Thành Đoàn Mỹ Tho trong ngày đại thắng 30-4-1975

Thứ tư - 13/04/2022 20:50
Ngày 21/4/1975, quân giải phóng chọc thủng phòng tuyến thép của địch ở Xuân Lộc và ồ ạt tiến về Sài Gòn. Trước tình hình hết sức khẩn truơng đó, ngày 25/4/1975, Thành đoàn tổ chức cuộc họp tại ấp Mỹ Thuận B, xã Song Thuận (huyện Châu Thành) dưới sự chủ trì của đồng chí (đ/c) Bí thư Trần Chí Nam và đ/c Ủy viên Thường vụ Khu đoàn Hoàng Phương Truyện (Năm Ngọc). Sau khi nghe báo cáo của các đồng chí ủy viên Thường vụ Thành đoàn, đ/c Trần Chí Nam chỉ đạo cho các cánh của Thành đoàn cần phải đẩy mạnh hoạt động trong nội ô, bám chắc các mục tiêu quan trọng của địch, tích cực chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy khi có lệnh của cấp trên. Cũng tại cuộc họp này, đ/c Trần Văn Hai, cán bộ Thành đoàn, đã ghi âm lời hiệu triệu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng TP. Mỹ Tho Huỳnh Văn Tường kêu gọi quần chúng nổi dậy và sĩ quan, binh sĩ quân đội Sài Gòn buông vũ khí đầu hàng quân giải phóng.

Đến sáng ngày 30/4/1975, các điểm chốt của Thành đoàn ở các phường 4, 5 và 6 đã hoàn thành công tác chuẩn bị, vũ khí, cờ, biểu ngữ, khẩu hiệu, truyền đơn,... đã được tập kết đúng nơi quy định. Tất cả chỉ chờ có lệnh là xông lên tấn công địch. 9 giờ 30 phút cùng ngày, trên làn sóng phát thanh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh kêu gọi quân đội hai bên ngừng bắn để bàn giao chính quyền cho Chính phủ cách mạng.

Trước tình hình biến chuyển nhanh chóng và nhận thấy thời cơ chiến lược đã chín muồi, chỉ khoảng 30 phút sau, các cán bộ chủ chốt của Thành đoàn đã chủ động họp để phân công cụ thể công việc cần kíp sắp tới. Sau 15 phút họp chớp nhoáng, các đồng chí đã thống nhất chia lực lượng Thành đoàn trong nội ô làm ba cánh:

- Cánh thứ nhất: ưu tiên số một là điểm Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu. Từ  điểm chính này sẽ mở rộng tấn công sang các điểm khác.

- Cánh thứ hai: phát động quần chúng nổi dậy, phát loa kêu gọi địch đầu hàng, buộc các tên ác ôn ra trình diện.

- Cánh thứ ba: cánh này có nhiệm vụ gắn kết các đầu mối và phối hợp các cánh khi có lệnh tổng tiến công.

Trong khuôn khổ đó, Thành đoàn giao nhiệm vụ cho tổ biệt động Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu chuẩn bị tham gia khởi nghĩa và chiếm khu vực “trung tâm văn hóa”, gồm Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, Trường nữ trung học Lê Ngọc Hân, Sở Học chánh tỉnh Định Tường (nay là trụ sở Thành uỷ), Ty Thanh niên (nay là Khua nhà Vinhouse), Trung tâm y tế toàn khoa (nay là Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang); trong đó, Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu được chọn là mục tiêu trọng điểm, vì đây là trường lớn nhất tỉnh với trên 200 giáo sư,  nhân viên và trên 4.000 học sinh; trường lại có kho súng với khoảng 60 khẩu carbine có thể trang bị ngay cho lực lượng tại chỗ; thêm nữa, khi thời cơ đến thì từ đây tiếng loa kêu gọi quần chúng nổi dậy và buộc địch đầu hàng có thể vang tới chợ Mỹ Tho, Tiểu khu Định Tường, dinh Tỉnh trưởng, Tòa Hành chánh, Ty công an,... Chiếm được Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu sẽ tạo nên tác động to lớn trong việc giải phóng thành phố Mỹ Tho.

Trên cơ sở đó, đúng 11 giờ, cơ sở mật của ta ở tại trường đã hoàn tất việc đưa cán bộ của Thành đoàn “ém” sẵn ở trong trường, cất giấu hai lá cờ giải phóng và hàng chục tấm ba xa đỏ (băng đeo trên cánh tay) để lực lượng của ta đeo làm hiệu trong lúc tiến công.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975,  Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, lực lượng của địch hoang mang cực độ, một số buông vũ khí chạy trốn. Trước thời cơ cực kỳ thuận lợi đã đến, trong khi lực lượng chủ lực của Khu còn đang ở tuyến vành đai thành phố thì Thành đoàn đã nhanh chóng tổ chức bố trí và triển khai lực lượng đoàn viên tích cực, chủ động đứng lên phát động quần chúng nổi dậy giải phóng quê hương.

Chớp lấy thời cơ “ngàn năm có một”, lúc 12 giờ, các đồng chí cán bộ Thành đoàn đang ở trong Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu đã nhanh chóng chiếm kho súng và tự trang bị vũ khí, làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang đánh chiếm thành phố.

12 giờ 15, Thành đoàn bắt đầu tiếp nhận các viên chức chính quyền và quân đội Sài Gòn ra trình diện tại hẽm nhà bác sĩ Tài.

15 giờ, một cánh của Thành đoàn do các đ/c Nguyễn Hoài Thu, Nguyễn Duy Tín, Nguyễn Quốc Việt phụ trách với trang bị vũ khí hạn chế đã đánh rã toàn bộ lực lượng phòng vệ dân sự và cảnh sát ngụy ở phường 5, thu nhiều vũ khí, làm chủ toàn phường.

Cùng thời gian này, lực lượng xung kích của Thành đoàn tiến hành kéo cờ cách mạng lên đỉnh cột cờ của trường Nguyễn Đình Chiểu. Đây là lá cờ cách mạng đầu tiên được kéo lên tại trung tâm thành phố. Đồng thời, cán bộ Thành đoàn đã leo lên nóc cổng trường sử dụng loa pin kêu gọi quân đội Sài Gòn đang trú đóng tại Tiểu khu Định Tường ở gần đó buông súng đầu hàng để được hưởng sự khoan hồng của cách mạng và kêu gọi đồng bào nổi dậy giải phóng thành phố. Lời kêu gọi này đã có tác dụng mạnh mẽ, góp phần làm nâng cao khí thế cách mạng của quần chúng và khiến cho binh lính lẫn công chức của chính quyền cũ nhanh chóng tan rã. Ngay sau đó, lực lượng  Thành đoàn triển khai tiến chiếm Sở Học chánh, ngân hàng, bệnh viện và các công sở ở khu vực trung tâm thành phố...

Cũng trong trưa ngày 30/4/1975, một bộ phận Thành đoàn tiến chiếm Trường nam tiểu học, Trường Sư phạm Mỹ Tho (hai trường này nay là Trường trung học cơ sở Xuân Diệu). Tại đây, lực lượng của ta tịch thu 01 khẩu colt 45 ly, 5 khẩu súng trường carbine, 30 khẩu tiểu liên M.16 tại kho súng của trường trang bị cho một tiểu đội làm nhiệm vụ chốt giữ ở đây. Sau đó, lực lượng này sử dụng xe Jeep cắm cờ cách mạng triển khai sang các nơi khác nhằm phô trương thanh thế và buộc địch tại một số vị trí trong nội ô đầu hàng, như đại đội 44 quân cảnh tư pháp, trụ sở đoàn bình định tỉnh, kho súng Tòa Hành chánh tỉnh, Cuộc cảnh sát phường 5,...

Một bộ phận khác của Thành đoàn đảm nhiệm công tác vận động sĩ quan, binh lính, viên chức của chính quyền, cảnh sát và quân đội Sài Gòn ra trình diện. Cùng lúc đó, lực lượng các cánh của Thành đoàn, dưới sự chỉ huy của đ/c Bí thư Trần Chí Nam, đã mưu trí và dũng cảm vượt qua kênh Bảo Định, tiến vào thành phố, phối hợp với lực lượng tại chỗ, tiến chiếm các công sở của địch.

Khoảng 18 giờ, một đoàn xe thiết giáp M.113 của sư đoàn 9 quân đội Sài Gòn từ Trung Lương chạy vào nội ô Mỹ Tho. Dựa vào khí thế đang dâng cao của quần chúng, các đồng chí cán bộ Thành đoàn dũng cảm xông ra cản đường đoàn xe của địch tại cầu Bạch Nha (phường 5) và kêu gọi bọn chúng đầu hàng. Được sự chi viện kịp thời,  ccó hiệu quả của lực lượng Thành đội, đoàn xe thiết giáp buộc phải dừng lại sau khi chiếc đi đầu bị bắn cháy, toàn bộ binh lính địch rã ngũ tại chỗ. Sau đó, cánh Thành đoàn này phát triển xuống phường 4 và khu vực Giếng Nước.

17 giờ 30 phút, một số cán bộ Thành đoàn sử dụng một đoàn xe gồm 03 xe Jeep chạy dọc theo các tuyến đường chính trong nội ô, như Châu Văn Tiếp (nay là đường Lê Thị Phỉ), Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trưng Trắc, Gia Long (nay là đường 30 tháng 4), Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trung Long (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Ngô Tùng Châu (nay là Lê Thị Hồng Gấm), Ngô Quyền,... phát lời hiệu triệu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng TP. Mỹ Tho Huỳnh Văn Tường, kêu gọi binh lính địch đầu hàng và động viên nhân dân nổi dậy giành chính quyền, giải phóng toàn bộ thành phố.

Trên đường hành tiến, các đồng chí Thành đoàn đã tiếp quản thêm 04 cơ sở công quyền của địch là Nhà việc Điều Hòa, Ty Thông tin - Chiêu hồi trên đường Lê Lợi, Ty công an trên đường Nguyễn Huệ, Ty An ninh quân đội trên đường Nguyễn Trung Long. Toàn bộ địch ở đây đều ra trình diện và giao nộp vũ khí; và số vũ khí này đều được đưa về bảo quản tại điểm trung tâm là Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu. Đến thời điểm này, đoàn xe phóng thanh được tăng cường thên 02 xe Jeep nữa, nâng tổng số lên 05 chiếc. Tính đến 18 giờ 30 phút, Thành đoàn đã hoàn thành xuất sắc việc tiếp quản các trọng điểm theo kế hoạch do Thành ủy phân công.

Đến 20 giờ 30 phút, đoàn xe đến ngang Trại hải quân Chương Dương. Lúc này, tên đại tá tỉnh trưởng Định Tường Nguyễn Văn Hai đang xuống tàu hải quân để trốn chạy về hướng cửa Tiểu - Biển Đông. Để bảo vệ tên tỉnh trưởng, tên đại úy thủy quân lục chiến Phan Văn Để đã ra lệnh cho bọn lính thuộc quyền dùng súng bắn vào đoàn xe của Thành đoàn. Rất không may, đ/c Trần Văn Hai (Ba Trầm), cán bộ Thành đoàn, trúng đạn đã anh dũng hy sinh, hai đoàn viên cơ sở bị thương nặng. Những đoàn viên còn lại dùng lựu đạn và súng tiểu liên đánh trả địch quyết liệt, khiến cho bọn chúng hoảng hốt tháo chạy tán loạn.

Đến 21 giờ, thành phố Mỹ Tho, về cơ bản, đã được giải phóng. Lúc này, bộ đội chủ lực tiến vào trung tâm nội ô trong sự đón tiếp hân hoan và phấn khích cao độ của đồng bào các giới ở Mỹ Tho. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Thành đoàn là lực lượng đi tiên phong trong việc đánh chiếm thành phố và góp phần rất quan trọng vào công cuộc giải phóng thành phố Mỹ Tho. Ngay trong ngày toàn thắng, máu của cán bộ Thành đoàn vẫn còn đổ vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập537
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm508
  • Hôm nay43,988
  • Tháng hiện tại1,176,635
  • Tổng lượt truy cập34,762,280
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây