Những năm tháng khó quên

Thứ sáu - 24/03/2023 02:20
Trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc, đã có hàng vạn chiến sĩ bị địch bắt, tù đày. Dù bị địch bắt giam cầm và phải chịu đựng những hình thức tra tấn dã man, vô cùng khốc liệt, nhưng phẩm chất kiên trung với Đảng, với Tổ quốc của những người tù cộng sản vẫn luôn được giữ vững.

Ông Nguyễn Chấn Thiên phường 5, thành phố Mỹ Tho là một trong số những người cách mạng bị địch bắt tù, đày. Khi bị địch bắt giam tại Khám đường Mỹ Tho, ông Nguyễn Chấn Thiên cùng một số đồng đội bị giam ở Phòng 10, đây là nơi giam những tội phạm chính trị chờ đi xử án ở Cần Thơ. Ngày 03-9-1969, ông Thiên được ông Quốc Việt (xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè) cho hay là Bác Hồ đã mất, những người tù ở đây liền tổ chức ngày lễ tưởng niệm và để tang cho Bác. Chú Năm Đạo (Nguyễn Trường Sơn, xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo) chủ trì, chú Đào Chí Thanh (xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo) vẽ ảnh Bác Hồ, có chú Tư Giao (Tống Văn Giao, xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè) và các đồng chí khác: anh Quốc Việt, anh Mười Phước, anh Ba Ri, anh Sáu Ngẫu, anh Ba Châu,… tham dự sau khi làm lễ và mặc niệm được các chú, các anh từng cụm học tập về cuộc đời hoạt động và tấm gương Bác Hồ. Do lúc đó, ở phòng có cái radio bí mật do anh Quốc Việt phụ trách nên có tài liệu thường xuyên, củng cố lòng tin cách mạng, giữ gìn khí tiết cho những chặng đường tiếp theo.

Năm 1970, tại Trại tù Cần Thơ (Phong Dinh) hết sức phức tạp, trại giam lớn của vùng IV lại để ở chung tù chính trị lẫn thường án. Tất cả chờ ra tòa, trại giam hết sức chật chội. Ban ngày, bọn cai tù đuổi ông và đồng đội ra hành lang, tối vào phòng ngủ phải dựng co chân lên nằm sát, 10 người phải có 02 người đứng quạt và thay phiên đến sáng, không sinh hoạt chính trị được, tất cả đều rỉ tai.

Đối với những người có án ba năm trở lên đều đưa đi đày ở Côn Đảo. Đến Côn Đảo bằng chuyến máy bay tại sân bay Trà Nóc, ra tới sân bay Cỏ Ống chở về trại liền bị dằn mặt bằng những lời hù dọa. Vừa vào sân trại, ông cùng 03 đồng chí: Nguyễn Văn Huế (Kim Sơn), Võ Hoàng Minh (Phú Phong), Mai Văn Bộ (Nhị Bình) bị tách ra đưa vào Sở củi, tất cả đều có án 03 năm trở lên, bị làm khổ sai ở Sở củi.

Đồn củi ở khu vực núi chúa Dốc ông Đụn, nơi có cầu Thiên do Pháp xây dựng dỡ dang, bỏ lại và nơi đó chết rất nhiều tù nhân chính trị. Lên đó mới biết sự cực khổ ở Sở củi, sự đánh đập tàn nhẫn của chủ sở và ác ôn. Ở vài ngày, tìm hiểu anh em tù chính trị sở củi trên 40 người đã đấu tranh chống sở củi và bị còng trói, sáng hôm sau ông cùng 03 đồng chí tuyên bố chống Sở củi và chống chào cờ, chúng chỉ đánh đập dằn mặt rồi đưa vào xà lim còng chân, sau đó lại đưa vào còng chung với 40 anh em chống đối trước đó.

Thời gian ở đây bị còng 06 tháng, ông cùng các đồng chí khác học miệng với nhau rất nhiều chuyện đấu tranh trong tù là trại 04, giam giữ số người chống đối, 01 cây còng móc vào 20 người còng 01 chân rất khó khăn cho sinh hoạt cá nhân. Mỗi ngày, 02 lần cơm không đủ no, mọi người hô la đấu tranh liền bị đàn áp, rải vôi bột và tạt nhiều nước vào thân thể gây phỏng và ói mửa. Tại các dãy còng, mọi người được học các bài thơ cách mạng, bài thơ viết trong tù, hiểu biết thêm về âm mưu phá hoại sự đoàn kết của người tù chính trị.

Sau đó, chúng lại tiếp tục thả ra đưa đi làm khổ sai. Lần này, chúng đưa về Sở rẫy Sơn Khê. Tại đây, ông cùng đồng đội đã đồng loạt chống chào cờ, đợt này có 4.000 người tham gia. Buộc chúng phải đưa tất cả vào các phòng cấm cố, siết đầu bữa ăn hằng ngày, sau đó còng chân 06 tháng tại Trại 2, chúng càng siết chặt ăn uống, rất nhiều anh em bị bại liệt chân, khi xả còng ra, rất nhiều anh em không đi được, phải lết.

Năm 1971, sau nhiều đợt tù nhân hô khẩu hiệu, đấu tranh chống đàn áp, đến Tết năm Tân Hợi, chủ đảo dùng loa thông báo hứa giúp đỡ tù nhân chính trị mở cửa ra ngoài, ngày 02 lần, mỗi lần 01 giờ và cho ăn uống khá hơn, nhưng chỉ được mấy ngày Tết. Sau đó, chúng lật lọng, tiếp tục như cũ, buộc ông và bạn tù không được hô la (vì lúc đó có nhiều đoàn quốc tế đến thăm Côn Đảo, nhưng đời sống tù nhân không được cải thiện, buộc mọi người phải hò la nhiều hôm). Chúng đàn áp bằng phân người, xúc từ giá tạt vào phòng, gây hôi thối cực độ và mất vệ sinh. Anh em rất khổ sở, cuộc sống luôn bị bóp nghẹt và đe dọa. Mỗi ngày 02 lần uống nước với khô mắm hư, mục qua ngày. Với thái độ ngoan cố và phản động, chúng tổ chức một đợt đàn áp thật lớn, huy động hàng trăm cảnh sát dã chiến ở Sài Gòn đến đàn áp bằng dùi cui và lựu đạn cay, chúng đóng chặt các cửa kể cả cửa sổ nhỏ trên cao, ném lựu đạn cay gây ngộp thở, mỗi phòng hứng trên 20 quả lựu đạn cay. Ông cùng đồng đội cố giữ chặt cửa chính nhưng không sao chịu nổi trước áp lực lớn, cửa bung ra, bọn chúng tràn vào và bắt từng người đưa xuống trại 01, trên người chỉ có 01 bộ đồ mà do cay quá đã phải lột bỏ chỉ còn 01 quần đùi, ngày đêm đều rất khổ sở, nhiều người bị rộp tay, chân, mặt, riêng số đông thanh niên bị thương ở đầu do phi tiễn phải tự cấp cứu và sau đó đưa tất cả về trại.

Năm 1972, chúng đưa số tù mãn án về Chí Hòa để trả tự do, còng tay từng người đưa xuống tàu lớn khoảng gần 500 người. Xuống tàu chúng không còng tay, mà còng chân thành dãy còng trên sàn tàu, tàu chạy một đoạn anh em vuột còng ra được và tìm cách mở khóa, cuối cùng tất cả các ổ khóa bị đập vỡ và vuột còng ra ngoài, chúng đóng tất cả các cửa và tàu tiếp tục chạy về tới Sài Gòn. Sau đó, chúng thương lượng cho còng tay mới di chuyển bằng xe lên Chí Hòa. Anh em tù đồng ý lên xe về Chí Hòa. Dọc đường ông cùng đồng đội xé rách mui vải để rải truyền đơn viết sẵn, tố cáo tội ác chính quyền Sài Gòn đối với tù chính trị Côn Đảo.

Tới trại Chí Hòa, mọi người bị đưa về lầu 3 của các khu, riêng ông bị đưa về khu AD. Trại Chí Hòa rất rộng, được xây dựng hình bát giác, có thể chứa trên 10.000 tù nhân. Các lối đi vòng ngoài, lối ra vào giống nhau rất khó vượt trại. Ngay ngày hôm sau, chúng đến kêu gọi chào cờ Sài Gòn và hứa sẽ thả ngay. Ông và mọi người không đồng ý. Chúng đưa về phòng (có một số đồng ý chào cờ). Sau đó, chúng lập danh sách và rắp tâm đưa ra Côn Đảo lần nữa. Tại Chí Hòa, lúc này, có 30 thiếu nhi từ 13 đến 17 tuổi bị quy tội chính trị, đã giam tại Đà Lạt, mới đưa về và chưa có ý định thả ra. Còn có anh sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, bà Ngô Bá Thành, luật sư Long, tướng Sài Gòn Vũ Văn Giai, tướng Lam Sơn và 08 thằng Mỹ bị giam về tội thường án. Đặc biệt, có 02 người Pháp bị giam do treo cờ giải phóng, tên là Hồ Kiên Quyết và Hồ Đức Thắng (tên này do anh em tù chính trị đặt cho). Các anh tìm cách đến được Phòng chính trị, nói tiếng Việt để thăm hỏi động viên tù chính trị. Sau đó, chúng lại đưa tất cả số chống đối xuống tàu và trở lại Côn Đảo.

Năm 1973, khi Hiệp định Pa-ri chưa ký, ông cùng đồng đội được học tập kỹ về tình hình mới có khả năng ký Hiệp định. Thảo luận các điều khoản của Chính phủ cách mạng lâm thời đề ra. Các cuộc văn nghệ đều lồng nội dung mới, dùng từ “chính quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ” thay cho Mỹ - ngụy, lúc này trại có làm nhiều tờ báo viết tay, tờ “Xây dựng”, tờ “Phấn đấu”,…. có thơ ca, xã luận.

Trước tình hình mới, quản đốc Côn Đảo chủ trương chuyển hồ sơ chính trị thành thường án để chạy chối việc trao trả. Chúng bắt buộc chụp hình, lăn tay bằng đàn áp, bắn lựu đạn cay hàng trăm quả. Sau 04 ngày bị đưa về lao 07 và chết 04 người do kiệt sức, bị đánh đập, Hiệp định Pa-ri ký ngày 27-01-1973, nhưng tháng sau chúng vẫn im hơi lặng tiếng, giấu tất cả sự kiện chính trị, tiếp tục giam giữ tù chính trị, hàng ngày ông cùng đồng đội đều hô la đòi trao trả, đòi dân sinh, dân chủ nhưng chúng không đàn áp và cũng không giải quyết gì. Đến tháng 10 năm 1973, chúng mới tổ chức nhiều chuyến bay đưa một số trả dọc đường, một số đổi trại, rồi lại ra Côn Đảo cho đến ngày giải phóng. Ông là một trong số 28 người bị bỏ lại tại Lộ Ma (chuyển từ Côn Đảo về Cần Thơ và từ cầu Cần Thơ về Mỹ Tho). Sau đó tự tìm về vùng giải phóng xã Phú Phong, Kim Sơn, Long Hưng và gặp được đơn vị cũ là Thành Đoàn Mỹ Tho, công tác lại ở vành đai đến ngày tiếp quản.

(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Chấn Thiên, sinh năm 1950, cư ngụ 146/2, khu phố 4, đường Lê Văn Phẩm, phường 5, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).
 
Được đăng trong quyển: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập330
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm282
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,646,432
  • Tổng lượt truy cập40,015,808
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây