Về một gia đình chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất

Thứ ba - 12/10/2021 10:46
Trong công cuộc giải phóng dân tộc, ở Tiền Giang có những gia đình cách mạng nổi tiếng kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh tính mạng và của cải vì nền độc lập, tự do của đất nước. Một trong những gia đình ấy là gia đình của ông Trần Văn Hoài (cha) và ông Trần Văn Hiển (con) ở huyện Chợ Gạo.

1. Trần Văn Hoài

Trần Văn Hoài, còn gọi là Hương trưởng Hoài, sinh năm 1871 tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Sau khi lập gia đình, ông về cư trú tại quê vợ ở xã Tân Thuận Bình cùng huyện. Ông là người nhiệt thành yêu nước, từng tham gia  các phong trào chống Pháp, như Thiên địa hội, Duy tân hội, hội kín Nguyễn An Ninh,… Ông còn bán ruộng đất, góp tiền ủng hộ phong trào Đông Du do nhà yêu nước Phan Bội Châu khởi xướng.

Năm 1927, ông giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin và tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1928, ông bị thực dân Pháp bắt giam ba năm vì lưu giữ báo chí cách mạng ở trong nhà. Năm 1931, sau khi ra tù, ông tham gia Hội Khuyến học Nam Kỳ, tổ chức cho nhiều thanh niên ra nước ngoài học tập chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, ông còn bỏ vốn lập đoàn ghe chài và vựa trái cây ở chợ cầu Ông Lãnh (Sài Gòn) để làm công tác liên lạc và gây quỹ tài chánh cho Đảng. Cũng trong năm 1931, đồng chí Cộng (Nguyễn Văn Ngự - Tỉnh ủy viên) thay mặt Tỉnh ủy Mỹ Tho xuống Chợ Gạo tổ chức cuộc họp - cũng tại nhà ông Hương trưởng Hoài để củng cố, thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của huyện Chợ Gạo. Chi bộ đầu tiên của huyện Chợ Gạo có 7 đảng viên: Trần Văn Hoài, Võ Trọng Phụng, Dương Khuy, thầy giáo Thiện (Nguyễn Đăng Duy), Dương Văn Nguơn, Trần Thị Hồng Liên, Trần Văn Hiển. Đồng chí Võ Trọng Phụng được chỉ định làm Bí thư chi bộ.

Năm 1940, ông tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kì ở Chợ Gạo. Cuộc khởi nghĩa bị thất bại, ông bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ hai. Ở trong tù, dù bị đày ải, hành hạ đến cùng cực, nhưng ông vẫn một lòng trung thành với cách mạng. Năm 1943, sau khi mãn hạn tù, ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Ngôi nhà của ông chính là nơi diễn ra hội nghị thành lập Xứ ủy Lâm thời Nam Kỳ (10-1943) do ông Trần Văn Giàu làm Bí thư. Tháng 5 - 1945, cũng ở tại nhà ông, Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập hội nghị toàn Xứ,  nhằm đề ra các hoạt động chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 - 1945.

Sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Nam Bộ (9-1945), ngôi nhà to lớn của ông ở Tân Thuận Bình (Chợ Gạo) bị giặc Pháp đốt tan hoang. Nén nổi đau riêng và bất kể tuổi cao sức yếu, ông và các con cháu trong gia đình đều đi kháng chiến. Việc ông tham gia cách mạng đã có tác động to lớn đối với tinh thần yêu nước và hướng về kháng chiến của giới nhân sĩ trí thức đương thời. Ngày mùng 10 tháng 5 năm Đinh Hợi (nhằm ngày 28-6-1947), ông có chuyến công tác đặc biệt vượt qua lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1), đoạn thuộc xã Long Định, huyện Châu thành, tỉnh Tiền Giang, nhưng bị địch phục kích; và ông đã hy sinh anh dũng, thọ 76 tuổi.

2. Trần Văn Hiển

Trần Văn Hiển còn được gọi là Trần Vinh Hiển, chưa rõ năm sinh, quê quán xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ông xuất thân trong một gia đình nhân sĩ yêu nước nổi tiếng. Thân sinh của ông là Trần Văn Hoài (Hương trưởng Hoài) vừa trực tiếp tham gia vừa có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng. Năm 1925, ông sang Pháp du học. Lúc ấy, cha của ông có sáng tác một bài thơ, nhắn nhủ ông hãy làm tròn trách nhiệm của người trí thức yêu nước đối với Tổ quốc:

Ba bảy muôn trùng lướt dặm khơi,

Đưa con đi học dặn đôi lời.

Bạc đầu chẳng tiếc công dời núi,

Xanh tóc đừng nao sức vá trời.

Đến nước thôi thời liều với nước,

Ở đời ai nỡ phú cho đời.

Đã sanh trách nhiệm làm nam tử,

Gánh vác cho đời há phải chơi.

Ở Pháp, ông tích cực hoạt động trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và trí thức, nên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp vào năm 1926.
Năm 1929, ông trở về nước; tham gia Chi bộ đầu tiên của huyện chợ Gạo (1931); rồi lập ra nhà hàng “Đêm Thanh”, nhằm hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng và kinh doanh, tạo nguồn tài chính cho Đảng.

Năm 1940, ông tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Chợ Gạo; và nghĩa quân đã chiếm được một số xã. Nhưng sau đó, thực dân pháp tiến hành đàn áp khốc liệt và cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Vì thế, ông rút vào hoạt động bí mật tại Sài Gòn và Mỹ Tho. Năm 1943, tại hội nghị Xứ ủy Nam kỳ được tổ chức tại nhà của cha ông ở Tân Thuận Bình (Chợ Gạo), ông được bầu là Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ. Từ đây, ông cùng với tập thể Xứ ủy ra sức hoạt động nhằm khôi phục phong trào cách mạng ở Nam kỳ.

Tháng 8-1945, ông cùng với các vị trong Tỉnh ủy Mỹ Tho lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh giành được thắng lợi rực rỡ. Sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho. Ngày 24 - 10 - 1945, ông đã anh dũng hy sinh khi thực dân Pháp xua quân tấn công trụ sở Ủy ban Cách mạng tỉnh. Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập289
  • Máy chủ tìm kiếm76
  • Khách viếng thăm213
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,667,990
  • Tổng lượt truy cập40,037,366
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây