Nhạc sĩ Văn Lưu với những bản nhạc nổi tiếng

Thứ ba - 11/04/2023 22:20
Trong các tác phẩm của nhạc sĩ Văn Lưu, nổi bật nhất là những tác phẩm được sáng tác trong thời kỳ cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ viết: “Bước vào thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, thực tiễn hào hùng và sinh động đã tạo cho Văn Lưu nhiều cảm xúc mãnh liệt và những ca khúc thành công nhất của anh ra đời. Với đề tài chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, ca khúc Bài ca người săn máy bay sôi nổi, lạc quan mang tính hành động rõ nét tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Tiếp theo là ca khúc Nữ dân quân miền biển tự hào, khỏe khoắn mà không mất đi vẻ duyên dáng của các cô gái miền biển và với nhạc phẩm Ta là chiến sĩ giải phóng quân (viết cùng Triều Dâng) là nhịp đi trầm tĩnh đầy thúc giục. Những ca khúc này đã được Đài Tiếng nói Việt Nam, các đoàn văn công phổ biến rộng rãi và thu được nhiều cảm tình của quần chúng”.
Nhạc sĩ Văn Lưu với những bản nhạc nổi tiếng
Nhạc sĩ Văn Lưu (1928-207), tên thật là Đoàn Lý Ân, người làng Thạnh Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Gia đình của ông nổi tiếng về ca nhạc tài tử.

Từ thuở nhỏ, ông sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc, lại được người thân chỉ bảo nên chơi thành thạo đàn kìm, đàn tranh, đàn guitar phím lõm, đàn  mandolin và đàn guitar Espagnol. Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng, được tuyển vào Đoàn ca kịch Khu 8 đóng tại Thiên Hộ thuộc xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè với vai trò nhạc công cùng với các nhạc sĩ Huê Nhu, Hoàng Việt, Nguyễn Hữu Trí. Năm 1951, ông được điều động về công tác tại Tỉnh đội Bạc Liêu thuộc Phân Liên khu miền Tây Nam bộ. Tại đây, ngoài nhiệm vụ làm nhạc công và biểu diễn, ông bắt đầu công việc sáng tác.

Sau hiệp định Genève (7-1954), ông tập kết ra Bắc, học khóa bồi dưỡng âm nhạc trung cấp đầu tiên do Bộ Văn hóa mở. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Nhà hát múa rối Trung ương. Năm 1960-1961, ông là giảng  viên Trường Bổ túc âm nhạc thuộc Bộ Văn hóa. Sau đó, ông được cử vào Ban phụ trách của  Đoàn Ca múa miền Nam. Sau khi thực tập ở Nhạc viện Odessa (Liên Xô, nay thuộc nước Ukraina) về nước, năm 1971, ông công tác tại Đoàn Ca nhạc thuộc Đài Phát thanh Giải phóng.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), ông trở về miền Nam, làm Trưởng đoàn ca nhạc thuộc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1980, ông trở về quê hương Tiền Giang và phụ trách Chi hội âm nhạc thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang.

Sau hàng chục năm gắn bó với hoạt động âm nhạc, ông đã đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị qua các giai đoạn lịch sử của đất nước. Đó là các ca khúc Em bé bán chè (1952), Em bé chăn trâu (1953), Cô đẩy xe goòng (1959), Thanh niên ca ba (1959 - phổ thơ Huy Cận), Chiếc giường tầng (1960), Tiếng đàn quê hương (1962 - lời Trương Châu Mỹ), Chiếc trạm nổi (1963 - phổ thơ Chế Lan Viên), Bài ca người săn máy bay (1964), Nữ dân quân miền biển (1964 - phổ thơ Hồng Cẩm), Ta là chiến sĩ giải phóng quân (1965 - cùng với Triều Dâng), Phù sa về đồng (1966), Qua cầu (1971 - phổ thơ Lê Anh Xuân), Tổ khúc Bến Tre (1971 - cùng với Dương Hưng Bang), Niềm vui trọn vẹn (1971 - cùng với Huỳnh Thơ), Sài Gòn hôm nay (1975), Ngày vui toàn thắng (4-1975 - cùng với Huỳnh Thơ), Chào Côn Đảo anh hùng (1977 - phổ thơ Thanh Thủy), Rối mà không rối (1978 - phổ thơ Bảo Định Giang), Trắng trong (1978 - phổ thơ Lâm Thị Mỹ Dạ), Mừng chiến công biên giới (1978), Tình mẹ (1978), Lê văn Tám, lửa cháy lên rồi (1978), Về lại quê hương (1980), Em đi giao lương (1980 - phổ thơ Lê Hà), Mỹ Tho (1980  phổ thơ Việt Ánh), Ngọt mận hồng đào (1980),  Gởi em cô gái Gò Công (1981 - phổ thơ Hoài Vũ), Ta lại về với biển thân yêu (1981), Nón trắng người thương (1983 - phổ thơ Lê Ái Siêm), Nhan sắc một dòng sông (1986 - phổ thơ Chim Trắng),…

Ngoài ra, ông còn viết khí nhạc. Những năm thực tập tại Nhạc viện Odessa, ông đã hoàn thành một số tiểu phẩm cho violon, piano, như các tác phẩm Dòng kinh Tháp Mười, Dòng sông quê tôi.  Đáng kể nhất là bản sonat ba chương với tiêu đề Mảnh đất quê hương.

Đồng thời, ông còn viết nhạc nền cho nhiều vở múa rối, như  Con thỏ ngọc, Bầy gấu con vui tính (1967); soạn nhạc cho vở kịch Ngôi sao lửa của Phan Vũ (1978); viết nhạc và bài hát cho vở cải lương Tiên sa Gành Ráng (1983), Anh hùng bán than (1985). Trong quá trình hoạt động cách mạng và lao động nghệ thuật, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (đợt 2 - năm 2007), Huân chương Kháng chiến chống Pháp, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật,...

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập268
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm241
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,644,429
  • Tổng lượt truy cập40,013,805
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây