Nhà giáo nhân dân, bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng trọn đời cống hiến cho đất nước

Thứ sáu - 04/11/2022 19:51
Một thiếu niên chăm học và học giỏi
 
Nhà giáo Nhân dân, Bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng sinh năm 1913 tại làng Bình Trưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Bình Trưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình Nho học tiến bộ có tinh thần yêu nước.

Thuở nhỏ, ông rất chăm học, học giỏi; năm 1926, thi đậu vào Collège de MyTho (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho); năm 1930, trúng tuyển vào Lycée Pétrus Ký ở Sài Gòn (nay là Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh). Tại đây, ông học cùng lớp với nhiều học sinh ưu tú mà sau này họ đều trở thành những trí thức cách mạng nổi tiếng, như Phạm Quang Lễ (tức Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa), Lâm Văn Bồn, Lê Văn Mười (Giáo sư ngành Nông Lâm), Đặng Văn Chung (Giáo sư Y Khoa), Trương Cang (sau là Bộ Trưởng trong Chính phủ Hoàng Gia Campuchia), Dương Minh Châu (Tỉnh ủy viên tỉnh Tây Ninh, hy sinh rất anh dũng, tên được đặt cho một chiến khu ở Đông Nam Bộ - chiến khu Dương Minh Châu),… Năm 1935, ông xuất sắc thi đậu tú tài toàn phần và trúng tuyển vào Trường Đại học Y - Dược khoa thuộc Viện Đại học Đông Dương đặt tại Hà Nội.
Vị bác sĩ  và nhà báo cách mạng nổi tiếng
 
Năm 1941, ông tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa với luận án De l' intérêt de la ponction sternale dans l' étude du paludisme (Về ích lợi của chọc dò xương ức trong nghiên cứu sốt rét). Sau đó,  ông làm việc tại Phòng Y tế, Sở Hỏa xa Đông Dương. Đồng thời, ông còn hoạt động trên lĩnh vực báo chí, là Chủ nhiệm báo Tin Mới có trụ sở tại phố Lagisquet, Hà Nội (nay là phố Chân Cầm, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội).

Tháng 8-1945, với lòng yêu nước nhiệt thành, ông giác ngộ cách mạng và tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Vốn có năng lực chuyên môn cao, ông được Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp tin tưởng bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục Quân y. Cùng với Lãnh đạo Cục Quân y, ông đã đặt những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Quân y cách mạng Việt Nam. Tháng 1-1946, ông Ủy viên Thường trực Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Đầu năm 1946, trước tình hình mới của cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao cho ông phụ trách công tác thông tin tuyên truyền. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), ông được chuyển sang chuyên trách công tác này với cương vị Tổng Giám đốc Nha Thông tin - Tuyên truyền (trong đó có Việt Nam Thông tấn xã). Từ năm 1950-1951, ông được đề bạt làm Chánh văn phòng, Ban Thường trực Quốc hội. Từ năm 1952-1954, ông được cử sang Nam Kinh (Trung Quốc) phụ trách y tế Khu học xá Trung ương. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), ông trở về nước, làm Trưởng ban Y tế Tổng cục Đường sắt (1955) rồi phụ trách Phòng Giáo dục chuyên nghiệp thuộc Bộ Y tế (1956).
 
Nhà giáo của Ngành Y tế
 
Năm 1957, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Bộ môn Sinh lý học, Trường Đại học Y Hà Nội. Trong suốt gần ba mươi năm qua, cùng với các đồng nghiệp và học trò của mình, ông đã hết lòng xây dựng bộ môn từ một cơ sở giảng dạy coi như không có gì, chỉ vẻn vẹn một giảng đường với vài phương tiện thực tập cũ kỹ trở thành một bộ môn y học cơ sở vững mạnh của nhà trường, gồm một giáo sư (bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng), ba phó giáo sư, một tiến sĩ, sáu phó tiến sĩ, các nghiên cứu sinh và bác sĩ trẻ có tài năng, say mê nghiên cứu làm việc trong những phòng thí nghiệm hiện đại: Phòng Hóa - Sinh lý (tặng phẩm của Giáo sư, Tiến sĩ S. Rapopore, Viện trưởng Viện Hóa sinh, Trường Đại học Tổng hợp Humbolt, Berlin, Cộng hòa Dân chủ Đức), Phòng Sinh lý lâm sàng, Phòng Hóa - Tổ chức, Phòng Sinh lý dinh dưỡng, Phòng Nghiên cứu chức năng thận (xây dựng từ năm 1980),...

Sau những lần đi công tác và dự hội nghị khoa học ở nước ngoài (Hội nghị quốc tế về ung thư lần thứ VII, Matxcơva, Liên Xô, 1962; Hội nghị quốc tế về cấp cứu y học và nội khoa ở Budapest, Hungary, tháng 6-1973...), được tiếp xúc với các nhà y học nổi tiếng thế giới, ông thường nắm bắt được những vấn đề khoa học về y khoa có tính mới nhất.

Với kiến thức uyên bác và lòng say mê khoa học, ông đã chỉ đạo bộ môn Sinh lý học đi sâu vào những nghiên cứu hết sức quan trọng. Trước hết là các vấn đề thuộc lĩnh vực y học ứng dụng, như sinh đẻ có kế hoạch, kỹ thuật chiết xuất kích dục tố nhau thai, y học lao động phục vụ công - nông nghiệp,... đặc biệt, công trình nghiên cứu Hằng số sinh học do ông chủ trì đã tập hợp được nhiều các cơ quan khác tham gia, đánh dấu một bước quan trọng trong việc điều tra cơ bản về con người Việt Nam mà kết quả là đã xuất bản được tập Hằng số sinh học người Việt Nam. Bên cạnh những vấn đề thuộc lĩnh vực Y học ứng dụng, những nghiên cứu cơ bản về Y khoa cũng song song phát triển dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông. Cùng với các bộ môn y học khác, Bộ môn sinh lý học đã đi vào nghiên cứu sinh học phân tử, như chức năng của các hormon vùng dưới đồi (hypothalamus), trạng thái “sốc” của sốt rét, sự thích nghi tích cực của cơ thể với tình trạng thiếu protein,... Từ những năm 60 của thế kỷ XX, xúc cảm trước sự tận tụy cống hiến trong lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ, ông đã cùng với Giáo sư Trần Hữu Tước, là những người thầy thuốc đầu tiên đứng ra thành lập “Ban Y học nghệ thuật” để chăm sóc sức khỏe cho giới nghệ sĩ, đặc biệt là chăm sóc giọng nói, tiếng hát cho các ca sĩ và diễn viên.

Trong thập niên 1980, ông chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc tại Trường Đại học Y Dược và Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ y tế. Từ năm 1997, khi đã bước vào tuổi 85, ông mới chính thức nghỉ hưu. Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng ông vẫn nhiệt tình say mê nghiên cứu khoa học, làm cố vấn cho Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tích cực tham gia công tác trong Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh, đem kiến thức, chuyên môn của mình truyền cho các thế hệ thầy thuốc trẻ.
 
Một nhà hoạt động xã hội năng nỗ và những phần thưởng cao quý
 
Ngoài công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ông còn tham gia nhiều hoạt động xã hội phong phú, ông là Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội (QH) các khóa I (1946-1960), III (1964-1971), IV (1971-1975); Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chánh Văn phòng Ban Thường trực QH khóa I, Ủy viên Ủy ban thống nhất của QH khóa II (1960-1964); Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Xã hội của QH khóa III, IV; Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của QH khóa V (1975-1976), VI (1976-1981), VII (1981-1987); đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV, V, VI và VII; Ủy viên Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học, Chủ tịch Hội Sinh lý Việt Nam,…

Trong quá trình hoạt động cách mạng và công tác chuyên môn, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập346
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm306
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,156,029
  • Tổng lượt truy cập34,741,674
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây