Chiến thắng Ấp Bắc - mấy vấn đề về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố hiện nay

Thứ sáu - 30/12/2022 06:53
Chiến thắng vang dội Ấp Bắc (02-01-1963) của quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã ghi vào lịch sử dân tộc. Là thắng lợi của sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục miền Nam Mà trực tiếp là Khu ủy Khu 8, Tỉnh ủy, Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho. Chiến thắng mở ra khả năng đánh thắng những chiến thuật tân kỳ của Mỹ và quân ngụy Sài Gòn. Đồng thời, là thắng lợi của phương thức tiến công tổng hợp của chiến tranh Nhân dân bằng hai lực lượng chính trị và quân sự, kết hợp ba mũi giáp công (chính trị, vũ trang và binh vận). Chiến thắng Ấp Bắc đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho việc xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đó là:
Thứ nhất, xây dựng nhân tố chính trị tinh thần và quyết tâm chiến đấu cao

Chiến thắng Ấp Bắc cho thấy, muốn giành thắng lợi cần kết hợp nhiều yếu tố, trong đó, đoàn kết sức mạnh của toàn dân, biến sức mạnh chính trị tinh thần thành sức mạnh và lực lượng vật chất to lớn được tổ chức một cách chặt chẽ nhằm đánh thắng kẻ thù là yếu tố mang tính chất quyết định.

Chiến thắng Ấp Bắc là một điển hình sống động về bài học quý giá về xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, quyết tâm chiến đấu cao, tạo sức mạnh tổng hợp tiến công địch, thực hiện “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”, “dĩ đoản chế trường”, lấy “chính nhân để thay cường bạo” và khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta là đúng đắn và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta là chính nghĩa, tất yếu sẽ đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Thứ hai, về xây dựng lực lượng và thế trận vững chắc, làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, đủ sức đánh bại hành quân càn quét quy mô lớn của địch

Tỉnh ủy, Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho chủ trương củng cố Đại đội 2 Tiểu đoàn 514 có đủ 3 trung đội để đưa ra hoạt động vũ trang; đồng thời tích cực chuẩn bị xây dựng Đại đội 3 Tiểu đoàn 514. Để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, cùng với phát triển lực lượng vũ trang địa phương của tỉnh, ta huy động lực lượng dân quân du kích các xã, lực lượng các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân, phối hợp triển khai cùng các lực lượng bộ đội chủ lực quân khu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân du kích trên những khu vực trọng yếu hình thành thế trận vững chắc để tiến công địch.

Tiến hành xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân tại địa phương trên cơ sở xây dựng các xã, ấp chiến đấu. Đây là một biện pháp mới nhưng rất hiệu quả, đã được quân và dân Khu 8 phát huy trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch. Nhân dân Ấp Bắc đã dựa vào điều kiện tự nhiên các rặng dừa, bờ tre và vườn cây làm vật che đỡ, che khuất để bố trí các thành phần lực lượng, phương tiện chiến đấu bảo đảm bí mật, giấu kín công sự trận địa và hành động chiến đấu của ta, làm cho địch luôn bị bất ngờ.

Công tác chuẩn bị chiến đấu đã được quân và dân Ấp Bắc quan tâm ngay từ đầu, nhất là công tác bảo đảm hậu cần và phục vụ chiến đấu tại chỗ. Đồng thời, luôn coi trọng xây dựng chăm lo đến đời sống nhân dân, gia đình, hậu phương quân đội. Nhiều mẹ và nhiều chị đã chỉ cho bộ đội bắn những tên lính dù trốn trong nhà, trong vườn. Một sự phục vụ và phối hợp chiến đấu rất nhịp nhàng của nhân dân và bộ đội trong trận chiến này đã tạo nên những hình ảnh đẹp đẽ, thắm tình quân dân. Mặc cho bom đạn địch đánh phá, các mẹ, các chị vẫn nấu cơm tiếp tế cho bộ đội “Bom rơi thì mặc bom rơi, chị em Ấp Bắc vẫn khơi bếp hồng, thổi nồi cơm dẻo thơm nồng, giúp anh bộ đội no lòng đánh hăng”.

Từ những kinh nghiệm quý báu và phát huy giá trị tinh thần to lớn của Chiến thắng Ấp Bắc, trong những năm qua, việc xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, đã đạt được những kết quả tích cực:

Một là, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm nòng cốt để phát huy tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ.

Xây dựng “thế trận lòng dân” là nội dung cốt lõi nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập dân tộc, tự lực, tự cường; củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương nói riêng, với Đảng, Nhà nước nói chung và là nguồn gốc tạo nên sức mạnh tổng hợp của khu vực phòng thủ.

Quá trình xây dựng “thế trận lòng dân” cần tiến hành đồng bộ toàn diện các lĩnh vực như: Công tác chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức và thực hiện tốt hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ở địa phương. Xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thuộc khu vực phòng thủ trong sạch, vững mạnh. Giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và toàn dân trong khu vực phòng thủ, chú trọng giáo dục trách nhiệm của mỗi công dân đối với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đường lối quốc phòng toàn dân và chủ trương xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố của Đảng và Nhà nước.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, giữ vững ổn định an ninh chính trị. Kết hợp đào tạo cán bộ gắn với công tác mặt trận, công tác văn hóa, công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngăn chặn văn hóa xấu, độc, phòng, chống tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật ở địa phương, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần, nâng cao dân trí trong khu vực phòng thủ.

Hai là, xây dựng tiềm lực kinh tế gắn với phát triển thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ đáp ứng yêu cầu củng cố quốc phòng, an ninh địa phương

Tiềm lực kinh tế là khả năng về kinh tế có thể khai thác, huy động nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương. Tiềm lực kinh tế có ý nghĩa quyết định, trực tiếp tạo ra sức mạnh vật chất và tinh thần cho khu vực phòng thủ. Kinh tế phát triển, các địa phương có điều kiện chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân và có điều kiện đầu tư kinh phí cho xây dựng lực lượng, thế trận khu vực phòng thủ, nhất là về thế trận quân sự.

Phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố gắn với thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ đáp ứng yêu cầu củng cố quốc phòng, an ninh. Phát triển công nghiệp phải gắn với quy hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng, phát triển công nghiệp dân sinh trong thời bình phải đáp ứng yêu cầu tính lưỡng dụng và sẵn sàng tiếp nhận công nghệ, chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ. Phát triển nông nghiệp phải bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và bảo đảm tích lũy cho nhu cầu dự trữ của khu vực phòng thủ trong các tình huống quốc phòng. Hoàn thiện chính sách về dân cư, tái bố trí cơ cấu dân cư, phục vụ nhu cầu xây dựng phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, góp phần hoàn chỉnh thế trận khu vực phòng thủ.

Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh làm nòng cốt trong hoạt động quân sự chủ yếu của khu vực phòng thủ. 

Lực lượng vũ trang địa phương là thành phần quan trọng của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Trong xây dựng lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố phải chú trọng nâng cao chất lượng, nhất là chất lượng chính trị, bảo đảm cho lực lượng vũ trang luôn luôn trung thành, có bản lĩnh vững vàng, có sức chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu cao.

Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, “Vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có cơ cấu tổ chức, biên chế, trang bị hợp lý, số lượng phù hợp và chất lượng cao.

Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng vũ trang quần chúng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”. Xây dựng lực lượng dự bị động viên theo phương châm “lực lượng hùng hậu, rộng khắp”. Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân theo hướng “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, chú trọng xây dựng công an xã chính quy.

Bốn là, xây dựng làng, xã chiến đấu làm nền tảng xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc

Xây dựng làng xã, chiến đấu là chủ trương đúng đắn trong đường lối quân sự của Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có thể xảy ra. Quá trình xây dựng khu vực phòng tỉnh, thành phố, các địa phương cần kết hợp chặt chẽ giữa tiếp tục hoàn thiện các công trình, thành phần thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ theo quy hoạch, đề án, lộ trình đã xác định với nghiên cứu, phát triển, bổ sung, nâng cấp các công trình quân sự, quốc phòng mới, hợp với thế trận tác chiến phòng thủ quân khu, hình thành thế trận liên hoàn vững chắc, có chiều sâu, có thế đánh, thế giữ…

Tập trung xây dựng đường, trường, trạm, kết hợp với xây dựng các chốt dân quân, chốt chiến dịch; khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương cấp tỉnh, cấp huyện; căn cứ và phân căn cứ hậu cần, kỹ thuật; khu sơ tán; sở chỉ huy các cấp; các mục tiêu trọng yếu; các điểm tựa, cụm điểm tựa, khu vực phòng ngự, khu vực bố trí trận địa chiến đấu và bảo đảm chiến đấu của các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ; các khu kinh tế quốc phòng; công trình chiến đấu của các tuyến đảo gần bờ.

60 năm đã trôi qua, Chiến thắng Ấp Bắc có ý nghĩa chiến lược to lớn trong tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng để lại nhiều kinh nghiệm về chuẩn bị thế trận, đoàn kết sức mạnh của toàn dân, xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần, xây dựng tiềm lực kinh tế, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang với lực lượng chính trị, bộ đội chủ lực Khu với bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân du kích. Những kinh nghiệm đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cần tiếp tục được nghiên cứu và phát triển vận dụng phù hợp vào xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố hiện nay, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trung tướng, TS LÊ XUÂN THÀNH, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng.

BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập574
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm557
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,144,332
  • Tổng lượt truy cập34,729,977
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây