Cùng tìm hiểu: Cái đẹp Mỹ Tho (Kỳ 2)

Thứ sáu - 03/03/2023 18:23
3. Mỹ Tho - cái nôi của nghệ thuật cải lương

Vào đầu thế kỷ XX, ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) đã xuất hiện một số ban đờn ca tài tử. Tiêu biểu là Ban đờn ca tài tử Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) ở Cái Thai (Cái Bè). Năm 1906, Ban đã được mời sang nước Pháp trình diễn tại cuộc đấu xảo được tổ chức ở thành phố cảng Mạc xây (Marseille). Khi sang Pháp trình diễn, Ban đờn ca tài tử có 16 người gồm một người phụ trách, tám tài tử nam, năm tài tử nữ và hai em nhỏ. Nhạc cụ gồm bảy đờn tranh, một đờn kìm, một đờn đoản, một đờn cò, một đờn bầu, một đờn tì bà, một đờn tam, một thanh la và một trống cái. Ban Tư Triều đi Pháp biểu diễn với các nhạc sĩ chính gồm: Tư Triều đờn kìm, Chín Hoán đờn độc huyền, Bảy Võ đờn cò, cô Hai Nhiễu (con ôngTư Triều) đờn tranh, còn cô Ba Đắc là tài tử ca. Sau khi về nước, nghệ nhân Tư Triều sáng tạo ra một loại hình diễn xướng mới là ca ra bộ với nghĩa là diễn viên vừa ca vừa ra điệu bộ phù hợp với lời ca. Theo nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật, ca ra bộ là tiền thân của nghệ thuật cải lương. Từ đó, Ban đờn ca tài tử Tư Triều trở thành Ba ca ra bộ Tư Triều, được mời đi biểu diễn khắp nơi ở Nam Bộ, nhất là Sài Gòn và Mỹ Tho.

Về nghệ thuật cải lương, phải nói đến gánh hát thầy Năm Tú (Châu Văn Tú) được thành lập năm 1918. Đây là gánh cải lương chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam.Ngay tại chợ Mỹ Tho, ông Năm Tú cho xây dựng một rạp hát với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị nhằm phục vụ cho những buổi biểu diễn chuyên nghiệp của gánhhát do mình làm chủ. Rạp hát này có tên là rạp hát Thầy Năm Tú và đây là rạp hát cải lương đầu tiên ở nước ta. Và tối 15/3/1918, cũng chính tại rạp hát này, công chúng lục tỉnh Nam kỳ đã được xem vở cải lương đầu tiên là vở Kim Vân Kiều (có tài liệu viết vở Lục Vân Tiên) do ông Trương Duy Toản viết kịch bản. Đồng thời, với tư duy nhạy bén của một người kinh doanh trong lĩnh vực nghệ thuật, ông Năm Tú còn sản xuất đĩa hát cải lương và đây là những đĩa hát cải lương đầu tiên ở Việt Nam.

Sau khi rạp hát cải lương ra đời và nghệ thuật cải lương được công chúng đón nhận nồng nhiệt, thầy Năm Tú đã nghĩ ra cách khuếch trương tên tuổi rạp hát, đồng thời quảng bá cải lương để bộ môn nghệ thuật này tiến xa hơn. Khi đại diện hãng đĩa hát Pathé Phono của người Pháp đến rạp thầy Năm Tú xem cải lương, họ đã hài lòng trước cách tổ chức biểu diễn của ông. Chủ hãng đĩa đã đồng ý ký hợp đồng với thầy Năm Tú sản xuất đĩa hát cải lương. Lúc đó, để có thể cho dân chúng nghe đĩa một cách phổ biến, ông liên kết với các chủ sản xuất máy hát đĩa. Để phân biệt với máy hát của Pháp, ông cho in nhãn hiệu con chó trên máy, còn trên đĩa hát thì in hình con gà trống đỏ. Đây là loại đĩa hát tiếng Hoa và Việt. Dành cho người Hoa nghe thì ông làm đĩa nhạc Hoa hoặc hòa tấu, còn loại tiếng Việt ưu tiên cho cải lương. Do đĩa có dung lượng thấp nên mỗi tuồng cải lương phải in từ 6 đến 12 đĩa. Nghe thì phải canh hết đĩa rồi lại thay. Với đĩa hát con gà trống đỏ, ông thu âm gần như đầy đủ những tuồng tích của gánh hát. Ông đã có công gắn liền tên gánh hát của mình vào đĩa hát Pathé Phono và đã phổ biến lối hát cải lương đến những nơi hẻo lánh. Ông tạo điều kiện cho những đào, kép giỏi có chỗ thể hiện tài nghệ và gầy dựng tên tuổi. Đĩa hát “Con gà trống đỏ” nào cũng khởi sự bằng câu “Alô! Ban hát cải lương của thầy Năm Tú tại Mỹ Tho, ca cho hãng Pathé Phono nghe chơi”. (Theo “Con gà trống đỏ” của thầy Năm Tú” của nhà báo Thanh Hiệp đăng trên báo Người Lao Động, số ra ngày 31/01/2017). Việc làm này của ông Năm Tú, ngoài mục đích tăng doanh thu, còn nhằm phổ biến nghệ thuật cải lương ra cả nước.

Ngoài ra, trong những năm 20 của thế kỷ XX, ở Mỹ Tho còn có nhiều gánh cải lương nổi tiếng khác nữa, như Nam Đồng Ban, Tái Đồng Ban, Đồng Bào Nam, Huỳnh Kỳ, ..Từ trong cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử - ca ra bộ - cải lương, ở Mỹ Tho đã sản sinh ra những tài danh cải lương tiền bối, như cố đệ nhất tài hoa cải lương Năm Phỉ (Lê Thị Phỉ), cố nghệ sĩ nhân dân (NSND) Năm Châu (Nguyễn Thành Châu), cố NSND Tư Trang (Trần Hữu Trang), cố NSND Bảy Nam (Lê Thị Nam, em của cố nghệ sĩ Năm Phỉ), cố NSND Phùng Há,...

4. Mỹ Tho - nhìn từ góc độ văn hóa và môi trường sinh thái

Từ lâu, Mỹ Tho đã đi vào ca dao và thi ca với vẻ đẹp đằm thắm, nền nã và thơ mộng. Đó là lời của cô gái Mỹ Tho dịu dàng, chung thủy khi động viên người yêu:

Đèn Sài Gòn, ngọn xanh, ngọn đỏ,

Đèn Mỹ Tho, ngọn tỏ, ngọn lu.

Anh về học lấy chữ Nhu,

Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.

(Ca dao)

Đó cũng là cô gái Mỹ Tho có sắc đẹp rạng ngời, nhưng anh dũng tuyệt vời trong công cuộc chống ngoại xâm:

Gái Mỹ Tho mày tằm, mắt phụng

Giặc đến nhà chẳng vụng huơ đao.

(Ca dao)

Về thi ca, lần đầu tiên, địa danh Mỹ Tho đã được xuất hiện ở bài thơ “Mỹ Tho dạ vũ” trong bộ “Cấn Trai thi tập” của Trịnh Hoài Đức (1765-1825), một đại thần của nhà Nguyễn dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng. Theo Bản dịch thơ của Hoài Anh thì bài thơ này được dịch:

Mưa đêm ở Mỹ Tho

Khúc “giặt dải mũ” hát xong,

Nhìn ra trăng đã lặn vùng trời tây.

Chợ Hòe triều mới dâng đầy,

Quả du dồn đống phơi bày đường trơ.

Cầu Tông mây phủ mịt mờ,

Che hình trâu đá sau mưa lấm bùn.

Lửa thuyền chài bến liễu vờn,

Thành mai vọng gác trống dồn tong tong.

Sáng nom lúa trỗ đòng đòng,

Cần chi cầu đảo nhọc lòng rừng Tang.

Nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu, năm 1940, khi đến Mỹ Tho làm việc đã có những vần thơ tuyệt tác về dòng sông Tiền giao hòa với dòng Bảo Định, tạo nên một khung cảnh trời mây, cây trái, sông nước hữu tình:

Mỹ Tho bóng mát đường cây,

Nước sông Bảo Định dồn mây với thuyền.

Cầu Quay phố xá hai bên,

Ta không buôn bán, chỉ ghiền văn thơ.

Nước sông mát rượi hồn thanh,

Con phà Rạch Miễu chạy quanh đảo Rồng.

 Năm 1976, nhà thơ Nông Quốc Chấn đến thăm Mỹ Tho và đã cảm nhận tình đất, tình người ở đây. Đó là sự chân thật, nồng ấm, phóng khoáng, thủy chung, bất khuất  và kiên cường:

Mời bạn ghé nhà tôi quê Mỹ Tho,

Ngã ba rẽ trái một đường to.

Dừa đang độ ngọt, xoài đang chín,

Đất của những người yêu tự do.

Mỹ Tho có nhiều khu du lịch nổi tiếng, như: chùa Bửu Lâm, chùa Vĩnh Tràng, đình Điều Hòa, Trại rắn Đồng Tâm, khu vui chơi tổng hợp và du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long đặt tại cù lao Thới Sơn với các cồn, như cồn Long, cồn Lân, cồn Quy, cồn Phụng hợp thành vùng đất tứ linh vô cùng độc đáo. Thật là:

Mỹ Tho cảnh đẹp người xinh

Quyện lòng du khách gợi tình nước non.

Ở Mỹ Tho, vẻ đẹp từ thiên nhiên ban tặng gắn kết hài hòa với vẻ đẹp cổ kính

của những công trình kiến trúc độc đáo, như chùa Vĩnh Tràng (xã Mỹ Phong), chùa Bửu Lâm (phường 3), chùa Ông (phường 8, phía sau Chợ Cũ), tòa nhà làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh (Công quán), tòa nhà Bảo tàng tỉnh, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (Collège de Mitho), v.v… Vẻ đẹp của Mỹ Tho còn được tôn thêm bởi những công viên rợp bóng cây xanh mát, như công viên Lạc Hồng, công viên Giếng Nước, công viên cầu Rạch Miễu, v.v… Đặc biệt, trong lòng nội ô Mỹ Tho còn hai giếng nước, nguyên là hào thành của thành Mỹ Tho xưa, chất đầy giá trị về cảnh quan môi trường và sự sống.

Mỹ Tho còn là “đất học”, người dân Mỹ Tho có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt, thành tài, nhiều sĩ phu yêu nước đã phục vụ quên mình cho đất nước nói chung và cho Mỹ Tho nói riêng. Collège de Mitho được thành lập năm 1879; đây là trường trung học theo giáo dục phương Tây được thành lập đầu tiên ở Việt Nam. Tuy trường do người Pháp thành lập; nhưng tuyệt đại đa số học sinh của trường với tinh thần dân tộc sâu đậm đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước và cách mạng; trong đó có những trí thức nổi tiếng có những đóng góp quan trọng cho đất nước, xứng đáng với truyền thống cao quý của trường: Cách mạng – Dạy giỏi – Học giỏi. Ở đây, vẻ đẹp văn hóa của người trí thức nhập hòa với vẻ đẹp anh hùng cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường.

5. Mỹ Tho - vang danh một đặc sản

Đó là hủ tiếu Mỹ Tho. Đây là món ăn truyền thống, nổi tiếng cả nước và trên thếgiới. Điều đặc biệt là, sợi bánh hủ tiếu Mỹ Tho được làm từ gạo Gò Cát, thuộc phía đông bắc ngoại thành TP Mỹ Tho (nay là xã Mỹ Phong và Phường 9). Loại gạo này cho sợi hủ tiếu trong, giòn và dai hơn các loại hủ tiếu khác, nhưng lại không quá dai như miến (bún Tàu).

Sở dĩ hủ tiếu Mỹ Tho ngon nổi tiếng do bánh hủ tiếu được làm bằng bột gạo, không pha bột mì, bột lọc; sợi hủ tiếu trong, dai, không mặn, không chua, có mùi thơm của gạo. Nước lèo có vai trò làm “nền” cho sợi hủ tiếu Mỹ Tho phát huy sức hấp dẫn. Nước lèo hủ tiếu Mỹ Tho có vị ngọt đậm đà do được ninh với xương tuỷ heo, giò heo và khô mực nướng cùng với củ cải, lại thêm củ hành phi mỡ heo, hành lá xắt nhuyễn chấy mỡ, giúp tô hủ tiếu béo ngậy và thơm lừng.

Tô hủ tiếu Mỹ Tho là cả một sự tổng hợp: vừa có chất bột của sợi hủ tiếu, vừa có thịt, tôm, trứng, rau; vừa có vị ngọt của xương và thịt, vị chua của chanh, vị cay của ớt; vừa có màu trắng đục của sợi hủ tiếu, màu trắng sáng của giá, màu xanh của hành lá, màu vàng của nhân trứng cút, màu đỏ của tôm và ớt; mùi thơm của củ hành phi, hành lá, rau cần tàu,…

Năm 2009, sợi bánh hủ tiếu Mỹ Tho của Tổ hợp tác sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho (ấpHội Gia, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) được Trung tâm Thương hiệu Việt, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cấp giấy chứng nhận “Thương hiệu Việt”. Tháng 3/2014, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã trao cúp vinh danh và chứng nhận “Hủ tiếu Mỹ Tho là món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á năm 2013”.

Bảo Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập430
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm406
  • Hôm nay79,956
  • Tháng hiện tại1,626,729
  • Tổng lượt truy cập39,996,105
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây