Tháng 01-1971, ông gia nhập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, thuộc đơn vị X12 - Quân khu 8. Năm 1972, trong lúc công tác tại Láng Biển - Kênh 12, thuộc huyện Cai Lậy, ông bị Tiểu đoàn 12 thuộc Sư đoàn 7 ngụy càn quét bắn bị thương. Chúng bắt ông đưa về Mộc Hóa, Kiến Tường (nay là thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) tra tấn, nhưng ông quyết không khai báo. Sau nửa tháng, chúng đưa ông qua Nhà tù Cần Thơ giam vào khám tối. Tại đây, địch vừa tra tấn vừa tiến hành dụ dỗ, mua chuộc; nhưng ông vẫn giữ vững lập trường cách mạng, không khai báo gì cả.
Ở trại Cần Thơ được 03 tháng, bọn chúng chuyển ông ra Phú Quốc. Khi vừa bước xuống máy bay, bọn quân cảnh cho ăn một “bữa tiệc” dùi cui không thương tiếc vào anh em tù binh. Trong trại giam, anh em tù binh tổ chức đấu tranh về chế độ ăn uống, thuốc men, chống chiêu hồi với hình thức tuyệt thực. Đấu tranh được khoảng chừng một năm, tổ chức thấy các tù binh (lực lượng của ta) hao tổn sức lực, sẽ mất khả năng chiến đấu lâu dài nên đã chuyển sang đấu tranh bằng chính trị như dùng khẩu hiệu “chống chiêu hồi, chống tân sinh hoạt”, bạo động và tổ chức trừng trị bọn gián điệp, ác ôn. Mặc dù bị đòn roi tra trấn dã man của kẻ thù, chiến đấu không một tấc sắt trong tay nhưng tinh thần đấu tranh của tù binh trên đảo không kém phần quyết liệt; đấu tranh tuyệt thực với phương châm khoa học và khả năng chịu đựng của anh em làm cho bọn quân cảnh vừa tức giận vừa nể phục. Đến ngày 27-01-1973, một niềm vui khôn tả khi anh em trong trại hay tin Hiệp định Pa-ri được ký kết và có lệnh trao trả tù binh. Ông cùng anh em bạn tù sống trong niềm vui chiến thắng.
Trại giam như có một mùa xuân mới đón anh em trở về với quê hương. Khoảng giữa năm 1973, ông được trao trả tại sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Sau đó, ông về tỉnh Ninh Bình an dưỡng. Tại đây, ông được đào tạo công tác đặc công, bổ sung vào Tiểu đoàn 238 - Quân khu 8 rồi đại đội 1, tiểu đoàn 8 trực thuộc Đoàn 26 thiết giáp. Đến năm 1976, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông được giải quyết phục viên trở về đời thường, sinh sống tại xã Mỹ Lợi A, hưởng chế độ bệnh binh cho đến nay. Hiện ông là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Lợi A.
Qua mẩu chuyện về cựu tù Nguyễn Văn Hiến, chúng ta có thể thấy phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng. Những phẩm chất ấy vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa cho hôm nay và mai sau. Nó giúp cho chúng ta cảm nhận được sự gian khổ, hy sinh của bậc cha anh trong thời chiến tranh khói lửa. Với tinh thần nhiệt huyết của thế hệ hôm nay, chúng ta phải gắng sức quyết tâm xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.
(Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975)).