Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học - quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ nhật - 17/09/2023 00:37
Ngày 13-9-2023 là kỷ niệm tròn 110 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học lớn của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.
Hội thảo khoa học về Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, ngày 12/9/2023 tại Vĩnh Long.
Hội thảo khoa học về Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, ngày 12/9/2023 tại Vĩnh Long.
Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13-9-1913 ở quê ngoại, làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) trong một gia đình nhà giáo, giàu tinh thần yêu nước. Năm 1926, ông Phạm Quang Lễ tốt nghiệp tiểu học hạng ưu, thi đậu vào Trường collège de Mỹ Tho với học bổng toàn phần. Suốt bốn năm học ở Mỹ Tho, ông là học trò xuất sắc, luôn được các thầy cô yêu quý, bạn bè cảm phục.

Năm 1930, ông Phạm Quang Lễ thi đậu vào Trường Trung học đệ nhị cấp Pétrus Ký tại Sài Gòn, nhận được học bổng đến năm 1933. Năm 1933, ông đã thi đỗ thủ khoa cả tú tài Tây và tú tài bản xứ. Đây được xem là một sự kiện quan trọng đối với con đường học tập của ông. Từ năm 1933 - 1935, ông làm việc ở Tòa sứ Mỹ Tho với mong muốn tìm cơ hội đi học nước ngoài nhằm tiếp cận được những kiến thức mới, sưu tầm tư liệu, chế tạo vũ khí để phục vụ cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta.

Tháng 9 năm 1935, ông được Hội Ái hữu của Trường Chasseloup Laubat (nay là Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) cấp học bổng một năm sang Pháp học một lớp dự bị để tham gia thi vào đại học. Do suất học bổng chỉ có một năm nên ông phải ra sức nỗ lực học tập, nung nấu hoài bão làm sao để có kiến thức đầy đủ cho việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo vũ khí để trở về phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bằng tất cả sự cố gắng cao độ, năm 1939, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Cầu đường Paris, ông Phạm Quang Lễ xin vào làm việc trong Công ty Điện khí Thompson và lần lượt xin vào làm việc ở ba hãng chế tạo máy bay dân dụng của Pháp.

Năm 1942, ông chuyển sang Đức làm việc trong nhà máy chế tạo máy bay ở Halle (miền Trung nước Đức). Ngoài ra, ông còn tham gia làm việc cho Viện Nghiên cứu vũ khí, bắt đầu những bước nghiên cứu cơ bản về công nghệ vũ khí của Đức. Tuy nhiên, Chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng ác liệt nên ông quyết định trở lại làm việc ở Pháp.

Tháng 6 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp. Trong những ngày được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phạm Quang Lễ càng hiểu sâu sắc hơn về tài đức của Người. Ông đã trình bày với Người nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khoa học quân sự. Những gì ôm ấp bấy lâu nay, giờ được dịp thổ lộ. Như cá gặp nước, ông lập tức chuẩn bị cho ngày rời Pháp. Tháng 9 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn tùy tùng, trong đó có Phạm Quang Lễ, lên tàu hỏa rời Paris. Sau khi về nước, Phạm Quang Lễ tham gia ngay vào việc tổ chức, chế tạo vũ khí cho quân đội tại núi rừng Việt Bắc.

Ngày 05-12-1946, tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao cho ông làm Cục trưởng Cục Quân giới (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam) (1946-1954) và đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa. Khi đổi tên mới cho ông, Người nói: Làm cách mạng là chấp nhận gian khổ. Công việc Bác giao cho chú là vì Đại Nghĩa, bởi thế Bác đặt tên mới cho chú là Trần Đại Nghĩa. Cái bí danh ấy còn để bảo vệ chú và bà con, gia đình chú ở miền Nam.

Năm 1966, với những cống hiến quan trọng trên lĩnh vực khoa học, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Vận dụng kinh nghiệm tích lũy được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và những kiến thức học được ở nước ngoài, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa và các cộng sự đã ngày đêm mày mò nghiên cứu tìm cách cải tiến thiết bị chống nhiễu cho tên lửa SAM-2. Ông cũng góp phần quan trọng trong việc tìm ra biện pháp phá hủy hệ thống thủy lôi của địch và chế tạo những trang thiết bị đặc biệt cho bộ đội đặc công. Ghi nhận những thành quả nghiên cứu khoa học của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, năm 1996, ông được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (gồm súng bazooka, súng SKZ, đạn bay,…).

Cuộc đời hoạt động cách mạng và cống hiến của ông đã nêu một tấm gương sáng về nghị lực, nhân cách, một lòng vì nước, vì dân, cống hiến hết mình trong lao động, nghiên cứu khoa học. Ông đã từ bỏ cuộc sống sung túc nơi thủ đô Paris hoa lệ, theo Đảng, theo Bác tham gia kháng chiến, cống hiến cả cuộc đời mình cho hòa bình, độc lập và sự phát triển của dân tộc.

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập404
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm356
  • Hôm nay84,175
  • Tháng hiện tại1,723,924
  • Tổng lượt truy cập40,093,300
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây