Tấm gương hy sinh oanh liệt của liệt sĩ Trương Văn Điệp

Thứ sáu - 22/07/2022 05:03
Trương Văn Điệp, bí danh là Trương Hồng Lĩnh và Trương Nam Kiên, sinh năm 1916 tại làng Mỹ Hạnh Đông, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình trung nông yêu nước, có truyền thống cách mạng.

Tấm gương hy sinh oanh liệt của liệt sĩ Trương Văn Điệp
Năm 1940, ông tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở tại quê nhà. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp nên ông rút vào hoạt động bí mật. Tháng 8 - 1945, ông gia nhập lực lượng Thanh niên tiền phong và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Sau đó, ông giữ chức Thư ký rồi Chủ nhiệm Thôn bộ Việt Minh xã Mỹ Hạnh Đông.

Cuối năm 1947, ông được bầu vào Huyện bộ Việt Minh huyện Cai Lậy và phụ trách việc thành lập Hội Công thương cứu quốc huyện. Năm 1950, ông được phân công làm Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên Huyện đội Cai Lậy. Với chức trách được giao, ông cùng với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo và chỉ đạo phong trào cách mạng ở huyện Cai Lậy có những bước phát triển vững chắc, góp phần cùng với quân dân cả nước đánh bại thực dân Pháp.

Sau hiệp định Genève (tháng 7 - 1954), ông được chỉ định làm Tỉnh ủy viên tỉnh Mỹ Tho, phụ trách huyện An Hóa (nay thuộc huyện Bình Đại và một phần huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Tại đây, ông đã cùng với Huyện ủy dấy lên phong trào đấu tranh sôi nổi của nhân dân, đòi tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, đòi các quyền dân sinh dân chủ, chống tố cộng, diệt cộng.

Sau khi phong trào cách mạng ở An Hóa đã lớn mạnh, từ năm 1956 - 1958, ông được cấp trên điều đi tăng cường cho Tỉnh ủy An Giang và Tỉnh ủy Kiến Phong. Năm 1959, ông được phân công trở về Mỹ Tho hoạt động, phụ trách huyện Châu Thành. Năm 1961, ông chuyển sang phụ trách huyện Chợ Gạo. Lúc bấy giờ, phong trào cách mạng ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ông đã cùng với Ban Cán sự huyện ra sức xây dựng cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng. Nhờ đó, Huyện ủy Chợ Gạo được tái lập và phong trào đấu tranh ngày càng phát triển vững chắc.

Năm 1962, ông được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Mỹ Tho. Ở cương vị nào, ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngày 2 - 9 - 1962, địch bất ngờ đổ quân vào Cống Đình thuộc xã Hưng Thạnh, huyện Châu Thành (nay là xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), nơi tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy.

Đến 14 giờ cùng ngày, địch phát hiện hầm trú ẩn của ông. Bọn chúng dùng loa gọi hàng, nhưng ông kiên quyết không chịu khuất phục; và đã hy sinh anh dũng sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, nêu cao tấm gương sáng về ý chí tiến công cách mạng và tinh thần tận trung với Đảng, tận hiếu với nhân dân. Tên ông được đặt tên đường ở thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập618
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm594
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,165,960
  • Tổng lượt truy cập34,751,605
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây