Đồng chí Nguyễn Thị Bờ, bí danh Hai Liêm, thường gọi Hai Bờ, sinh năm 1926 tại làng Phú Thạnh Đông, tổng Hòa Đồng Hạ, tỉnh Gò Công (nay là xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống đấu tranh bất khuất.
Năm 1949, đồng chí tham gia cách mạng với nhiệm vụ làm giao liên hợp pháp, chỉ huy Ban Chấp hành Hội phụ nữ xã đã có nhiều đóng góp trong vận động chị em phụ nữ gây dựng phong trào ở địa phương, mưu trí, dũng cảm lọt qua mắt giặc, đưa công văn, chỉ thị của Đảng đến nơi an toàn, kịp lúc. Năm 1950, mặc dù mong muốn được trực tiếp chiến đấu chống kẻ thù, nhưng khi được cử đi học lớp Cô đỡ ở Đồng Tháp Mười, đồng chí đã khắc phục khó khăn, gởi con nhỏ cho gia đình chăm sóc, chấp hành sự phân công của tổ chức, lên đường nhập học đúng thời gian quy định. Sau khi hoàn thành khóa học, đồng chí trở về địa phương, tiếp tục công tác phụ nữ, vừa giúp chị em trong việc sinh đẻ, vừa lấy nghề cô đỡ làm điều kiện tiếp xúc với quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng và giác ngộ, động viên nhiều gia đình cho con em tham gia cách mạng. Nhờ đó, năm 1951-1952, xã Phú Thạnh Đông có hơn 100 hội viên phụ nữ. Đây là một trong những xã có phong trào phụ nữ mạnh nhất huyện. Năm 1951, đồng chí được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1952, đồng chí là chi ủy viên chi bộ xã Phú Thạnh Đông.
Năm 1954, sau khi tiễn người chồng thân yêu tập kết ra miền Bắc, đồng chí ở lại quê nhà, vừa lo nuôi cha mẹ già và 2 con nhỏ, vừa làm Bí thư chi bộ mật xã Phú Thạnh Đông với nhiệm vụ chính là lãnh đạo chi bộ vượt qua thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng. Tháng 11-1954, bà tổ chức cuộc mít tinh mừng hòa bình và đòi chính quyền địch thực hiện hiệp định Genève với sự tham gia của hàng ngàn quần chúng. Cuối 1956, đồng chí bị địch bắt. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết; đồng thời, động viên đồng đội kiên quyết không khai báo. Sau ba tháng ở trại giam Gò Công, không khai thác được gì, địch chuyển đồng chí lên nhà lao Thủ Đức, đưa vào trại biệt giam dành cho thành phần nguy hiểm. Ở đây, đồng chí đã phát động đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc, lãnh đạo chị em tù chính trị phản đối việc hô khẩu hiệu chống cách mạng. Trả đũa, bọn giám ngục bắt đồng chí đưa xuống hầm tối, đầy nước, rác, đỉa và xác súc vật. Khi được kéo lên đồng chí đã bị bất tỉnh. Tuy nhiên, vừa tỉnh lại, đồng chí vẫn không khuất phục trước cường quyền bạo lực. Thấy đồng chí bị đánh đập triền miên, một số nữ tù khuyên nên đồng chí nên bớt đấu tranh, dưỡng sức để chiến đấu lâu dài với địch. Tuy nhiên, với ý chí tiến công của một chiến sĩ cách mạng trung kiên, đồng chí đã khẳng khái nói: “Các chị cứ theo nội quy nhà tù, còn đấu tranh cứ để tôi. Tôi phải xứng đáng là đảng viên cộng sản”.
Tháng 11-1958, đồng chí được thả. Trải qua hai năm trong nhà tù của bọn đế quốc và tay sai, đồng chí đã được trui rèn trong lửa đỏ, tỏ rõ chí kiên cường của một người cộng sản, là hạt nhân của cuộc đấu tranh, là người đi đầu trong mọi gian lao nguy hiểm. Khi đồng chí trở về địa phương thì cơ sở cách mạng bị địch đánh phá ác liệt và gần như tan vỡ hoàn toàn. Với tinh thần vượt khó cao độ, bất chấp gian khổ, hy sinh, đồng chí lao vào công tác, hoạt động đơn tuyến, gầy dựng lại phong trào. Năm 1961 - 1962, đồng chí được cấp trên cử đi học khóa y sĩ. Năm 1963, sau khi hoàn tất khóa học, đồng chí được điều về làm Phó ban Dân y huyện Tây (nay là huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông). Từ 1965 - 1968, vùng Gò Công bị bình định trắng, địch đánh phá liên tục, số thương binh ở trạm dân y do đồng chí phụ trách có lúc lên đến 70-80 người, tiền bạc, lương thực, thuốc men cạn kiệt. Nhưng đồng chí đã không ngại khó khăn, nguy hiểm, tìm về cơ sở gặp hội phụ nữ các xã để vận động quyên góp được hàng trăm ký gạo và một số tiền lớn, tổ chức đường dây mua thuốc, dụng cụ y tế ở Mỹ Tho, Sài Gòn để cứu chữa thương binh.
Năm 1968, đồng chí được đề bạt làm Trưởng ban Dân y huyện. Đầu năm 1969, một tin đau thương đến với đồng chí: cả 2 con trai của đồng chí đều anh dũng hy sinh trên chiến trường. Nén nỗi đau thương mất mát quá to lớn, đồng chí hăng say công tác với quyết tâm chiến đấu giải phóng quê hương, trả thù cho bao đồng đội, đồng chí và cả hai người con thân yêu của mình đã “vì nước quên thân”.
Tháng 10-1969, địch càn vào trạm dân y huyện. Trước tình hình khẩn cấp lúc đó, đồng chí cùng với các cán bộ của trạm đã nhanh chóng chuyển toàn bộ thương binh đến nơi trú ẩn an toàn. Sau đó, đồng chí cùng với hai nữ đồng chí y tá xuống hầm bí mật. Do có chỉ điểm, nên bọn địch phát hiện hầm của đồng chí và liên tục gọi hàng. Một lúc sau, thấy gọi hàng không kết quả, chúng dùng súng bắn cấp tập xuống hầm. Kiên quyết không để bị địch bắt, đồng chí và đồng đội bật nấp hầm, tung lựu đạn, đánh trả địch. Tuy nhiên, do quân địch đông và hỏa lực mạnh, nên đồng chí và đồng đội đã anh dũng hy sinh ngay tại miệng hầm. Về phía địch, có 1 tên đền tội và 3 tên khác bị thương. Trước lúc hy sinh, đồng chí đã xé nát, đập bể tất cả tiền bạc, giấy tờ, dụng cụ, thuốc men, quyết không để lọt vào tay giặc. Sự hy sinh oanh liệt của đồng chí và đồng đội đã làm cho bọn địch khiếp đảm. Về phía ta, gần 100 thương binh và cán bộ, chiến sĩ đơn vị được an toàn. Đồng chí quả là người phụ nữ trung kiên, xứng đáng với bao tấm gương tiết liệt của phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.