Để thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do hệ thống sông rạch chằng chịt, không tiện cho việc triển khai lực lượng cơ giới đường bộ, Mỹ đã đề ra chiến thuật “thiết giáp hạm trên sông” bằng cách “tạo ra một lực lượng hỗn hợp hải - lục đường sông (Joint army-navy riverine force) đóng trên các căn cứ nổi, có thể cơ động nhanh theo đường sông từ nơi này đến nơi khác”(1) nhằm tấn công bất ngờ và chớp nhoáng, tiêu diệt bộ đội chủ lực quân giải phóng và lực lượng du kích. Trong khuôn khổ đó, tháng 7/1966, nhiệm vụ này được giao cho Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ đóng ở căn cứ Đồng Tâm (Mỹ Tho), mà lực lượng chủ yếu để thực hiện việc tác chiến đường sông là Lữ đoàn 2, gồm có 3 tiểu đoàn cùng các đơn vị trực thuộc, do đại tá William B. Fulton chỉ huy. Đến tháng 4/1967, Hải đoàn đặc nhiệm 117 Mỹ được tăng cường đến Đồng Tâm. Tại đây, Hải đoàn này đã phối hợp với Lữ đoàn 2 Mỹ tạo thành lực lượng hải lục cơ động tác chiến đường sông (Mobile riverine force - viết tắt là MRF) với quân số 5.000 người (2). Lần đầu tiên, lực lượng ỗn hợp hải - lục cơ động tác chiến đường sông Mỹ được thành lập trên chiến trường miền Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Lực lượng hỗn hợp hải lục này, khi hành quân, đi đầu là một vài chiếc tàu bọc thép (thiết giáp đỉnh - Armored troop carrier, viết tắt là ATC) không chở quân có nhiệm vụ rà mìn và thủy lôi; tiếp theo là những chiếc tàu bọc thép chở quân; khi đến trận địa, binh lính bộ binh sẽ đổ bộ lên bờ dưới sự yểm trợ hỏa lực của pháo binh, máy bay ném bom và trực thăng chiến đấu, nhất là sự chi viện tại chỗ của các tàu xung kích (tiền phong đỉnh - Monitor); mỗi chiếc tàu xung kích được trang bị 1 đại bác 80 li, 1 đại bác 40 li, 1 súng cối 81 li bắn trực xạ, 2 trọng liên 12.7 li, 1 đại liên 30 và nhiều súng phóng lựu M.79. Ngoài ra, còn có tàu cứu thương, phà để máy bay trực thăng cất và hạ cánh.
Trước tình hình đó, quán triệt Nghị quyết 11 (tháng 3/1965) và Nghị quyết 12 (tháng 12/1965) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho đã đề ra chủ trương “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; trong đó có việc chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để đánh thắng lực lượng hỗn hợp hải - lục và chiến thuật “thiết giáp hạm trên sông” của Mỹ. Trên thực tế chiến trường, các đơn vị võ trang của Khu 8 và tỉnh Mỹ Tho đã từng đương đầu và đánh bại lực lượng này ở Long Tiên, Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) tháng 5/1967, ở Bàn Long (huyện Châu Thành) đầu tháng 9/1967.
Ngày 15/9/1967, lực lượng hỗn hợp hải - lục thuộc Lữ đoàn 2 Mỹ mở cuộc hành quân Cohort, tấn công vào xã Cẩm Sơn (Cai Lậy) với quy mô lớn, lực lượng hùng hậu, tần suất dày và mức độ vô cùng ác liệt nhằm tiêu diệt tiểu đoàn 263 chủ lực Khu 8. Sau một ngày kiên cường chiến đấu, mặc dù có sự chênh lệch lớn về lực lượng và vũ khí, nhưng tiểu đoàn 263 của ta đã anh dũng, mưu trí đánh bại hoàn toàn cuộc càn quét của địch, bắn chìm, bắn cháy, bắn hư 16 tàu các loại, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 lính Mỹ, bắn rơi 01 chiếc máy bay phản lực F100.
Chiến thắng Ba Rài ngày 15/9/1967 có ý nghĩa vô cùng to lớn trong tiến trình cách mạng miền Nam. Đây là trận đánh tiêu diệt sinh lực địch, tàu chiến và phương tiện chiến tranh của Mỹ nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Chiến thắng này thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn sáng tạo, năng động, đầy quyết tâm của Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho trong giai đoạn đối đầu với chiến lược “chiến tranh cục bộ” của địch. Đồng thời, chiến thắng Ba Rài đánh dấu bước trưởng thành vượt bật của lực lượng võ trang tỉnh Mỹ Tho và Khu 8, tạo ra nền tảng vững chắc để bộ đội ta lập nên những chiến thắng lẫy lừng sau đó.
Nếu chiến thắng Ấp Bắc ngày 02/01/1963 làm thất bại chiến thuật cơ động bằng xe bọc thép và máy bay trực thăng (chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận”), báo hiệu sự phá sản tất yếu của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy, thì chiến thắng Ba Rài là chiến thắng của một trận đột phá, có tính chất quyết định trong việc bẻ gãy chiến thuật “Thiết giáp hạm trên sông” của lực lượng hỗn hợp hải - lục Mỹ, có không quân và pháo binh yểm trợ tối đa, góp phần quan trọng trong việc đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đối phương trên toàn chiến trường miền Nam. Sau chiến thắng Ba Rài vang dội và nhiều chiến thắng to lớn khác của quân dân miền Nam, tháng 12/1967, Bộ Chính trị Đảng ta quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đập tan cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ, làm suy sụp ý chí xâm lược của bọn chúng, tạo ra bước ngoặt quyết định dẫn đến đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
(1),(2) J. Pimlott, Việt Nam những trận đánh quyết định, Bản dịch của Trung tâm Thông tin khoa học – công nghệ thuộc Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, NXB Mac Millan, New York, 1990, trang 98.