Đồng bào Mỹ Tho - Gò Công với nhà yêu nước Phan Châu Trinh

Thứ năm - 19/05/2022 00:09
1. Sau phong trào chống thuế ở Trung kỳ, tháng 5-1908, lãnh tụ của phong trào Duy Tân Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Nhưng sau đó, nhờ áp lực của Liên minh Nhân quyền Pháp và sự đấu tranh của nhân dân trong nước, Phan Châu Trinh được trả tự do, nhưng thực chất, ông bị quản thúc ở Mỹ Tho. Dưới đây là những tư liệu cho biết diễn tiến của sự việc trên:

Ngày 27-6-1910, Toàn quyền Đông Dương Klobukowski gởi công văn cho Thống đốc Nam kỳ thông báo về việc ân xá Phan Châu Trinh: “Xin báo Ngài, sau khi thẩm vấn  Phan Châu Trinh bằng một ủy ban họp ở phủ Toàn quyền; và sau khi đã đích thân xem xét hồ sơ của ông ta, tôi đã quyết định tuyên bố thả người  An Nam này. Phan Châu Trinh sẽ ở Nam kỳ tại tỉnh Mỹ Tho trong những điều kiện mà tôi đã nêu với Ngài”.

Thực hiện quyết định của Toàn quyền Đông Dương, Viện Cơ mật của Nam triều đã có cuộc họp ngày 29-6-1910 thông qua việc ân xá cho Phan Châu Trinh. Ngày 30-6 -1910, Khâm sứ Pháp ở Trung kỳ gởi điện cho Toàn quyền Đông Dương báo: “Viện Cơ mật họp phiên đặc biệt vào ngày hôm qua đã thông qua quyết định của Ngài ra lệnh ân xá cho Phan Châu Trinh”.

Ngày 1-7-1910, Thống đốc Nam kỳ gởi công văn cho Chủ tỉnh Mỹ Tho Couzineau báo Toàn quyền đã có quyết định thả Phan Châu Trinh và cho lưu trú ở Mỹ Tho; đồng thời thông báo về điều kiện, chế độ cho Phan Châu Trinh khi ở đó. Ngày 7-7-1910, Toàn quyền gởi báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa về việc ân xá Phan Châu Trinh, trong đó có đoạn: “Tôi đã tuyên bố phóng thích Phan Châu Trinh và báo cho ông ta biết rằng vì những lý do trật tự công cộng, tôi không thể cho ông ta về Trung kỳ được và tốt hơn ông ta nên ở Nam kỳ, tại tỉnh Mỹ Tho và có thể bảo gia đình chuyển vào đó nếu ông ta muốn”.

2. Tại Mỹ Tho, Phan Châu Trinh bị quản lý rất chặt chẽ. Mọi sinh hoạt của ông đều bị chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ và báo cáo thường xuyên lên cấp trên:

- Ngày 27-7-1910, viên Chủ tỉnh Mỹ Tho gởi báo cáo lên Thống đốc Nam kỳ cho biết: “Tôi đã giao Phan Châu Trinh cho Chánh tổng của tổng Thạnh Phong, hàm Tri huyện Đoàn Hữu Đức. Ông này có lý lịch tốt, trung thành nhất trong các Chánh tổng. Tôi đã lệnh cho ông ta đối xử với Phan Châu Trinh mềm mỏng cốt để tạo sự hoàn toàn tin cậy ... Hiện nay, mặc dù được tự do, Phan Châu Trinh vẫn sống ẩn dật và không làm việc gì ngoài việc đọc sách. Tôi đã cho bác sĩ Neul đến khám bệnh.

- Phan Châu Trinh bị bệnh đường tiêu hóa sau các trận đau bụng đi ngoài kinh niên và ông ta không có khả năng làm việc gì vì mệt mỏi và thiếu máu. Nhưng ông ta đang bình phục dần. Sau khi bình phục, ông ta sẽ học chữ quốc ngữ và chữ Pháp
. Ông ta xin chuyển một bức thư để đòi lại các vật dụng (đã để lại Côn Đảo – Người viết) không đem theo được vì bị đưa về đột ngột. Sau khi tôi thông báo là ông Toàn quyền cho phép đem gia đình vào Nam kỳ, ông yêu cầu trước hết cho phép đem con trai đầu vào  để cho học ở Mỹ Tho”.

3. Thực tế, chỗ ở chính của Phan Châu Trinh là nhà của Nguyễn Tử Vân, tức Bộ Vân, thuộc làng Mỹ Phong, cách nhà của ông Đức thuộc làng Mỹ Chánh khoảng 1 km, gần cầu Vỹ. Nguyễn Tử Vân là con rễ của Đoàn Hữu Đức, làm nghề thầy thuốc Nam và thầy dạy chữ Nho, có tinh thần yêu nước:

- Ngày 30-8-1910, văn phòng phủ Toàn quyền gởi công văn cho Thống đốc Nam kỳ yêu cầu Chủ tỉnh Mỹ Tho tiếp tục quản lý chặt Phan Châu Trinh và báo cho Phan Châu Trinh biết là con trai của ông sẽ vào Mỹ Tho. Ngày 2-9-1910, Thống đốc Nam kỳ điện Chủ tỉnh Mỹ Tho báo: “Con trai Phan Châu Trinh sẽ đến với một người bạn của ông ta. Yêu cầu báo cáo đều về tình hình hoạt động, ăn ở, thái độ, v.v... của Phan Châu Trinh với những chi tiết cần thiết”.

- Ngày 6-9-1910, Chủ tỉnh Mỹ Tho báo cáo lên Thống đốc Nam kỳ: “Tôi đã đến thăm đột xuất Phan Châu Trinh. Ông ta không làm một việc chân tay nào, thường xuyên đọc sách, thái độ bình thản, không quan hệ với ai ở bên ngoài. Con trai ông đến hôm qua, ngày 5-9-1910 với một người cháu. Cách đây mười ngày, Phan có xin phép đi Sài Gòn; nhưng tôi đã từ chối. Theo tôi nên cho ông ta ở chỗ khác và tạo điều kiện sinh sống cho ông ta và đứa con”.

- Ngày 4-10-1910, Chủ tỉnh Mỹ Tho lại có  một báo cáo gởi lên Thống đốc Nam kỳ về tình hình Phan Châu Trinh: “Tôi xin hân hạnh gởi đến Ngài các thông tin mà Ngài đã yêu cầu trong thư số 4420 về nhà nho Phan Châu Trinh. Người An Nam này vẫn ở một nơi gần Mỹ Tho, phía bên kia con kênh, chỗ nhà bưu điện ngó qua. Cho đến nay, ông ta không hề làm bất cứ công việc chân tay nào. Ông ta cũng không có sức làm vì vẫn còn rất mệt và bị thiếu máu  vì thời gian ở Côn Đảo; hơn nữa, ông ta cũng phải làm quen với khí hậu. Tuy nhiên, sức khỏe của ông ta khá dần và hình như từ khi có con trai đến thì ông ta thấy phấn chấn hẳn lên”.

Việc Phan Châu Trinh cư trú ở Mỹ Tho đã tạo nên niềm phấn khích cao độ cho nhân dân địa phương. Nhiều bài thơ đã được ông sáng tác trong khoảng thời gian này. Nó có sức động viên rất lớn tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất cho nhân dân ta. Tiêu biểu là bài thơ Điếu Thủ khoa Huân:

Tam phiên khẳng khái thệ đồng cừu,
Bất tử sa trường chí bất hưu.
Trương tướng hùng phong bi tịnh trí,
Văn sơn chính khí sử trường lưu.
Bi tai quốc thế nguy huyền phát,
Tử nhỉ nam nhi sĩ  khấu đầu.
Thập lý Tho giang ba lãng nộ,
Cô chu nguyệt dạ bất thăng sầu.

 Bản dịch của Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế:

Hăng hái thề bồi quyết bấy lâu,
Liều mình vì nước trả thù sâu.
Gan liều Trương tướng bia còn mãi,
Chính khí Văn Sơn sách để sau.
Thế nước đến nguy treo sợi tóc,
Tài trai thà chết chẳng nghiêng đầu.
Sông Tho mấy dặm cồn cơn sóng,
Trăng dõi quanh thuyền nghĩ chạnh đau.

Mặc dù luôn bị bọn mật thám theo dõi chặt chẽ, nhưng nhờ vào sự giúp đỡ và bảo mật của ông Nguyễn Tử Vân (Bộ Vân), nên Phan Châu Trinh đã có những cuộc tiếp xúc bí mật với những nhà yêu nước ở địa phương và những nơi khác. Trong quyển Phan Châu Trinh - Qua những tư liệu mới, tác giả Lê Thị Kinh (Phan Thị Minh) viết: “Trong thời gian 9 tháng về an trí ở Mỹ Tho, với sự giúp đỡ hết sức tích cực của những người yêu nước tại chỗ, mà đại diện là gia đình ông Nguyễn Tử Vân, tức là ông Bộ Vân, chắc chắn các lực lượng yêu nước còn tồn tại ở khắp nơi đã tìm cách liên hệ với ông”.

Theo tác giả Lê Thị Kinh, trong sách đã dẫn, với những cứ liệu và lập luận đầy sức thuyết phục, đã cho rằng, cuộc gặp gỡ quan trọng nhất là cuộc gặp gỡ giữa Phan Châu Trinh với Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sanh Huy), người bạn thân cùng đậu Phó bảng năm 1901, và người con trai của Nguyễn Sinh Sắc là Nguyễn Sinh Cung/Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) ở ngay tại Mỹ Tho.

Cuối tháng 3-1911, nhân dân Mỹ Tho lưu luyến tiễn đưa Phan Châu Trinh sang Pháp. Lúc 5 giờ 30 phút ngày thứ bảy 25-3-1911, Phan Châu Trinh khởi hành đi Sài Gòn trên chuyến tàu hỏa Mỹ Tho - Sài Gòn. Ngày 01-4-1911, ông xuống tàu thủy đi sang Pháp dưới sự giám sát trong suốt cuộc hành trình của Chủ tỉnh Mỹ Tho Couzineau. Cùng đi trong chuyến tàu này có Toàn quyền Đông Dương Klobukowski.

4. Tháng 6-1925, sau 14 năm xa Tổ quốc, Phan Châu Trinh trở về Sài Gòn; và ông được các nhà yêu nước bố trí cư ngụ tại Bá Huê lầu số 54, đường Pellerin (nay là đường Pasteur, quận 1, TP Hồ Chí Minh) của nhân sĩ Gò Công Huỳnh Đình Điển. Trong khoảng thời gian này, do sự sắp xếp của Huỳnh Đình Điển và Nguyễn An Ninh, ông có hai buổi diễn thuyết tại nhà Hội Thanh niên Sài Gòn về “Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa” và “Đạo đức và luân lý Đông Tây”. Lúc bấy giờ, nhiều thanh niên và trí thức ở Mỹ Tho và Gò Công đã lên Sài Gòn dự nghe các buổi diễn thuyết đó.

Tháng 3-1926, mặc dù được Huỳnh Đình Điển và những người thân trong gia đình của ông hết lòng chăm sóc; nhưng do bệnh tình ngày một trầm trọng, Phan Châu Trinh đã từ trần. Huỳnh Đình Điển và một số nhà yêu nước khác, như Phan Văn Trường, Trần Huy Liệu, v.v... đã đứng ra tổ chức lễ tang cụ Phan vô cùng trọng thể. Tác giả Nguyễn Thi Minh trong quyển Nguyễn An Ninh - “Tôi chỉ làm cơn gió thổi” cho biết: “Cụ Phan mất tối 24- 3-1926, đến ngày 4 - 4 nhằm ngày chủ nhật mới chôn. Ban tổ chức quyết định để lâu như vậy cốt để cho đồng bào ai cũng được đến viếng cụ. Tại nhà bác Điển ở đầu đường Pellerin số 54, suốt hơn 10 ngày đó dòng người không ngớt, hương trầm nghi ngút”.

Cũng theo sự vận động của Huỳnh Đình Điển, cụ Phan được an táng tại nghĩa trang tương tế Gò Công tọa lạc tại Tân Sơn Nhất. Đám tang Phan Châu Trinh là “quốc tang” của nhân dân ta lúc đó, thu hút được hàng triệu đồng bào từ Nam ra Bắc tham gia. Vẫn theo tác giả Nguyễn Thị Minh thì “ngày đi chôn, dân chúng sắp hàng dài đi dọc đường Pellerin, qua Norodom, quẹo Paul Planchy đến Phú Nhuận rồi thẳng lên Tân Sơn Nhất. Hàng chục ngàn người nghiêm trang, tay đeo băng tang xếp hàng đi, có thanh niên của Đảng Jeune Annam giữ gìn trật tự suốt dọc đường. Một đám tang lớn chưa từng có ở Sài Gòn, đám tang thể hiện sự giác ngộ của quần chúng, đám tang là tấm lòng của đồng bào đối với nhà ái quốc suốt đời chỉ nghĩ đến dân”.

Hàng ngàn quần chúng và học sinh ở  Mỹ Tho - Gò Công, bằng mọi phương tiện, đã kéo về Sài Gòn và cùng với đồng bào của nhiều địa phương khác thương tiếc đưa tiễn linh cửu của vị lãnh tụ của phong trào Duy Tân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đặc biệt, trong đoàn người đưa tang, đoàn học sinh trường Collège de Mytho (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu - Mỹ Tho) được vinh dự xếp đi ở vị trí thứ hai, sau đoàn học sinh trường Lycée Pétrus Ký (nay là Trường THPT Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh).

Tại Mỹ Tho và Gò Công, nhân dân còn long trọng tổ chức lễ truy điệu và để tang cụ Phan Châu Trinh trong niềm tiếc thương vô hạn. Không dừng lại đó, nhiều cuộc bãi công, bãi thị và bãi khóa đã nổ ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Tiêu biểu là việc toàn thể học sinh trường Collège de Mytho  đã đấu tranh quyết liệt tẩy chay gánh hát của Lương Khắc Ninh (Hội đồng Ninh) khi người nàycó ý bài xích lễ tang của cụ Phan Châu Trinh. Đây là cuộc biểu dương tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh và lực lượng hùng hậu của nhân dân Mỹ Tho - Gò Công nói riêng và nhân dân cả nước nói chung trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước.

Một năm sau ngày Phan Châu Trinh mất, vào đầu tháng 3-1927, những nhà yêu nước, như Nguyễn An Ninh, Mai Văn Ngọc (người quê Vĩnh Kim, Châu Thành), v.v…  họp ở chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) để thảo luận việc tổ chức lễ cúng giáp năm cụ Phan. Trong đêm 23-3-1927, hàng ngàn quần chúng ở Mỹ Tho đốt đuốc sáng choang đi tuần hành trên Lộ Thuộc địa số 4 (nay là Quốc lộ 1) kéo về Sài Gòn, để đến sáng ngày hôm sau (24-3-1927), hòa cùng với hàng trăm ngàn đồng bào ở khắp Nam kỳ tiến về nghĩa trang tương tế Gò Công dự lễ cúng giỗ đầu của cụ Phan Châu Trinh.

Với những hoạt động như đã nêu trên, nhân dân Mỹ Tho - Gò Công thể hiện tấm lòng ngưỡng phục và biết ơn sâu sắc đối với nhà yêu nước  Phan Châu Trinh đã cống hiến toàn bộ tài năng, trí tuệ và sức lực của mình vào công cuộc giải phóng dân tộc.
 

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập300
  • Máy chủ tìm kiếm65
  • Khách viếng thăm235
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,665,089
  • Tổng lượt truy cập40,034,465
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây