Đồng chí Hoàng Long: nửa lời không khai báo

Chủ nhật - 17/09/2023 00:25
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm đã sản sinh cho dân tộc ta biết bao nhiêu người con ưu tú, trong đó có đồng chí Huỳnh Văn Đôi, một người con trung dũng kiên cường của vùng đất Mỹ Lương, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Đồng chí Hoàng Long: nửa lời không khai báo
Đồng chí Huỳnh Văn Đôi (Bảy Đôi) sinh năm 1933, quê quán ấp Lương Lễ, xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đồng chí sinh ra, lớn lên trong gia đình nông dân. Năm 1946, đồng chí tham gia cách mạng với bí danh là Hoàng Long, chức vụ là Đoàn Phó thiếu nhi - nhi đồng xã Mỹ Lương. Trong quá trình hoạt động, đồng chí giữ nhiều chức vụ như: Năm 1963 là Ấp đội trưởng ấp Lương Lễ, xã Mỹ Lương; năm 1964, Tiểu đội trưởng ấp Lương Lễ; tháng 5-1964, được kết nạp vào Đảng; tháng 9-1964, làm Đội trưởng Đội bảo vệ B10 thuộc Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam đóng căn cứ ở mật khu Bời Lời, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; năm 1968, làm Đội trưởng Đội trinh sát  nhiệm vụ dẫn đường bộ đội chủ lực tiến công Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Đồng chí kể, ngày 8-8-1968, Trung đoàn 50 thuộc Sư đoàn 25 của địch càn vào Ấp 5,  An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đây là cứ điểm của cách mạng.  Lúc này, đồng chí Bảy Đôi đã hoàn thành việc đưa các đồng chí cán bộ Trung ương Cục xuống hầm bí mật, gồm 4 đồng chí (3 nam, 1 nữ) và tài liệu, cùng 150 khẩu súng các loại, 400 kíp nổ, 40  thuốc nổ C4. Khi địch tràn vào, đồng chí chuẩn bị rút xuống hầm  mật thì bị địch phát hiện. Đồng chí quyết tử cùng địch để bảo toàn lực lượng cho anh em, cùng  khí  tài liệu dưới hầm. Khi đồng chí vừa rút chốt lựu đạn để hất lên miệng hầm thì bị địch chụp tay lại. 

Bọn chúng lấy được lựu đạn, khẩu súng ngắn súng K54 và đánh đập đồng chí rất dã man để khai thác tại chỗ. Tuy nhiên, đồng chí đã kiên cường chịu đựng, nhất quyết không khai báo hầm bí mật mà các đồng chí cấp trên đang trú ẩn. Sau đó, đồng chí bị địch tiếp tục tra tấn đến nỗi bất tỉnh tại chỗ, bọn chúng kèm đồng chí về và nhốt vào thùng sắt.


Tra tấn lấy lời khai suốt 3 ngày không được gì, chúng đưa đồng chí qua Tiểu khu Long An. Tại đây, chúng tra tấn đồng chí thêm 7 ngày nữa. Đồng chí Bảy Đôi nhớ lại khi ấy và kể: “Chúng điều tra tôi ác ôn lắm, đánh tôi bằng chày vồ, lấy bao bố trùm mặt mũi, căng 2 tay, 2 chân treo ngược tôi lên, một thằng kìm, một thằng đổ nước vào miệng, mũi, tôi không thở được nên ngất xỉu, tụi nó thấy tay tui không còn cựa quậy, nó lấy mảnh bao ra nhồi ngực một lúc tôi tỉnh lại, thở được thì bị đổ nước tiếp. Sau đó, tụi nó dẫn giải tôi xuống hầm tối, không thấy ngày, không thấy đêm, không cho tắm, chỉ cho ăn một ít cơm với muối hột, rồi chúng đem tôi lên phòng điều tra, tra khảo bằng điện, tôi bị điện giật đến chết ngất, bọn chúng lại tạt nước cho tỉnh lại, rồi cho giật điện tiếp,…”.

Không khai thác được gì, chúng lại đưa đồng chí qua Trung tâm Thẩm vấn Việt - Mỹ ở Cần Đốt - Long An tra tấn tàn độc thêm 30 ngày đêm nữa; rồi đưa qua trại giam Long An. Với lòng sắt son, giữ vững khí tiết, một mực không khai báo, tên giám thị ghi lời khai cũng phải thốt lên rằng: “Tôi chưa từng thấy ai can đảm như ông”. Khi đến trại giam tỉnh Long An, tôi được 2 đồng chí Hai Ân và Năm Quốc (Bí thư và Phó Bí thư Chi bộ Phòng giam) chấp nhận cho tôi sinh hoạt chi bộ tại đây.

Tháng 10-1968, địch lại đưa đồng chí lên khám Chí Hòa - Sài Gòn ở khu FG, phòng 3G1. Tại đây, đồng chí và tập thể hát bài hát cách mạng vào dịp Tết, địch bắt anh em tù nhân đưa xuống khu Điện Cảnh còng chân, rồi tra tấn bằng dùi cui, anh em  ngất xỉu, 7 ngày sau mới được đưa lên phòng.

Đến tháng 4-1969, đồng chí bị đưa ra Nhà lao Côn Đảo ở Phòng 16, Trại 3. Được tổ chức Chi bộ Nhà lao Côn Đảo (anh Bảy Lương là Bí thư Chi bộ, anh Bảy Đẹp là Phó Bí thư Chi bộ) phân công làm thư  Chi bộ với nhiệm vụ được giao  viết báo cáo tình hình tin tức giải phóng và thông báo cho các phòng, trại, sở khác. Chi bộ nhờ đồng chí Trường Bông - tỉnh Quảng Nam làm giao liên truyền thông tin đến các phòng, trại, sở. Đồng chí Trường Bông là tù nhân ở chung phòng với đồng chí Bảy Đôi, do không chấp nhận đi quân dịch nên ông bị xử án 3 năm tù. Ông được Ban Quản đốc nhà lao phân đi giấy tờ cho Ban Quản đốc, tranh thủ lòng căm thù đối với chính quyền ngụy, đồng chí Bảy Đôi lôi kéo được đồng chí Trường Bông đứng về phía cách mạng, làm giao liên cho đồng chí Bảy Đôi.

Chi bộ đề ra chủ trương đấu tranh chống chào cờ ngụy để giữ gìn khí tiết người cộng sản. Lấy ý kiến tập thể, được sự đồng lòng của anh em tù nhân, chi bộ lãnh đạo chuẩn bị các mặt để phát động tập thể chống chào cờ địch như: chuẩn bị thuốc, lương khô, cơm khô,… đầy đủ thì phát lệnh “không chào cờ”.

Đồng chí nhớ lại, buổi sáng một ngày của tháng 4-1970, bọn trật tự mở cửa gọi ra chào cờ, anh em tù nhân đồng loạt hô lên: “Chúng tôi không chào cờ”. Bọn trật tự khóa cửa lại và báo lên Ban Quản đốc. Không lâu sau đó, hàng trăm tên an ninh, trật tự cùng Ban Quản đốc, Ban An ninh kéo đến cửa nhà lao. Tên Chín Khương là Đệ nhất Giám đốc, Trưởng ban An ninh chuyên môn số 1 đứng ra nói: “Mấy ông chịu chào cờ thì được ra ngoài ăn đầy đủ, tắm rửa, đến mãn án thả mấy ông, còn chống chào cờ thì bị tra tấn mấy ông cho tới chết không về được với gia đình, tôi cho 2 ngày để suy nghĩ”. Ngày hôm sau, tên Tư Minh - Trưởng Ban Cải huấn Côn Sơn thuyết phục tù chính trị bằng đòn tâm lý: “Mấy anh như cá nằm trên thớt, khôn thì sống, chấp hành nội quy chào cờ, làm thế thì được ăn no, tắm rửa đầy đủ, lao động tốt cho sức khỏe, ai chấp hành tốt nội quy thì cho chấp hành trước án, nếu mấy anh chịu chào cờ, khi nào có đợt thì mấy anh được về trước, thay vì chống chào cờ thì mấy anh giữ gìn sức khỏe cho tốt còn về gặp cha, mẹ, vợ con và đồng đội, chừng đó các anh còn sức khỏe cầm súng, theo giải phóng bắn lại tụi tui ngon hơn không, bây giờ các anh không suy nghĩ lợi hại, bỏ xác tại đất Côn Sơn”. Cứ đến giờ mở cửa, tên Tư Minh lại đến thuyết phục. Trước những lời mị dân này, anh em tù nhân vẫn một lòng sắt son, giữ gìn khí tiết người cách mạng, kiên quyết không chào cờ ngụy.

Đến ngày thứ tư, không thuyết phục được, chúng chuyển sang đàn áp dã man. Ban Quản đốc nhà lao chỉ huy bọn trật tự, an ninh thẳng tay đánh đập tù nhân. Bọn chúng cầm gậy gỗ, dùi cui đập loạn xạ, anh em tù nhân bị vỡ đầu, vỡ mặt, gãy tay, gãy chân, người nhuốm đầy máu. Khi anh em nằm la liệt hết thì bọn chúng mới chịu ra ngoài. Khi tỉnh dậy, đồng chí Bảy Đôi đã bị còng chân, ăn uống tắm ngủ đều tại chỗ. 

 Bọn chúng cho anh em  ăn cơm trộn cát với mắm ruốc kho lờ lợ tanh ói, ăn vào sẽ bị đi ngoài. Mặc dù bị hành hạ đến mức độ cùng cực, nhưng anh em vẫn không nhụt chí, đồng lòng và kiên trì đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Trước mắt  đòi ăn cơm không cát  được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định cho tù nhân. Sau nhiều đợt đấu tranh, tên trưởng trại giam chấp nhận yêu cầu của anh em, từ đó các bữa ăn đã được cải thiện hơn.


Nằm trong mưu đồ xé lẻ lực lượng đấu tranh, địch đưa đồng chí Bảy Đôi qua Trại 2, rồi đến Trại 5. Tại đây, đồng chí cùng anh em tù chính trị tiếp tục đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ: đòi được tắm nắng, đòi được ăn cá tươi,… Bọn chỉ huy cho trật tự đem phân nhà vệ sinh pha lỏng rồi tạt vô phòng giam, không cho nước và cơm 3 ngày. Anh em trong tù cố gắng chịu đựng và hô la phản đối hành động bẩn thỉu của chúng cho các trại lân cận nắm tình hình. Sau 3 ngày 3 đêm, bọn chúng cho anh em tù ra ngoài tắm, anh em lại tiếp tục thông báo rộng cho toàn bộ anh em tù nhân thì bị bọn chúng ngưng lại không cho tắm nữa.

Sau thời gian đấu tranh  Trại 5, chúng đưa đồng chí qua Trại 4. Đồng chí kể, tập thể chúng tôi thống nhất đòi Ban quản đốc trại giam cho anh em xuống nấu cơm. Bọn chúng không chấp thuận, cho bọn trật tự nấu cơm. Khi nấu cơm, bọn này không vo gạo mà trộn cát vào cho chúng tôi ăn. Chúng tôi đòi gặp quản đốc trại giam. Lúc này, tên trung tá Phó, Quản đốc Nhà lao, xuống Trại 4. Tên Mười Ô, trưởng trại giam, dẫn tên này đến gặp tập thể chúng tôi. Tôi đại diện trả lời: “Thưa ông quản đốc, anh em chúng tôi quý ông lắm, nhưng trật tự cho chúng tôi ăn cơm sống, nấu cơm không vo mà còn bỏ cát vào, anh em ăn không được, nhai nghe rạo rạo”. Thấy anh em phản đối, tên Phó hứa: “Được, ngày mai chúng tôi không cho trật tự nấu cơm, anh em được ra ngoài nấu cơm”. Tập thể tù chính trị Trại 4 rất phấn khởi, bầu tôi làm đại diện, đưa lực lượng đến nhà bếp gồm 60 người để nấu cơm, sáng 30 người, chiều 30 người. Sau khi nấu xong, chúng tôi phân công anh em mang cơm, thức ăn và nước đến từng trại giam. Chúng tôi còn bí mật mang nước cơm đến cung cấp cho một số trại khi những trại này tổ chức tuyệt thực chống chào cờ.

Đồng chí Bảy Đôi kể tiếp: Lúc đó, phong trào đấu tranh của tù chính trị dâng lên rất mạnh cộng với dư luận bên ngoài về chế độ đối với tù chính trị đã tác động ít nhiều đối với bọn quản đốc. Cho nên, việc theo dõi, trấn áp, tra tấn của bọn giám thị đối với tù chính trị mới được nới lỏng đôi chút. Được một thời gian, sau khi tên Mười Ô bị 4 sinh viên làm bếp manh động tổ chức sát hại, thì địch tiến hành đàn áp dã man. Bọn chúng cho cảnh sát  chiến, bọn trật tự, lính gác đem xe đến trại lôi từng người lên xe đánh đập, trói lại và giam vào hầm đá.

Chúng đánh
 chết 4 sinh viên ám sát tên Mười Ô, phân tán lực lượng  nhân ra để điều tra. Còn tôi và một số anh em, sau khi bị đánh tơi tả, đều bị còng chân, biệt giam ở khu chuồng bò. Từ đó, sự quản lý, đàn áp của bọn an ninh, trật tự cũng khắt khe, tàn bạo hơn. Sau đó, tôi bị chuyển lên Trại 7, đó là chuồng cọp, 1 người 1 phòng, tôi ở F1G, hàng ngày bị địch hành hạ bằng cách ném vôi bột vào người rồi xối nước lên làm da bị lở loét khiến toàn thân rất đau xót và khó chịu.


Ngày 27-01-1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết. Anh em ở Trại 7 rất phấn khởi. Qua ngày hôm sau, từ buổi sáng, anh em hô to: “Đình chiến độc lập”, “Hoan hô”, “Đình chiến hòa bình”, “Hoan hô” đến tận 2 giờ sáng hôm sau mới ngưng. Mấy ngày sau, bọn chúng cho anh em Trại 7 ăn cơm  tắm. Đến khoảng 15 ngày sau, chúng đưa chúng tôi về Hố Nai (Biên Hòa) chờ trao trả tù binh. Về Hố Nai, chúng không cho ăn cơm, đói quá, chúng tôi đành phải hái đọt cỏ ăn cho đỡ đói. Anh em tù chính trị hô la, đòi trại giam “cho anh em chúng tôi ăn cơm”. Bọn quản đốc trại giam không giải quyết. Sau đó, anh em  nhân tuyên bố: “Không cho anh em chúng tôi ăn thì chúng tôi mổ bụng”. Sáng hôm sau, anh em làm khán đài như sân khấu, 01 anh lên khán đài yêu cầu Quản đốc trại giam “cho anh em ăn cơm”. Anh mặc quần cụt, ở trần, cầm lưỡi lam mổ bụng, anh em tù chính trị liền hô la: “Phản đối giám đốc trại giam bỏ đói chúng tôi”. Bọn giám thị cho y tá đến băng bó vết thương cho người tù can đảm. Địch vẫn chưa chịu giải quyết. Tình hình rất căng thẳng. Lập tức, người tù thứ hai tiếp tục mổ bụng của mình, máu ra đỏ cả người. Lúc đó, bọn quản đốc nhà giam mới hứa cho chúng tôi ăn.

Sau đó, đồng chí được trao trả tại sân bay Lộc Ninh. Trong suốt những năm tháng bị địch đày ải, tra tấn, đồng chí luôn giữ vững lập trường cách mạng và khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân - Nửa lời không khai báo.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).                                                                                                                           
 

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập236
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm200
  • Hôm nay83,210
  • Tháng hiện tại2,022,301
  • Tổng lượt truy cập40,391,677
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây