bị địch dùng nhiều cực hình tra tấn, nên có lúc ông không đi nổi, bạn tù phải khiêng bằng cáng.
Ông kể rằng, chế độ nhà tù Mỹ - ngụy đối xử cực kỳ vô nhân đạo với các tù binh. Chúng vô cớ đánh người rất tàn bạo, đánh đập bầm dập không có thuốc chữa trị, nhiều người kiệt sức vì sự hà khắc rồi chết nơi lao tù Phú Quốc. Trong khoảng một năm bị tù đày, ông không thể quên những bữa cơm tù lẫn lộn gạo lứt với cát bụi, thức ăn hôi thối không thể tả nổi, khốn khổ chồng chất đau thương. Khẩu phần ăn hàng ngày vốn đã ít ỏi, thiếu chất mà còn bị bọn giám ngục bớt xén làm cho đời sống ngục tù càng cơ cực hơn, nước sinh hoạt thì thiếu thốn, cả tuần mới được tắm một lần,…
Tiếp đó, chúng đưa ông đến Trại A4, lúc này có ông Nguyễn Văn Nhì (Năm Nhì) quê tỉnh Bến Tre, là đảng ủy viên Nhà lao đã thành lập 1 đội cảm tử để tự vệ, đồng thời bí mật tổ chức sinh hoạt tư tưởng chính trị cho anh em tù binh. Đối với ông, bản thân bị địch tra tấn nhiều lần, nghĩ là chết, nhưng rất may là nhờ có sự giúp đỡ, chăm sóc từ bạn tù cũng như sự giáo dục về tư tưởng chính trị của lãnh đạo Đảng ủy Nhà lao và chi bộ các trại giam mà ông đã vượt qua tất cả. Trong nhà giam lầm than của địch, ông và các tù binh luôn luôn giữ vững tinh thần lạc quan, ý chí cách mạng, không bao giờ khuất phục trước kẻ địch hung bạo.
Mỗi ngày chúng tra tấn 2-3 lần, hành hạ dã man tàn ác bằng dùi cui, roi điện. Đánh đập xong, chúng cho tù binh ăn cơm hẩm cá thiu. Sống giữa cảnh ngục tù khốn khó, không đủ chỗ để nằm, đêm lại thường xuyên chịu sự tra tấn của quân địch, nhưng ông và những người chiến sĩ khác vẫn giữ vững khí tiết, nêu cao tinh thần bất khuất, kiên cường. Có lúc để nhằm làm lung lay tư tưởng, ý chí của người tù, chúng dùng lời lẽ xảo trá để thuyết phục. Mặc dù kẻ thù ngon ngọt dụ dỗ hoặc tra tấn dã man, tàn ác, nhưng ông cùng đồng đội vẫn một mực kiên trung, quả cảm, giữ trọn khí tiết con người cách mạng, xứng danh “bộ đội Cụ Hồ”. Sống trong tù, ông cùng đồng đội đã tận dụng thời gian học tập văn hóa, học tập các tài liệu do tổ chức của ta đưa vào. Nhờ đó, trình độ chính trị của những người tù cách mạng được nâng cao.
Ngày 27-01-1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết. Ngày 03-3-1973, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày tại nhà tù Phú Quốc được trao trả ở sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị). Sau đó, ông được Nhà nước quan tâm đưa đi an dưỡng, chăm sóc, điều trị tại Quảng Ninh và gia nhập Tiểu đoàn 652 Quyết thắng. Đến năm 1974, ông được đưa về miền Nam công tác tại đơn vị cũ - Tiểu đoàn 52 trinh sát tỉnh Kiến Phong.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), ông tiếp tục công tác. Đến tháng 11-1975, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông được giải quyết phục viên về địa phương tham gia công tác là Phó Công an xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Năm 1980, ông chuyển về xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang sinh sống, tham gia liên tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Lúc này, ông làm Trưởng Ban Tư pháp xã Mỹ Lợi A, đến năm 2001 làm Bí thư Chi bộ ấp Lợi Trinh. Hiện nay, ông là Trưởng ban Cựu tù kháng chiến của xã Mỹ Lợi A.
Những lời kể của ông Dương Văn Đừng về những đấu tranh với địch trong trại giam Cần Thơ - Phú Quốc của những người tù cách mạng trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhưng luôn giữ khí tiết của người cộng sản. Hôm nay được sống trong cảnh hòa bình, ấm no, hạnh phúc, thế hệ trẻ cần ý thức được trách nhiệm của mình, tiếp bước cha ông để học tập, lao động, sản xuất, công tác tốt, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.
Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).
*Tựa do Ban Biên tập đặt.