Theo Người, đường lối quân chủ hay dân chủ, cách mạng hay cải lương của các sĩ phu yêu nước đều không thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn giải phóng dân tộc trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc đã thành một hệ thống thế giới. Khác với các nhà yêu nước tiền bối, Nguyễn Tất Thành có sự thống nhất giữa mục đích và phương pháp ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc: mục đích của Người là nước nhà được độc lập nên phương pháp mà Người chọn không thể dựa vào ngoại lực như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, mơ ước của Người là nhân dân được tự do, hạnh phúc cũng không thể theo lối Cần Vương - hướng đến một chế độ phong kiến đã lỗi thời, không thể khiến cho nhân dân được tự do, hạnh phúc thực sự. Vì vậy, Người cần phải có phương pháp khác, đi sang phương Tây và sống, làm việc với nhân dân lao động. Đây là lựa chọn có sự nghiên cứu, trăn trở của Người - một quyết tâm lớn, nhằm đáp ứng đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam. Ngày 05-6-1911, trên tàu A-mi-ran La-tu-sơ Tơ-rê-vin (Amiral Latouche Tréville), từ bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Việc chọn hướng đi đúng trong hành trình tìm đường cứu nước là sự đột phá mới trong tư duy chính trị, thể hiện bản lĩnh độc lập, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc, mở ra cơ hội lớn cho dân tộc Việt Nam với việc tích hợp tinh hoa văn hóa nhân loại, mở đường dân tộc phát triển.
Trong 10 năm (1911-1920), Người đi qua nhiều quốc gia, từ các nước tư bản phát triển đến các nước thuộc địa ở châu Phi, châu Mỹ La-tinh. Người vừa làm việc, vừa tự học tập, tìm hiểu tình hình chính trị - xã hội của nước sở tại và các nước tư bản chủ nghĩa khác và tham gia hoạt động yêu nước ở nước ngoài. Người hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và rút ra những nhận xét rất sâu sắc: Ở đâu, chủ nghĩa tư bản cũng tàn ác vô nhân đạo, ở đâu, giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng bị bóc lột dã man. Vì thế, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là kẻ thù, giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở đâu cũng là bạn. Trong những năm ở nước Mỹ và nước Pháp, Người dành nhiều thời gian tìm hiểu về cuộc cách mạng nổi tiếng là cách mạng Mỹ (1776) với bản “Tuyên ngôn Độc lập” và cách mạng tư sản Pháp (1789) bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền”. Người khâm phục tinh thần cách mạng ở những nước này, nhưng không đi theo con đường của họ. Vì, như Người đã nói: “Kách mệnh Mỹ cũng như kách mệnh Pháp là kách mệnh tư bản, kách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Người kiên quyết không lựa chọn con đường cách mạng tư sản, bởi theo Người, đó là những cuộc cách mạng “không đến nơi”, không triệt để vì nó không hề đề cập đến vấn đề giải phóng mọi tầng lớp nhân dân lao động khỏi sự áp bức, bóc lột, bất công.
Ngay lúc đó, Nguyễn Ái Quốc gặp được ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tháng 7-1920 qua báo Nhân đạo (L'Humanité - Pháp), Người đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Bản Luận cương như luồng ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào trí tuệ và tâm hồn của Nguyễn Ái Quốc - đem đến cho Người một nhãn quan chính trị mới. Như vậy, từ nhận thức về quan hệ áp bức dân tộc, Người đã nhận thức về áp bức giai cấp, từ quyền của dân tộc, đến quyền của con người, trước hết là của những người lao động; từ xác định rõ kẻ thù là đế quốc, Người cũng đã thấy bạn đồng minh của nhân dân lao động ở các chính quốc và thuộc địa. Những kết luận ấy dù là rất gần gũi với quan niệm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, song cũng chỉ có tác dụng giúp cho Nguyễn Ái Quốc tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Tháng 12-1920 tại thành phố Tua (Tours), Đại hội của Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII, Người tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Người trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đó là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh và trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Người thấy rõ mối quan hệ thống nhất giữa cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa: Cách mạng giải phóng dân tộc trở thành một bộ phận quan trọng của cách mạng vô sản; cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở chính quốc sẽ không thể giành thắng lợi nếu nó không biết liên minh với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa. Nhờ đó, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường giải phóng dân tộc Việt Nam.
Nếu như cuộc đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Véc-xây năm 1919 mới là phát pháo hiệu thức tỉnh nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp, thì việc Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 đánh dấu một bước chuyển biến quyết định, bước nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Sự lựa chọn và hành động của Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn phù hợp với trào lưu tiến hóa của lịch sử, chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản, đã kéo theo cả một lớp người Việt Nam yêu nước chân chính đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ đó, chủ nghĩa Mác-Lênin bắt đầu thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, cách mạng Việt Nam từ đây đã có một phương hướng mới. Người rút ra một luận điểm hết sức khoa học, cách mạng triệt để: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đây chính là điểm khác biệt căn bản giữa Nguyễn Ái Quốc với những người Việt Nam yêu nước tiền bối. Thực tiễn lịch sử Việt Nam chứng minh, con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đã mở đường giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước ở nước ta, dẫn đến sự ra đời các tổ chức cộng sản vào nửa cuối năm 1929 và Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.
Năm 1941, Người về nước và cùng với Đảng ta lãnh đạo toàn dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đi theo con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng lựa chọn, cả dân tộc ta anh dũng bước vào các cuộc kháng chiến trường kỳ và vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, “đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”, viết nên trang sử vàng chói lọi của dân tộc bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, sự kết hợp cả hai phương pháp Đông - Tây với thực tiễn cách mạng Việt Nam đã trở thành đặc điểm đặc trưng riêng có của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển nhận thức, tư tưởng của mình trên đường tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Với tư duy toàn cầu và phương pháp chắt lọc tinh hoa, cuối cùng Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường cứu nước đúng đắn: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Con đường Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin mang sắc thái, dấu ấn, diện mạo riêng của Người. Một con người, một tấm lòng với khát vọng cháy bỏng quyết ra đi tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, phát triển đất nước phồn vinh, đã để lại một dấu ấn lịch sử huy hoàng trong thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam - Đó là thời đại Hồ Chí Minh.