Nhà thơ cách mạng Bảo Định Giang

Thứ ba - 26/07/2022 05:21
Bảo Định Giang, tên thật là Nguyễn Thanh Danh, ngoài ra còn có các bút danh Nguyễn Thanh, Thu Thủy, Văn Kỳ Thanh, Nguyễn Tịnh Hà, sinh năm 1919 tại làng Mỹ Thiện, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Nhà thơ cách mạng Bảo Định Giang
Năm 1935, khi đang học trung học, nhưng do gia đình gặp khó khăn, ông phải rời quê nhà đến chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) học chữ Nho với Phan Văn Viễn, vốn là một sĩ phu yêu nước, cháu gọi Phan Đình Phùng bằng bác, quê ở Hà Tĩnh, bị thực dân Pháp buộc “an trí” ở Mỹ Tho.
 
Năm 1939, ông được nhà cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ chủ nghĩa cộng sản. Tháng 8 - 1945, ông tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Mỹ Tho; sau đó, được giao nhiệm vụ quản lý “quán cơm bình dân” do Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh thành lập nhằm làm nơi bồi dưỡng sức khỏe cho những cán bộ cách mạng từ nhà tù Côn Đảo được Đảng rước về đất liền. Cuối tháng 10 - 1945, khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Mỹ Tho, ông được điều về Chợ Gạo làm Trưởng ban Tuyên truyền huyện. Giữa tháng 11 - 1945, trên đường đi công tác, ông bị quân Pháp bắt tại xã Thanh Bình. Tại nhà ngục Mỹ Tho, mặc dù bị tra tấn liên tục trong vòng hai tháng, nhưng ông vẫn giữ vững tinh thần kiên định đến cùng, quyết không khai báo, bảo vệ cơ sở cách mạng. Sau đó, do được học trò và người thân chạy vạy, lo lót, ông được trả tự do.
 
Đầu năm 1946, ông vào Đồng Tháp Mười rồi lên chiến khu Đ ở tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) để chuẩn bị ra Bắc. Nhưng, được chỉ thị của cấp trên, ông trở về Đồng Tháp Mười, phụ trách công tác tuyên truyền kiêm Chủ bút báo Tổ Quốc của Chiến khu 8. Năm 1950, ông được đề bạt làm Trưởng ban Tuyên truyền thuộc Bộ Tư lệnh Nam bộ đóng ở Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Năm 1951, ông  được phân công nhiệm vụ ở chiến trường miền Đông Nam bộ, đóng ở căn cứ  Dương Minh Châu (Tây Ninh). Năm 1953, ông tham dự lớp chỉnh huấn do Trung ương mở ở Bình Định, Quảng Ngãi. Sau đó, ông được điều ra miền Bắc, công tác ở Tổng cục Chính trị và Ban Tuyên huấn Trung ương tại ATK (An toàn khu) Việt Bắc.
 
Sau khi hiệp định Genève được ký kết (7 - 1954), ông vào công tác ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), phụ trách tuyên truyền đón bộ đội và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Trong thời gian ở miền Bắc (1953 - 1977), ông đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong các ngành phát thanh, báo chí, tuyên huấn, văn nghệ, như Trưởng ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương, Tổng biên tập báo Văn Nghệ, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
 
Năm 1977, ông được phân công công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật kiêm Tổng biên tập báo Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Năm 1990, ông nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục sáng tác với bút lực rất dồi dào.
 
Về lĩnh vực sáng tác, ông đến với thơ văn ngay từ lúc còn rất trẻ. Năm 19 tuổi, ông đã có những bài thơ đầu tiên nói lên tâm sự buồn nhớ cha mẹ mỗi khi Tết đến. Năm 23 tuổi, ông có hai bài văn xuôi đầu tiên là Tâm sự Khuất NguyênCuộc đời Nhà thơ lớn Bạch Cư Dị đăng trên tuần báo Đông Thanh ở Sài Gòn. Năm 26 tuổi, vào tháng 8 - 1945, ông có bài thơ đầu tiên về đề tài cách mạng là bài Dư đồ Tổ quốc. Từ  những sáng tác đầu tay cho đến lúc cuối đời, ông đã có gần 50 tác phẩm được xuất bản thành sách và hàng trăm bài báo, bao gồm các thể loại ca dao, thơ văn, bút ký, kịch bản văn học, sưu tầm, nghiên cứu, phê bình,... Các tác phẩm chính của ông là:

- Ca dao: Ca dao Đồng Tháp, Ca dao Bảo Định Giang toàn tập, Ca dao - dân ca Nam bộ (viết chung),...

- Thơ: Những con số máu (Đạt Giải thưởng của Sở Thông tin Nam bộ), Đường giải phóng, Đêm huyền diệu, Mây trắng bến Nhà Rồng, Thuyền chở đạo,...

- Văn: Ơn chị, Hồi chuông ngày ấy, Phù sa sông Tiền, Đất nước - Con người Tiền Giang, Trong mỗi trái tim (Đạt Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1994),...

- Bút ký: Đốt lò hương ấy, Về Nam,...

- Kịch bản văn học: Hả dạ, Đồng xanh - Máu đỏ, Những bài tay xây dựng, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Người mặt cháy,...

- Sưu tầm, nghiên cứu, phê bình: Từ trong máu lửa, Ca dao dân ca Nam BộThơ văn yêu nước Nam bộ cuối thế kỷ XIX, Mấy vấn đề văn nghệ yêu nước và cách mạng, Nguyễn Thông - con người và tác phẩm (viết chung), Bùi Hữu Nghĩa, con người và tác phẩm, Những ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Nam bộ nửa sau thế kỷ XIX, Văn nghệ - một thời để nhớ (Đạt Giải thưởng của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1998),...

Nhìn chung, các tác phẩm của ông xoay quanh 4 chủ đề chính là Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa kiệt xuất, Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và đất nước - con người Tiền Giang. Đặc biệt, ông là tác giả của bốn câu thơ - ca dao nổi tiếng được sáng tác năm 1946:

Tháp Mười đẹp nhứt bông sen,
Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ.
Bông sen dành để lễ chùa,
Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm.

Năm 2005, ông mất tại thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc đời và tác phẩm của ông luôn luôn gắn bó với nhân dân, với sự nghiệp kháng chiến, dựng xây đất nước, với quê hương Nam Bộ yêu quý. Ông thuộc lớp các nhà văn, chiến sĩ mà chất người, chất văn của vùng đất phương Nam được biểu hiện khá nổi bật. Ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huy chương Vì sự nghiệp văn học Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 (2001),...

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập309
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm66
  • Khách viếng thăm242
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,170,193
  • Tổng lượt truy cập34,755,838
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây