Xã Long Bình: Phát huy truyền thống hào hùng xây dựng quê hương phát triển

Thứ hai - 21/03/2022 02:38
Cách đây ba phần tư thế kỷ, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây đã ghi chiến công oai hùng chống cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của địch đầu tiên trên địa bàn tỉnh Gò Công vào năm 1947 - Chiến thắng Long Thạnh. Phát huy truyền thống hào hùng đó, thời gian qua, xã Long Bình đã không ngừng nỗ lực phát triển, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nông dân xã Long Bình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế.
Nông dân xã Long Bình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế.
ÂM VANG CÒN MÃI

Trong sự nghiệp cách mạng giai đoạn 1930 - 1975, Đảng bộ, quân và dân huyện Gò Công Tây đã anh dũng chiến đấu trước mọi thử thách, khi có thời cơ là bừng dậy quật khởi mãnh liệt, tiêu biểu là trận chiến Long Thạnh ngày 18-2-1947 âm lịch.

Theo “Lịch sử Đảng bộ xã Long Bình”, đêm mùng 8-3-1947, các cơ quan Tỉnh đội, Ty Công an, Mặt trận Việt Minh tổ chức di chuyển về căn cứ Vĩnh Hựu để tiện liên lạc với Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh. Cùng lúc đó, Chi đội 9 Cộng hòa vệ binh tỉnh và đơn vị Quốc vệ đội, thuộc Ty Công an từ tỉnh Bến Tre chuyển về căn cứ Long Thạnh. Mật vụ do Chánh tổng Hòa Đồng Hạ cài cắm đã báo tin cho chỉ huy Pháp tỉnh Gò Công. Chúng gấp rút lập kế hoạch, huy động lực lượng lớn hòng tiêu diệt gọn lực lượng ta.

Sáng sớm ngày 10-3-1947 (nhằm ngày 18-2 năm Đinh Hợi), quân Pháp huy động 1 tiểu đoàn lính Âu - Phi và tay sai với tổng quân số gần 500 tên, có xe cơ giới và pháo binh yểm trợ, từ nhiều hướng kéo về làng Long Thạnh với kế hoạch 3 gọng kìm, hy vọng sẽ tiêu diệt gọn lực lượng kháng chiến của ta. Bị tấn công bất ngờ, lực lượng và vũ khí trang bị không tương quan, bất lợi cho ta, nhưng dưới sự chỉ huy khéo léo, sắc sảo và bản lĩnh của các đồng chí Nguyễn Văn Sĩ, Đoàn Hồng Phước, Trần Chí Túc..., Chi đội 9 Cộng hòa vệ binh và Quốc vệ đội đã triển khai thế trận chống càn, chuyển từ thế bị động sang thế chủ động đánh địch. Cùng lúc đó, Chi bộ và Ủy ban Kháng chiến hành chính các làng Long Thạnh, Bình Luông Tây, Bình Luông Đông đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Quân sự, Ban Công an tổ chức lực lượng tự vệ thường trực ra mặt trận phối hợp hiệp đồng tác chiến; Đoàn Thanh niên Cứu quốc các làng tổ chức đội vận tải, cứu thương tới mặt trận phục vụ chiến đấu... Trận đánh diễn ra giằng co, quyết liệt từ sáng sớm đến chiều tối ngày 10-3-1947, các má, các chị đã khéo lợi dụng địa hình, bất chấp hiểm nguy để tiếp tế cơm nước, động viên cán bộ, chiến sĩ đánh giặc. Lực lượng vũ trang của ta thuần thục địa hình, mưu trí, linh hoạt, chiến đấu dũng cảm, đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Gần tối, khi tinh thần binh sĩ địch bạc nhược, chỉ huy mặt trận đã ra lệnh cho bộ đội và  tự vệ xung phong đánh giáp lá cà với địch.

Sở trường võ nghệ của bộ đội, tự vệ và vũ khí thô sơ tầm vông vạt nhọn, giáo, mác, bá nha (dao găm) của ta phát huy tác dụng. Tổng số địch bị tiêu diệt tại trận là hơn 100 tên, làm bị thương hơn 300 tên khác, trong đó có nhiều lính viễn chinh Âu - Phi. Ta thu được nhiều vũ khí, đạn dược của địch để trang bị cho Lực lượng vũ trang của ta. Đây là trận chiến đấu chống cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của địch đầu tiên trên địa bàn tỉnh Gò Công. Trận thắng này, quân và dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang, làm nức lòng quân và dân trong tỉnh. Chiến thắng Long Thạnh đã gây chấn động toàn bộ hệ thống chính quyền, quân đội thực dân Pháp đóng trên địa bàn tỉnh Gò Công; đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Lực lượng vũ trang cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, mở ra giai đoạn phát triển mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai ở tỉnh Gò Công.

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG
 
Ngày nay, chiến thắng Long Thạnh vẫn được nhắc nhở như một bài học quý giá từ lịch sử về những hy sinh to lớn của ông cha ta trong quá trình bảo vệ Tổ quốc. Ông Đào Hồng Phong, Chủ tịch UBND xã Long Bình cho biết: “Phát huy tinh thần chiến thắng Long Thạnh, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Long Bình cùng quân và dân trong xã đã nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Hằng năm, UBND xã đã chủ động triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng ủy và các nghị quyết của HĐND xã, tạo sự chuyển biến tích cực, nhiều lĩnh vực tăng trưởng khá, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng..., đời sống của nhân dân ngày càng  nâng lên rõ rệt”. Các chỉ tiêu về kinh tế năm 2021đều đạt và vượt. Tổng giá trị sản xuất tăng 5,3% so cùng kỳ, trong đó sản xuất trồng trọt là 103%, tăng 3%, chăn nuôi 103%, tăng 3%, giá trị đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản đạt 110%, tăng 10%. Bên cạnh đó, trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã tăng cường kiểm tra, rà soát, củng cố duy trì nâng chất các tiêu chí nông thôn mới năm 2021 đều giữ vững 19/19 tiêu chí; chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực, nhất là các tiêu chí về cảnh quang môi trường như: chăm sóc các loài hoa dọc theo các tuyến đường, vận động nhân dân chăm sóc hoa và vệ sinh hàng rào cây xanh trước nhà nên nhiều tuyến đường giao thông nông thôn torng xã Long Bình như được khoác lên mình “chiếc áo mới”. Cụ thể, trong năm 2021 xã đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công làm mới và sửa chữa các tuyến đường liên xã, liên ấp. Trong đó thi công các công trình gồm: Đường Hòa Phú 4, đường liên ấp Thới Hòa - Ninh Quới, đường Hai Tòng, ấp Khương Ninh, đường Phi Long, ấp Quới An. Hệ thống điện được cải tạo và phát triển đảm bảo an toàn; thi công 6 tuyến Trung thế dài 6.889 m và 140 tuyến hạ thế dài 51.775m; nạo vét các tuyến kinh nội đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Cùng với tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hằng năm, xã có 93% hộ đạt 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa; nâng chất ấp văn hóa và các danh hiệu văn hóa khác như con đường văn hóa, cơ sở thờ tự văn hóa, chợ văn hóa... Ngành giáo dục tiếp tục thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đầu tư và hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học, tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trong toàn xã. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe được thực hiệnthường xuyên, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống COVID - 19… Xã còn triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội trên địa bàn ổn định.

Xã Long Bình ngày nay đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được nâng lên. Chiến thắng Long Thạnh vẫn được nhắc đến như một chiến tích vẻ vang và để đời sau ghi nhớ và phát huy về một giai đoạn chống ngoại xâm anh hùng của cha ông.

Kiều Tước Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập379
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm361
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,174,632
  • Tổng lượt truy cập34,760,277
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây