Những vị đỗ đại khoa ở Tiền Giang trong nửa đầu thế kỷ XIX

Thứ hai - 23/01/2023 23:13
Trong nửa đầu thế kỷ XIX, người Tiền Giang đã phát huy truyền thống hiếu học và học giỏi của dân tộc đến mức cao nhất. Sách Đại Nam nhất thống chí  trong  mục “Phong tục của tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) viết như sau: “Hạng tuấn tú chuyên việc sách đèn”. 

Kể từ khoa thi Hương được tổ chức đầu tiên ở Nam kỳ năm 1813 đến khoa thi cuối cùng năm 1864, nhà Nguyễn đã tổ chức được tất cả 20 khoa thi Hương ở vùng đất mới phương Nam và lấy 270 cử nhân. Trong 20 khoa thi đó, ở khoa nào, Tiền Giang cũng có thí sinh trúng tuyển; tổng cộng có 44 người đậu cử nhân, bao gồm huyện Kiến Hòa (nay thuộc vùng Chợ Gạo - Gò Công) có 16 người, huyện Kiến Đăng (nay thuộc vùng Cai Lậy - Cái Bè) có 14 người, huyện Kiến Hưng (nay thuộc vùng  Châu Thành - TP Mỹ Tho) có 13 người, huyện Kiến Phong (nay thuộc vùng Cao Lãnh - tỉnh Đồng Tháp) có 1 người.

Trong từng khoa thi, thí sinh người Tiền Giang đậu khá đông. Thí dụ khoa thi năm 1840 lấy 6 cử nhân thì Tiền Giang đã có 3 người đậu (chiếm tỉ lệ 50%); khoa thi năm 1858 lấy 10 cử nhân, trong đó Tiền Giang có 4 người đậu (chiếm tỉ lệ 40%); khoa thi năm 1828 lấy 16 cử nhân, Tiền Giang có 6 người đậu (chiếm tỉ lệ 37,5%); khoa thi năm 1842 lấy 16 cử nhân, Tiền Giang có 5 người đậu (chiếm tỉ lệ 35%). Đặc biệt, trong những khoa thi ấy, có 7 khoa thi mà thí sinh Tiền Giang chiếm được thứ hạng ở vị trí cao nhất. Như khoa thi năm 1819, Đặng Văn Mô đậu cử nhân hạng ba; khoa thi năm 1831, Lương Quốc Quang đậu cử nhân á khoa, Huỳnh Mẫn Đạt đậu cử nhân hạng ba; khoa thi năm 1840, Nguyễn Hoài Vĩnh đậu cử nhân thủ khoa, Trần Văn Lập đậu cử nhân hạng ba; khoa thi năm 1847, Phan Hiển Đạo đậu cử nhân hạng ba; khoa thi năm 1852, Nguyễn Hữu Huân đậu cử nhân thủ khoa, Nguyễn Thanh Trưng đậu cử nhân á khoa, Nguyễn Hữu Tạo đậu cử nhân hạng ba; khoa thi năm 1855, Nguyễn Tánh Thiện đậu cử nhân thủ khoa, Trần Minh Khuê đậu cử nhân á khoa; khoa thi năm 1858, Lê Đình Sâm đậu cử nhân thủ khoa, Đoàn Tấn Thiện đậu cử nhân hạng ba. Như vậy, Tiền Giang có đến 4 thủ khoa cử nhân (chiếm 20% số thủ khoa cử nhân của toàn Nam bộ), 3 á khoa cử nhân (chiếm 15% số á khoa cử nhân của toàn Nam bộ), 6 người đậu hạng ba (chiếm 30% số người đậu hạng ba của toàn Nam bộ). Kết quả đó không phải nơi nào cũng đạt được. Một điều không kém phần thú vị là, có gia đình cha con cùng đậu cử nhân. Đó là Âu Dương Xuân đậu cử nhân hạng 9 khoa thi năm 1842 và con là Âu Dương Lân đậu cử nhân hạng 5 khoa thi năm 1858.

Tiền Giang có hai người đậu Tiến sĩ. Đó là Đinh Văn Minh và Phan Hiển Đạo. Đinh Văn Minh sinh năm Bính Dần (1806) tại thôn Điều Hoà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay thuộc Phường 1, 2, TP. Mỹ Tho), thi đậu cử nhân năm Giáp Ngọ (1834), Phó bảng năm Ất Mùi - Minh Mạng năm thứ 16 (1835), làm quan đến chức Tuần phủ Hưng Yên - một chức quan đứng đầu tỉnh Hưng Yên (1). Phan Hiển Đạo sinh năm 1830 tại thôn Dưỡng Điềm, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành), thi đậu Cử nhân năm 1847, Đồng tiến sĩ xuất thân (còn gọi Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân) năm 1856 (2). Dưới thời nhà Nguyễn, những người có học vị cử nhân dự thi Hội, khi đậu đại khoa chia thành 2 hạng: hạng dưới gọi là Phó bảng hay Tiến sĩ Ất khoa, hạng trên gọi là Chính bảng hay Tiến sĩ Giáp khoa (Tiến sĩ Giáp khoa lại chia thành 3 hạng: Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân (còn gọi Đồng tiến sĩ xuất thân).

Như vậy, trong nửa đầu thế kỷ XIX, ở Tiền Giang, về học vị tiến sĩ có 2 vị: 1- Đinh Văn Minh thi đậu Phó bảng (Tiến sĩ Ất khoa) năm 1835; 2- Phan Hiển Đạo thi đậu Đồng tiến sĩ xuất thân/Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ Giáp khoa) năm 1856. Xét về số lượng người đậu tiến sĩ ở sáu tỉnh Nam kỳ (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), trong nửa đầu thế kỷ XIX, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) có số người đậu nhiều nhất: 2 người, so với tỉnh Gia Định chỉ có 1 người (Nguyễn Chánh), tỉnh Vĩnh Long cũng chỉ có 1 người (Phan Thanh Giản), ba tỉnh Biên Hoà, An Giang và Hà Tiên không có ai cả.

Với số người đỗ đạt như thế, trong đó có nhiều người đậu cao, đã phản ánh phần nào tình hình và chất lượng giáo dục ở Tiền Giang trong nửa đầu thế kỷ XIX. Có thể nói rằng, Tiền Giang là một trung tâm giáo dục nổi tiếng ở Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.

 
(1) Theo Hồ sơ số H62A/1 Quốc triều đăng khoa lục (mộc bản), quyển 01, mặt khắc 9.

(2) Theo Hồ sơ số H62A/2 Quốc triều đăng khoa lục (mộc bản), quyển 02, mặt khắc 15.
 

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập516
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm492
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,145,063
  • Tổng lượt truy cập34,730,708
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây