Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há

Thứ tư - 12/07/2023 05:35
Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh năm 1911 tại làng Điều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).
Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há.
Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há.
Thuở nhỏ, bà đã sớm bộc lộ năng khiếu ca hát. Năm 1924, lúc mới 13 tuổi, do gia cảnh khó khăn, nên bà phải xin làm nhân công trong một xưởng sản xuất gạch. Tại đây, bà được các nhân công làm thay phần việc của mình, đổi lại bà phải hát cho mọi người nghe. Cũng trong năm này, bà được ông bầu gánh cải lương Tái Đồng Ban mời về hát đào chánh với nghệ danh Phùng Há. Tại đây, bà được thầy tuồng (đạo diễn kiêm soạn giả) Nguyễn Công Mạnh, nghệ sĩ Năm Châu (Nghệ sĩ Nhân dân/NSND Nguyễn Thành Châu) và nhạc sĩ Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung) hết lòng hướng dẫn, dìu dắt nên khả năng ca diễn ngày càng tiến bộ.

Vai diễn đầu tiên đánh dấu cuộc đời hoạt động nghệ thuật của bà là vai Giả Thị trong vở cải lương Hoàng Phi Hổ quy Châu của Nguyễn Công Mạnh. Vai  đào chánh đầu tiên mà bà đảm nhận là Thúy Kiều trong vở Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản. Sau đó, bà đóng vai đào chánh trong các vở Thôi Tử thí Tề quân, Mổ tim Tỷ Can, Anh hùng náo Tam Môn Nhai của Năm Châu; Khúc oan vô lượng; Tội của ai của Tư Chơi,... Thời gian này, bà đóng cặp với nghệ sĩ  Năm Châu và được công chúng rất yêu thích.

Năm 1926, bà cùng các nghệ sĩ Năm Châu, Tư Chơi, Ba Du gia nhập gánh hát Trần Đắc của ông bầu Trần Đắc Nghĩa. Năm  1929, khi mới 18 tuổi, bà vừa là đào chánh, vừa là bầu gánh cải lương Huỳnh Kỳ do chồng bà là ông Lê Công Phước (còn gọi là Bạch công tử) thành lập. Đây là gánh cải lương có quy mô lớn, quy tụ được rất nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ, như Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne,... Vở tuồng ăn khách nhất của gánh Huỳnh Kỳ là Giọt máu chung tình, do Năm Thiện đóng vai chánh Võ Đông Sơ và bà đóng vai chánh Bạch Thu Hà.

Năm 1935, bà hợp cùng nghệ sĩ Năm Phỉ (Lê Thị Phỉ) thành lập gánh cải lương Phi Phụng; rồi năm sau lại lập tiếp gánh cải lương Phụng Hảo. Bà còn hợp tác với các nghệ sĩ Năm Châu, Ba Vân (NSND Lê Long Vân) thành lập nhiều gánh cải lương khác.

Nhân vật mà bà hóa thân mang nhiều tính cách và diện mạo. Khi thì bà khoác áo võ tướng, lúc lại đắm mình vào khúc oan nghiệt của Lan và Điệp hay đau đớn đoạn tuyệt. Bà từng chia sẻ: “Vai diễn nào tôi cũng thích, dù lớn hay nhỏ, chính hay phụ. Là diễn viên phải diễn tròn vai và hết khả năng, nhiệt tình để gởi đến khán giả”. 

Gần một thế kỷ gắn liền với nghệ thuật cải lương, bà đã để lại những vai diễn gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ như: Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình, Dương Quý Phi trong vở Tình sử Dương Quý Phi, An Lộc Sơn trong vở Đường Minh Hoàng du nguyệt điện, Nguyệt trong vở Tô Ánh Nguyệt, Lựu trong vở Đời cô Lựu,...

Để đạt được kết quả như vậy, ngoài năng khiếu bẩm sinh, bà đã phải dày công khổ luyện,  tiêu biểu là vai Lữ Bố đã theo bà suốt mấy chục năm. Bà cho biết: “Ngày trước, gánh Phụng Hảo của tôi thiếu người đóng kép, thế là tôi mạnh dạn tiến thân vào. Bắt đầu từ vở Phụng Nghi Đình, tôi vào vai Lữ Bố. Nhiều khán giả từng xem tôi diễn đào thương đã không nhận ra tôi khi mặc đồ võ vào, thật uy nghiêm hùng mạnh. Chỉ khi tôi cất tiếng hát thì họ mới ồ lên. Có khi vì vai diễn giả trai mà làm cho tôi ê ẩm suốt mấy ngày liền không bước đi nổi”.

Không chỉ nổi tiếng với giọng hát xuất sắc, lối diễn xuất tinh tế, tài hoa, bà còn góp phần to lớn trong sự nghiệp đào tạo những thế hệ nghệ sĩ cải lương của Việt Nam. Từ năm 1963, bà tham gia giảng dạy tại Khoa diễn viên cải lương, Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh). Trong số những học trò của bà có nhiều nghệ sĩ tài danh như Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Nga, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Sang, NSƯT Nam Hùng, NSƯT Tô Kim Hồng, nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa,... Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (30-4-1975), bà cùng NSND Nguyễn Thành Châu, NSND Ba Vân làm cố vấn cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và tham gia giảng dạy, đào tạo nên nhiều nghệ sĩ trẻ có tên tuổi trong làng cải lương.

Hầu hết tất cả các thế hệ nghệ sĩ được bà đào tạo đều rất yêu quý và xem bà như người mẹ thứ hai của mình. Sự xuất hiện của bà ở bất cứ nơi đâu luôn là nguồn động viên cho lớp trẻ mạnh dạn hơn trên con đường nghệ thuật của họ. Bản thân họ cũng học hỏi được ở người nghệ sĩ gạo cội này nhiều bài học. Đó là sự linh hoạt, sáng tạo khi gặp các tình huống khó, bất ngờ, hay sự chu đáo, tận tâm, trách nhiệm với nghề.

Là tấm gương sáng về lao động nghệ thuật, bà còn là một hình mẫu về việc chăm lo đến đời sống tinh thần và vật chất của các đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn. Bà là người sáng lập Hội Ái hữu nghệ sĩ, Viện Dưỡng lão nghệ sĩ ở Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi chăm lo, nuôi dưỡng các nghệ sĩ già yếu, không nơi nương tựa. Đồng thời, bà còn đóng góp, sáng lập nên Chùa Nghệ sĩ và Nghĩa trang Nghệ sĩ tại quận Gò Vấp, Thành phố  Hồ Chí Minh. Mặc dù tuổi cao, nhưng mỗi khi Chùa Nghệ sĩ tổ chức các chuyến đi hoạt động từ thiện, bà đều nhiệt tình tham gia.
Trước hình ảnh của một “cây đại thụ” của nghệ thuật cải lương làm việc không biết mệt mỏi, “ông vua vọng cổ” - NSND Viễn Châu đã tặng bà những vần thơ:
Tuổi già lụm cụm thấy mà thương,
Đâu quản gần xa mấy chặng đường.
Quà tặng trao tay người khốn khổ,
Đẹp đời nghệ sĩ, đẹp quê hương.

Năm 1984, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân trong đợt đầu. Năm 2009, do tuổi cao sức yếu, bà qua đời, để lại một khoảng trống khó thể lấp đầy trên sân khấu Việt Nam nói chung và cải lương Nam bộ nói riêng. Bà là người có công lớn trong việc làm nên lịch sử sân khấu cải lương Việt Nam.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập404
  • Máy chủ tìm kiếm52
  • Khách viếng thăm352
  • Hôm nay53,209
  • Tháng hiện tại1,692,958
  • Tổng lượt truy cập40,062,334
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây