Sự hy sinh oanh liệt của bác sĩ Hàng Nhựt Tâm

Thứ tư - 23/02/2022 03:42
Đồng chí Hàng Nhựt Tâm sinh năm 1937 tại làng Điều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là các Phường 1, 2, 3, 4, 7, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình có truyền thống yêu nước.

Sự hy sinh oanh liệt của bác sĩ Hàng Nhựt Tâm
Năm 1950, đồng chí học Trường Tiểu học kháng chiến Đồng Tháp Mười. Năm 1954, tập kết ra miền Bắc, đồng chí học tại Trường học sinh miền Nam và học rất giỏi.  Năm 1961, đồng chí xuất sắc thi đậu vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1964, đồng chí được chọn vào học tại một lớp Y khoa đặc biệt. Lúc này, để phục vụ cho công cuộc giải phóng miền Nam, Bộ Y tế và Trường Đại học Y khoa Hà Nội chọn khoảng 40 sinh viên khóa 1961-1966, tách thành một lớp riêng không nghỉ hè, nghỉ Tết, tập trung học một số chuyên khoa sâu theo yêu cầu của chiến trường miền Nam. Tiêu chí tuyển chọn vào lớp này là những sinh viên quê miền Nam, có sức khỏe và chuyên môn tốt, nhiệt tình trở lại chiến trường công tác, trung thành với lý tưởng cách mạng.

Năm 1966, sau khi tốt nghiệp ra trường với tấm bằng Bác sĩ đa khoa, đồng chí được cử sang Liên Xô tiếp tục con đường học vấn ở bậc học cao hơn. Đây cũng là thời kỳ, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam và tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược. Trước tình hình ấy, như bao bạn bè khác, đồng chí không còn lòng dạ nào để học tập. Cộng thêm nỗi nhớ quê hương Mỹ Tho, nhớ gia đình, nhất là nhớ ba má, đã khiến đồng chí đi đến quyết định là không đi du học, xung phong trở về miền Nam thân yêu để sát cánh cùng đồng bào, đồng chí chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm và bọn tay sai, thực hiện hòa bình và thống nhất nước nhà.

Sau mấy tháng hành quân gian khổ trên tuyến đường chiến lược Trường Sơn, đồng chiến về đến chiến trường Nam bộ. Tại đây, đồng chí được cấp trên phân công công tác tại Ban Dân y Khu 8 (Khu Trung Nam bộ). Một thời gian ngắn sau, đồng chí được phân công chi viện cho tỉnh Bến Tre, vốn là một chiến trường vô cùng ác liệt. Cuối năm 1967, ông  được cử làm Trưởng ban Dân y thành phố Mỹ Tho. Lúc này, thành phố Mỹ Tho là một đơn vị hành chính ngang với cấp tỉnh, trực thuộc Khu 8.

Bấy giờ, chiến trường Mỹ Tho bị địch đánh phá rất ác liệt. Nơi đứng chân của Ban Dân y thành phố Mỹ Tho và căn cứ Thành ủy Mỹ Tho đóng ở xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) liên tục bị bắn pháo và máy bay địch dội bom. Đây cũng là địa phương thường xuyên bị địch tung quân càn quét. Do đó, mặc dù là bác sĩ, nhưng đồng chí vẫn cầm súng tham gia chiến đấu chống càn như bộ đội.

Ngày 13-01-1968, bọn lính biệt kích Mỹ cùng lính sư đoàn 7 ngụy càn quét với quy mô lớn vào xã Mỹ Hạnh Đông. Phát hiện hầm bí mật của ông, bọn chúng phát loa gọi hàng và tổ chức bao vây nhằm bắt sống. Với ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đồng chí đã dùng súng ngắn và lựu đạn đánh trả, tiêu diệt và làm bị thương một số lính địch. Biết không thể chiêu hàng, địch dùng súng bắn xối xả vào hầm; và ông đã anh dũng hy sinh khi mới 31 tuổi.

Dã man đến cùng cực, bọn chúng đã lôi xác ông lên miệng hầm rồi mổ bụng moi gan, đem vào nhà dân đe dọa “đây là gan của tên Việt cộng can đảm chưa từng thấy!”. Được biết, đồng chí Hàng Nhựt Tâm học cùng khóa với nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cùng vào chiến trường miền Nam năm 1966; nữ bác sĩ được phân công phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, bị địch phục kích và hy sinh anh dũng năm 1970, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2006.

Sau trận càn, đồng nghiệp của ông là nữ bác sĩ Thu Dung cùng với một người dân trở lại nơi ông hy sinh. Bọn địch tàn ác còn gài lựu đạn và mìn bên dưới thi thể của ông. Hai người phải vất vả lắm mới mang được thi hài ông đem về xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) an táng. Sau đó, trong buổi lễ truy điệu ông được tổ chức tại Văn phòng Thành ủy Mỹ Tho đóng ở xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho,  ông được kết nạp vào Đảng.

Năm 1986, ông được Nhà nước đã truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất. Dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, ông là tấm gương sáng ngời của một trí thức trẻ dấn thân vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm rạng danh truyền thống Ngành Y tỉnh nhà và cả nước.
 

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập294
  • Máy chủ tìm kiếm70
  • Khách viếng thăm224
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,668,617
  • Tổng lượt truy cập40,037,993
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây