Hóc Đùng có tên chữ Hán được ghi trong quyển Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức là “Húc Đồng”. Tại đây, có một con rạch đổ ra kinh Bảo Định, tạo nên một vùng nước xoáy, đùn lại với nhau, nên từ đó có địa danh Hóc Đùng và rạch Hóc Đùng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), từ cuối năm 1967, Hóc Đùng là căn cứ của Thành ủy Mỹ Tho. Căn cứ Hóc Đùng được bao bọc, che chở bởi những vườn cây um tùm, mà nhiều nhất là mận Hồng Đào. Tại đây, đội kích xã Đạo Thạnh đã đào hào chiến đấu; gài lựu đạn, mìn; bố trí hầm chông, dựng bảng tử địa,… để bảo vệ căn cứ.
Căn cứ Hóc Đùng còn là nơi đứng chân của lực lượng vũ trang tỉnh Mỹ Tho (tiểu đoàn 514), của Quân khu 8 (hai trung đoàn 24 và 88; ba tiểu đoàn 261A, 261B và 263; đội đặc công 70B,…).
Do đó, Hóc Đùng được xem là “vùng oanh kích tự do” của quân đội Sài Gòn. Các lực lượng của địch đã nhiều tấn công vào đây, nhưng tất cả đều bị đánh bại bởi Nhân dân xã Đạo Thạnh, vốn có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bất khuất, đã một lòng đi theo Đảng và cách mạng, ra sức bảo vệ căn cứ, nuôi giấu, đùm bọc, che chở cán bộ, đảng viên Thành ủy Mỹ Tho.
Hóc Đùng là bàn đạp chiến lược để từ đây những đoàn quân giải phóng xuất kích tấn công vào tận hang ổ kẻ thù trên địa bàn thành phố Mỹ Tho trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất nhất đất nước.
Hiện nay, tại đây, có Bia lưu niệm căn cứ Thành ủy Mỹ Tho và Bia lưu niệm Thành đội Mỹ Tho ghi dấu một thời oanh liệt của Hóc Đùng trong kháng chiến để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
(*) Có tài liệu ghi Hóc Đùn.