Ký ức về Trung tá - Bác sĩ Phan Ngọc Trầm

Thứ hai - 24/07/2023 00:14
Trong ký ức của nhiều đồng đội, Trung tá - Bác sỹ Phan Ngọc Trầm để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều thành tích cứu chữa thương, bệnh binh trong thời chiến, không thể xoá nhoà… Trong vòng 10 năm ( 1965-1975) bản thân Bác sĩ Trầm thực hiện hơn 500 ca phẩu thuật thành công!
Bác sỹ Phan Ngọc Trầm sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đông Hoà, Châu Thành, Tiền Giang. Ông sinh năm 1932, thương binh hạng 2/4, được Đảng trao tặng huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Sau khi học hết lớp nhì ở Vĩnh Kim, năm 1947 nghỉ học, ông tình nguyện thoát ly tham gia cách mạng chống Pháp rồi chống Mỹ. Bước vào binh nghiệp, ông chọn nghề y tá quân y, rồi dần trưởng thành ở chiến trường Mỹ Tho đúng thời điểm chiến tranh đang khốc liệt với muôn vàn khó khăn, thách thức nơi chiến trường. Năm 1960, là cán bộ quân y huyện Châu Thành; Tháng 12 năm 1961 trưởng đội bào chế Filatov quân y tỉnh Mỹ Tho, đóng quân ở kinh Nguyễn Văn Tiếp (Cống Đình), rồi chuyển về Tân Hoà Đông.

Tình hình chiến trường Mỹ Tho càng ác liệt, Quân y tỉnh Mỹ Tho phải dời về Cà Dâm (Cống Bà Kỳ). Tháng 11 năm 1965, ông phụ trách đội quân y dã chiến phục vụ trận đánh của tiểu đoàn 261 và tiểu đoàn 263 vào sân bay Thân Cữu Nghĩa, huyện Châu Thành. Sau đó, trưởng trạm xá II, ở địa bàn Hậu Mỹ (Cái Bè); Năm 1972, phụ trách đội phẩu thuật Tiền phương; phục vụ chiến dịch mở mãn Chợ Gạo năm 1975, sau là Chính trị viên tiểu đoàn quân y chiến trường biên giới Tây Nam. Trải qua hàng loạt các chiến dịch lớn như: Xuân Mậu Thân năm 1968, chiến dịch ABC (QK8), Mùa Hè năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tại vùng Bắc Cai Lậy, Bắc Cái Bè, Vùng 20 tháng 7, Đường 4, Đập Ông Tải, Căn cứ Thẻ 23 (Cái Bè), Kinh Xáng Nguyễn Tấn Thành và nhiều trận đánh lớn, nhỏ tại Mỹ Tho, Chợ Gạo, Bình Đức, Đồng Tâm…Ông đã cùng đồng đội bám sát chiến trường, khắc phục mọi khó khăn gian khổ ác liệt, tận tình cứu chữa thương, bệnh binh. Quân y do Trung tá - bác sỹ Trầm chỉ huy ngoài nhiệm vụ chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho anh, em thương, bệnh binh để nhanh chóng trả quân số phục vụ chiến đấu còn được Ban Chỉ huy tỉnh đội Mỹ Tho lúc bấy giờ giao nhiệm vụ đào tạo cấp tốc các lớp cứu thương, y tá để bổ sung về các đơn vị đang thiếu y tá ở tiểu đoàn và y tá đại đội, bộ đội địa phương các huyện. Bác sỹ Trầm cùng với Ban Chỉ huy quân y Mỹ Tho đã trực tiếp hướng dẫn, bồi dưỡng nhiều chiến sĩ y tá là các anh em tân binh mới vào để bổ sung đội ngũ, đáp ứng yêu cầu phục vụ chiến đấu.

Trong cuốn Hồi ký, ông Trầm có kể lại: Trong suốt 10 năm (1965-1975) lăn lộn trên khắp chiến trường Mỹ Tho, ông đã trực tiếp thực hiện trên 500 ca phẩu thuật (trong đó có khoản 250 ca bụng) cứu sống hàng trăm thương, bệnh binh, phần lớn anh em thương, bệnh binh trở về tiếp tục chiến đấu. Ngoài công tác chuyên môn, ông Trầm còn chỉ huy cán bộ y tá, bảo vệ bệnh xá kiên cường chiến đấu bảo vệ thương, bệnh binh. Riêng ở chiến trường Cái Bè, Bệnh xá II của ông đã bắn rơi 3 chiếc trực thăng chiến đấu, diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch. Là người trực tiếp tham gia đảm bảo quân y cho tỉnh Mỹ Tho trong các chiến dịch và các trận đánh lớn, nhỏ; việc chỉ huy, bố trí các đội điều trị hợp lý luôn là bài toán khó đặt ra để làm sao vừa bám sát, vừa đảm bảo an toàn, khi sơ cứu xong thì thương binh nhẹ có thể trở lại đơn vị chiến đấu tiếp, thương binh nặng được sơ cứu ban đầu và chuyển về tuyến sau điều trị kịp thời luôn là vấn đề hóc búa.

Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, khi hệ thống tổ chức lực lượng quân y cho toàn tỉnh điều kiện chiến tranh chưa đáp ứng đủ, nhất là y tá, y sĩ còn thiếu, mất cân đối trên các tuyến, không quản mưa bom, bão đạn, bác sĩ Trầm luôn bám sát chiến trường, bám sát bộ đội chiến đấu khắc phục mọi khó khăn gian khổ ác liệt, tận tình cứu chữa thương, bệnh binh. Có những thời điểm các tiểu đoàn 514C, tiểu đoàn 2009 B, các đại đội độc lập… liên tục chiến đấu nên thương vong cao, có thời điểm hàng trăm ca, như: trên chiến trường Hậu Mỹ, Mỹ Thiện, Mỹ Trung, Mỹ Phú (Cái Bè), Hội Cư, Thạnh Phú, Mỹ Thành; Trạm xá đã thu dung hơn 70 thương binh. Lúc này đội phẫu thuật chỉ có một mình bác sĩ Trầm nên phải thường xuyên đứng mổ liên tục nhiều giờ liền vì ngưng tay là bộ đội có nguy cơ tử vong. Vì vậy, nhiều đồng nghiệp khuyên ông giành chút thời gian nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn cố gắng đứng mổ “Còn sức, còn đứng để mổ cứu thương binh ngay để kịp thời chuyển tuyến sau điều trị tiếp”, đó là câu nói của bác sĩ Trầm mà đồng đội luôn khắc ghi. Ngoài ra, Bác sỹ Trầm đã dành nhiều công sức vào việc xây dựng các báo cáo, các công trình nghiên cứu tổng kết quân y.

Qua công tác nghiên cứu tổng kết, ông đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý, để nâng lên thành các phương châm, nguyên tắc chỉ đạo của Quân y tỉnh, góp phần vào việc hình thành nghệ thuật chỉ huy quân y của ngành. Công tác tổ chức bảo đảm quân y trong chiến dịch với mục tiêu chăm sóc liên tục người bị thương từ khi bị thương đến khi khôi phục hoàn toàn được triển khai nhịp nhàng trong một dây chuyền liên kết, đặt dưới trách nhiệm của ngành quân y. Sau này, Bác sỹ Trầm được Ban Chỉ huy tỉnh đội Mỹ Tho điều động về giữ chức Chính trị viên tiểu đoàn quân y tỉnh. Với kinh nghiệm tích luỹ trong chiến trường, ông đã cùng với các đồng nghiệp tập trung giải quyết các loại di chứng vết thương cho thương binh, bệnh binh, tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung nâng cao chất lượng phục vụ bộ đội, nhân dân, bảo đảm quân y kịp thời cho các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và các nhiệm vụ đột xuất khác.

Đề tài nghiên cứu từ thực tiễn điều trị thương, bịnh binh và nhân dân trong chiến tranh mà ông có sáng kiến, được ngành quân y tỉnh nhà công nhận, đơn cử như: Cắt cụt cổ chân kiểu Pirogob, nghĩa là cắt bỏ bàn chân, lấy gót chân lật ngược lên khâu kín lại, sau sẽ đi bằng gót; Trong điều kiện chiến tranh ác liệt thiếu dịch truyền dùng nước dừa thay dịch truyền đạt hiệu quả tốt kịp thời phục vụ chữa trị thương binh; Sử dụng mật ong hoang dả băng vết thương thay thế bột kháng sinh kết quả tốt, tiết kiệm được chí phí; Xử lý nhiều vết thương tạng đặc (gan, thận, lách) vỡ to, nhét mạc nối, catgut, spongenè vào khâu kín thành công; Xử lý vết thương mạch máu lớn (động mạch cảnh, động mạch đùi, động mạch mông) với phương pháp khâu, thắt thành công và khâu, vá dạ dày mặt trước, sau và cắt 1-2 mét ruột non bỏ, khâu nối thành công… "Ngay cả khi là người lính quân y phục vụ chiến đấu trên các chiến trường hay khi đã trở về công tác tại cơ quan chính trị BCH Quân sự tỉnh, rồi Sư đoàn 8 (QK8), ông vẫn luôn tự hào là mình đã có một phần đóng góp vào thành tích chung của tỉnh Tiền Giang và đóng góp vào chiến thắng chung của quê hương. Tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu của cha mẹ, những người khoác trên mình bộ quân phục của người lính Cụ Hồ đã có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của quê hương đất nước".

Được biết, với thành tích trên, hiện nay Ủy Ban nhân dân và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã và đang làm thủ tục đề nghị Nhà nước tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung tá - bác sĩ Phan Ngọc Trầm.

Lê Hồng Lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập391
  • Máy chủ tìm kiếm59
  • Khách viếng thăm332
  • Hôm nay47,956
  • Tháng hiện tại1,687,705
  • Tổng lượt truy cập40,057,081
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây