Sau 39 năm (từ 1972 đến tháng 4 năm 2011) ngày đặt bom thành công ở sân bay Biên Hòa, chú Nguyễn Văn Thôn được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 14-4-2011. Sân bay Biên Hòa là sân bay phản lực lớn nhất miền Nam. Do có tầm chiến lược quan trọng như vậy, sân bay được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Ngày 09-9-1972, một tiếng nổ lớn vang lên trong sân bay, phá hỏng hàng trăm máy bay, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ cho rằng sân bay bị pháo kích. Thật ra, người đặt bom là một nhân viên kỹ thuật sân bay được Ban Binh vận ta cài vào hàng ngũ của địch. Người ấy chính là chú Nguyễn Văn Thôn (Hai Thôn).
Qua lời kể của chú Nguyễn Văn Thôn, sinh ngày 26-10-1949, nguyên quán ấp Bình Long, thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, hiện cư ngụ tại 28/5, Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ góp phần giáo dục cho thanh thiếu niên và nhân dân về truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, không khuất phục trước quân thù.
Chú Nguyễn Văn Thôn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ký ức tuổi thơ của chú là những hình ảnh về quê hương xơ xác vì bom cày, đạn xới. Các chiến sĩ cách mạng kiên cường, bám trụ tại quê hương bị địch bắt, tù đày, tra trấn hết sức dã man,… sống trong môi trường như vậy, chú sớm giác ngộ cách mạng, yêu nước, căm thù giặc sâu sắc.
Anh hùng Nguyễn Văn Thôn tâm sự: “15 tuổi tôi đã tham gia phong trào sinh viên, học sinh ở quê hương để đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”. Những năm 1966-1970, chú Hai Thôn làm công tác an ninh huyện giúp Ban Binh vận Trung ương cục miền Nam chỉ điểm các tên ác ôn để cách mạng tìm cách tiêu diệt chúng. Do có thành tích xuất sắc và có kinh nghiệm trong công tác binh vận nên tháng 02 năm 1971, chú Hai Thôn được bố trí gia nhập quân đội Sài Gòn và được học chuyên môn do các chuyên viên vũ khí Mỹ huấn luyện tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sau 05 tháng huấn luyện, chú Hai Thôn chính thức trở thành binh nhì Không đoàn chiến thuật 23, Sư đoàn 3 không quân làm việc tại sân bay Biên Hòa. Cũng tại đây, chú Hai Thôn nhận được nhiệm vụ cài bom phá hoại kho bom và máy bay địch tại sân bay Biên Hòa. Vào sáng ngày 09-9-1972, chú Hai Thôn lên kế hoạch triệt phá sân bay và các ụ bom đạn của sân bay, thời điểm này bom đạn dự trữ tại các ụ chưa khi nào bằng.
Các ụ hỏa tiễn không dưới 1000 trái. Mỗi xe thớt chở 250 trái bom nên tính tổng cộng các xe cũng phải trên dưới 1.250 trái bom 500 pound (250kg), đang tính kế hành động, vừa may chú Thôn gặp một tài xế quen nhờ lái xe giúp để anh ta về Sài Gòn hú hí. Chú Thôn đồng ý ngay, chú nhét vội ống kem đánh răng Perlon chứa đầy thuốc nổ C4 và kíp nổ vào túi áo rồi lái xe đến ụ bom. Chọn lúc không ai để ý, chú lẩn ra sau ụ bom, nhanh như cắt vặn nắp nhựa trái bom ở hàng cuối cùng, đặt vào đó ống kem đánh răng. Xong, chú rút kíp nổ lấy răng siết nhẹ rồi đặt kíp vào ống kem, các thao tác diễn ra chưa đầy 03 phút. Chú xem đồng hồ thời gian là 8 giờ 03 phút và thở phào nhẹ nhõm rồi tranh thủ lái xe trả lại nhà kho; sau một thời gian, một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên cả thành phố Biên Hòa rung chuyển mất mấy phút. Lửa khói ngùn ngụt bốc lên trong sân bay, cuối cùng chú Hai Thôn đã tiêu diệt và làm bị thương trên 500 tên địch, phần lớn là sĩ quan và bọn lái máy bay, nhân viên kỹ thuật (trong đó có 45 tên Mỹ chết, 39 tên khác bị thương), phá hư trên 200 máy bay các loại, gây thiệt hại nặng các cơ sở kỹ thuật, khu bảo trì máy bay, nhiều tòa cao ốc của Sư đoàn không quân ngụy cùng hệ thống phòng thủ điện tử. Với thành tích đó, năm 1974, Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tặng thưởng chú Nguyễn Văn Thôn Huân chương Thành đồng hạng Nhì.
Cũng trong năm 1972, chú Nguyễn Văn Thôn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay khi còn trong lòng địch tại sân bay Biên Hòa. Hôm ấy được lệnh của cấp trên, chú Hai Thôn ra cơ sở bí mật của Ban Binh vận để bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 02 năm 1974, chú Hai Thôn bị địch bắt, Chú kể: Sau khi bị bắt, chúng đưa tôi giam cầm ở Cục An ninh quân đội của địch, Số 8, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn (từ tháng 02 năm 1974 đến tháng 7 năm 1974), trước là để điều tra, khai thác thông tin, sau đó là để chiêu dụ, mỗi ngày, chúng đều hỏi: “Bây giờ mày còn chống gì nữa, chế độ lương của mày còn đủ”. Tôi trả lời: “Mấy ông kết tội tôi theo Việt cộng rồi thì tôi theo Việt cộng thôi”.
Chúng thấy chẳng khai thác được gì từ chỗ chú nên cứ mỗi ngày sáng, trưa, chiều, tối trong lúc tra trấn, thằng sĩ quan an ninh luôn quát lớn: “Có đánh cho chừa, không có đánh cho có”; ngày 2- 3 lần tra trấn, đánh đập bằng dùi cui, bằng roi điện đến nổi không ngồi được; nhưng ròng rã suốt mấy tháng trời mà bọn chúng cũng không thu thập được gì.
Đến tháng 8 năm 1974, chúng đưa tôi ra Tòa án Mặt trận ở hải quân Bạch Đằng xử và kết tội phản nghịch 10 năm khổ sai, 05 năm biệt xứ, sau đó chuyển chú Hai Thôn sang quân cảnh Tư pháp, giam trong “Conet” (thùng sắt) bỏ đói 02 ngày để làm thủ tục chuyển qua giam ở Khám Chí Hòa. Qua đây gặp thằng Lâm “chín ngón” với thằng Điền Khắc Kim hăm dọa:
“Tụi bây muốn lên phòng điện ảnh hay ở các phòng dưới”, chúng tôi làm thinh, rồi nó đưa lên phòng điện ảnh (ở trên phòng này tối thui và bị bỏ đói).
Chú kể tiếp: Tôi phát động hầu hết các tù nhân la ó, gào thét lên suốt cả tuần lễ rồi chúng mới chuyển tôi xuống khu DE nhốt chung với tập thể tù nhân. Lúc này, tôi đi qua lãnh cơm bên khu FG bắt liên lạc và gặp đồng chí Sáu Thơm (sau năm 1975 là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) trao đổi phối hợp vạch ra kế hoạch đấu tranh trong tù: Tổ chức đối phó các trường hợp bị quân cảnh đàn áp bằng cách mua đèn cầy nấu nước sôi tạt vào bọn chúng.
Đến cuối tháng 8 năm 1974, nhận lệnh cấp trên chỉ đạo kết hợp tù nhân cũ và mới tổ chức kỷ niệm ngày Bác Hồ mất: Làm cờ, băng rôn, trang trí trong phòng và khóa cửa lại, dùng kẽm gai làm vũ khí để chống đàn áp của bọn quân cai ngục.
Khoảng tháng 11 năm 1974, chúng chuyển tôi ra Côn Đảo, khi lên xe thùng đóng kín đi từ Khám Chí Hòa ra Tân Cảng, lúc này trên xe anh em tù nhân đập thùng xe và kêu la “Đả đảo! Đả đảo phản đối đưa tù nhân ra Côn Đảo” chúng đàn áp bằng cách rải vôi bột làm cho anh em tù nhân bị sưng hai con mắt. Cũng trong thời gian này, chúng tôi có chuẩn bị miếng lạt tre để mở còng số 8, đi gần tới bến tàu tên cảnh sát phát hiện chúng tôi đã mở còng hết và kêu chúng tôi bước xuống xe từng người một còng lại (xâu lại) và lôi chúng tôi xuống tàu, vừa đi vừa đánh bằng dùi cui và đưa ra Côn Đảo, đi 02 ngày 01 đêm mới tới nơi.
Khi tới cầu 904 Côn Đảo, chúng bắt tù nhân lên từng cặp, dùng dùi cui, gậy tầm vong đánh dằn mặt “Mẹ mày! Ở đây Côn Đảo chứ không phải đất liền đâu nhe con”, lên xe đưa tôi về trại số 6. Sáng hôm sau, bọn cai ngục kêu tập trung lên hết (có nam, có nữ) và hỏi: “Thằng nào chống chào cờ đứng qua một bên Thằng nào chịu chào cờ đứng qua một bên”.
Tất cả tù nhân chúng tôi không ai chịu chào cờ, sau đó đưa trở về trại số 6 và tách riêng tù nhân nam và nữ. Phòng tôi có khoảng hơn 20 người, chúng không cho ăn uống gì hết, mỗi khi tối đến chúng tôi hô to “Đả đảo! Đả đảo, đòi đem cho cơm ăn, nước uống”, “Chống đàn áp”; khoảng 9 - 10 giờ đêm, bọn cai ngục lấy phân người khuấy lỏng với nước dội vô phòng tôi, mùi hôi thối khó chịu cùng cực kéo dài khoảng một tuần lễ.
Cứ như vậy, chúng không khai thác được gì ở tôi, sau đó chúng chuyển tôi qua trại số 7 nhốt vào trong chuồng cọp, là nơi giam giữ thành phần chống chào cờ. Mỗi chuồng cọp có 4 người, ăn uống, vệ sinh tại chỗ, không có nước tắm, khắp người bị ghẻ lở, ngứa rất khó chịu; khoảng một tuần cho thay phiên đi đổ phân, chúng tôi tranh thủ tìm nước rửa mặt, vệ sinh, tìm rau xanh hay cây cỏ gì đó để ăn,… Mãi cho đến 02 giờ đêm ngày 30-4-1975 và sáng ngày 01-5-1975 được tin giải phóng Sài Gòn, anh em tù nhân ở khu E tự phá khám, rồi mở các phòng còn lại cho anh em tù nhân thoát ra ngoài. Nhanh chóng, Bộ Chỉ huy trong tù tiếp quản Côn Đảo, có một số anh em trong tù biết tôi có chuyên môn về không quân nên mời tôi lên trao đổi và phân công tôi cùng với các anh em trong trại đi đến tiếp quản Phi trường Cỏ Ống ở Côn Đảo. Khi đến đó Địa phương quân bàn giao vũ khí và tôi được phân công kiểm tra vũ khí, máy bay và bắt đầu tiếp quản nơi này.
Đến ngày 18-5-1975, sau hơn một năm bị giam cầm, ngày giải phóng, chú Hai Thôn được trở về đất liền trên chuyến tàu thứ 3 của Thành ủy Sài Gòn. Có thể nói chú Hai Thôn đã bước vào trận đấu với những thử thách quyết liệt. Suốt trong những năm tháng bị giam giữ, tù đày, chú đã phải nếm trải các đòn dụ dỗ và tra trấn hết sức dã man của địch. Nhưng chú đã một mực không khai báo, giữ tròn khí tiết của một chiến sĩ cộng sản để rồi ngẩng cao đầu cùng các đồng chí của mình xuống tàu trở về với cách mạng, với mẹ hiền sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Từ tháng 5 năm 1975 đến năm 2009, chú tham gia công tác ở nhiều đơn vị khác nhau, nhưng ở nhiệm vụ nào chú cũng nêu cao ý thức là Bộ đội Cụ Hồ, phấn đấu không biết mệt mỏi để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được phân công.
Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).