Nhà giáo trung kiên Nguyễn Nhựt Ánh

Thứ năm - 04/11/2021 22:13
Đồng chí Nguyễn Nhựt Ánh, tên thường gọi là Năm Ánh, bí danh Khánh Nam, sinh năm 1930 tại làng Long Thuận, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công (nay là xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình trí thức có truyền thống yêu nước.

Nhà giáo trung kiên Nguyễn Nhựt Ánh
Hòa trong không khí sôi nổi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi mới 15 tuổi, ông giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động tại làng Thành phố (nay là thị xã Gò Công). Do có trình độ học vấn và năng nỗ, nhiệt tình trong công tác, từ năm 1950, ông được cấp trên tin tưởng phân công làm nhiệm vụ vận động trí thức trong Mặt trận Việt Minh tỉnh Gò Công.

Năm 1954, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Gò Công, ông ở lại miền Nam, hoạt động công khai trong lòng địch với nhiệm vụ xây dựng cơ sở  và vận động cách mạng trong lực lượng trí thức, chủ yếu là trong giới giáo chức, tại hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho. Để có điều kiện thâm nhập, đứng chân trong hàng ngũ giáo chức, năm 1957, ông trúng tuyển khóa sư phạm đào tạo giáo viên do chính quyền Sài Gòn tổ chức. Sau khi hoàn thành khóa học, ông đi dạy học tại các trường tư thục trên địa bàn Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre,… để xây dựng cơ sở cách mạng và tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất cho lực lượng giáo chức và học sinh trong các trường học. Sau đó, để thuận lợi hơn cho công tác, ông còn đăng ký học chương trình sơ cấp y tế tại Sài Gòn.

Năm 1961, ông là Ủy viên Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tỉnh Gò Công phụ trách công tác trí vận. Cũng trong năm này, do yêu cầu nhiệm vụ ông thoát ly ra vùng giải phóng. Lúc bấy giờ, Gò Công là địa phương bị địch đánh phá ác liệt; nhưng với tinh thần cách mạng tiến công, không sợ hy sinh, gian khổ, ông đã bám chặt địa bàn, giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng, kiên trì xây dựng cơ sở, nên được nhân dân Gò Công gọi với tên thân mật - Năm Mặt trận.

Năm 1964, hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho được hợp nhất thành tỉnh Mỹ Tho, ông được điều động về Ban Tuyên - Văn - Giáo Tỉnh ủy Mỹ Tho, phụ trách Phó Trưởng tiểu ban Giáo dục tỉnh Mỹ Tho kiêm Hiệu trưởng Trường Trừ Văn Thố. Tại đây, ông vừa làm nhiệm vụ quản lý, vừa làm giáo viên trực tiếp giảng dạy các lớp sư phạm cấp tốc, đào tạo đội ngũ giáo viên kháng chiến cho tỉnh nhà. Nhiều giáo viên qua lớp sư phạm cấp tốc thời đó sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975) là cán bộ quản lý ngành Giáo dục trong tỉnh.

Lúc bấy giờ, trước tình hình chiến trường bị chia cắt,  để tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ ở các mặt trận trên toàn tỉnh được học tập nâng cao trình độ học vấn, ông còn có sáng kiến là nghiên cứu, biên soạn chương trình và tổ chức các lớp học hàm thụ cho cán bộ và chiến sĩ trong toàn tỉnh. Hình thức dạy - học này đã phát huy tác dụng rất lớn, giúp cho đông đảo cán bộ, chiến sĩ hoàn thành chương trình tiểu học để có điều kiện học ở các bậc cao hơn.

Về lĩnh vực y tế, giáo dục sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, ông đã tổ chức hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân những hiểu biết cơ bản về vệ sinh và sức khỏe thường thức, giúp mọi người phòng bệnh và tự điều trị một số bệnh thông thường, nhất là bệnh đau mắt hột mà lúc bấy giờ do điều kiện sinh hoạt khó khăn, điều kiện vệ sinh phòng dịch rất hạn chế, nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã bị mắc bệnh này.

Giữa năm 1967, để chuẩn bị đội ngũ cán bộ chủ chốt cho việc tái lập tỉnh Gò Công và gấp rút chuẩn bị cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), ông được điều động trở về Gò Công làm cán bộ Tuyên huấn trong Phân ban Tỉnh ủy Gò Công (chuẩn bị tiến tới thành lập Tỉnh ủy Gò Công).

Khi đó, Gò Công là chiến trường rất ác liệt, được xem là vùng bình định trắng. Địch tăng cường lực lượng, thường xuyên tổ chức càn quét và đánh phá các địa bàn ta còn đứng chân được. Mặc dù vậy, ông vẫn kiên cường bám trụ; ra sức xây dựng cơ sở; tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân tham gia đấu tranh chống địch càn quét, áp đặt chính sách bình định góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng của tỉnh nhà tiến lên mạnh mẽ, xây dựng được những bàn đạp cho quân và dân Gò Công tổ chức tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968.

Tháng 12-1967, với mưu đồ quét sạch các địa bàn đứng chân của ta ở Gò Công, địch mở nhiều cuộc càn quét đánh phá ra vùng giải phóng của ta. Trong một trận chống càn không cân sức vào đêm 11 rạng sáng 12-12-1967, ông và đồng chí Trần Văn Trung (Tám Trung, lãnh đạo Huyện đội Gò Công), trong điều kiện vũ khí hạn chế đã kiên cường chống trả cuộc càn quét của địch có cả xe bọc thép, máy bay trực thăng và giang thuyền yểm trợ, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch vào hầm trú ẩn. Ông và đồng chí Trần Văn Trung đã anh dũng hy sinh vào lúc 9 giờ sáng ngày 12-12-1967 tại ấp Rạch Bùn, xã Tân Điền, huyện Gò Công (nay là huyện Gò Công Đông) lúc mới 37 tuổi.

Là nhà giáo yêu nước và cách mạng, ông đã góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành giáo dục tỉnh nhà; cũng như công tác trí thức vận và tuyên huấn ở Gò Công trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Được biết, trong số các người con của ông, có người con trai thứ là Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang.

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập658
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm626
  • Hôm nay51,966
  • Tháng hiện tại1,184,613
  • Tổng lượt truy cập34,770,258
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây