Bài học Cách mạng tháng Tám-1945 ở tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công

Thứ sáu - 12/08/2022 04:25
Ngày 09-3-1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Đây là thời cơ thuận lợi để nhân dân ta khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đêm 17-8-1945, Tỉnh uỷ Mỹ Tho triệu tập hội nghị bàn khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị phát lệnh khởi nghĩa ngay trong đêm kiên quyết giành chính quyền về tay Nhân dân.

4 giờ ngày 18-8-1945, học viên trường huấn luyện quân sự tại xã Long An, quận Châu Thành do đồng chí Phan Lương Trực chỉ huy, tiến vào thị xã Mỹ Tho phối hợp với lực lượng nội ứng chiếm các mục tiêu đã định. 7 giờ, lực lượng ta làm chủ các mục tiêu theo kế hoạch. 9 giờ, ta giành quyền làm chủ các công sở bên chợ Cũ. Việc tiến chiếm các công sở của phát xít Nhật diễn ra nhanh chóng, nhân dân đổ ra đường tuần hành thị uy. Tỉnh ủy Mỹ Tho thành lập Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh và chuẩn bị tổ chức mít-tinh chào mừng Cách mạng thành công. Sáng ngày 25-8, quần chúng các quận kéo về sân vận động Mỹ Tho dự mít-tinh. Hơn 30.000 người dự mít-tinh hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Tại đây, Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho ra mắt đồng bào.

Ngày 19-8-1945 ở tỉnh Gò Công, tỉnh trưởng Trần Hưng Ký yêu cầu ông Lê Văn Philip thủ lãnh Thanh niên Tiền Phong tỉnh Gò Công giữ gìn an ninh trong tỉnh. Ngày 22-8, ông Lê Văn Philip đến gặp và thuyết phục tỉnh trưởng Trần Hưng Ký đầu hàng. 14 giờ, tỉnh trưởng Ký mời ông Nguyễn Văn Côn và ông Lê Văn Philip tới bàn giao chính quyền. Ngày 24-8, gần 30.000 người từ các xã kéo về tỉnh lỵ Gò Công biểu dương lực lượng. Đồng chí Nguyễn Văn Côn thay mặt Uỷ ban dân tộc giải phóng lâm thời tỉnh Gò Công tuyên bố chính quyền thuộc về nhân dân, cách mạng thành công.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công là thắng lợi của Đảng bộ trong vận dụng đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống đế quốc, chống phong kiến vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân và giai cấp nông dân với tầng lớp trí thức. Đó là thắng lợi của tinh thần cách mạng tiến công, sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị, vũ trang và kết hợp chặt chẽ giữa hai hình thức đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp nông thôn với thành thị chọn đúng thời cơ, phân hóa kẻ thù, làm tê liệt các hoạt động phản động của quân địch.
Thực tiễn sinh động của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công đã để lại nhiều bài học quí báu:

1. Luôn quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng để có chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân phải kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. Đường lối đó được Đảng bộ Mỹ Tho, Gò Công quán triệt và tuyên truyền trong quần chúng. Nhân dân Mỹ Tho sớm chịu ảnh hưởng sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng. Do vậy, dù Mỹ Tho, Gò Công gần với Sài Gòn, những tư tưởng phi vô sản không phải không tác động đến một bộ phận nhân dân, nhưng các tư tưởng ấy đều bị đánh bật ra khỏi tư tưởng quần chúng. Đảng bộ thiết lập quyền lãnh đạo của mình trong xã hội.

Trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945, trên cơ sở phân tích tình hình cụ thể của địa phương, Đảng bộ chủ trương tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền với phương châm nơi nào có lực lượng mạnh, địch yếu thì khởi nghĩa trước, nơi nào có lực lượng cách mạng còn yếu thì khởi nghĩa sau. Mỹ Tho là tỉnh tiến chiếm các cơ sở của địch trong tỉnh khá sớm, đồng thời ở cơ sở, tuỳ theo tình hình mà vận động quần chúng nổi lên giành chính quyền. Từ ngày 18-8 bắt đầu khởi nghĩa và giành thắng lợi ở Mỹ Tho, 22-8 giành thắng lợi ở Gò Công và đến ngày 25-8-1945 chính quyền cách mạng các cấp tổ chức mít-tinh trọng thể để ra mắt nhân dân.

Đảng bộ có chủ trương cụ thể, đúng đắn, lực lượng cách mạng phát triển rộng rãi, một bộ phận quan trọng trong các tầng lớp trung gian cũng hăng hái tham gia lực lượng cách mạng, thế và lực của cách mạng được nhân lên gấp bội làm cho tương quan lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng không ngừng thay đổi có lợi cho cách mạng, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ thực hiện hiệu quả mục tiêu mà Đảng đề ra, ảnh hưởng của Đảng bộ trong quần chúng ngày càng sâu sắc.

2. Xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững chắc, làm nền tảng xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất. Tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công là tỉnh nông nghiệp, những năm đầu của thế kỷ XX, mới chỉ có một số cơ sở sản xuất mang tính chất công nghiệp, lực lượng công nhân chưa đông, nhưng đều xuất thân từ nông dân và chưa thoát khỏi nông nghiệp. Vì vậy giai cấp công nhân và giai cấp nông dân ở Mỹ Tho, Gò Công có mối quan hệ khăng khít với nhau. Đảng bộ biết vun đắp cho mối quan hệ đó gắn kết trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng và cùng thực hiện mục tiêu chung là giải phóng dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho mọi người.

Trên nền tảng đoàn kết của khối liên minh công - nông, Đảng bộ tiếp tục vận động, tập hợp tầng lớp tiểu tư sản, tư sản dân tộc, những người tiến bộ có xu hướng chống đế quốc và địa chủ tay sai vào Mặt trận đoàn kết thống nhất chung, thông qua các tổ chức công khai, hợp pháp như: hội cứu tế đỏ, hội đọc sách báo, hội vần đổi công, hội trợ tán, hội tương tế ái hữu, các nghiệp đoàn của người lao động; tổ chức Thanh niên Tiền phong đã thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia từ công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, tiểu thương, tiểu chủ và ngay cả một số địa chủ nhỏ và tư sản dân tộc cũng tham gia. Từ đó tạo nên sức mạnh đoàn kết đấu tranh hiệu quả với hệ thống cai trị của thực dân và phong kiến.

Qua đấu tranh, vai trò của Mặt trận thống nhất mà nòng cốt là liên minh công nông được khẳng định. Đảng bộ lãnh đạo Mặt trận xác định mục tiêu và đề ra các biện pháp đúng đắn; sử dụng các hình thức tổ chức và hoạt động phong phú, phù hợp với trình độ giác ngộ chính trị và khả năng của từng giai cấp, tầng lớp nhân dân và thu hút nhiều người tham gia vào Mặt trận. Điều đó giúp cho Đảng bộ thực hiện quyền lãnh đạo của mình đối với các tầng lớp nhân dân trên nền tảng là liên minh công-nông-trí.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 là một minh chứng hùng hồn về sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cách mạng. Các hình thức Mặt trận, trong đó Mặt trận Việt Minh: coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng đón tiếp cá nhân, đoàn thể miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do, độc lập, với các tổ chức quần chúng như Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc... không chỉ quy tụ, mà còn là nơi các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp sức mình vào công việc của nước nhà.

3. Có phương pháp cách mạng phù hợp với trình độ giác ngộ chính trị của các tầng lớp Nhân dân. Đảng bộ Mỹ Tho, Đảng bộ Gò Công đề ra phương pháp, hình thức, bước đi thích hợp với nhận thức và trình độ của nhân dân, từ đó tập hợp các tầng lớp nhân dân đấu tranh từ thấp đến cao, gây dựng lực lượng và phong trào cách mạng. Thông qua các hình thức đấu tranh, Đảng bộ vừa rèn luyện, vừa tập hợp lực lượng đấu tranh chính trị tiến lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.

Đảng bộ lãnh đạo toàn dân nổi dậy với lực lượng chính trị to lớn của quần chúng, kết hợp đấu tranh vũ trang làm nòng cốt tạo nên phong trào cách mạng to lớn ở nông thôn và thành thị cùng tiến lên giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

4. Giữ vững thế tiến công, chọn đúng thời cơ giành thắng lợi quyết định tiến tới giành chính quyền về tay Nhân dân. Trong cuộc vận động cách mạng Tháng Tám, khi quân Nhật bại trận; các nước đồng minh chưa kịp can thiệp, bọn tay sai dao động, hoang mang cực độ; trong khi đó cao trào cách mạng chống Nhật, cứu nước do Đảng phát động phát triển đến đỉnh cao làm cho những người lừng chừng nhất cũng đứng vào hàng ngũ cách mạng; lực lượng nòng cốt của Đảng đã chuẩn bị đầy đủ và có quyết tâm cao, tất cả tình hình đó làm xuất hiện thời cơ ngàn năm có một và Đảng bộ Mỹ Tho kịp thời nắm thời cơ phát động khởi nghĩa giành chính quyền thành công một cách nhanh gọn và không đổ máu. Vì vậy, dựa vào sức mạnh áp đảo của quần chúng cách mạng từ thành thị đến nông thôn nhất tề nổi dậy tạo ra cao trào cách mạng khởi nghĩa giành lấy chính quyền về tay Nhân dân.

5. Luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Công tác xây dựng Đảng là một trong những công tác có tính quyết định đến sự thành bại của cách mạng dưới sự lãnh đạo Đảng. Trong công tác xây dựng Đảng có ba việc cần phải được quan tâm đúng mức trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào đó là: xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, chính trị; xây dựng Đảng về mặt tổ chức và xây dựng Đảng về cán bộ - nhất là bồi dưỡng kết nạp đảng viên.

Mỹ Tho, Gò Công là vùng thuần nông, hầu hết đảng viên của Đảng bộ là nông dân hay xuất thân từ nông dân. Việc giáo dục cho đảng viên nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng giúp cán bộ, đảng viên giữ vững lập trường giai cấp công nhân, đạo đức cách mạng là một công tác vừa có cấp bách vừa có tính lâu dài.
Đảng bộ rất quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên làm cho mỗi đảng viên là người chiến sĩ ưu tú, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh, tỉnh táo đề phòng địch lợi dụng phần tử cơ hội, đầu hàng để phá hoại tổ chức Đảng. Đó là điều kiện bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng với quần chúng, bảo đảm phong trào cách mạng được duy trì, củng cố và phát triển tổ chức Đảng. Đồng thời, Đảng bộ chỉ đạo xây dựng các tổ chức quần chúng, thông qua đó che giấu tổ chức bí mật của Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên và tuyên truyền vận động, đưa quần chúng ra đấu tranh.

Nhờ thực hiện công tác chính trị, tư tưởng kịp thời, đúng đắn, Đảng bộ giữ được niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng vào vai trò lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của cách mạng. Đó là nhân tố quan trọng để cách mạng tiến lên giành thắng lợi.

Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2-9 năm nay không chỉ để ôn lại truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, mà còn nhắc nhở thế hệ hôm nay phải biết vận dụng và phát huy những bài học quí báu của Cách mạng Tháng Tám - 1945 vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với thế và lực hiện nay của Tiền Giang, nếu biết vận dụng tốt những bài học lịch sử đó thì Tiền Giang sẽ phát triển nhanh, bền vững như Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra: "... phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam".
 

Lê Văn Tý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập280
  • Máy chủ tìm kiếm72
  • Khách viếng thăm208
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,664,298
  • Tổng lượt truy cập40,033,674
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây