3. Mỹ Tho - cái nôi của nghệ thuật cải lương
Vào đầu thế kỷ XX, ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) đã xuất hiện một số ban đờn ca tài tử. Tiêu biểu là Ban đờn ca tài tử Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) ở Cái Thai (Cái Bè). Năm 1906, Ban đã được mời sang nước Pháp trình diễn tại cuộc đấu xảo được tổ chức ở thành phố cảng Mạc xây (Marseille). Khi sang Pháp trình diễn, Ban đờn ca tài tử có 16 người gồm một người phụ trách, tám tài tử nam, năm tài tử nữ và hai em nhỏ. Nhạc cụ gồm bảy đờn tranh, một đờn kìm, một đờn đoản, một đờn cò, một đờn bầu, một đờn tì bà, một đờn tam, một thanh la và một trống cái. Ban Tư Triều đi Pháp biểu diễn với các nhạc sĩ chính gồm: Tư Triều đờn kìm, Chín Hoán đờn độc huyền, Bảy Võ đờn cò, cô Hai Nhiễu (con ôngTư Triều) đờn tranh, còn cô Ba Đắc là tài tử ca. Sau khi về nước, nghệ nhân Tư Triều sáng tạo ra một loại hình diễn xướng mới là ca ra bộ với nghĩa là diễn viên vừa ca vừa ra điệu bộ phù hợp với lời ca. Theo nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật, ca ra bộ là tiền thân của nghệ thuật cải lương. Từ đó, Ban đờn ca tài tử Tư Triều trở thành Ba ca ra bộ Tư Triều, được mời đi biểu diễn khắp nơi ở Nam Bộ, nhất là Sài Gòn và Mỹ Tho.