Người tù chính trị trong nhà lao Côn Đảo

Thứ năm - 30/11/2023 23:25
Đồng chí Đoàn Văn Dư, tên thường dùng là Nguyễn Chí Công (bí danh Minh Tiết), sinh năm 1920 tại xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Xuất thân trong một gia đình bần nông, nhà có anh chị em đông nên học tới lớp ba thì nghỉ học vì gia đình nghèo túng. Đồng chí phụ giúp cha mẹ làm ruộng, làm mướn để kiếm sống qua ngày.
Tháng 7 năm 1937, đồng chí giác ngộ cách mạng, được đồng chí Huỳnh Văn Chính và Huỳnh Văn Sâm ở xã Mỹ Hạnh Đông giới thiệu vào Hội Cứu tế đỏ và Hội Trợ táng. Mặc dù bọn tề làng tăng cường khủng bố bắt bớ, nhưng đồng chí Công và đồng đội vẫn bí mật hội họp, rải truyền đơn, kêu gọi chống bắt lính, đòi giảm thuế,…

Tháng 9 năm 1940, đồng chí Công được kết nạp vào Đảng. Đứng trước Đảng kỳ, ông nắm tay giơ cao “Thề hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng giai cấp cần lao, hy sinh đến giọt máu cuối cùng!”. Sau lễ kết nạp, ông càng tích cực hoạt động cách mạng hơn. Lúc này Đảng đang chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Bọn thực dân đánh hơi được, tên quận Tâm và bọn làng lính tăng cường khủng bố, bắt bớ. Mọi người sống trong tâm trạng phập phồng. Các cơ sở cách mạng đều được báo động. Lệnh khởi nghĩa về trong đêm 22 tháng 11, rất gấp. Rạng sáng ngày 23 tháng 11, ông cùng đoàn quân khởi nghĩa xã Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung chiếm Nhà việc xã Mỹ Hạnh Trung. Tịch thu súng đạn và bao nhiêu giấy tờ sổ sách đều bị đem ra đốt, khói lửa mịt mù. Đoàn quân khởi nghĩa kéo ra tới ranh hai xã Mỹ Hạnh Trung - Tân Bình thì bị tên quận Tâm và bọn lính mã tà đàn áp đẫm máu. Biết đại cuộc không xong, chi bộ xã ra lệnh phân tán.

Sau đó, ông và một số đồng đội bị bắt. Những người bị bắt đều bị trói giải ra quận. Quận Tâm đánh đòn phủ đầu bằng tầm vông và cây dầu vuông. Ông kể: “Hắn lồng lộn như con chó điên. Hắn đích thân tra vấn những người bị bắt. Ngày đêm từ trong dinh quận vang lên tiếng la hét, tiếng kêu rú rùng rợn của những người bị tra tấn khiến ai yếu bóng vía cũng đủ ngất xỉu. Bọn chúng đánh để trả thù hơn là điều tra. Chúng cứ lặp đi lặp lại: Biểu tình đi đầu hả? Phá nhà việc hả? Rượt lính hả? Ký vô đây! Không chịu ký hả? Đánh!”.

Khám quận không đủ chỗ nhốt. Người bị bắt đưa về nhiều quá. Số đông phải trói ké bỏ ngoài hành lang. Bên trong khám, người chen chật như nêm, không khí ngột ngạt. Mùi tanh của máu, mùi của thùng phân trong phòng xông lên nồng nặc. Những người bị đánh nặng, đêm chết kêu lính cũng không mở cửa. Khi chúng giải ông về tới là sắp hết giờ, bọn tra tấn đã mệt. Chúng xô ông ngồi vào một góc, chìa giấy bắt ký tên nhận tội. Ông không chịu ký, hai ba thằng xông lại nghiến răng trèo trẹo, thằng nắm đầu, thằng nắm tay, kiềm viết gạch chữ thập vào bản khai chúng đã điền sẵn. Vậy là xong thẩm vấn.

Sáng hôm sau, chúng giải ông xuống Khám đường Mỹ Tho cùng nhiều người khác. Nhà lao tỉnh cũng nghẹt người. Bọn ác ôn cầm trái lựu đạn đi rảo vòng ngoài, mặt hầm hầm như chính chúng mất của không bằng. Tù ăn cơm với mắm nêm, mắm thối, sền sệt màu đen như màu nước cống, giòi lều bều thấy phát ói. Ăn bốc, ăn xong không có nước rửa tay. Sàn phòng đầy mắm trét, hôi thối, giòi lúc nhúc, bết vào quần áo da thịt ngứa ngáy, khó chịu. Ở đây một tuần mà dài như một năm. Sau đó, chúng đưa ông lên Sài Gòn, vào bót Ca-ti-na làm thủ tục, chúng báo là sẽ gặp nhân chứng. Tưởng ai hóa ra quận Tâm, đội Chí, Chủ Vận - là chủ điền lớn. Dân biểu tình phá lẫm lúa của y, chia thóc cho những người nghèo. Tên này điểm mặt những người bị bắt tố cáo.

Đầu năm 1941, tòa án quân sự đế quốc xử án những người bị bắt trong cuộc khởi nghĩa. Ông bị án mười năm tù, nhốt khám lớn. Những người tù nhẹ nhất cũng 5 năm. Đồng chí Hà Tôn Hiến quê ở xã Long Trung, đồng chí Võ Văn Đặng quê ở xã Tam Bình lãnh án tử hình. Trong thời gian ở khám lớn, ông Trương Văn Bình, hương quản ấp Bà Bèo, bị chúng đánh dập ruột, máu chảy không cầm được nên chết. Lúc này, bệnh ghẻ lan tràn trong tù nhân do chế độ ăn uống mất vệ sinh mà chúng bắt người tù phải chịu. Ông kể: “Ghẻ gì mà mục bằng nắm tay, cứ chảy máu, thịt rứt ra từng miếng tái ngắt, hôi thối nồng nặc. Ghẻ ăn lòi xương trắng hếu, người bị ghẻ sẽ rơi vào tình trạng đi không được, chỉ có lết. Ghẻ phát triển ghê quá, chúng phải cho xe cây hốt tù đưa xuống sở phước biện giao cho các bà phước”.

Một ngày tháng 4 năm 1941, khoảng 6 giờ chiều, xe bít bùng chạy tới đậu trước cửa khám. Tù nhân bị lùa lên xe chở xuống Ô Cấp để đày ra Côn Đảo. Tàu lênh đênh trên biển suốt đêm, mọi người thao thức mãi. Cho tới 8 - 9 giờ sáng, bọn áp giải mở cửa phòng, lính đứng dàn hai bên cầu tàu đảo. Tù nhân bị còng tay, còng chân vào nhau thành từng cặp. Từ tàu xuống xà lan để vào bờ, roi mây đánh bổ trên đầu. Tù nhân kéo nhau chạy, gồng lưng dưới những làn roi quắn thịt, chạy cho mau, chân cẳng líu ríu, chỉ một bước sơ sẩy là té sấp, gãy chân. Tụi lính vừa đánh, vừa nghiến răng trợn mắt: Đánh cho tụi bây biết hung thần Côn Đảo! Những ngày ở đảo, khám cấm cố. Chế độ nhà tù khắc nghiệt. Bữa ăn mười lăm phút, hết giờ lính quơ roi đánh dồn đuổi vào. Đi tắm cả tốp tập hợp quanh giếng, một người xách nước xối ồ qua đầu, xà bông xát nước chưa kịp tan hết đã bị đánh, đầu cổ mình mẩy đầy bọt chạy nhào vào khám. Roi vọt xối lên đầu người tù nhiều hơn cơm bữa.

Gần tới ngày 01 tháng 5, không khí khủng bố ngày càng tăng. Chúng lo sợ theo dõi, rình rập những người tù tay chân bị còng, da xanh mét, bủng beo, gầy yếu, bước một bước là tay chân run rẩy. Chỉ cần chúng nhìn thấy góc nào đó trong khám có 3 - 5 người ngồi sát nhau là chúng báo động, lính đạp cửa xông vào đánh đập túi bụi. Chúng đánh không cần biết người bị đánh là già hay trẻ, đang khỏe mạnh hay đau bệnh, đánh khi nào chỉ còn một đống không ra người chồng chất lên nhau, rũ rượi như những cái xác, không còn một tiếng kêu la, một tiếng rên nữa chúng mới ngừng tay. Đồng chí Công ốm yếu cũng không thoát khỏi đòn roi của chúng, mình mẩy đầu cổ không khi nào lặn hết lằn roi.

Trong bóng tối của đêm tù, những cặp mắt của những người đồng chí tìm nhau, tìm một quyết tâm chung. Mặc cho chúng đánh, đại diện khám vẫn cương quyết đấu tranh, đòi không được đánh đập, đòi cải thiện điều kiện vệ sinh, cải thiện bữa ăn. Những người đại diện là chịu đòn nhiều nhất. Có người bị chúng đánh chết ngay trước mặt tù nhân. Qua những cuộc đấu tranh, tù nhân lần lượt được tổ chức lại. Mỗi khi địch khủng bố, những người khỏe mạnh len ra vòng ngoài đỡ đòn cho những người già, người bệnh. Khám cử ra Ban trật tự, Ban cấp cứu. Mỗi khám bề ngang chỉ 5 mét, dài 10 mét mà chúng giam tới 100 người. Cầu tiêu ngay trong khám. Cơm gạo lứt đầy sạn, cát, khô mục, mốc đắng. Thùng cơm mang về, ruồi bu trên mặt một lớp đen như rắc đậu. Bệnh ghẻ lở, tiêu chảy hoành hành không sao chấm dứt được.

Tù ăn mỗi ngày 200 gam cơm, Ban trật tự thống nhất với tù nhân xếp người ăn yếu, người ăn mạnh cùng mâm hợp lý để nhường nhịn nhau. Từ khi khám chính trị tổ chức được nếp sống tiến bộ, anh em biểu thị đoàn kết thì bọn lính gác, sếp khám đâm ra vị nể. Những người tù đại diện tìm cách tiếp xúc chúng, đặc biệt những người lính Việt để thuyết phục chúng, từ đó, bữa ăn được kéo dài hơn, tắm cũng vậy.

Năm 1942, chúng bắt tù chính trị làm việc nặng nhọc. Lúc đầu đi làm gần, đến giữa năm, chúng đưa đi các sở sản xuất như sở chuồng bò, sở củi, lò vôi, sở cây,… đồng chí Công bị chúng bắt ra làm ở sở đầm. Công việc là gánh đất đắp nền con đường xuyên đảo. Làm được 3 - 4 tháng thì ông bệnh ghẻ và sốt. Ông không còn đi lại, gồng gánh được nữa nên chúng phải đưa vào nhà thương, nằm ba tháng, vết ghẻ lành thì có lệnh gom tù trẻ từ 18 đến 22 tuổi về sở chánh Côn Nôn. Ba tháng sau, chúng đưa ông xuống làm ở nhà bếp và sở tẩy. Ông được gặp anh em cũ, được học chữ và học chính trị. Thầy giáo dạy chữ là một đồng chí trước đây dạy học ở Vĩnh Kim. Bài học vỡ lòng về chính trị cũng do thầy dạy, sau đó anh Tài - người Cần Thơ rồi tới Đào Duy Kỳ. Học chữ thì được học công khai. Học chính trị thì phải rỉ tai, cần ghi cái gì thì rất gọn để kịp thời thủ tiêu. Đồng chí Công được nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản, công tác chi bộ, điều lệ, công tác quần chúng. Thời gian ở đây đã giúp ông có sự hiểu biết sâu về Đảng, về cách mạng vô sản.

Sang năm 1943, sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, số đồng chí bị giam ở Hỏa Lò - Hà Nội, bị an trí ở Sơn La được chúng đưa dần ra Côn Đảo. Đồng chí Công gặp anh Phan Trọng Tuệ, anh Nguyễn Văn Vịnh và một số anh khác sau này giữ những trọng trách trong cuộc kháng chiến ở miền Nam và ở Trung ương. Nhờ các anh mà khám tù được sinh hoạt chương trình Việt Minh và có những chuyển biến mới. Các đồng chí đảng viên liên lạc được với nhau thành lập chi bộ. Thông qua sự giới thiệu của anh Huỳnh Văn Sâm, chi bộ biết ông là đảng viên dự bị, nên được tổ chức kết nạp lại. Từ khi có chi bộ Đảng, các Ban cứu tế, Ban trật tự được củng cố mạnh, đời sống càng được tổ chức chu đáo hơn. Bọn sếp khám bị buộc phải cho tù ăn gạo trắng, bớt khô mục, rau nấu canh được lặt rửa kỹ, người tù bị bệnh được ăn cháo,… Những người tù đi làm các sở ngoài kiếm được gì cũng tìm cách gởi vào. Ngày Tết, tù đã tổ chức được bữa ăn có bún, thịt khá đầy đủ.

Lúc này xảy ra vụ thằng Nhương - gốc là học sinh, vào tù lâu. Nó thường chống lại việc cải thiện cho tù, hay mách lẻo những chuyện kín của tù nhân, cả những chỗ lơi lỏng dễ dãi của gác điêng với sếp khám nên ngay cả bọn gác điêng cũng ghét nó. Chi bộ quyết định phải vô hiệu hóa nó. Đồng chí Hơn - người Rạch Giá và vài đồng chí được phân công việc này. Bữa đó tù đi làm bên ngoài, thằng Nhương về sau cùng (luôn luôn về sau vì ở lại mách lẻo). Phần cơm của nó đã bị ăn hết. Đói và mệt nó giận run. Nó chống nạnh hai tay, phách lối đi tới đi lui, lườm lườm dòm hết người này đến người khác, nó dừng lại cạnh anh Hơn. Anh Hơn đang trừng liếc các anh ngồi cùng đám, làm điệu bộ khiêu khích nó.

Mày, mày ăn hết cơm của tao? Nó rít lên rồi chồm tới, hai bàn tay nổi gân nắm ngực anh Hơn, lắc lắc. Bộ mặt nó ngày thường xấc láo, giờ đỏ tía như gà chọi.

 
Anh Hơn lửng lơ: Tao hổng biết!

Thằng Nhương giận tím mặt. Ỷ thế câu móc với sếp khám, nó phớt lờ với những cặp mắt nẩy lửa của những anh em tù đang theo sát từng cử chỉ của nó. Nó vươn tay nắm cổ anh Hơn, lấy hết sức giật anh ngã lăn trên đất, hầm hè quyết chẹn cổ anh cho chết, anh bị nó vật ngã. Mọi người nhào tới hỗ trợ. Sau đó, bọn gác điêng xông vào giải tán và anh Hơn bị phạt biệt giam ba tháng, ăn cơm lạt. Thằng Nhương đi nằm nhà thương. Ở nhà thương ra, nó tởn, không dám trở về khám cũ. Không khí trong khám nhẹ nhõm hẳn. Thỉnh thoảng ra giếng tắm, gặp những người ở khám cũ, nó cúi gằm mặt rồi lĩnh mất. Lúc này, những chuyển biến chính trị lớn ở đất liền ảnh hưởng đến đảo. Phát xít Nhật đã đặt chân lên Đông Dương. Bọn tay sai lâu nay tận tụy với bọn chủ Pháp bắt đầu hoang mang. Bọn thân Nhật, bọn Quốc dân Đảng bị giam ở đảo ngóc đầu dậy. Những tên sừng sỏ trong số này là Giáo Thảo (chức sắc cao cấp của giáo phái Cao Đài ở Vĩnh Long), kỹ sư Phan Khắc Sửu, Tư Kiệt và cánh họ Đào (Đào Duy Phiên, Đào Duy Vến). Số này chúng nhốt chung khám tù chính trị. Thảo và Sửu thường hay ca ngợi những cuộc tranh cãi về chủ nghĩa. Chúng vừa khiêu khích, vừa mua chuộc ngả theo chúng. Chúng luôn ca ngợi sức mạnh vô địch của Nhật Bản, tán dương thiện chí của người anh em đồng văn, đồng chủng. Anh em tù cộng sản vạch rõ: “Pháp đi như con hổ ra cửa sau, Nhật đến như rước con cọp dữ vào cửa trước, cùng loại ác thú cả”.

Chi bộ bàn cách đối phó với tình hình lúc này. Bọn tay sai Pháp cảm thấy chính quyền thực dân đang lung lay, chúng đang bị bọn thân Nhật uy hiếp, chúng muốn tìm chỗ dựa. Chúng liên lạc với anh em trong tù. Cửa khám được mở toang, anh em tù ra vô thong thả. Nhờ vậy mà anh em ở khám chung thân như anh Phạm Hùng, anh Phan Văn Khỏe được tiếp tế khá hơn trước.

Bọn Nhật ra đảo, đồng thời lúc này từ Sài Gòn, một tiểu đội lính bảo an của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim ra thay thế lực lượng lính Pháp đã bị giải giới. Viên chỉ huy bảo an bắt liên lạc với tù nhân. Tình hình chiến tranh thế giới thứ hai đang phát triển theo chiều hướng không có lợi cho Nhật. Tuy vậy, bọn thân Nhật vẫn tích cực hoạt động. Chúng tổ chức mít tinh, nêu khẩu hiệu độc lập, khối thịnh vượng chung Đông Nam Á, ép tù nhân cộng sản phải đến dự mít tinh. Các tù nhân phản đối quyết liệt, không dự mít tinh, nên chỉ cử đại diện đi, anh Phan Trọng Tuệ dặn dò một số anh em được chi bộ cử đi: “Đi là để xem biết hoạt động của chúng, không chào cờ, không hưởng ứng các khẩu hiệu”. Anh em làm đúng như vậy. Chúng căm tức. Một hôm, anh Phước (sau này là Tư lệnh phó Quân khu 9) đi ra ngoài một mình bị chúng đón đánh.

Thời cuộc chuyển biến mau lẹ, phát xít Đức đầu hàng ở châu Âu. Liên Xô tiêu diệt đội quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu, phát xít Nhật đầu hàng. Chính quyền thân Nhật trên đảo tan rã. Lính bảo an, lính mã tà giao súng cho cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ cao nhất trước Tòa hành chính Côn Đảo. Ban tiếp quản Côn Đảo, đội tự vệ được thành lập. Lúc này, đồng chí Nguyễn Chí Công được chi bộ phân công tham gia đội tự vệ, ở trong tiểu đội của anh Dương Chí Nguyễn - người ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành. Đội tự vệ có trách nhiệm tuần tra, canh gác những yếu điểm trên đảo, bảo vệ an ninh trật tự, đề phòng bọn thân Nhật, thân Pháp phá hoại. Khẩu hiệu vận động đối với mọi người trên đảo lúc này là: “Đoàn kết, tất cả vì Tổ quốc”.

Giải phóng đảo được một tháng thì tàu từ đất liền ra để rước tù nhân Côn Đảo, trong số đó có đồng chí Công, lúc đó khoảng cuối tháng 9 năm 1945.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,099
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm1,065
  • Hôm nay73,169
  • Tháng hiện tại1,205,816
  • Tổng lượt truy cập34,791,461
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây