Hai lần vào tù đấu tranh cùng đồng đội

Thứ hai - 05/06/2023 23:34
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi là niềm tự hào sâu sắc của mỗi người dân Việt Nam, thành quả đó là sự hy sinh cao cả và lòng dũng cảm của biết bao thế hệ cha anh. Câu chuyện thuật lại dưới đây của cựu tù kháng chiến Lê Văn Khuôn, sinh năm 1937, xã Thạnh Phú, nay là xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã minh chứng điều đó.
Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Thạnh Phú (nay là xã Phú Cường, huyện Cai Lậy). Đến năm 1960, tôi được tổ chức bí mật phân công làm ấp đội trưởng ấp 5, xã Thạnh Phú, công tác được khoảng một năm thì thoát ly làm du kích xã Thạnh Phú. Tôi nhớ như in vào ngày 22-01-1961 “Bức rút, bức hàng” đồn Thạnh Phú lúc đó đồng chí 6 Thành là xã đội trưởng Thạnh Phú, chỉ huy phối hợp lực lượng của 03 xã Phú Nhuận, Mỹ Thành và Thạnh Phú. Gần 7 giờ được lệnh nổ súng tấn công của đồng chí 6 Thành, chúng tôi đồng loạt nổ súng từ bốn phía, bị bất ngờ, bọn lính hớt hải bỏ chạy từ đồn Thạnh Phú sang đồn Mỹ Thành độ chừng khoảng 30 tên, quân ta đuổi đánh đến cùng. Sau gần 2 tiếng đồng hồ, bọn chúng bỏ chạy tán loạn, ta tiêu diệt được 02 tên, bắt sống 08 tên, thu được 11 khẩu súng các loại, xóa sổ đồn Thạnh Phú, quân ta toàn thắng, được nghỉ ngơi mấy ngày. Do tình hình lực lượng lúc bấy giờ thiếu thốn, công tác được hơn một năm, tôi được tổ chức cử đi học lớp Quân sự tại huyện Cai Lậy.

Sau thời gian huấn luyện 03 tháng trở về đơn vị, đến tháng 10 năm 1962 tôi được tham gia đánh trận đầu tiên sau khi được học quân sự (trận Bà Tồn); trận này lực lượng phối hợp gồm 04 xã gồm Mỹ Thành, Phú Nhuận, Bình Phú và Thạnh Phú, trực tiếp chỉ huy là đồng chí 8 Tiến lúc bấy giờ là Huyện đội trưởng. Về phía địch, đồn Bà Tồn lúc đó biên chế 01 Trung đội nghĩa quân. Giờ G đã điểm, đúng 07 giờ, một ngày của tháng 9 mùa nước nổi, lệnh nổ súng bắt đầu, trận đánh chớp nhoáng chưa đầy một tiếng đồng hồ, ta tiêu diệt được 01 tên, về phía ta hy sinh 01 đồng chí (mất xác mất 01 khẩu Rutmet), tôi bị một viên đạn xuyên qua vai, được đồng đội đưa về trạm y tế trị thương được 10 ngày thì trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Cũng tại đơn vị, tôi được tổ chức tuyên bố đám cưới cho tôi cùng vợ tôi bây giờ tại Xã đội xã Thạnh Phú. Đến năm 1963, tôi được phân công làm Tiểu đội trưởng và được cử đi học khóa Đặc công do huyện tổ chức. Sau một tháng học tập, tôi trở về địa phương tiếp tục công tác. Đến tháng 01 năm 1964, được lệnh của trên, đơn vị phối hợp với đặc công của Khu gồm 01 trung đội đặc công do đồng chí 6 Thành - Xã đội trưởng làm chỉ huy. Trận đánh diễn ra tại ấp 6 ở “vuông của Đại úy Đức”, được lệnh mai phục chặn đánh đoàn xe phát lương (tiền lương cho lính) của Kiến Tường, do bị địch phát hiện khi mìn nổ không đúng mục tiêu, ta bị địch bao vây sau gần một giờ giằng co, quân ta hy sinh 05 đồng chí, bị bắt sống 03 đồng chí gồm có tôi, đồng chí Luân và đồng chí Lạc cùng ở Bến Tre. Bị trúng M79 do chúng khai hỏa gần nên cả ba đều bị thương, riêng tôi bị thương ở mông, đầu. Sau khi bị bắt, chúng đưa ba anh em về nằm điều trị bệnh viện.

Sau 20 ngày, khi vết thương chưa lành hẳn, chúng chuyển ba anh em qua Khám đường Mỹ Tho. Sau khi vào khám, được anh em đi trước chăm sóc, vết thương đã lành hẳn, trong khám đường chúng tôi tổ chức chống chào cờ đầu tuần hết lần này đến lần khác. Nên chúng bắt, đánh đập bằng dùi cui, báng súng và biệt giam trong phòng “cấm cố”. Không được thăm nuôi, một ngày chúng cho ăn hai bữa cơm, thức ăn chỉ là “khô mục”, “xác mắm” và chỉ được 02 bữa rau, chỉ tắm rửa 2-3 lần trên tuần, thân thể lúc nào cũng bị ghẻ, lở, ngứa ngáy rất khó chịu.

Trải qua những đau đớn, đói khát, anh em chúng tôi động viên nhau cố gắng vượt qua. Ở trong “cấm cố” được gần một năm (khoảng tháng 01 năm 1965) chúng đưa ba anh em chúng tôi ra Tòa án Quân sự ở Bến Bạch Đằng. Chúng kêu án 6 năm khổ sai và sau khi xét xử, chúng tôi bị giam ở Khám Chí Hòa. Sau đó chúng chuyển anh em ra nhà tù Côn Sơn, khi vào nhà tù vì là án “khổ sai”, nên một tuần chúng bắt anh em đi khổ sai một lần, lên rừng đốn củi, ra biển mò san hô phục vụ thú vui của bọn chúng. Tại Côn Sơn, anh em tổ chức tiếp tục chống chào cờ đầu tuần, vì trong hồ sơ tôi có ghi tội này ở Khám đường Mỹ Tho nên chúng bắt tôi biệt giam ba tháng.

Trong các bữa ăn hàng ngày, một tuần chúng cho ăn thịt hai lần, nói là thịt nhưng chỉ toàn là mỡ nọng heo, còn các ngày khác thì ăn khô mục, cá bạc má, về chế độ rau xanh chúng bắt anh em tăng gia trồng các loại rau muống, rau cải. Do thiếu rau xanh nên đôi khi thèm quá, chúng tôi phải nhổ lén ăn sống, thời đó đâu có phân bón cho rau, chỉ dùng nước tiểu pha loãng và phân người tưới cho rau. Ở trong nhà lao các anh em đi trước đã thành lập tổ chức Đảng bí mật trong các phòng giam do đồng chí Hai Hội, tự là Lê Công lãnh đạo.

Chi bộ tổ chức lãnh đạo chống chào cờ, thay đổi thức ăn mục và chống cộng đồng ngày chủ nhật (tức là theo quy định thì ngày chủ nhật được nghỉ nhưng chúng bắt tù chính trị lao động “khổ sai cả ngày”). Trải qua các cuộc đấu tranh chính trị, cuối cùng bọn chúng cũng nhượng bộ, không bắt tù chính trị lao động nữa, đó là sự thành công lớn nhằm giúp các anh em có thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe và sinh hoạt chính trị. Sau thành công đó, chúng tôi được chi bộ lãnh đạo tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi cho tù chính trị, mãi đến một ngày của tháng 01 năm 1970, niềm vui vỡ òa khi chúng tôi hay tin được trả tự do. Đêm đó chúng tôi không tài nào ngủ được, chuyện trò chia tay bạn tù, dặn dò nhau cố gắng giữ khí tiết của người cộng sản, sau này có dịp gặp nhau. Sáng hôm sau, chúng gọi lên và cấp cho anh em một mảnh giấy ghi “Được trả tự do” và số tiền tương ứng quãng đường đi từ Côn Sơn về đến quê hương Thạnh Phú. Sau ba ngày đêm về đến nhà, ai nấy đều vui mừng vì biết tôi còn sống bằng xương bằng thịt. Sau khi về, chúng hoãn quân dịch 18 tháng (vì theo quy định của nhà tù Côn Sơn khi ra tù chúng cấp cho mỗi tù chính trị một giấy trả tự do, một giấy hoãn quân dịch 18 tháng có nghĩa là được đi lại tự do trong vòng 18 tháng). Trong thời gian này tôi được tổ chức phân công hoạt động bí mật, sau khi hết thời hạn quân dịch, tôi được tổ chức phân công làm Xã đội phó xã Thạnh Phú. Lúc bấy giờ đồng chí 3 Đức làm Xã đội trưởng tổ chức đánh du kích, pháo kích đồn kinh Tám, đồn Thất Cao Đài với chiến thuật du kích, khó chịu, chúng lần lượt bỏ đồn tháo chạy, quân ta thắng lớn mà không tổn hao sinh lực. Nghỉ ngơi được vài ngày, được lệnh đánh đồn xã Chính (đồn Vệ Can) tổ chức pháo kích 02 trận nhưng không mang lại kết quả.

Đầu năm 1973, tôi được điều động về làm trung đội phó hậu cần trung đội Địa phương quân. Đến tháng 8 năm 1974, được sự chỉ huy của đồng chí 3 Đức tổ chức đánh đồn “Vệ Can” (nay là ấp 5A), trong trận này ta tiêu diệt 02 tên, bắt sống 04 tên, thu 11 khẩu súng các loại, giải phóng đồn “Vệ Can”. Tôi tiếp tục công tác đến năm 1977 thì xuất ngũ, đến năm 1980, tôi được đồng chí Song Ngân, lúc đó là Xã đội trưởng vận động tôi làm Xã đội phó, tôi cùng các đồng chí xã nhà công tác xây dựng quê hương. Đến năm 1986, vì lý do sức khỏe, tôi được tổ chức cho nghỉ về nhà tại ấp 5B cùng gia đình tăng gia sản xuất, nuôi dạy con cái. Do là thương binh hạng 1, sức khỏe sa sút mỗi khi trái gió, trở trời nên tôi không thể tiếp tục cùng đồng chí, đồng đội tham gia xây dựng quê hương, đó là điều tôi còn bận tâm nhất”.
  
Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập364
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm340
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,170,864
  • Tổng lượt truy cập34,756,509
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây