Theo dân gian, ở vùng này, khoảng năm 1930. có một người Pháp, không rõ họ tên, đến đây khai khẩn đất hoang và thuê một người dân ở địa phương là Nguyễn Văn Núi làm cặp rằn, nên được mọi người gọi là cặp rằn Núi. Cặp Rằn được gọi trại từ Tiếng Pháp: Caporale, có nghĩa là cai hoặc hạ sĩ.
Tại đây, ông chủ người Pháp cho đào một số kênh/kinh nhánh, đắp bờ bao để tháo chua, rửa phèn, dẫn nước ngọt nhằm phục vụ cho việc cấy lúa. Tuy nhiên, chính việc này đã làm cho phèn tiềm tàng dưới lòng đất xì lên ngày càng nhiều, khiến cho việc trồng trọt của ông chủ người Pháp bị thất bại hoàn toàn. Do lỗ lã trong kinh doanh điền đất, ông chủ người Pháp buộc phải bỏ cuộc.
Kênh/Kinh Cặp Rằn Núi là nơi diễn ra chiến thắng oanh liệt đầu tiên của lực lượng vũ trang huyện Cai Lậy vào tháng 01/1946 khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Nam Bộ (tháng 9/1945).
Theo quyển Lịch sử Đảng bộ huyện Cai Lậy (tập 1), lúc đó, có một toán lính commando (biệt kích) Pháp sử dụng ghe tam bản đi từ Mỹ Hạnh Đông (nay thuộc thị xã Cai Lậy) đến cầu Quản Oai (nay thuộc xã Phú Cường, huyện Cai Lậy), ngang qua khu vực kênh/kinh Cặp Rằn Núi. Ta cho người đến giả báo với chúng là tại kênh/kinh Cặp Rằn Núi có một toán cướp quấy nhiễu, cướp bóc người dân lương thiện. Bọn chỉ huy tưởng thật cho lính đến đánh dẹp. Nhân cơ hội đó, ta bí mật tổ chức cho hai tiểu đội vũ trang của huyện tiến hành phục kích. Khi bọn này lọt vào trận địa, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công, làm chết 2 tên, số còn lại hốt hoảng bỏ chạy. Đây là chiến thắng mở màn cho cách đánh du kích và chủ động đánh địch của quân dân huyện Cai Lậy trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.