Địa danh một vài hải đảo ở Tây Nam bộ

Thứ năm - 26/05/2022 05:59
Địa danh hải đảo ở Tây Nam Bộ chịu ảnh hưởng của ngữ hệ Nam Đảo (Malayo-Polynesian) để chỉ các thực thể nổi trên biển là các hòn đảo với các danh từ như hòn, cù lao, cồn (Việt). Ở các ngôn ngữ trong khu vực Đông Nam Á, từ tương ứng đó là cu rao (Mạ); pi lao (Chăm); koh, kaoh (Khmer); ko, kas (Thái); pulau (Mã Lai),...

Một góc Côn Đảo (ảnh Đỗ Minh Tiến).
Một góc Côn Đảo (ảnh Đỗ Minh Tiến).
Cù lao là biến âm của từ pulau trong tiếng Mã Lai, có nghĩa là “hòn đảo” (pulau> Câu Lau > Câu Lao > cù lao).

Các hòn đảo ở bờ biển Nam Bộ (và cả Nam Trung Bộ), người Pháp đều gọi là poulo. Người châu Âu đến nước ta từ năm 1650 và họ đặt tên các hòn đảo đó trước khi xâm chiếm nước ta. Ví dụ, Poulo Gambir là đảo Cau Mứt, Poulo Obi là đảo Khoai.

Côn Đảo

Côn Đảo xưa có tên là Pulao Kunder do người Mã Lai đặt. Pulao có nghĩa là đảo, Kunder bầu bí (courge). Pulao Kunderhòn bầu, hòn bí (Ile des courge), có lẽ do ở đây trước kia người ta trồng nhiều bầu bí. Vào năm 1285, bọn giặc Tàu Ô đến chiếm quần đảo Côn Lôn để làm sào huyệt, nhận thấy đảo nào ở đây cũng có núi, nên gọi là K’ouen louen, phiên âm là Côn Lôn.Người Việt phiên âm là “cù lao”, là vùng đất nổi lên trên sông hay biển, do phù sa bồi đắp. Côn Lôn là từ Hán Việt, danh từ chung để chỉ núi hoặc đảo.

Bản dịch Chân Lạp phong thổ ký của Hà Văn Tấn chú thích ở trang 22 sách này ghi: “Côn Lôn: theo nghĩa rộng chỉ cả vùng Mã Lai, nghĩa hẹp chỉ đảo Côn Lôn (tức Côn Đảo, nay thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)” (1). Tự vị An Nam Latinh (1772-1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine chép: “Hòn Côn Nôn: đảo Pulo Condor” (2). Còn trong quyển tự điển Dictionarium Anamitico-Latinum (1838) của Taberd là: “hòn Côn nôn, insula Pulocondor” [hòn Côn Lôn, bán đảo Côn Lôn] (3).

Các đảo khác

- Thổ Chu/Châu (Pulo Pinjang, Poulo Panjang), Panjang tiếng Mã Lai có nghĩa là “dài, cao, xa”; người Trung Hoa dịch là Đại Hoành hoặc Đại Hoành Sơn (đảo lớn nằm ngang). Trong các ghi chép và bản đồ hàng hải phương Tây gọi là Panian, Paniang, Pinjang, Panjang từ rất sớm, các tên này đều có chung gốc từ “panjang”. Tiếng Hán là Thổ Châu dữ (hòn Thổ Châu).

Tên Thổ Chu có từ thời Gia Long, còn trước đó ngư dân Mã Lai, Thái Lan, Cao Miên đều gọi là Poulo Panjang (đảo Dài) (4).

Sách Đại Nam nhất thống chí chép về đảo Thổ Chu: “Đảo này làm viễn án cho 2 huyện Kiên Giang và Long Xuyên, có một tên nữa là đảo Sạn Trúc, chu vi độ 100 dặm, cây cối rườm rà, hang động u ảo, sản xuất yến sào, đồi mồi, ba ba, hải sâm, cũng có nhân dân ở đấy. Lúc đầu trung hưng, Thái tổ Cao hoàng đế thường ngự thuyền đến” (5).

- Hòn Khoai (Poulo Obi, Poulo Ubi, Poulo Hubi), theo tiếng Indo và Mã Lai, Ubi có nghĩa là “khoai / củ khoai”, tiếng Hán gọi là Thự Dữ (đảo Khoai Lang).

- Cổ Trôn (Cổ Tôn) là đảo lớn thuộc quần đảo Nam Du trong tiếng Mã Lai gọi là Pulo Damar.Cù lao Nai là cù lao nhỏ ở phía tây Cù lao Dung, nay thuộc huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) tiếng Khmer gọi là Koh Proes (con nai).Cù lao Mây nay thuộc huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), tiếng Khmer gọi là Koh Romas.

Nằm trong ngữ hệ Nam Đảo, các địa danh hải đảo ở Tây Nam Bộ chịu ảnh hưởng bởi sự giao thoa ngôn ngữ của các nước trong khu vực như Champa, Khmer, Thái, Mã Lai, Indonesia; tiêu biểu nhất là trường hợp biến âm từ pulao thành Câu Lâu, Côn Luân, Côn Lôn, Cù Lao  hoặc vừa mượn âm vừa dịch nghĩa như Côn Đảo (ko, koh, kaoh, kas -> Côn, cù lao -> đảo).


Chú thích:

(1) Chu Đạt Quan (2006), Chân Lạp phong thổ ký, Hà Văn Tấn dịch, Phan Huy Lê giới thiệu, Nguyễn Ngọc Phúc chú thích, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.21-22.

(2) Pierre Pigneaux de Béhaine (1999), Tự vị An Nam Latinh, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr.96.

(3) Taberd (2004), Dictionarium Anamitico-Latinum, Nxb Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội, tr.86.

(4) Sơn Hồng Đức (1973), Vịnh Thái Lan, Trăm Hoa Miền Tây xb, Sài Gòn, tr.125.

(5) Đại Nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam Việt, Tập hạ, An Giang – Hà Tiên, Tái bản có sửa chữa, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, 1973, tr.61. Cũng sách này, trong bản dịch của Phạm Trọng Điềm chép: “Hòn Thổ Chu ở ngoài biển về huyện Hà Châu, cách bờ 2 ngày rưỡi đường; lại có tên là hòn Châu Dầu, chu vi chừng trăm dặm, cây cối xanh om, con vích, hải sâm; trên cù lao có dân cư. Đầu đời trung hưng, Thế tổ Cao hoàng đế đã từng đỗ thuyền ở đấy” (Đại Nam nhất thống chí, Tập 5, Nxb Thuận Hóa, 1992, tr.19). Chứ không hề có đoạn: “Quần đảo Thổ Chu còn gọi là Thổ Chu, Củ Chu là quần đảo ở ngoài biển huyện Hà Châu” như sách Kể về hải đảo của chúng ta đã ghi [Vũ Phi Hoàng (1985), Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.80].

Nguyễn Thanh Lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập265
  • Máy chủ tìm kiếm82
  • Khách viếng thăm183
  • Hôm nay37,303
  • Tháng hiện tại794,718
  • Tổng lượt truy cập39,164,094
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây