Tiền Giang đã trở thành một địa danh lịch sử với những chiến công oanh liệt tạc vào thời gian, với những vị anh hùng xả thân vì nước, vì dân. Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (1785) oai hùng, kết quả của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân Tiền Giang và tài thao lược của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Trương Định tài trí và quả cảm, nêu cao ngọn cờ “Bình Tây đại tướng” cùng nhân dân kháng chiến chống Pháp cho đến khi tử tiết kiên trung. Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân, một trí thức học rộng tài cao, chiêu mộ nghĩa binh đánh giặc, nêu cao tấm gương “tận trung báo quốc”. Và còn rất nhiều gương anh hùng trung kiên cùng các chiến thắng vang dội có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam: Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), chiến thắng Cổ Cò và chiến thắng Giồng Dứa (1947), chiến thắng Ấp Bắc (1963), chiến thắng Ba Rài (1967),…
Sự chiến đấu và anh dũng hy sinh của người xưa đã cho chúng ta thấy sự gan dạ, mưu trí, cần cù, quyết tâm, hào hiệp, nghĩa khí của nhân dân Tiền Giang. Dòng chảy lịch sử đã đi qua song để lại biết bao giá trị di sản văn hóa về những thời kỳ lịch sử hào hùng của nhân dân Tiền Giang anh hùng và quả cảm. Mỗi truyện kể dân gian, di tích lịch sử, những câu chuyện cách mạng bi hùng hay những chiến công hiển hách,… đều có giá trị giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ; là niềm tin, sức mạnh, động lực để thế hệ hôm nay vươn lên tự khẳng định mình, góp phần làm giàu quê hương.
Giá trị về lòng yêu nước không chỉ dừng lại ở những câu chuyện lịch sử mà còn biểu hiện ở những việc làm tưởng chừng đơn giản như cúng bái, làm ma chay, giỗ, tế các anh hùng dân tộc của người dân Tiền Giang. Hằng năm, lễ giỗ các anh hùng dân tộc như lễ giỗ Trương Định (20/8 dương lịch), lễ giỗ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (15/4 âm lịch), lễ giỗ Tứ Kiệt (25/12 âm lịch),… diễn ra long trọng, nghiêm trang. Việc làm này từng bị vùi dập suốt nhiều thập niên dưới sự thống trị của các thế lực ngoại bang; nhưng vẫn được người dân Tiền Giang duy trì. Vì một mặt, là sự tri ân với những bậc tiền nhân đã đổ rất nhiều núi xương sông máu cho chủ quyền của đất nước, cho độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân; mặt khác, việc bảo vệ sinh hoạt văn hóa dân gian này không chỉ nhằm phục vụ cho con người hôm nay mà còn là nghĩa vụ của chúng ta đối với thế hệ mai sau. Các lễ giỗ được tổ chức hằng năm là minh chứng cho tình yêu quê hương đất nước của người Tiền Giang. Vì yêu nước nên họ luôn chiến đấu anh dũng, khi chủ tướng hay đồng đội ngã xuống thì thành tâm cầu nguyện, cúng tế, giỗ. Công việc giỗ không chỉ riêng của gia đình, dòng họ mà còn là của cả làng, nay là công việc của nhân dân trong tỉnh.
Các lễ giỗ này đã nêu cao giá trị truyền thống của dân tộc về chủ nghĩa yêu nước: anh hùng bất khuất trong giữ gìn độc lập dân tộc và chủ quyền của Tổ quốc; nhân ái, nhân văn, nhân đạo vì độc lập tự do của Tổ quốc. Bác Hồ đã từng nói: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày”. Như vậy, trước hết, chúng ta phải làm cho người dân, đặc biệt là thanh niên nhận thức được giá trị yêu nước của các lễ giỗ; sau đó, có biện pháp giáo dục tinh thần yêu nước phù hợp để tinh thần yêu nước đó biến thành hành động cụ thể, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Khi truyền thống nước nhà được các thế hệ kế thừa hiểu rõ, nhận thức sâu sắc về quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước đầy gian lao vất vả, họ sẽ thêm yêu đất nước và trân trọng sự đóng góp của cha ông. Từ lòng biết ơn đối với công lao của người xưa, thế hệ trẻ sẽ có ý thức trách nhiệm với việc làm của mình, với cộng đồng và với quê hương đất nước. Sự ngưỡng mộ, tôn kính một anh hùng cụ thể (Trương Định, Thủ khoa Huân, Tứ Kiệt,…) là động lực giúp thế hệ trẻ xây dựng cho mình một lý tưởng để phấn đấu vươn tới. Đó là lý tưởng sống vì đất nước, vì gia đình, bản thân và xã hội cũng như xác định cho mình một mô hình nhân cách lý tưởng để noi theo. Trong quá trình theo đuổi lý tưởng đó, họ không ngừng nỗ lực học tập, lao động với tinh thần sáng tạo; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của cộng đồng; chống lại âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch.
Đến đây, quá trình nhận thức cái bên ngoài đã trở thành cái bên trong của mỗi người và được biểu hiện ra thành hành động cụ thể. Do đó, hình thức sinh hoạt này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cần được quan tâm cả về mặt tổ chức và mặt bảo tồn (vật chất và tinh thần). Văn hóa dân gian Tiền Giang chứa đựng giá trị giáo dục lòng yêu nước là như vậy!