Phong tục ngày Tết ở Tiền Giang xưa: Lễ rước và tiễn ông bà

Thứ hai - 13/01/2025 03:37
Thờ cúng tổ tiên là điều hệ trọng nhất đối với người Việt, kể cả những người theo đạo Thiên chúa. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt được thể hiện chủ yếu qua việc bài trí bàn thờ gia tiên, việc cúng giỗ, phong tục tảo mộ, nhất là lễ rước và tiễn ông bà trong dịp Tết Nguyên đán.

Lễ rước ông, bà

Đến chiều 30 Tết (hoặc 29 Tết, nếu năm nào không có ngày 30 tháng chạp), người ta cúng lễ rước  ông bà tổ tiên về cùng vui vầy ăn Tết và đón năm mới với con cháu. Sách Địa chí Tiền Giang cho biết, theo tục lệ xưa, chiều 30 Tết, mọi người phải tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo mới, chủ nhà bưng khay lễ ra trước ngõ đón ông bà; hai bên có hai đứa cháu cầm hai cây mía gọi là “gậy” ông bà. Lễ rước xong, hai cây gậy được buộc hai bên bàn thờ suốt mấy ngày Tết. Lễ vật rước ông bà thường có một con gà luộc với nhiều hành lá hoặc hành củ. “Hành” chữ Hán là “thông”, đồng âm với “thông suốt”, “kê” là gà, gần âm với “kiết” là tốt lành. Lễ rước ông bà theo tục của người Hoa còn có thêm món chè ỷ là loại chè viên tròn, chỉ sự viên mãn, trọn vẹn.

Trên bàn thờ bày mâm cỗ, sau khi cúng, cả nhà ngồi quây quần bên mâm cỗ gọi là ăn tiệc Tất niên. Người ta còn đốt rất nhiều giấy vàng mã thay vải lụa, hi vọng ông bà được ấm thân trong mấy ngày Tết. Từ chiều 30 Tết, sau lễ rước ông, bà coi như ông bà tổ tiên đã ở tại nhà, nên suốt ba ngày Tết phải dâng cúng cơm nước ba bữa mỗi ngày. Sáng mồng một dâng trà nước, nhang đèn làm lễ chúc Tết tổ tiên.

Do quan niệm năm mới cái gì cũng phải mới nên trong lễ cúng rước ông bà người ta thường kèm theo bộ đồ cúng (hàng mã) gồm đủ thứ vật dụng như áo quần, giày dép, gương lược, thuốc hút, dao cạo râu (đối với nam) và tiền bạc tư trang,… Nói chung là theo tín lí “dương sao âm vậy”.

Theo Việt Cúc trong quyển Gò Công: cảnh cũ người xưa, lễ rước ông bà vào thời xưa như sau:

“Chiều tối ba mươi, giường thờ tổ tiên, đèn đuốc sáng trưng, hoa thơm, hương xông nghi ngút. Con cháu đều khăn áo chỉnh tề, theo người gia trưởng đi trước, cầm hai cây gậy mía lau, hoặc trúc, thẳng ra cửa ngõ. Bưng một cái khai hộp, có đèn nhang và trầu rượu, đứng khấn vái và kỉnh thỉnh Tổ tiên, nhân ngày Tết ngự về hâm hưởng tửu soạn của con cháu dâng lễ mừng xuân. Chốc lác người gia trưởng đi trở vào nhà, con cháu thứ tự theo sau, để khai nhang đèn lên giường thờ, thỉnh vong linh Tổ tiên an vị. Rồi con cháu lớn nhỏ quì bái tạ và dựng hai cây gậy mía lau, dựa hai bên giường thờ, để cúng kỉnh ba bữa”.

Ngày xưa, nơi đặt đồ thờ cúng ông bà trong một ngôi nhà ở Nam Bộ, trong đó có Tiền Giang, gọi là giường thờ. Đem giường mà cha mẹ hay nằm lúc còn sống đặt ngay giữa nhà để thờ, giữ nguyên vị trí cái ô trầu, cái gối. Phía trước hoặc bên cạnh giường thờ thường đặt một cái bàn bốn chân gọi là “bàn nghi”, trên mặt bàn trưng bày bộ lư, chân đèn,... Lúc cúng giỗ, thức ăn dọn lên giường thờ, còn trên “bàn nghi” thì thắp nhang.

Lễ cúng tất/ tiễn ông bà

Cúng tất nghĩa là cúng lần cuối, đánh dấu việc kết thúc kỳ lễ Tết và đưa tiễn ông bà. Lễ này trước đây được tổ chức vào chiều ngày mùng 4 Tết, nhưng gần đây, do cuộc sống bận rộn hơn nên nhiều nơi cúng vào trưa ngày mùng 3 Tết, tức là rút ngắn Tết lại chỉ còn 03 ngày (người ta thường nói “Ba ngày xuân…”), cũng có nghĩa là phối hợp cúng chung với một loạt vị thần khác như vừa nói trên cho tiện lợi.

Lễ vật trong cúng tất cũng không có gì đặc biệt, nhìn chung cũng gồm có cơm canh (thường là khổ qua hầm), thịt kho tàu,… và đặc biệt là có bánh tét để ông bà… mang theo dùng dọc đường. Ngoài ra, những gia đình chu đáo còn đốt thêm giấy tiền vàng bạc để cho ông bà làm lộ phí.

Theo Việt Cúc trong sách đã dẫn ở trên, lễ tiễn ông bà vào thời xưa như sau:

“Đến chiều mồng ba hay mồng bốn, làm lễ tiễn, tức là kiếu ông bà. Người trong gia đình, đều khăn áo chỉnh tề, đứng trước giường thờ, đèn nhang nghi ngút, người gia trưởng phủ phục khấn vái, vi tiết xuân qua, lễ mãn, dâng lễ tiễn ông bà về nơi tiên cảnh. Rồi soạn theo hai gánh đồ vật đủ các thứ: bánh, dưa, trái cây và cầm hai cây gậy lau, người gia trưởng xách đèn đi trước, con cháu theo sau. Ra khỏi cửa ngõ một đỗi, để gánh xuống, con cháu lớn nhỏ đều chắp tay xá bốn phương, tỏ ý đưa ông bà trở về cõi hạc. Lễ xong, bỏ hai cây gậy lau, gánh xách bánh trái trở về nhà”.

Lễ rước và tiễn ông bà tổ tiên ngày tết thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của người Việt. Đây là một nét đẹp văn hoá độc đáo và giàu tính nhân văn của người dân ở vùng đất phương Nam. 

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập210
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm203
  • Hôm nay27,366
  • Tháng hiện tại318,500
  • Tổng lượt truy cập46,788,289
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây