Đồng chí Nguyễn Thiệu - Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho đầu tiên

Thứ hai - 06/02/2023 20:39
Đồng chí Nguyễn Thiệu, có bí danh là Nghĩa, sinh năm 1903, tại làng Thạch Trụ, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Đồng chí Nguyễn Thiệu - Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho đầu tiên
Đồng chí học giỏi, thi đỗ tú tài. Đồng chí là người yêu nước, lại sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và tích cực tham gia phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Năm 1923, đồng chí cùng một số bạn học ở Huế được các nhà yêu nước tiền bối truyền bá tư tưởng cách mạng và cho đọc một số sách tiến bộ, đặc biệt là được nghe tin lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Pháp, khiến đồng chí cùng bạn bè rất muốn đi tìm “con đường cách mạng để cứu nước, cứu dân…”.
 
Năm 1924, đồng chí từ Huế về quê nhà tập hợp bạn bè cùng chí hướng lập tổ chức “Công ái Đảng”. Tôn chỉ hoạt động của “Công ái Đảng” là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc thực dân và thực hiện chủ nghĩa cộng sản như ở nước Nga. Tuy có tư tưởng lớn, nhưng đồng chí cùng nhóm bạn lúng túng về đường lối, phương châm và cách tổ chức hoạt động. Do đó, đồng chí cùng bạn bè thảo luận, cho rằng, muốn thực hiện được tư tưởng đó, trước hết phải tìm cách ra nước ngoài học tập mới thực hiện được hoài bão của mình.

Đầu năm 1925, đồng chí ra Hà Nội và gặp đồng hương Quảng Ngãi, như: Phạm Văn Đồng (học ở Trường Bưởi, sau này là Thủ tướng nước ta), Nguyễn Vỹ, Nguyễn Tuân, Ngô Thiêm,… Lúc này, tình hình trong nước có nhiều biến động, thực dân Pháp ra sức khủng bố những người yêu nước, bắt nhiều người, trong đó có cụ Phan Bội Châu và xử tử hình. Nhân dịp này, đồng chí tham gia phong trào bãi khóa của sinh viên, học sinh Hà Nội nhằm phản đối thực dân Pháp kết án tử hình cụ Phan. Năm 1926, khi cụ Phan Châu Trinh qua đời, đồng chí tham gia phong trào để tang, phong trào diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi ở các thành phố lớn trên cả nước.

Đồng chí được tổ chức giới thiệu đưa sang học các khóa huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở ở Quảng Châu, Trung Quốc. Cuối năm 1927, đồng chí  trở về nước, tham gia thành lập Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Kỳ. Sau đó, đồng chí được phân công phụ trách Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Trung Kỳ, rồi về Quảng Ngãi truyền bá chủ trương của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cho Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi; đồng thời tiếp tục hoạt động trong Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Nam kỳ.

Sự phát triển của phong trào cách mạng ở Nam Kỳ đòi hỏi sự ra đời của tổ chức cộng sản. Ngày 07-8-1929, đồng chí tham gia thành lập An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ. Đồng chí trở thành một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của tổ chức này và là một trong sáu Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời của An Nam Cộng sản Đảng. Đồng chí được phân công xây dựng cơ sở Đảng ở Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn và một số tỉnh ở Nam Kỳ. Đầu năm 1930, đồng chí và đồng chí Châu Văn Liêm được cử làm đại diện cho Ban Chấp hành lâm thời An Nam Cộng sản Đảng sang Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc) dự Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì.

Hội nghị quyết định thống nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một đảng cộng sản thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua các văn kiện quan trọng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo gồm: Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhân sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập.

Ngày 20-02-1930, đồng chí về nước tham gia thống nhất 2 tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng ở Nam kỳ. Sau hơn 2 tháng hoàn thành tất cả những công việc, từ việc tổ chức họp các tổ chức đảng cộng sản đến việc thành lập Xứ ủy Nam kỳ và cử người đi dự hội nghị Trung ương, đồng chí cùng với đồng chí Châu Văn Liêm phân công nhau đảm trách công việc phát triển cơ sở đảng ở Nam Kỳ, trong đó đồng chí đến Mỹ Tho, phụ trách liên Tỉnh ủy: Mỹ Tho, Bến Tre, Cà Mau.

Giữa tháng 4-1930, đồng chí đến Mỹ Tho, thông qua đồng chí Bảy Triều (là đảng viên của An Nam Cộng sản trước đây), đồng chí đã liên lạc được với các đồng chí Trần Văn Vi (Dân Tôn Tử), Nguyễn Văn Tân (Năm Tân), Lê Văn Giác và một số quần chúng nòng cốt như: Chín Thi, Mười Cử (ở Xoài Hột, Thạnh Phú); Bảy Ghè, Chín Hoàng (ở Long Hưng) và tổ chức thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Mỹ Tho tại thị xã Mỹ Tho, do đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy.

Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Mỹ Tho vừa mới thành lập đã triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành (2 ngày). Sau khi phân tích tình hình ở địa phương, hội nghị chủ trương phát động quần chúng trong tỉnh đấu tranh chống thuế, chống bắt xâu, chống đi canh tuần ban đêm… để chào mừng Ngày Quốc tế Lao động (01-5) và chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời nhằm biểu dương lực lượng cách mạng.

Thực hiện chủ trương Tỉnh ủy, chi bộ tích cực chuẩn bị băng, cờ, viết truyền đơn, vẽ áp phích, vận động, kêu gọi nhân dân đoàn kết chống đế quốc, địa chủ, quan làng phản động. Từ đó, cơ sở cách mạng được phát triển, mở rộng ra ở nông thôn và thành lập được một số chi bộ như: Chi bộ Chợ Bưng (xã Tam Hiệp, Châu Thành); Chi bộ Giồng Dứa (xã Phước Thạnh); Chi bộ Long Hưng; Chi bộ Thạnh Phú và cơ sở quần chúng ở Ba Dừa, huyện Cai Lậy,…

Được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, phong trào cách mạng của học sinh Collège de Mytho (nay là Trường trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu) phát triển mạnh, đồng chí xây dựng được cơ sở đảng đầu tiên của trường gồm có 2 đồng chí. Chi bộ Collège de Mytho được thành lập. Sau đó, Chi bộ kết nạp thêm 2 đồng chí: Phạm Hùng và Tinh. Chi bộ Collège de Mytho lúc đầu ít đảng viên, sau phát triển thêm và hoạt động mạnh.

Trong khoảng thời gian này, Tỉnh ủy Mỹ Tho cho xuất bản tờ báo, lấy tên “Dân Cày”, trụ sở đóng tại chợ Vòng Nhỏ (gần Hãng Xáng), do Phạm Hùng phụ trách xin giấy phép và in rô-nê-ô. Đồng chí và đồng chí Mai Bạch Ngọc phụ trách biên tập và viết bài.

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 01-5-1930, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí chỉ đạo các chi bộ tổ chức bãi thị đồng loạt ở 7 chợ, thuộc huyện Châu Thành: Chợ Giữa (Vĩnh Kim), chợ Thuộc Nhiêu (xã Dưỡng Điềm), Chợ Bưng (xã Tam Hiệp), chợ Nhị Bình (xã Nhị Bình), chợ Rau Răm (xã Phú Phong), chợ Bình Đức (xã Bình Đức), chợ Xoài Hột (xã Thạnh Phú) chống thuế chợ quá cao. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi.

Tháng 6-1930, đồng chí chủ trì hội nghị Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Mỹ Tho để đánh giá việc lãnh đạo công tác tư tưởng, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Hội nghị bầu Tỉnh ủy Mỹ Tho chính thức. Đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Cuối năm 1930, đồng chí chỉ đạo phát triển phong trào công nhân trong các hãng xưởng, quần chúng vùng nông thôn và chú ý đến phong trào học sinh. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, tổ chức Đảng ngày càng phát triển đều khắp từ thị xã đến nông thôn.

Năm 1932, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án tù khổ sai chung thân, đày Côn Đảo. Tại chốn “địa ngục trần gian” này, mặc dù bị bọn cai ngục tra tấn dã man; nhưng đồng chí vẫn kiên trung, giữ vững khí tiết và lập trường cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Chính phủ cách mạng đón về đất liền, tiếp tục tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được phân công trở về quê hương Quảng Ngãi hoạt động và được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, sau đó được phân công lần lượt giữ các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh Quảng Ngãi, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Liên khu ủy Liên khu V, rồi làm Giám đốc Hoa Kiều vụ Liên khu V cho đến tháng 7-1954.

Tháng 8-1954, đồng chí tập kết ra Bắc, làm Vụ trưởng Vụ Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa; và sau đó là Viện trưởng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), đồng chí trở về miền Nam và sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 1989, đồng chí qua đời, thọ 86 tuổi. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Song Lan

 Tags: đồng chí

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập469
  • Máy chủ tìm kiếm43
  • Khách viếng thăm426
  • Hôm nay78,089
  • Tháng hiện tại1,624,862
  • Tổng lượt truy cập39,994,238
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây