Chuyện người nữ cựu tù kiên trung

Thứ năm - 23/06/2022 03:22
Lâu nay tôi chỉ biết đến cô Mai Thị Nga (Bảy Nga) - Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị xã Cai Lậy, là một người rất nhiệt tình trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Như một sự hữu duyên, bởi tôi đến gặp cô vì một câu chuyện khác. Thế nhưng, câu chuyện thời chiến, nhất là những năm tháng đấu tranh trong nhà tù địch của cô đã cuốn hút tôi - vốn sinh ra và lớn lên trong thời bình, thừa hưởng niềm hạnh phúc từ chính sự hy sinh xương máu của những chiến sĩ cộng sản.

Cô Mai Thị Nga (đứng giữa) thăm và tặng quà người cao tuổi.
Cô Mai Thị Nga (đứng giữa) thăm và tặng quà người cao tuổi.
Tôi đến tìm cô Bảy Nga vào một buổi chiều khi cơn mưa rào vừa tạnh. Ngồi đối diện tôi là người phụ nữ cao niên nhưng vẫn giữ vẻ đẹp mặn mà, nhiều đường nét của một nhan sắc vượt thời gian còn đọng lại trên gương mặt. Nhìn cô, ít ai nghĩ cô đã từng bị địch bắt giam, phải chịu nhiều đòn tra tấn độc ác của kẻ thù. Như đọc được những điều tôi nghĩ, cô bắt đầu câu chuyện bằng lời bộc bạch vê quá trình tham gia cách mạng của bản thân.

Quê cô ở xã Tân Bình, huyện Cai Lậy (nay thuộc thị xã Cai Lậy). Sự khốc liệt của chiến tranh đã rèn luyện cho một thiếu nữ 15, 16 tuổi như cô sự chững chạc như người lớn. Ngày ngày, cô vẫn ra đồng nhỏ cỏ hoặc cắt lúa như bao cô thôn nữ khác trong xóm. Cô Bảy nhớ lại: “Lúc ấy, cô cũng biết một số chú, anh chị trong tổ chức, nhưng nói thật, cô không biết mình được giác ngộ từ khi nào. Có lẽ vì từ bé, cô bị bọn nhà giàu khinh khi, thấy bọn Mỹ, ngụy coi rẻ nhân mạng và chà đạp dân mình, cô đã ý thức được thân phận và nỗi khổ nhục của một người dân mất nước. Cô dần hiểu ra có một lực lượng, gồm những con người yêu nước, bảo vệ dân nghèo, trong đó có gia đình mình. Trong thâm tâm cô nghĩ đó là những người tốt và quyết tâm đi theo. Khoảng cuối năm 1960 đầu năm 1961, cô được chú Chín Thi, khi đó là Bí thư xã Tân Bình, giao  làm giao liên chủ yếu là ra ám hiệu cho các cô chú mỗi lần hội họp, sau đó cô được giao làm Hội phó rồi Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Tân Bình. Đến ngày 19/5/1962, cô chính thức được kết nạp vào Đảng khi vừa qua tuổi 18…”.
 
Chiều ngày 20/12/1962, trên đường trở về sau khi dự Hội nghị ở xã Mỹ Hạnh Trung, cô và hai đồng chí giao liên bị địch phục kích khu vực chùa Khánh Quới ngày nay. Chúng nổ súng một trong hai giao liên là đồng chí Tư Lủi (quê ở xã Thạnh Phú tức Thạnh Lộc và Phú Cường ngày nay) chết tại chỗ. Cô nhanh chân nhảy xuống một đìa gần đó lặn nằm dưới đám lục bình. Đồng chí giao liên may mắn chui vào được hốc cây trâm bầu lớn sát bờ chúng không tìm được. Bọn giặc lùng sục xung quanh, kéo hết lục bình lên, bắt được cô và giải về Nhà giam Chi khu Cai Lậy tra khảo, buộc phải khai ra chỗ ở của đồng chí Chín Thi, ai đã lôi kéo chị vào tổ chức chống lại chính phủ Việt Nam cộng hòa, những đồng chí của cô là những ai và cô đã lôi kéo được những ai vào tổ chức? Trong suốt hai ngày, cô luôn bị tra tấn, đánh đập và dụ dỗ, dã man nhất là chúng đổ xà phòng vào miệng để không chịu được mà khai ra. Dù trải qua nhiều đợt tra tấn, nhưng cô nhất quyết không khai, chỉ nói mình “đi đám giỗ nghe tin ba mất lật đật quay về lúc trời  tối, tình cờ gặp hai anh thanh niên thì mấy ông ập tới”. Cứ như thế, dù bị cực hình, cô luôn động viên mình phải sống để chờ ngày đất nước thanh bình. Biết không thể khai thác được gì, chúng giải cô Bảy Nga về Mỹ Tho.

Cô im lặng thật lâu, như đang hồi tưởng lại giây phút lần đầu tiên phải xa gia đình mà không biết ngày quay về. Cái cảm giác bồn chồn khi phải xa người thân, xa ngôi nhà thân yêu và những đồng chí, đồng đội đến giờ này cô Bảy vẫn nhớ mồn một. Rồi cô nói tiếp: “May mắn trước khi đưa lên xe, cô thấy chị Sáu Phụng, là đảng viên hoạt động hợp pháp, đang đi chợ về liền xin tên áp giải cho gặp người quen để nhắn về gia đình. Tên lính gật đầu, cô liền tiến đến gần chị Sáu nói nhỏ vào tai: “Nhắn dùm tổ chức yên tâm, tôi không khai gì hết” sau đó quay trở lại để bọn chúng giải đi”.

Tại Khám đường Mỹ Tho, bọn lính tiếp tục tra khảo và hỏi cung cô với những âm mưu thâm độc, từ dụ dỗ mua chuộc đến dọa dẫm tra tấn. Cô vẫn không nao núng, khéo léo tùy cơ ứng biến trả lời các câu hỏi của giặc vừa tránh cho bản thân, vừa giữ được bí mật của tổ chức yêu nước. Không những thế, cô còn vận động chị em không chào cờ vào sáng thứ hai hàng tuần, lúc thì đau bụng, nhức đầu, lúc chóng mặt… Viện vào cớ chống đối không chào cờ, chúng chuyển sang dùng cực hình tra tấn, dùng dùi cui đánh tới tấp làm cô chết đi sống lại nhiều lần. Suốt ba ngày như thế, bọn giặc đưa cô về phòng giam, cả người cô bị đánh sưng đến nổi các chị bị giam cùng phòng phải hỗ trợ việc đi đứng, lau máu, ăn uống, giúp đi vệ sinh và đưa lên phòng y tế để xin thuốc. Sau này, nghe kể lại, lúc nhìn thấy cô, có chị đã bật khóc vì nghĩ rằng cô sắp chết. Không những thế, chúng còn dựng chuyện rằng cô có quan hệ trai gái với một anh việt cộng đã bị bắn chết, còn cô hiện đã có mang rồi báo cho gia đình, hàng xóm biết. “Má cô nghe vậy cũng đau khổ lắm, nhưng bả cắn răng chịu đựng. Chú Chín Thi biết chuyện khẳng định với gia đình không có chuyện đó, luôn an ủi sự tổn hại danh dự của gia đình. Người đời đàm tiếu thế này thế nọ, lúc đó nếu mình ức quá mà trả lời “tui đi làm cách mạng, chứ có phải hẹn hò, bồ bịch gì đâu mà mấy người nói vậy” thì lập tức công việc sẽ bị lộ, tánh mạng cũng khó bảo toàn. Cô chấp nhận im lặng để bảo vệ tổ chức” - cô Bảy Nga bùi ngùi kể. Biết không thể khai thác được gì, một tháng sau chúng đưa cô lên trại giam Thủ Đức.

Khi đó phong trào đấu tranh của quần chúng đang  lên cao, số người tham gia hoạt động chính trị bị bắt về giam tại trại giam Thủ Đức ngày càng nhiều. Tại đây, cô lại tiếp tục tham gia nhóm chống đối không chào cờ, giam chung với 5 chị em khác trong đó có đồng chí Trương Mỹ Hoa (nguyên Phó Chủ tịch nước, có bí danh là Bảy Tâm). Tất cả đều bị còng một chân.

Cô Bảy Nga kể tiếp: Bây giờ nhớ lại vẫn còn cảm giác rùng mình. Phụ nữ ở trong lao tù bao giờ cũng phải chịu nhiều đau khổ hơn nam giới. Những đòn tra tấn dã man, tàn bạo xảy ra với các chị em bị giam tưởng như không thể xảy ra trong thế giới văn minh, nhưng đã xảy ra, kinh hoàng. Chúng càng đánh, chị em càng đấu tranh phản đối dữ dội, động viên nhau phải đoàn kết, khi bệnh hoạn chăm sóc cho nhau. Chị em một lòng xác định: Vào tù cũng là một mặt trận - nếu có hy sinh cũng là hoàn thành nhiệm vụ! Chị em vẫn tìm cách liên hệ các nhà giam khác,  động viên nhau giữ vững ý chí và niềm tin, biến lòng căm thù thành các phong trào đấu tranh quyết liệt, như: đấu tranh đòi nhà tù cải thiện bữa ăn, chống học tập, không chào cờ,…

Sau đó, cô và nhiều chị em khác tuyệt thực để phản đối sự đàn áp của địch. Đến ngày thứ 6, mọi người trong phòng rất yếu, riêng cô phờ phạc, đầu tóc rối bù, rũ rượi,  ho liên tục, chị em thấy vậy hoảng sợ, cố gắng bò ra  gõ cửa kêu giám thị. Y tá vào bắt mạch cả 6 người cùng phòng, mặt thất sắc, thốt lên: “Sao kỳ lạ, tất cả mạch quá yếu hoặc không đều, phải chuyển cấp cứu ngay”. Chúng lập tức chuyển 6 chị em qua bệnh viện Chợ Quán để điều trị. Được  một tuần lễ, thấy sức khỏe đã tạm ổn, bọn giặc đưa mấy chị về nhưng lần này tách ra, đưa vào xà lim. Từ đó, cô không còn liên lạc gì được với đồng chí Trương Mỹ Hoa.

Đẩy chai nước suối ướp lạnh vô tay tôi, cô giục: “Uống đi cháu chứ thôi nước hết lạnh. Nhắc đến chị Trương Mỹ Hoa cô mới nhớ một chuyện hy hữu nhưng cũng vui vui. Sau ngày đất nước thống nhất, ông xã cô (chú Châu Thế Bình - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) được cử đi học ở trường Nguyễn Ái Quốc ở Hà Nội chung lớp với chị Trương Mỹ Hoa. Biết quê chú ở Cai Lậy nên có hỏi biết cô Bảy Nga không? Khi biết được là “người một nhà” chị Trương Mỹ Hoa rất mừng, viết ngay một bức thư nhờ chuyển cho cô”. “Chắc lúc đó cô Trương Mỹ Hoa bất ngờ lắm! Tình cờ hỏi thăm mà sao trúng phóc người”. Nghe tôi nói, cô Bảy cười lớn: “Làm như có duyên hay sao đó!”.

Ngay sau sự việc đó, bọn giặc đưa cô ra tòa án quân sự ở Thủ Đức xét xử với lý do có liên can đến cái chết của đồng chí giao liên, vì khi bọn giặc khám xét trên người đồng chí này có 2 quả lựu đạn cùng một số tài liệu tuyên truyền chống chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Tòa kết án 18 tháng tù, đồng nghĩa cô tiếp tục quay trở lại nhà giam. Cô nói với giọng buồn buồn: “Khi đưa ra xe, bỗng dưng cô thèm gặp được một người thân nào đó thình lình đi ngang qua. Chỉ cần sự xuất hiện của người quen hay thấy từ xa cũng được để thấy họ giờ như thế nào vì lâu quá cô không gặp được ai”. Có lẽ khi đó nỗi nhớ quê tích tụ tự đáy lòng, rồi hôm nay như trào dâng một miền cảm xúc thiết tha…

Trở về trại giam, cô tiếp tục tham gia đấu tranh không chào cờ giặc. Thời đó, trong nhà tù đế quốc, ngoài dùng cực hình tra tấn, bọn giám thị còn đánh vào tâm lý, tình cảm của những người bị chúng giam cầm, bằng cách gợi lên tình cảm gia đình, tương lai, hạnh phúc... hòng lung lạc tinh thần tù nhân. Không ít chiến sĩ cách mạng đã gục ngã vì “viên đạn bọc đường” ấy. Có lần, tên đại úy Thu kêu cô lên nhỏ to dụ dỗ: “Ở tuổi đời như em thế này, bên ngoài người ta đã có gia đình hạnh phúc vậy mà theo cách mạng chi để chịu cảnh tù đày, mai mốt chồng con lỡ dở. Bây giờ nếu từ bỏ cách mạng vẫn còn kịp, còn cơ hội tìm hạnh phúc riêng cho mình”. Cô trả lời đanh thép: “Ông nhắc chuyện đó tôi còn hận chế độ ông thêm. Mấy ông giết chết tuổi thanh xuân của tôi rồi giờ này còn nói gì nữa. Tự nhiên mấy ông bắt tôi vô đây rồi đánh đập, dụ dỗ, buộc tội tôi liên can với việt cộng, bỏ tù, không cho tôi về. Thôi bây giờ tôi không về. Tôi về tiền đâu mua uống thuốc”. Mấy ngày  sau có phái đoàn của Hạ viện của chính quyền Sài Gòn đến  khảo sát việc đối xử với tù nhân của bọn giám thị. Chị em trong nhà giam đưa ra kiến nghị phải thả cô Bảy Nga vì “Nó còn nhỏ có  biết gì mà cho là việt cộng”.

Dụ dỗ, khảo tra, không lung lay được, vả lại không có chứng cứ cô tham gia cách mạng, áp lực đấu tranh của chị em trong tù  cũng như không thể giam cô thêm được nữa, đầu năm 1965, bọn giặc đành phải trả tự do cho cô Bảy Nga. Sau khi ra tù, cô tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng. Trải qua nhiều vị trí công tác, ở cương vị nào, cô Bảy cũng cần mẫn, tận tâm, hăng hái, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đến năm 2000, vừa  nghỉ hưu theo chế độ thì cô nhận nhiệm vụ tại Hội Người cao tuổi huyện Cai Lậy. Qua 20 năm công tác  với vai trò Phó Chủ tịch, giờ là Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị xã Cai Lậy, cô đã đưa hoạt động chăm lo cho Người cao tuổi trên địa bàn ngày càng đi vào nề nếp và chiều sâu, cũng như đóng góp sức mình để giáo dục thế hệ trẻ sống có ích.

Hỏi cô "Nghĩ lại thời gian ở tù cô sợ nhất điều gì?" - cô đáp nhanh: “Không sợ gì”. Và cô cười tươi: “Vì xác định vào tù là giờ phút cuối, một là sống hai là chết. Hơn nữa, vào tù thì có chị em động viên, giúp đỡ nhau. Ai cũng không sợ. Chị em một lòng”. Tôi đã từng nghe nhiều cán bộ lão thành có giai đoạn bị bắt, giam cầm trong các nhà tù  kể về cuộc sống nơi đây, vậy mà nghe cô kể lại, lòng tôi vẫn trào dâng cảm xúc khâm phục trước ý chí kiên cường, tinh thần anh dũng đấu tranh, tự vươn lên trong mọi hoàn cảnh của các chiến sĩ cách mạng.

Ánh nắng chiều dần dần khuất sau dãy nhà cao tầng dọc đường phố. Tôi chào cô để ra về mà lòng luyến tiếc thời gian quá ngắn ngủi để có thể nghe cô kể hết những gì đã trải qua, trong chiến tranh cũng như trong thời bình. Nét kiên cường, bất khuất của người phụ nữ Nam Bộ hiện lên trên khuôn mặt, trong giọng nói quả quyết của cô làm tôi nhớ mãi. Và đằng sau tính kiên định, mưu trí, dũng cảm còn có những hy sinh thầm lặng về hạnh phúc làm vợ, làm mẹ mà cô không tiện nói. Bất chợt, tôi nhận thấy rằng, để có được một cuộc sống yên bình trên quê hương như ngày hôm nay, các thế hệ đi trước đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí bằng cả xương máu của mình. Thế hệ của chúng ta ngày nay được sống, học tập và lao động trong khung cảnh yên ả, thanh bình, âu đó cũng là niềm hạnh phúc!

Lê Quang Huy
(Ghi theo lời kể của cô Mai Thị Nga).

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập428
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm405
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,171,766
  • Tổng lượt truy cập34,757,411
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây