Cuộc chiến đấu thầm lặng của người đảng viên hoạt động bí mật trong hàng ngũ địch

Thứ ba - 22/08/2023 06:15
Trở về với cuộc sống hôm nay, một trong những cựu tù kháng chiến đã nêu cao khí phách không khuất phục những đòn tra tấn dã man của quân thù, đó là ông Nguyễn Văn Gấm, sinh năm 1940 (bí danh Nguyễn Công Băng). Hiện cư ngụ ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ông là con thứ 5 trong một gia đình bần nông, đông con, có truyền thống cách mạng. Chứng kiến sự tàn ác dã man của kẻ thù đối với nhân dân trên quê hương, đặc biệt là chị của ông bị địch sát hại dã man khi đang làm nhiệm vụ trong lực lượng du kích xã. Ông được cán bộ cách mạng dìu dắt và tuyên truyền khi ông học hết lớp 3 trường làng. Ông tham gia công tác và được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) của xã. Tháng 6-1964 ông vào lực lượng du kích xã Hậu Mỹ, nay là xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè.
Cuộc chiến đấu thầm lặng của người đảng viên hoạt động bí mật trong hàng ngũ địch
Tháng 9-1968, gia đình ông tạm cư ngụ ở Kênh số 12, thuộc ấp 12, xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Kiến Tường (nay là thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An). Tại đây, ông bị chủ ấp bắt buộc phải làm nhiệm vụ canh gác phòng vệ dân sự, rồi bị buộc tham gia lực lượng phòng vệ dân sự của ấp. Cũng từ đó, ông được ông Lê Văn Thiên (Ba Thiên) tổ chức cài cắm vào lực lượng phòng vệ dân sự của địch nơi cư trú.

Ngày 19-01-1969, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Lúc 0 giờ ngày 02-01-1972, được lệnh của tổ chức do ông Lê Văn Thiên chỉ đạo, ông kết hợp lực lượng bên ngoài thực hiện công tác giải tán lực lượng phòng vệ dân sự ấp 12, xã Tân Lập, tiêu diệt các tên ác ôn. Trận chiến diễn ra khoảng 20 phút. Kết quả ta tiêu diệt 3 tên ác ôn, thu 12 súng, trong đó có 2 súng ngắn. Những tên còn lại bị ta bắt. Tuy nhiên, trong trận chiến trên ông bị thương, gia đình đưa đi bệnh viện Mộc Hóa chữa trị.

Lúc 9 giờ ngày hôm sau, tại bệnh viện Mộc Hóa, ông bị bọn An ninh theo dõi và giữ tại chỗ. Việc điều trị vết thương và chăm sóc của gia đình đều đặt dưới sự kiểm soát của chúng. Cho đến khi vết thương tạm lành, khoảng 8 giờ ngày 26-01-1972 tại khoa ngoại, Bệnh viện Mộc Hóa, chúng bắt đưa ông về Ban 2 thuộc Tiểu khu tỉnh Kiến Tường để điều tra.

Từ dụ dỗ đến tra tấn

Bọn cảnh sát đặc biệt tổ chức điều tra, hỏi cung ông với nhiều hình thức từ dụ dỗ đến đe dọa và tra tấn bằng nhiều hình thức độc ác. Chúng hỏi chặn đầu, chặn đuôi, với các câu như: có người chiêu hồi khai hết về tình hình móc nối hoạt động của ông rồi, đừng hòng qua mặt, ông khai thật đi, gian dối sẽ bị tra tấn. Bản thân ông thừa biết những chiêu trò gian xảo và thủ đoạn độc ác của chúng, với cách trả lời khôn khéo, trước sau như một, bọn giặc không thể khai thác được gì từ ông. Rồi chúng chuyển sang hình thức dụ dỗ khác, rằng nếu khai thật và chỉ điểm người tổ chức thì được tha thứ, được hưởng nhiều lợi ích từ chức tước đến vật chất và giàu có; ngược lại ngoan cố sẽ bị tra tấn đến chết hoặc toàn thân bại liệt, sống như đã chết, mà gia đình vợ con còn bị liên lụy,... Trước những lời dụ dỗ, hăm dọa của địch, ông dứt khoát chỉ khai rằng không có ai chỉ đạo và móc nối. Đồng thời, đưa ra những câu tranh luận hết sức khôn ngoan rằng: nếu như ông làm cộng sự cho cách mạng sao lại bị thương; trách rằng ông làm phòng vệ dân sự cho quốc gia khi bị thương lại không được chữa trị, mà còn vu khống cho ông. Nói đến đây, chúng tức giận và bảo rằng ông ngoan cố thì sẽ cho ông chết.

Tên hỏi cung bỏ đi. Một tên khác đến chuyển ông qua phòng điều tra. Tại đây, chúng sử dụng nhiều lời đe dọa ông. Một tên trông dữ tợn chỉ vào vách tường ở đó có đủ thứ dụng cụ tra tấn như roi da, roi mây, roi điện và dây, kềm, búa, côn, ba trắc,... rồi nói rằng: “Mày sẽ nếm qua các món này, chịu được không?”. Tên đó lại hỏi: “Mày có tiền không?”. Ông trả lời: “Nếu cho vợ tôi đến sẽ có”. Tên đó bảo: “Mày nói dối”, vừa dứt lời thì hắn đấm đá và dùng các vật treo trên tường đánh liên tục vào người ông. Lúc bấy giờ, ông bất tỉnh hoàn toàn. Khi tỉnh lại, tên vừa tra tấn ông liên tục chửi và nói: “Làm gì khi ở Hậu Mỹ mà mày không tham gia cộng sản”. Ông trả lời: “Ở Hậu Mỹ, tôi làm dân chỉ biết lo làm mướn kiếm sống và khi đến đây cũng vậy, lúc đầu các ông bắt tôi đi canh gác rồi đưa vào phòng vệ dân sự chứ tôi có biết gì đâu!”.

Tiếp tục điều tra, chúng hỏi “Ai chỉ huy bọn mày, có mấy thằng, hiện ở đâu, hình thức hoạt động ra sao và thường xuyên móc nối với ai, mày khai thật sẽ được tự do”. Ông vẫn khai như cũ. Sau đó chúng dùng kẹp điện vào dái tai của ông làm cho ông bất tỉnh, tỉnh lại chúng tiếp tục tra điện nhiều lần nữa. Lần này, chúng nói: “Mày là cộng sản chuyển vùng hoạt động, là cộng sản nằm vùng, mày sẽ chết nếu không thành thật khai báo”. Nhưng ông vẫn khai như cũ.

Hai ngày sau, lúc 10 giờ ngày 28-01-1972, chúng đưa ông vào Phòng số 08, trại giam tù chính trị tỉnh Kiến Tường. Trại giam có 26 người, tại đây ông được các tù chính trị quan tâm thăm hỏi và chăm sóc các vết thương. Ông nhớ sâu sắc nhất là khi gặp ông Tư Tất, đảng viên, Xã đội trưởng xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Tại đây, ông Tư Tất là người quan tâm thăm hỏi và động viên về mọi mặt rất chân tình: “Sao chú bị bắt vào đây?”. Ông trả lời: “Tôi là phòng vệ dân sự, sau khi đội phòng vệ dân sự bị đánh, tui bị thương, chúng tình nghi tôi là nội gián, rồi cho người điều tra, xét hỏi và đưa vào đây”. Ông Tư Tất động viên là vào khám chúng không đánh nữa và sẽ được các bạn tù an ủi động viên. Từ đó, ông cảm thấy yên tâm hơn.

Về nơi giam giữ ông, đó là nơi có môi trường ẩm thấp, chật hẹp, có nhiều ruồi, muỗi, kiến, rệp, gián, chuột,... vệ sinh thì cả phòng chỉ có một cái tĩn để đi tiểu đến sáng mới đổ. Khi nằm thì phải nằm nghiêng mới đủ chỗ. Chế độ ăn uống vô cùng thiếu thốn, ngày 2 bữa, mỗi bữa ăn chỉ có một chén cơm bằng gạo lức ẩm, mốc; thức ăn là chút muối và một ít cá hoặc thịt vụn. Mỗi ngày một người chỉ có một lon ghi-gô (khoảng1 lít) nước để sử dụng, còn tắm thì 3 ngày mới có một lần, nước cũng ít.

Đấu tranh trong tù và bị đàn áp

Khoảng 9 giờ ngày 02-5-1972, ông Tư Tất là đảng viên thuộc chi bộ nhà lao, sau khi tìm hiểu mọi người ở trong trại giam phần lớn là người mà bọn chúng không khai thác được gì, nên bàn bạc cùng các tù nhân do bị áp bức quá mức nên anh em bức xúc quyết định đấu tranh đòi quyền lợi. Chọn thời điểm thích hợp và động viên nhau trong phòng giam, ông Tư Tất làm tốt công tác tư tưởng của từng người, chọn cách đấu tranh là đồng loạt yêu cầu gặp ban giám thị nhà tù, nêu lên yêu cầu đòi quyền lợi cho tù nhân chính trị.

Vào lúc 9 giờ, ngày 10-6-1972, ở Phòng số 8 có khoảng 30 người đồng loạt hô to trong thời gian 5 phút: “Yêu cầu gặp ban giám thị, yêu cầu gặp ban giám thị”. Trước tình hình đó, các tên trong Ban trật tự do địch lập ra cũng hô to: “Trật tự, yêu cầu trật tự, trật tự”. Nhưng anh em tù chính trị cứ hô to. Cả hai bên đều hô to. Đến khoảng 10 phút sau, có một tên trong Ban trật tự bảo rằng yêu cầu của anh em không được đáp ứng.

Khoảng 8 giờ, ngày 12-6-1972, chúng cho gia đình đến thăm. Từ đây anh em biết tình hình chiến sự bên ngoài là ta thắng lớn, quân giải phóng đã giải phóng nhiều đồn bót địch, vùng giải phóng mở rộng. Biết được tình hình bên ngoài, anh em tù chính trị rất phấn khởi; sẵn tinh thần này, ông Tư Tất ra hiệu tất cả ra ngoài hàng rào và hô to: “Trả tự do, trả tự do”, lập tức các anh em đồng loạt hô to “Trả tự do, trả tự do”. Khẩu hiệu hô to lần này lấn át khẩu hiệu yêu cầu trật tự của Ban trật tự; nên chúng phải dùng loa phóng thanh yêu cầu trật tự. Thời gian kéo dài 20 phút cả hai bên tạm yên.

Bị đàn áp

30 phút sau, khoảng 8 tên nét mặt hung tợn la hét rất to, chửi thề inh ỏi, hăm dọa: “Tao sẽ bắn tụi bây vỡ sọ hết”. Sau đó, tên giám thị Tư Ống Điếu đến tra hỏi: “Ai là người chỉ huy tụi mày?”. Ông Tư Tất lập tức hô to: “Chúng tôi không có người chỉ huy, chúng tôi không có tội, yêu cầu trả tự do”.
Đến sáng ngày hôm sau, chúng lôi 5 tù nhân lên điều tra đánh đập và tra điện hòng tìm ra người chỉ huy, nhưng với sự dũng cảm, mưu trí, tinh thần kiên cường, bất khuất, anh em quyết một mực không khai báo, cuối cùng chúng phải để 5 người bị điều tra về trại. Qua cuộc đấu tranh, tinh thần anh em vô cùng phấn khởi. Đang lúc trò chuyện, tên Tư Ống Điếu đến tận trại và nói: “Tất cả hãy bình tĩnh, về yêu cầu của anh em để tôi báo về tỉnh xin ý kiến”. Thế là, anh em tù chính trị yêu cầu: “Trong khi chờ đợi ý kiến cấp trên của các ông, phải cải thiện đời sống anh em”; rồi đồng loạt hô to: “Phải cải thiện bữa ăn và tăng phần ăn, nước uống cho tù nhân và cho tắm mỗi ngày”. Tên Tư Ống Điếu hứa sẽ xem xét. Đến ngày hôm sau, chúng cho tăng khẩu phần ăn cũng như nước được tăng gấp đôi. Qua đợt đấu tranh, tinh thần của anh em phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chi bộ nhà lao. Đến 10 giờ, ngày 13-10-1972, ông và 4 người khác được “trả tự do”. Hiện nay, ông là hội viên Hội Cựu chiến binh, thương binh 4/4.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975.

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập692
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm667
  • Hôm nay53,715
  • Tháng hiện tại1,186,362
  • Tổng lượt truy cập34,772,007
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây