Cờ đỏ sao vàng - Lá cờ thiêng liêng của dân tộc

Thứ ba - 16/11/2021 04:00
1. Năm 2005, Tỉnh ủy Tiền Giang và Viện Lịch sử Đảng Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Mỹ Tho - từ cuộc khởi nghĩa tháng 11 năm 1940 đến Cách mạng tháng Tám năm 1945”. Về lá cờ đỏ sao vàng, Tổng luận của Hội thảo khẳng định: “Hội nghị Xứ ủy mở rộng tháng 7 năm 1940 ở Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, trong đó có nghị quyết về hình thức của chính quyền, Quốc kỳ, khẩu hiệu, chính sách đối với các tầng lớp nhân dân. Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng 5 cánh”.

Bút tích đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, khóa X.
Bút tích đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, khóa X.
Cũng tại hội thảo khoa học nêu trên, dựa vào Hồi ký của ông Lê Quang Sô, hai tác giả Lê Minh Đức và Bùi Văn Phúc, trong tham luận “Sự ra đời của lá cờ đỏ sao vàng  trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 23/11/1940 ở Mỹ Tho” khẳng định lá cờ đỏ sao vàng là do Tỉnh ủy Mỹ Tho khởi xướng (Bí thư Tỉnh ủy là đồng chí Phan Văn Khỏe) và được Hội nghị Xứ ủy họp ở Tân Hương (Châu Thành, Tiền Giang) vào tháng 7/1940 thông qua. Hai tác giả cho biết chi tiết sự kiện đó như sau: “Đầu năm 1940, đồng chí (đ/c) Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, có trao đổi với đ/c Lê Quang Sô về việc nghiên cứu lá cờ của Mặt trận (tức Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương). Đ/c Lê Quang Sô là cán bộ cách mạng từng bị thực dân Pháp giam cầm ở nhà tù Côn Đảo. Tại đây, đ/c Lê Quang Sô đã được nghe kể về ước nguyện của đ/c Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta từ năm 1931 là: ‘Sau này nước nhà độc lập, quốc kỳ của nước ta sẽ là lá cờ đỏ sao vàng’. Đ/c Lê Quang Sô đem ý nguyện của đ/c Trần Phú tham khảo ý kiến với ông Lê Kiến Đức, một nhà Nho học yêu nước, tiến bộ, từng bán đất để góp tiền xây dựng ‘Nam Cường thư xã’ (nhà xuất bản sách của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho). Ông Lê Kiến Đức nói: “Mỗi nước có lá cờ của mình, trong đó chứa đựng nội dung, ý nghĩa của nó, như cờ Pháp, cờ Liên Xô, cờ Nhật,... còn mình lấy cái gì làm nội dung đây”. Ý kiến của đ/c Sô: lá cờ của Đảng mình là cờ đỏ búa liềm, nay thêm cờ Mặt trận, thêm một cờ đỏ nữa, nền đỏ phải giữ, còn bên trong vẽ cái gì thì phải tính. Nghĩ mãi rồi cũng phải ra, nội dung của lá cờ phải thể hiện tính chất chỉ đường, chỉ hướng và phải làm sao mỗi giai tầng xã hội cảm thấy có mình trong đó.

Sau đó, đ/c Lê Quang Sô và đ/c Hồ Tri Hạ mày mò vẽ các kiểu ngôi sao, vẽ đi, vẽ lại nhiều lần, cuối cùng chọn ngôi sao năm cánh màu vàng vì thấy đẹp. Dần dà suy nghĩ, ngấm mới thấy ý nghĩa: màu vàng của ngôi sao là màu dân tộc, năm cánh thể hiện sự đoàn kết của năm giai tầng xã hội: công, nông, sĩ, thương, binh.

Lá cờ hình chữ nhật, nhưng ngôi sao đặt ở đâu? Ngôi sao được dời đi dời lại khắp mọi chỗ trên lá cờ, cuối cùng được chọn đặt ở vị trí chính giữa lá cờ, vì chỉ có ở vị trí đó mới thể hiện được tính chất trang nghiêm và mới có chỗ để ngôi sao đủ lớn nhằm là rõ năm cánh sao. Đ/c Phan Văn Khỏe đồng ý với hình mẫu được phác thảo , lúc bấy giờ vào khoảng tháng 4/1940.

Hội nghị Xứ ủy họp vào tháng 7/1940 tại Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho) đã quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ... trong đó khẳng định quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng năm cánh, nền đỏ tượng trưng cho cách mạng, năm cánh sao tượng trưng cho tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh đoàn kết, màu vàng có ý nghĩa là màu dân tộc. Kích cỡ lá cờ cũng được sơ bộ qui định thống nhất: lá cờ hình chữ nhật, bề dài bằng 1,5 bề ngang , ngôi sao năm cánh bằng 1/3 bề dài lá cờ và đặt ở trung tâm. Riêng cánh sao không qui định cụ thể, hình bầu hay nhọn đều được...

Như vậy, Hội nghị Xứ ủy tháng 7/1940 ở Tân Hương đã chấp nhận phác thảo lá cờ Mặt trận do Tỉnh ủy Mỹ Tho đề nghị làm Quốc kỳ của nước Việt Nam”.

Tác giả Nguyễn Thanh Tâm trong bài “Những đóng góp quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang trong phong trào giải phóng dân tộc (1939 - 1945)” cũng có ý kiến tương tự: “Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ Tho là sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đảng bộ, nhân dân Mỹ Tho trong thực tiễn phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam…. Xuất hiện trước tiên ở Mỹ Tho, cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý chí độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, hòa bình, hữu nghị, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế của nhân dân Việt Nam. Sức sáng tạo cách mạng đó thuộc về Đảng bộ, nhân dân Mỹ Tho - Gò Công”. 

Sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, tập 1 (1927-1954)” cũng cho biết là hội nghị Xứ ủy Nam kỳ họp ở Tân Hương (tháng 7/1940) đã “Chọn lá cờ đỏ sao vàng do Tỉnh ủy Mỹ Tho thông qua làm cờ Mặt trận và cờ Chính phủ”.  

Về việc đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, trực tiếp chỉ đạo đồng chí Lê Quang Sô phác thảo lá cờ và việc thiết kế lá cờ đỏ sao vàng, ông Lê Vũ Lang, trong “Tờ khai liên quan đến những người sáng tác lá cờ đỏ sao vàng” (tháng 12/2004), cho biết: ... Đầu năm 1939, cha tôi là Lê Văn Sô (tức Lê Quang Sô) cùng với ông Hồ Tri Hạ (lớn hơn tôi trên 10 tuổi) loay hoay vẽ thử lá cờ có ngôi sao năm cánh. Lúc đầu vẽ dưới đất, ngôi sao ở góc trên, bên trái.

Khoảng tháng 8/1939, cha tôi có sai tôi đi chợ mua hai tờ giấy hồng đơn màu đỏ và vẽ lên đó ngôi sao bằng bút chì, rồi lấy vôi xoa vào làm ngôi sao trắng, rồi lại bôi đi, thay vị trí ngôi sao, cuối cùng để ở chính giữa. Cuối tháng tám năm đó, đồng chí Thẹo ghé hỏi: có gì mới không? Cha tôi trả lời chỉ  xong cờ đỏ có ngôi sao, nhưng chưa ưng ý lắm. Đồng chí Thẹo sau này tôi mới biết rõ tên là Phan Văn Khỏe - Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ.

Tháng 4/1940, đồng chí Thẹo ghé nhà kiếm cha tôi vào buổi trưa trời nắng chang chang và ngồi nói chuyện rất lâu, Khoảng 3 giờ sáng, đồng chí Thẹo cùng với cha tôi thức dậy đi đâu không rõ. Khi trở về, cha tôi sai tôi in cho ông các loại truyền đơn có nội dung hiệu triệu các nơi ủng hộ tài chính cho cách mạng. Các tờ truyền đơn này đều có vẽ ngôi sao năm cánh.

Đến tháng 7/1940, cha tôi lại sai tôi đi chợ mua giấy hồng đơn màu đỏ và màu vàng. Hồi đó, cả Đạo Thạnh (nay là xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) chỉ gia đình tôi là có xe đạp. Tôi đạp xe ra chợ Vĩnh Kim (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mua cho cha ba tờ giấy hồng đơn, hai tờ màu đỏ, một tờ màu vàng. Ông Hồ Tri Hạ đã vẽ hình ngôi sao lên giấy vàng và cắt theo đường chì vẽ, sau đó để lên tờ giấy màu đỏ, xoay tới xoay lui cho cha tôi coi. Cha tôi ưng ý để ngôi sao ở giữa và kêu tôi dán vào. Sau đó, cha tôi đem lá cờ giấy có nền đỏ sao vàng đi đâu không rõ”.

Như vậy, về phương diện phương pháp nghiên cứu lịch sử, chúng tôi cho rằng, hồi ký của ông Lê Quang Sô và “Tờ khai liên quan đến những người sáng tác lá cờ đỏ sao vàng” của ông Lê Vũ Lang là có độ tin cậy cao. Trong hoàn cảnh nước ta hồi bấy giờ đang nằm dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp thì tài liệu thành văn đề cập đến các sự kiện và vấn đề lịch sử rất hiếm hoi, nhằm đảm bảo yếu tố bí mật, tránh sự phát hiện, truy lùng của chính quyền thuộc địa. Lúc bấy giờ, ta chưa có điều kiện lưu giữ tài liệu thành văn một cách đầy đủ được. Hơn nữa, trong và sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (tháng 11/1940), thực dân Pháp thực hiện chính sách khủng bố trắng, đàn áp dã man cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Cho nên, tài liệu thành văn bị tiêu hủy, thất tán rất nhiều.

Do đó, ngày nay, muốn nghiên cứu lịch sử cách mạng trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, bên cạnh việc sử dụng tài liệu thành văn thì việc sử dụng tài liệu hồi ký và lời kể của các nhân chứng lịch sử là điều đương nhiên. Theo phát biểu của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Đường, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội tại TP Hồ Chí Minh, tại Hội thảo về Khởi nghĩa Nam kỳ do Hội đồng Biên soạn lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 14/12/2000, thì “đó là một cách làm tốt”  để dựng lại bức tranh lịch sử thời kỳ cả dân tộc tiến hành công cuộc giải phóng đất nước.

Ở đây, điều quan trọng là phải thẩm định tính chính xác của các loại tài liệu mà chúng tôi vừa nêu. Hồi ký của ông Lê Quang Sô được viết theo chủ trương viết hồi ký của các cán bộ cách mạng lão thành do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương chủ trì. Ông Huỳnh Văn Niềm, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang cho rằng: “Theo tôi và các đồng chí của mình, hồi ký của đồng chí Lê Quang Sô được viết ở miền Bắc, theo gợi ý của Trung ương thì khó có thể viết sai được”. Theo hai tác giả Lê Minh Đức và Bùi Văn Phúc trong tham luận đã dẫn ở trên thì “Đài phát thanh Hà Nội phát thanh cách đây 2-3 năm và một lần mới đây, vào khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 2005 với nội dung những hồi ký của các nhà hoạt động cách mạng được tổ chức viết trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1970 là đáng tin cậy và có thể sử dụng được”.

Như vậy, đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, theo chỉ đạo của Xứ ủy, đã cùng với các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy khởi xướng việc phác thảo lá cờ đỏ sao vàng; và lá cờ đó đã được Hội nghị Xứ ủy họp ở Tân Hương (tháng 7/1940) quyết định chọn làm cờ của Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế nhằm hiệu triệu, động viên nhân dân cả nước đứng lên lật đổ ách thống trị tàn bạo của đế quốc Pháp và bọn phong kiến tay sai, giành độc lập, tự do cho tổ quốc.

2. Đêm 22 rạng ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở tỉnh Mỹ Tho bùng nổ. Tại trung tâm cuộc khởi nghĩa ở xã Long Hưng, trong lúc lực lượng nghĩa quân và nhân dân chiếm Nhà việc (trụ sở của xã), thì đồng chí Tư Hiệp, Bí thư chi bộ xã cùng với hai đồng chí đảng viên đã dùng cây tầm vông làm cán cờ treo lá cờ đỏ sao vàng trên chót vót ngọn cây bàng tại đình Long Hưng - trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho. Đây là nơi xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở nước ta. Ngày 28/1/2007, đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, có đến tham quan đình Long Hưng và ghi vào sổ cảm tưởng như sau: “Đình Long Hưng, di tích lịch sử Quốc gia, nơi đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11/1940, là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi của nhân dân ta không chịu mất nước, không chịu làm nộ lệ…”

Cùng với xã Long Hưng, cờ đỏ sao vàng xuất hiện khắp tỉnh Mỹ Tho và các tỉnh khác ở Nam Kỳ. Sau đó, thực dân Pháp đã đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, bọn chúng không thể nào tiêu diệt được lực lượng cách mạng và sức sống thần kỳ của lá cờ đỏ sao vàng. Về sự kiện này, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu viết: “Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 mặc dù thất bại; nhưng nó đã để lại cho dân tộc ta một vật báu tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, cho hy vọng đầy tràn của nhân dân vào tương lai xán lạn của dân tộc. Đó là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh - lá cờ của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và sau này là Quốc kỳ Việt Nam”.

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 họp từ ngày 10 - 19/5/1941 tại Khuổi Nậm (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) chủ trì, đã quyết định “thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam dân chủ cộng hòa lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng 5 cánh làm cờ toàn quốc”. Ngày 22/12/1944, lá cờ đỏ sao vàng đã được xuất hiện trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam). Đến Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 16 - 17/8/1945 đã quyết nghị lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập. Ngày 2/9/1945, cờ đỏ sao vàng chính thức xuất hiện trong buổi lễ Tuyên bố độc lập tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Ngày 5/9/1945, Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam  Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký sắc lệnh quyết định quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng. Phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I  ngày 2/3/1946 đã thông qua nghị quyết  về quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cờ đỏ sao vàng năm cánh. Tại phiên họp,  Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố: “Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam Kỳ khởi nghĩa 1940. Chính lá cờ này đã cùng phái đoàn Chính phủ đi từ châu Á sang châu Âu, từ châu Âu về châu Á; cờ đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì trừ 25 triệu đồng bào, còn không ai có quyền thay đổi quốc kỳ và quốc ca”.

Sau đó, quốc kỳ cờ đỏ sao vàng đã được xác nhận bởi các Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ban hành năm 1946 và năm 1959. Sau năm 1975, các hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, năm 1992 và năm 2103 đều quy định “Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.

Như vậy, quốc kỳ của nước ta ra đời từ trong máu lửa đấu tranh của nhân dân ta, mang tính dân tộc và nhân văn sâu sắc, là biểu trưng cao quý nhất, thiêng liêng nhất của quốc gia - dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, nhân dân ta nhất định sẽ xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, để quốc kỳ - cờ đỏ sao vàng mãi mãi trường tồn với hồn thiêng sông núi, với non sông gấm vóc Việt Nam.

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập237
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm220
  • Hôm nay68,164
  • Tháng hiện tại918,750
  • Tổng lượt truy cập36,553,701
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây